PHS: Cơ hội tăng trưởng ngành dệt may vẫn tiếp tục trong năm 2019

Nguồn : PHS - CTCK Phú Hưng

Ngành : Dệt may

Download : baocaocapnhatnganhdetmay_VHID.pdf

Theo Tổng cục thống kê, ngành dệt may năm 2018 ghi nhận doanh thu toàn ngành đạt 30.4 tỷ USD (tăng 16,6% so với năm trước), trong đó chủ yếu xuất khẩu hàng may mặc (chiếm 80%), theo sau là xuất khẩu vải (chiếm 6%) và xuất khẩu xơ, sợi (chiếm 11%).

Sự tăng trưởng tích cực này còn được thể hiện ở việc giá trị xuất khẩu đến các thị trường chủ lực cũng lần lượt tăng tích cực. Cụ thể, trong năm qua, giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 14% và tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam (chiếm 47% giá trị xuất khẩu toàn ngành). Trong khi đó, hàng dệt may Việt nam đang tiến dần đến vị trí dẫn đầu tại 2 thị trường tiềm năng là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra đem lại cơ hội dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam: Hàng dệt may Việt Nam đứng thứ 2 thị phần nhập khẩu tại Mỹ, chỉ sau Trung Quốc. Vì vậy, ngành dệt may Việt nam được kì vọng sẽ hưởng lợi từ sự dịch chuyển đơn hàng khi hàng dệt may Trung Quốc đang bị áp thuế 25%.

Nhiều cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTAs): Theo chúng tôi ước tính, các đối tác trong hiệp định CPTPP đóng góp vào tổng giá trị xuất – nhập khẩu hàng dệt may của Việt nam khoảng 25%. Vì vậy, việc CPTPP chính thức có hiệu lực kì vọng sẽ hỗ trợ gia tăng xuất khẩu. Bên cạnh đó, hiệp định RCEP hiện đang trong giai đoạn đàm phán cũng được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi thế cho Việt Nam không chỉ ở xuất khẩu mà còn ở khâu nhập khẩu nguyên liệu.

Ngành dệt may Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu (chiếm 38% giá trị XNK dệt may). Trong khi đó, hiệp định CPTPP yêu cầu khắt khe về quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, vì vậy, các doanh nghiệp dệt may vẫn chưa thể vội mừng với CPTPP.