MBS: Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu VNM
Biên lợi nhuận gộp CTCP Sữa Việt Nam (VNM – sàn HOSE) xuống mức thấp nhất trong quý III và sẽ hồi phục từ quý IV/2022: giá sữa nguyên liệu nhập khẩu tăng liên tục từ quý III/2020 đến quý II/2022 khiến biên lợi nhuận gộp của VNM giảm 9 quý liên tiếp từ quý IV/2020 đến nay (trễ 1 quý so với biến động giá sữa). Dự kiến lợi nhuận gộp quý IV/2022 sẽ tăng trở lại do sử dụng nguyên liệu mua giá thấp trong quý 3/2022.
Bên cạnh đó, thị trường sữa Việt Nam vẫn hấp dẫn: mặc dù có thể bị ảnh hưởng bởi giai đoạn kinh tế khó khăn trước mắt, thu nhập của người tiêu dùng bị cắt giảm nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn ở mức 12,4% trong giai đoạn 2021-2031.
Ngoài ra, VNM là doanh nghiệp đầu ngành: theo thông tin của VNM, công ty đã tăng thị phần trở lại trong quý 3/2022, củng cố vị thế đầu ngành sữa. Tình hình tài chính của VNM chắc chắn với lượng tiền mặt và tiền gửi luôn trên 20 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ vay/ tổng tài sản và nợ vay/VCSH chỉ lần lượt ở mức thấp 18,5% và 28%.
Rủi ro đầu tư: Thứ nhất là giá sữa nguyên liệu tăng làm giảm biên lợi nhuận gộp: do biến động tình hình thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng, khó khăn về vận chuyển bất ngờ ảnh hưởng đến giá sữa.
Thứ hai là doanh thu giảm do nhu cầu giảm, cạnh tranh tăng: người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu do kinh tế khó khăn, thu nhập giảm. Công ty phải giảm giá sản phẩm để giữ thị phần.