Tháng 5 không phải là giai đoạn giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử 10 năm trở lại đây. Thậm chí, có tới trên một nửa số năm, chỉ số VN-Index tăng điểm. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, chỉ số VN-Index có số lần tăng tốt hơn số lần giảm, cũng như giai đoạn sau đó, VN-Index luôn có mức tăng tốt đến tháng 10 trong năm.
Chính vì vậy, hiệu ứng “Sell in May and go away” (Bán tháng 5 và đi chơi) năm nay có thể không tác động nhiều lên chỉ số. Chưa kể tháng 5 năm nay lại vào cao điểm mùa dịch nên nhà đầu tư sẽ dành mối quan tâm lớn cho thị trường chứng khoán.
Trong tháng 5 này, VN-Index tiếp tục vận động với ngưỡng hỗ trợ mạnh ở 1.200 điểm, với sự trở lại của dòng tiền sau kỳ nghỉ lễ kéo dài cũng là yếu tố tăng tính thanh khoản trên thị trường.
Tháng 5 và nửa đầu tháng 6 sẽ là giai đoạn tích lũy chuẩn bị cho một nhịp tăng của VN-Index, hướng đến vùng đỉnh giá mới. Tuy nhiên, do tâm lý của nhà đầu tư chưa thật sự vững vàng cũng như e ngại rủi ro khi nhiều cổ phiếu đã thiết lập vùng giá cao nên sự duy trì đà tăng này sẽ không quá mạnh.
Kết quả kinh doanh quý I hầu như đã được công bố rộng rãi, việc tiếp cận thông tin là ngang nhau, nên sự phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra trong tháng 5 này.
Chọn lọc và tích lũy những cổ phiếu/nhóm ngành có câu chuyện về tăng vốn, được các quỹ ETF quan tâm và kỳ vọng vào việc chia cổ tức bằng tiền/cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ là các yếu tố nhà đầu tư cần lưu ý để đưa vào danh mục xem xét đầu tư. Điều này có nghĩa, nhà đầu tư sẽ cần phải lựa chọn cổ phiếu một cách kỹ lưỡng hơn trong tháng 5 so với giai đoạn trước.
Những yếu tố tích cực của tháng 4 vẫn tiếp tục được duy trì như dòng vốn nước ngoài mới và các nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Cụ thể, FTSE Vietnam ETF hút ròng 6,1 triệu USD trong khi Quỹ KIM ETF bị rút ròng 8,4 triệu USD. VNM ETF hút ròng 9,5 triệu USD trong khi MSCI Vietnam ETF bị rút ròng 1,0 triệu USD. Các quỹ ETF nội có diễn biến tích cực. Hai quỹ E1VFVN30 và FUEVFVND ghi nhận giá trị hút ròng lần lượt là 14,6 và 17,3 triệu USD.
Nhà đầu tư cá nhân mua ròng 3.784 tỷ đồng trên HOSE, trong đó mua ròng khớp lệnh là 6.484 tỷ đồng.
Tâm lý về nghẽn lệnh đã được giải tỏa khi HOSE triển khai một số giải pháp cải tiến về mặt kỹ thuật đã giảm tải một phần tình trạng nghẽn lệnh kể từ ngày 12/4, và hỗ trợ đáng kể cho thanh khoản toàn thị trường.
Một thống kê cũng rất đáng chú ý gần đây của BSC cho thấy trong các đợt dịch bệnh Covid bùng nổ, chỉ số VN-Index có diễn biến khá trái ngược (xem bảng). Liệu đợt dịch này lịch sử có lặp lại và nhà đầu tư đã có kinh nghiệm để ứng phó và tìm cho mình chiến lược đầu tư thông minh?
Trong tháng 4, VN-Index đã lập kỷ lục mới với 1.286 điểm kèm theo sự gia tăng về thanh khoản. Tháng 5 sẽ là giai đoạn tích lũy cho một hành trình mới để xô đổ kỷ lục đã được tạo ra.