Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/4

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/4

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 22/4 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua FPT với giá mục tiêu 67.800 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Chúng tôi sử dụng phương pháp định giá so sánh tương quan chỉ số P/E các doanh nghiệp cùng ngành có cùng quy mô vốn tại các thị trường đang phát triển của châu Á đối với 2 mảng Công nghệ và Viễn Thông (P/E điều chỉnh dựa trên chênh lệch lãi suất giữa các quốc gia), đối với mảng Giáo Dục do đóng góp không đáng kể vào lợi nhuận dự kiến, chúng tôi giả định mức P/E hiện tại là hợp lý.

Giá mục tiêu của cổ phiếu CTCP FPT (mã FPT) theo quan điểm thận trọng được chiết khấu 10% so với kết quả định giá do yếu tố bất ổn định của chỉ số P/E trung bình ngành.

FPT hiện đang được giao dịch với mức P/E trailing là 11.27x và P/E forward 2019 dự báo đạt 9.49x, là mức giá hấp dẫn so với các doanh nghiệp cùng ngành có vốn hóa thị trường tương tự thuộc các thị trường châu Á đang phát triển cũng như đối với thị trường Việt Nam nói chung.

FPT là doanh nghiệp đầu ngành ở cả 2 mảng Công nghệ và Viễn Thông và duy trì tốc độ tăng trưởng đều đặn trong các năm gần đây. Chúng tôi đánh giá tiềm năng tăng trưởng của FPT còn lớn nhất là khi doanh nghiệp vừa mới tái cơ cấu, tập trung vào mảng kinh doanh có biên lợi nhuận cao thay vì dàn trải nhiều lĩnh vực như giai đoạn trước.

Dựa trên triển vọng kinh doanh cũng như mức độ rủi ro thấp trong hoạt động của FPT trong thời gian tới, chúng tôi giữ khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FPT. Giá mục tiêu là 67.800 đồng/CP, cao hơn 41.5% so với giá ngày 16/04/2019.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu MSN

CTCK Phú Hưng (PHS)

Dự báo trong năm 2019, Công ty Cổ phần Tập đoàn MaSan (mã MSN) ước đạt doanh thu 42.496 tỷ đồng (tăng 11%so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế cốt lõi đạt 5.206 tỷ đồng, tăng trưởng 49,7% so với giá trị lợi nhuận cốt lõi trong năm 2018.

Trong đó, Masan Consumer: Tiếp tục giữ thị phần dẫn đầu tại ngành hàng gia vị nhờ chiến lược cao cấp hóa sản phẩm cốt lõi. Đồng thời kỳ vọng những phản ứng tích cực từ 2 sản phẩm mới tại nhóm đồ uống và thịt chế biến.

Masan Nutri-Science: Giá heo duy trì ở mức cao, thị trường thức ăn chăn nuôi kỳ vọng hồi phục. Đồng thời, lo ngại dịch tả lợn Châu Phi sẽ chuyển xu hướng tiêu dùng của người dân sang sản phẩm thịt sạch, có nguồn gốc.

Masan Resource: Cơ hội gia tăng thị phần khi Trung Quốc cắt giảm sản lượng khai thác. Kỳ vọng từ sự hỗ trợ của đối tác chiến lược SK Group – hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, linh kiện, viễn thông.

Rủi ro: (1) Lo ngại dịch tả lợn Châu Phi: MSN vừa đưa thông báo tạm ngưng cung cấp thịt heo do dịch tả lợn bùng phát tại tỉnh Hà Nam – địa điểm có trụ sở chính của MNS Meat Hà Nam và sẽ cung cấp lại khi có thông báo an toàn dịch bệnh. (2) Lo ngại nhu cầu kim loại toàn cầu đi xuống do lo ngại suy thoái kinh tế.

Khuyến nghị: Bằng phương pháp SOTP đối với giá trị vốn chủ sở hữu đóng góp vào tập đoàn của các công ty con bao gồm MCH, MNS và MSR và công ty liên kết Techcombank, chúng tôi dự báo giá trị hợp lý cho mỗi cổ phần của MSN trong năm 2019 sẽ vào khoảng 96,375 đồng/ cổ phiếu, tương đương với forward P/E năm 2019 đạt 22x. Từ đó đưa ra khuyến nghị giữ đối với cổ phiếu MSN.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị theo dõi FRT

CTCK FPT (FPTS)

Năm 2018, CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (mã FRT) tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh tăng trưởng với doanh thu thuần đạt 15.298 tỷ đồng (tăng 16,37%), lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 347,7 tỷ đồng (tăng 20,07% so với năm trước), lần lượt hoàn thành 95,5% và 92,2% kế hoạch.

Kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ lần lượt là 17.700 tỷ đồng (tăng 16%) và 418 tỷ đồng (tăng 20% so với năm ngoái). Chi trả cổ tức bằng tiền mặt tối thiểu 1.000 đồng/cp.

Tại mức giá 54.900 đồng/cp vào ngày 12/04, cổ phiếu FRT đang giao dịch tại P/E trailing 10,3x, thấp hơn trung bình ngành (khoảng 15,3x).

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đưa ra khuyến nghị theo dõi đối với FRT ở thời điểm hiện tại. Lí do là mảng kinh doanh chính là bán lẻ thiết bị công nghệ đang có dấu hiệu bão hòa, trong khi triển vọng kinh doanh mảng dược chưa rõ ràng và vẫn đang ghi nhận lỗ trong năm 2019.

Nhà đầu tư cần theo dõi hiệu quả hoạt động mảng dược phẩm và có thể xem xét mua FRT ở mức giá 49.770 đồng/cp tương đương P/E fwd là 9x.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị theo dõi PVI

CTCK FPT (FPTS)

Tỷ lệ bồi thường bảo hiểm thực trung bình 6 năm qua của CTCP PVI (mã PVI) đạt 40%, thấp hơn 4 doanh nghiệp lớn được so sánh là PTI (43%), BVH (76%), PGI (50%), (53%) do PVI không cạnh tranh bằng cách hạ phí bảo hiểm, mở rộng điều khoản, điều kiện hợp đồng (Theo báo cáo tài chính các doanh nghiệp).

Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm dự báo thị trường bảo hiểm phi nhân thọ sẽ duy trì tăng trưởng ít nhất 10% trong giai đoạn 2019 – 2020 do (1) Với dân số trẻ, khoảng 50% trong độ tuổi lao động, trình độ và thu nhập của người dân được nâng cao, (2) 2 Hiệp định thương mại ATIGA và EVFTA giúp kích thích nguồn cung xe cơ giới trên thị trường Việt Nam khi thỏa thuận cắt giảm thuế có hiệu lực.

Cổ tức đều đặn bằng tiền qua các năm. PVI trích 78% lợi nhuận sau thuế trở lên để chi trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng ít nhất là 2.000 đồng/cp.

Hiện tại PVI đang giao dịch tại mức giá là 40.600 đồng/cp tương đương với P/B 2018 là 1,34 lần, cao hơn trung bình ngành (khoảng 1,05 lần). Với triển vọng năm 2019 về doanh thu và lợi nhuận thì mức giá hiện tại của PVI không thực sự hấp dẫn. Chúng tôi khuyến nghị theo dõi cho cổ phiếu PVI.

>> Tải báo cáo

GEX sẽ tích lũy và xác lập ngưỡng hỗ trợ tại mức giá 22

CTCK BIDV (BSC)

Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (mã GEX) đang nằm trong nhịp điều chỉnh ngắn hạn từ ngưỡng kháng cự 25 (Fibonacci 38.2%). Thanh khoản trong các phiên giao dịch gần đây đang có xu hướng úy giảm cho thấy xu thế điều chỉnh sắp chấm dứt.

Cổ phiếu đã chạm ngưỡng hỗ trợ 22( cũng là ngưỡng kháng cự 2T2019). Chỉ báo MACD đang báo hiệu xu hướng tích lũy trong khi chỉ báo RSI ủng hộ xu hướng hồi phục nhẹ.

Vận động 3 đường MA cũng cho thấy cổ phiếu sắp tiến vào trạng thái tích lũy khi MA20 hội tụ cùng MA50 với đà giảm suy yếu.

 Tuy mức giá giao dịch nằm dưới dải mấy ichimoku, nhưng việc dải mây thu hẹp cùng với xu hướng đi ngang cho thấy cổ phiếu có khả năng cao sẽ tiến vào xu hướng tích lũy.

Như vậy, GEX sẽ tích lũy và xác lập ngưỡng hỗ trợ tại mức giá 22 trước khi khi kiểm tra lại ngưỡng kháng cự 25.

Tin bài liên quan