MBS: Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu TCB
Chất lượng tài sản của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán TCB – sàn HOSE) vẫn đứng hàng đầu trong ngành ngân hàng.
Phần lớn nợ xấu của TCB đến từ mảng cho vay khách hàng cá nhân và SME, trong khi mảng cho vay khách hàng doanh nghiệp gần như không có nợ xấu. Mặc dù tỷ trọng cho vay mảng khách hàng cá nhân và SME đã gia tăng đáng kể nhưng TCB vẫn duy trì được tỷ lệ NPL rất thấp so với ngành.
Cho vay bán lẻ tiếp tục được gia tăng nhờ cho vay mua nhà. Trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng tín dụng của TCB chủ yếu được dẫn dắt bởi sự tăng trưởng của 2 nhóm khách hàng cá nhân và SME trong khi cho vay khách hàng doanh nghiệp và TPDN lại ghi nhận sự sụt giảm. Tại cuối quý III/2022, mảng cho vay khách hàng cá nhân và SME tăng trưởng lần lượt 37.0% và 9.2% so với cuối năm 2021, trong khi mảng khách hàng doanh nghiệp và TPDN giảm lần lượt -3.3% và -30.2% so với đầu năm.
Độ dày vốn và CASA đứng đầu ngành ngân hàng. Tại cuối quý III/2022, CAR hợp nhất theo BASEL II của TCB đạt 15,7%, cao nhất toàn ngành. Tỷ lệ CASA cũng giảm xuống mức 46,5% so với mức 50.5% tại cuối năm 2021. Tuy nhiên, đây vẫn là mức CASA cao nhất toàn ngành ngân hàng. Trong cơ cấu CASA, nhóm khách hàng cá nhân đóng góp 58,9%, tỷ lệ này giảm hơn so với mức 62,3% tại cuối năm 2021.
Định giá hấp dẫn so với vị thế của TCB. Mức P/B hiện tại của TCB là 0.9x, tương đối thấp hơn so với mức P/B trung bình ngành là 1.3x. Chúng tôi cho rằng đây là một mức định giá tương đối hấp dẫn so với vị thế của TCB. Cụ thể, ROE trong quý III/2022 của TCB đạt 20.9% cao hơn so với mức 19,5% của toàn ngành. Không chỉ vậy, TCB đã duy trì tỷ lệ ROE luôn trên mức 20% kể từ quý II/2021, cao hơn nhiều so với mức dưới 18% của toàn ngành.
Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu TCB với mức giá mục tiêu 42.500 đồng/CP (+44.1% upside).