Lạm phát tại Mỹ tăng đột biến trong một số lĩnh vực như nhà ở và gỗ xẻ.

Lạm phát tại Mỹ tăng đột biến trong một số lĩnh vực như nhà ở và gỗ xẻ.

Mỹ: Áp lực lạm phát và khả năng tăng lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Có thể chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ thay đổi bởi nỗi lo lạm phát đang gia tăng và số người ủng hộ việc nâng lãi suất trước năm 2023 tăng lên.

7/18 thành viên FOMC dự báo lãi suất sẽ tăng trong năm 2022

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Dallas, ông Robert Kaplan, trong tuần qua đã chia sẻ với kênh CNBC quan điểm ủng hộ việc tăng lãi suất trước khi năm 2022 kết thúc, so với định hướng duy trì lãi suất thấp trước đó của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của Fed.

Ông Kaplan cho rằng, nền kinh tế sẽ tiến triển đủ mạnh để Fed có thể cắt giảm các chính sách hỗ trợ kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Ông thừa nhận mình là một trong những “chấm” của năm 2022 được tiết lộ trong cuộc họp của FOMC vào tuần trước.

Fed sẽ ban hành một đồ thị “chấm” của các thành viên vào mỗi quý, với chủ đề là lãi suất sẽ tiến triển như nào trong vòng 3 năm tới. Đồ thị chung vẫn cho thấy sẽ không có sự gia tăng lãi suất nào cho đến năm 2023, nhưng hiện có 7 trong số 18 thành viên của FOMC đồng tình với quan điểm cần tăng lãi suất trong năm 2022 (hồi giữa tháng 3/2021, có 4 thành viên kêu gọi tăng lãi suất vào năm 2022). Cụ thể, có 3 “chấm” muốn lãi suất tăng một lần trong năm 2022 và 4 “chấm” dự đoán hai lần tăng.

“Các dự báo đã được cải thiện và bản thân dự đoán của tôi đã tiến bộ đáng kể”, ông Kaplan nói và nhấn mạnh, ông đang trông đợi GDP năm nay sẽ tăng trưởng 6,5% - mức dự báo trung bình của các thành viên FOMC.

“Dẫu vậy, chúng ta vẫn sống giữa thời kỳ đại dịch Covid-19 và tôi muốn chứng kiến thực tế nhiều hơn là các dự báo. Tôi muốn chứng kiến những bằng chứng rằng, các dự báo sẽ trở thành sự thực. Chúng tôi đã bắt đầu đạt được các tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện các mục tiêu kép của mình. Tôi là một trong những người ủng hộ việc bắt đầu thay đổi các chính sách tiền tệ hiện thời”, ông Kaplan chia sẻ.

Nỗ lực dập tắt nỗi lo lạm phát

Fed đã cắt giảm mức lãi suất cho vay ngắn hạn xuống gần mức 0%/năm kể từ tháng 3 năm ngoái và bắt đầu mua vào ít nhất 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng, nhằm cung cấp thanh khoản để thúc đẩy kinh tế phục hồi.

Một số khu vực trong nền kinh tế lo lắng rằng, Fed có thể đã duy trì những chính sách này quá lâu, khi xem xét tới mức độ cao của các gói kích thích kinh tế. Trong tháng 3/2021, Thượng viện đã thông qua gói cứu trợ 1.900 tỷ USD và gần đây, chính quyền Tổng thống Joe Biden chuẩn bị một kế hoạch chi tiêu trị giá 3.000 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng.

Lo lắng này tập trung vào dự đoán lạm phát sẽ tăng cao, một trong những dấu hiệu là lãi suất trái phiếu đang gia tăng.

Tuy nhiên, ông Kaplan cho biết, ông không lo lắng về lạm phát, dù dự đoán lạm phát sẽ tăng trong năm nay, vì chỉ mang tính ngắn hạn. Vấn đề chênh lệch cung và cầu, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch, sẽ khiến giá của một số mặt hàng tăng cao, nhưng mức tăng này dựa trên nền giá thấp của cùng kỳ khi đại dịch mới bùng nổ.

Nỗi lo lạm phát tại Mỹ gia tăng trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden mạnh tay triển khai các gói kích thích kinh tế và giá cả một số mặt hàng tăng nhanh.

Về sự gia tăng của lãi suất trái phiếu, diễn biến này thể hiện sự hồi phục của nền kinh tế. Dự đoán, lãi suất trái phiếu sẽ tiếp tục tăng đối với loại kỳ hạn 10 năm, có thể đạt gần 2%/năm.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng đang cố gắng dập tắt nỗi lo lạm phát gia tăng trong một số bộ phận lãnh đạo kinh tế và kinh doanh.

