Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền mới liên tục nhập cuộc

Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền mới liên tục nhập cuộc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index lên gần 1.260 điểm; Fintech, công ty chứng khoán nhập nhèm huy động tiền gửi; Bệ đỡ thị trường chứng khoán; Tháng 5 không đáng sợ!; Chứng khoán châu Á đa số nhích lên… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 10/5 tăng 170.000 đồng/lượng chiều mua vào và 120.000 đồng/lượng chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 55,90 – 56,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 16 USD lên 1.830,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng lên trên 1.836 USD/ounce và chững lại sau đó cho đến cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,08% xuống 90,16 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 10/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.162 đồng, giảm 17 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.970 - 23.150 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,29 USD (+0,45%), lên 65,19 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent) tăng 0,36 USD (+0,53%), lên 68,64 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

Thanh khoản bùng nổ, VN-Index tăng mạnh gần 18 điểm

Lực cầu gia tăng trong nửa cuối phiên sáng đã được duy trì khá tốt và tiếp tục được đẩy mạnh trong phiên chiều. Dòng tiền sôi động với tâm điểm vẫn là các bluechip, đã kéo VN-Index bứt phá lên gần 1.260 điểm khi đóng cửa và thanh khoản hơn 23.000 tỷ đồng.

Trong các bluechip, bộ ba nổi bật nhát là sắc tím tại TPB, VNM, và MSN. Bên cạnh đó là các cổ phiếu tăng mạnh khác như MBB +5,1%, BVH +3,5%, FPT +3,4%...

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng khởi sắc với SSI +6,1%, HCM +6,8%, CTS + 5,1%, BSI +8,6%, còn VCI và FTS đều tăng kịch trần…

Nhóm thép vẫn nóng với các mã HSG, POM, NKG, TLH, DTL, VIS đều tăng trần, còn HPG +3,6%.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 8,46 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 177,08 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 10/5: VN-Index tăng 17,77 điểm (+1,43%) lên 1.259,58 điểm; HNX-Index tăng 0,41 điểm (+0,15%) lên 280,27 điểm; UpCoM-Index giảm 0,01 điểm (-0,02%), xuống 80,84 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tăng điểm phiên ngày thứ Sáu (7/5), ngay cả khi đón nhận báo cáo việc làm tháng 4 đáng thất vọng cho thấy rằng nền kinh tế Mỹ còn một "chặng đường dài phía trước" trước khi phục hồi từ đại dịch Covid-19.

Bảng lương phi nông nghiệp tháng 4 của Mỹ được công bố hôm 7/5 chỉ ghi nhận tăng thêm 266.000 việc làm, chưa bằng 1/3 con số gần 1 triệu việc làm mà các nhà kinh tế dự báo trước đó và đi ngược hoàn toàn mức tăng trưởng việc làm ổn định trong quý I/2021. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 6,1% từ mức 6% của tháng 3.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 2,67%, S&P 500 tăng 1,23%, Nasdaq Composite giảm 1,51%.

Kết thúc phiên 7/5, chỉ số Dow Jones tăng 229,23 điểm (+0,66%), lên 34.777,76 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 30,98 điểm (+0,74%), lên 4.232,60 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 119,39 điểm (+0,88%), lên 13.752,24 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, khi các nhà đầu tư kỳ vọng vào thu nhập từ các nhà sản xuất ô tô và các công ty lớn khác.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,55% lên 29.518,34 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,99% lên 1.952,27 điểm.

Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản sẽ báo cáo thu nhập trong tuần này, bắt đầu với Nissan Motor vào thứ Ba và Toyota Motor vào thứ Tư, cùng ngày với SoftBank Group.

Cổ phiếu Toyota tăng 1,7%, trong khi Nissan tăng 4,39%. SoftBank Group tăng 1,7%.

