MBS: Khuyến nghị mua cổ phiếu VHM, với giá mục tiêu 80.200 đồng/CP
Chúng tôi lặp lại khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes, với giá mục tiêu 80.200 đồng/CP (+46%).
Các luận điểm chính: Thứ nhất, VHM là đơn vị phát triển bất động sản dẫn đầu tại Việt Nam với thị phần tổng hợp các phân khúc 27% (2016-3Q2022), bỏ xa các đối thủ cạnh tranh khác. Số lượng và quy mô các dự án khổng lồ với trên 16.8 nghìn ha và còn tiếp tục gia tăng cho phép công ty phát triển mạnh mẽ trong dài hạn với hiệu quả kinh doanh vượt trội. Lợi thế rất lớn từ các sản phẩm mở bán trong quý 4 như Vinhomes Đại An (Ocean Park 3 - The Crown) vào tháng 10 hay dự án mới như Golden Avenue (Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) vào tháng 11.
Thứ hai, giải pháp thông minh để tăng doanh thu và thanh khoản cho sản phẩm của VHM trong điều kiện ngành BĐS đang gặp nhiều thách thức: Tháng 10/2022, Tập đoàn Vingroup công bố thành lập CTCP Đầu tư và Quản lý Bất động sản VMI (VMI) với vốn điều lệ 783 triệu USD.
VMI được thành lập do ông Phạm Nhật Vượng làm cổ đông chính (90% góp vốn bằng cổ phần VIC), cùng với VHM (5% cổ phần) và vợ ông Vượng (5% cổ phần), nhằm giúp cho các nhà đầu tư vốn hóa nhỏ có thể cùng đầu tư vào BĐS VHM với khả năng sinh lời đảm bảo và tạo tính thanh khoản cho sản phẩm Vinhomes cũng như đa dạng hóa kênh đầu tư cho khách hàng.
Thứ ba, hưởng lợi từ hệ sinh thái của Vingroup: Cung cấp các dịch vụ tiện tích chất lượng cao cho các dự án bất động sản thương hiệu Vinhomes. Điều này tạo lợi thế cạnh tranh trong việc đạt được các quyết định đầu tư dự án bất động sản lớn trước các đối thủ khi ngày càng khó khăn trong việc phát triển quỹ đất, mặt khác còn có thể thúc đẩy hoạt động kinh doanh bán hàng, thu hút các nhà đầu tư, khách hàng mua sản phẩm.
Rủi ro đầu tư: Lãi suất tăng mạnh hơn dự kiến: Xu hướng lãi suất tăng gây khó khăn cho cả thị trường, đây là mối quan tâm lớn của VHM và trong bối cảnh đó, VHM cũng chịu tác động từ cả chiều sử dụng vốn của nhà phát triển (cung) và chiều tài chính của người mua nhà (cầu). Tuy nhiên, VHM sẽ có những chính sách hỗ trợ khách hàng để kích cầu sản phẩm.
Bên cạnh đó, với việc thị trường vốn bị siết chặt hơn, rủi ro liên quan khả năng huy động vốn để tài trợ các dự án đang dần hiện hữu. Tuy nhiên, cũng chính vì thế dòng vốn sẽ mang tính chọn lọc cao hơn, ưu tiên những công ty hàng đầu, minh bạch và chuyên nghiệp và/ hoặc đã có khoản vay vốn từ nước ngoài như VHM.
Đối với rủi ro pháp lý: Các văn bản pháp lý còn chống chéo, ví dụ Luật Đất đai và Luật Kinh doanh BĐS chưa đồng bộ làm chậm trễ quá trình phê duyệt dự án và ảnh hưởng hiệu quả các dự án. Tuy nhiên các quy định mới được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn trong phê duyệt giúp thị trường sôi động trở lại.