Dòng tiền mới: Bệ đỡ thị trường chứng khoán

Dòng tiền mới: Bệ đỡ thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán dường như đang được níu giữ bằng hai trụ cột, đó là dòng tiền mới và đà tăng trưởng mạnh mẽ của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn.

Theo thống kê của HOSE, trong tháng 4/2021, thanh khoản thị trường đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay với tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu trong tháng đạt trên 14,51 tỷ cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch đạt trên 366.944 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt trên 18.347 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt trên 725,93 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng tăng lần lượt 18,68% về giá trị và 12,95% về khối lượng so với tháng trước, tăng 47,41% về giá trị và 22,72% về khối lượng so với cuối năm 2020.

Đây là những con số ấn tượng, đặc biệt là trong bối cảnh cổ đông nội bộ chốt lời và sau đó là nhiều nhà đầu tư thắng lớn cũng bán và đứng ngoài thị trường hoặc giữ tỷ trọng tiền mặt lớn trong danh mục. Các hoạt động phát hành cổ phiếu mới, đấu giá cổ phần của doanh nghiệp cũng hút hàng chục nghìn tỷ đồng. Rõ ràng, dòng tiền mới đã tiếp tục chảy vào thị trường, tạo nên một đợt sóng tăng mới kể từ sau Tết Nguyên đán.

Dòng tiền ra vào trong các quỹ ETF cũng trái chiều. Theo thống kê trong tháng 4, khi FTSE Vietnam ETF hút ròng 6,1 triệu USD thì quỹ KIM ETF bị rút ròng 8,4 triệu USD. VNM ETF hút ròng 9,5 triệu USD, trong khi MSCI Vietnam ETF bị rút ròng 1,0 triệu USD. Các quỹ ETF nội có diễn biến tích cực.

Hai quỹ E1VFVN30 và FUEVFVND ghi nhận giá trị hút ròng lần lượt là 14,6 và 17,3 triệu USD. Việc quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF huy động tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc) 4.000 tỷ đồng giải ngân trong tháng 4 cho thấy góc nhìn khác nhau về cơ hội ở thị trường Việt Nam khi khối ngoại vẫn đang bán ròng trên HOSE.

Cách đây 1 tháng, Báo Đầu tư Chứng khoán đã ghi nhận bình luận của ông Nguyễn Thành Chung, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Everest rằng thị trường sẽ “đổi tay”.

Thực tế thị trường tháng 4 có những phiên biến động 20 - 30 điểm và nhiều cổ phiếu giảm ở mức 20 - 30%, bắt đầu cho thấy sự tạo đáy phục hồi khi bước sang tháng 5 - dấu hiệu cho thấy quá trình “đổi tay” cơ bản đã hoàn tất. Dòng tiền muốn rút đã rút ra, và tiền mới đã vào thay thế.

Lý do cơ bản giúp thị trường không điều chỉnh sâu trong tháng 4 và tiếp tục chống chọi trong tháng 5 là tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các ngân hàng và nhóm ngành sắt thép được hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng, được tiết lộ rõ ràng sau các ĐHCĐ.

Chưa khi nào các ngân hàng, doanh nghiệp lớn lại tự tin với tăng trưởng như sau năm covid lần thứ nhất này. Các cổ phiếu TCB, VIB, VPB, MBB, HPG, HSG… vẫn đang thu hút dòng tiền với đáy sau cao hơn đáy trước, đỉnh sau cao hơn đỉnh trước.

Các mục tiêu kỳ vọng ngắn hạn vẫn còn cách xa giá hiện tại 20 - 30%. Trong trung và dài hạn thì các cổ phiếu có kế hoạch chia thưởng cổ phiếu lớn được chú ý như VCI, MBB, DGW…

Trong Tiêu điểm của số báo tuần này, Đầu tư chứng khoán ghi nhận và phân tích các lực đỡ thị trường trong ngắn hạn, đặc biệt là về hai trụ cột nói trên. Cho dù xu hướng đi lên của thị trường vẫn có xác suất cao hơn và đồng thuận trong nhiều dự báo nhưng cũng rất rõ ràng rằng dòng tiền đang chọn lọc cổ phiếu.

Các cổ phiếu lớn đang thu hút dòng tiền nhiều hơn, nhưng cũng tập trung vào một số cổ phiếu có "câu chuyện" nhất định. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đang chững lại.

Liệu một chu kỳ mới dòng tiền từ cổ phiếu lớn có lan tỏa sang cổ phiếu vừa và nhỏ có lặp lại hay không và mức độ lan tỏa như thế nào vẫn còn là câu hỏi ở phía trước, nhưng nếu thanh khoản vẫn giữ ở mức 18.000 tỷ đồng mỗi phiên như trong tháng 4 thì bước sang tháng 6, nhóm cổ phiếu chứng khoán sẽ lại nóng trở lại là điều dễ hiểu.

Tin bài liên quan