Trả lời phỏng vấn The Atlantic, bà Yellen bảo vệ chính sách chi tiêu mới của chính quyền Tổng thống Joe Biden vì điều đó là cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế và cho rằng, Ngân hàng Trung ương có thể xử lý áp lực lạm phát với một sự gia tăng lãi suất nhỏ. Lãi suất tăng làm gia tăng chi phí vay tiền và khiến nền kinh tế phát triển chậm lại - cách chính nhằm chống lại sự gia tăng lạm phát.

“Lãi suất có thể phải tăng tới một mức để có thể đảm bảo rằng nền kinh tế của chúng ta sẽ không quá nóng, mặc dù chi tiêu bổ sung là tương đối nhỏ so với kích cỡ của nền kinh tế. Để đạt được sự phân bố lại đó, lãi suất cần phải tăng một mức nhỏ”, bà Yellen nói.

Tại một sự kiện với Wall Street Journal, bà Yellen khẳng định mình không lo ngại về lạm phát và tin tưởng Fed sẽ giải quyết được vấn đề này khi xảy ra.

Một số nhà kinh tế tại Ngân hàng America Global Research gần đây nhận xét: “Các nhà làm luật Mỹ đang thử thách giới hạn của (hiệu ứng) Goldilocks. Họ đang cố gắng làm nóng nền kinh tế nhanh nhất có thể, trong khi cố gắng không tạo ra bất cứ lạm phát nghiêm trọng nào”.

Thực tế, có những yếu tố khiến giá cả trong một số ngành tăng cao mà không liên quan tới các chính sách và đề xuất chi tiêu của Chính phủ. Ví dụ, sự khởi động lại đột ngột của nền kinh tế và sự thiếu hụt trong chuỗi cung ứng toàn cầu khiến giá một số mặt hàng, bao gồm chíp máy tính, tăng vọt.

Nghiêm túc xem xét rủi ro

Trong khi ông Kaplan và bà Yellen không lo lắng về lạm phát, đồng nghĩa với việc xem nhẹ các rủi ro ngắn hạn của lạm phát, thì Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang quan sát kỹ lưỡng diễn biến tăng giá hàng hóa và những rủi ro có thể xuất hiện. “Chúng tôi xem xét các rủi ro lạm phát cực kỳ nghiêm túc”, bà Jen Psaki nói.

Mặc dù vậy, chính quyền của ông Biden hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ xem xét lại các kế hoạch chi tiêu đầy tham vọng, yếu tố chính khiến nhiều ý kiến lo ngại sẽ dẫn đến lạm phát cao.

Trước đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng không coi lạm phát là mối quan tâm ngắn hạn, dù trình bày trước Quốc hội hồi tháng 3/2021 rằng: “Chúng ta đang sống trong một thế giới có áp lực lạm phát mạnh mẽ - thực sự là trên khắp thế giới - trong vòng một phần tư thế kỷ và chúng tôi không nghĩ rằng sự gia tăng chi tiêu một lần dẫn đến việc tăng giá tạm thời sẽ làm gián đoạn xu hướng đó”.

Tất nhiên, Fed có các công cụ để giải quyết lạm phát, lần sử dụng gần nhất là vào cuối những năm 1970, đầu những năm 1980. Giai đoạn đó, Fed tăng lãi suất chuẩn lên mức 20% trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, dù lãi suất cao có thể gây ra “tác dụng phụ” như tỷ lệ thất nghiệp tăng và các vấn đề về dòng tiền với các doanh nghiệp.

Trong 3 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá mua hàng trong nước (The price index for gross domestic purchases - chỉ số đo lường giá hàng hóa và dịch vụ được mua bởi cư dân Mỹ, bất kể hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ở đâu) tăng 3,8%, nếu loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, mức tăng là 2,3%.

Chỉ số này là thước đo đặc trưng của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) về lạm phát. Theo báo cáo của BEA, lạm phát chủ yếu tăng đột biến trong một số lĩnh vực, chẳng hạn thị trường nhà ở và gỗ xẻ. Lạm phát chung vẫn được kiểm soát.

Tuy nhiên, lạm phát tại Mỹ được nhiều chuyên gia nhìn nhận tiếp tục có áp lực tăng. Hiện kinh tế nước này có triển vọng tăng trưởng mạnh, GDP quý I/2021 tăng 6,4%, sau khi tăng 4% trong quý IV/2020 (cả năm 2020 tăng trưởng âm 3,5%). Nhưng sự hồi phục không diễn ra đồng đều, một số bộ phận của nền kinh tế vẫn đang chật vật chống đỡ với các khó khăn, thách thức, hàng triệu người tiếp tục chịu cảnh thất nghiệp.

Tin bài liên quan