Chứng khoán Trung Quốc dao động giằng co, khi những tổn thất ở nhóm cổ phiếu công nghệ đã được bù đắp nhờ đà tăng ở nhóm cổ phiếu năng lượng và chăm sóc sức khỏe.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,27% lên 3.427,99 điểm điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,07% xuống 4.992,42 điểm.

“Chiến dịch chống độc quyền của Trung Quốc đang đánh vào niềm tin của nhà đầu tư vào cổ phiếu công nghệ”, Yang Hongxun, nhà phân tích tại Shandong Shenguang Consulting, cho biết.

Nhưng cổ phiếu ngành chăm sóc sức khỏe tăng vọt, phục hồi so với tuần trước, sau khi đề xuất từ bỏ bằng sáng chế cho vắc xin Covid-19 của Mỹ phải sự phản đối gay gắt từ các chính phủ châu Âu và các đại gia ngành dược phẩm.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi lĩnh vực công nghệ lùi bước, trong bối cảnh cuộc chiến chống độc quyền của Bắc Kinh đối với nhiều công ty khiến nhà đầu tư lo ngại.

Đóng của, Hang Seng-Index giảm 0,1% xuống 28.595,66 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 0,45% xuống 10.651,07 điểm.

Chỉ số theo dõi ngành công nghệ giảm 0,9%, trong bối cảnh các cơ quan quản lý có dấu hiệu đẩy mạnh chiến dịch nhằm kiềm chế ảnh hưởng của những gã khổng lồ công nghệ.

Đáng chú ý, China Mobile Ltd, China Unicom và China Telecom Corp đều giảm giá, sau khi ba công ty viễn thông Trung Quốc cho biết hôm thứ Sáu rằng, họ sẽ bị Sở giao dịch chứng khoán New York hủy niêm yết theo các yêu của Mỹ từ năm ngoái.

Chứng khoán Hàn Quốc leo lên mức cao kỷ lục, do dữ liệu việc làm yếu kém của Mỹ hỗ trợ kỳ vọng rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 1,63% lên 3.249,30 điểm.

Trong số các cổ phiếu lớn, hai gã khổng lồ chip Samsung Electronics và SK Hynix tăng lần lượt 1,59% và 0,39%, trong khi Hyundai Motor và Samsung BioLogics tăng 2,46% và 1,49%.

Kết thúc phiên 10/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 160,52 điểm (+0,55%), lên 29.518,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 9,12 điểm +0,27%), lên 3.427,99 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 14,99 điểm (-0,05%), xuống 28.595,66 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 52,10 điểm (+1,63%), lên 3.247,30 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Fintech, công ty chứng khoán nhập nhèm huy động tiền gửi

Giao dịch chứng khoán bùng nổ, dư nợ cho vay margin kỷ lục khiến nhiều công ty chứng khoán lách cửa huy động vốn với lãi suất cao gấp hàng chục lần lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng..>> Chi tiết

- Dòng tiền mới: Bệ đỡ thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán dường như đang được níu giữ bằng hai trụ cột, đó là dòng tiền mới và đà tăng trưởng mạnh mẽ của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn..>> Chi tiết

- Thị trường chứng khoán: Tháng 5 không đáng sợ!

Giới đầu tư chứng khoán luôn ám ánh nỗi sợ với tháng 5, nhưng thống kê diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam 10 năm gần nhất cho thấy, giai đoạn này không tệ như vậy..>> Chi tiết

- Phái sinh bi quan

Sự phân hóa tạo ra nghi ngờ, diễn biến dịch bệnh gây ra rủi ro và mức chênh lệch giá giữa VN30F1M với VN30-Index âm gần 17 điểm cho thấy tâm lý bi quan của nhà đầu tư phái sinh..>> Chi tiết

- Mỹ: Áp lực lạm phát và khả năng tăng lãi suất

Có thể chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ thay đổi bởi nỗi lo lạm phát đang gia tăng và số người ủng hộ việc nâng lãi suất trước năm 2023 tăng lên..>> Chi tiết

Tin bài liên quan