Thị trường tài chính 24h: Thời thế ngành than đã thay đổi

Thị trường tài chính 24h: Thời thế ngành than đã thay đổi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index lên trên 1.345 điểm; Mở lối cho bảo hiểm vi mô; Vì sao cổ phiếu than tăng mạnh?; Chứng khoán nội tăng vay vốn ngoại; Thị trường chứng khoán: Kỳ vọng “bình thường mới”; Các nhà đầu tư bắt đầu lo lắng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu... là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 15/9 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 56,65 – 57,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 11,7 USD lên 1.804,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng gần như chỉ đi ngang quanh ngưỡng này cho đến cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,14% xuống 92,49 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 15/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.117 đồng/USD, giảm 13 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.660 – 22.860 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,12 USD (+1,59%), lên 71,58 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm tăng 1,08 USD (+1,43%), lên 74,65 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua hồi phục lên 47.000 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục nhích lên và tiến gần tới 47.500 USD/BTC vào cuối ngày.

Chứng khoán trong nước

VN-Index hồi phục nhẹ

Trong phiên sáng, dòng tiền vẫn ngó lơ nhóm cổ phiếu dẫn dắt, chỉ hướng vào nhóm thị trường khiến VN-Index tích lũy đi ngang trong vùng 1.330-1.350 điểm.

Bước vào phiên chiều, thông tin về xuất khẩu thép tháng 8 cao nhất từ trước tới nay như mồi lửa thắp sáng nhóm thép, và đà bùng nổ của MSN là tác nhân chính kéo VN-Index bứt lên trên 1.345 điểm khi đóng cửa.

Theo đó, NKG, POM, TLH đều tăng kịch trần, còn HSG +6,9%, SMC +5,1%, HPG +2,58%.

MSN là bluechip nổi bật nhất khi leo thẳng lên mức giá trần 144.900 đồng, phá đỉnh cũ, khớp gần 2,8 triệu đơn vị.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 1,19 triệu đơn vị, nhưng tổng giá trị là mua ròng 14,84 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 15/9: VN-Index tăng 6,13 điểm (+0,46%), lên 1.345,83 điểm; HNX-Index tăng 2,89 điểm (+0,83%), lên 350,75 điểm; UPCoM-Index tăng 0,8 điểm (+0,84%), lên 95,81 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall mất điểm vào thứ Ba (14/9) do chỉ số CPI tháng 8 tăng thấp hơn dự báo và khả năng tăng thuế doanh nghiệp bất chấp dấu hiệu lạm phát hạ nhiệt.

Theo Bộ Lao động Mỹ, CPI tháng 8 của Mỹ tăng 0,3%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức tăng của tháng trước đó là 0,5%. Trong khi đó, CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, chỉ tăng 0,1%, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 2/2021.

Mặt khác, kế hoạch tăng thuế mà đảng Dân chủ ấp ủ đang thắng thế và dường như sắp có kết quả với việc gói ngân sách 3.500 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp được thông qua.

Kết thúc phiên 14/9, chỉ số Dow Jones giảm 292,06 điểm (-0,84%), xuống 34.577,57 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 25,68 điểm (-0,57%), xuống 4.443,05 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 67,82 điểm (-0,45%), xuống 15.037,76 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi chịu áp lực chốt lời gia tăng sau đợt tăng tốc gần đây đưa chỉ số chính lên mức cao nhất trong hơn 30 năm qua.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,52% xuống 30.511,71 điểm, sau khi đạt mức 30.795,78 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 8/1990. Chỉ số Topix giảm 1,06% xuống 2.096,39 điểm.

Phiên này, cổ phiếu nhiều nhà cung cấp linh kiện cho cho Apple đã trượt dốc, sau hãng này trình làng iPhone 13, với Murata Manufacturing mất 2,7%, Nitto Denko giảm 3,3%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, do dữ liệu bán lẻ và công nghiệp yếu kém, trong khi đợt bùng phát Covid-19 mới cũng làm dấy lên lo ngại về sự phục hồi kinh tế nước này.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 0,17% xuống 3.656,22 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,01% xuống 4.867,32 điểm.

Các lĩnh vực công nghiệp và bán lẻ của Trung Quốc đã chững lại trong tháng 8, với tăng trưởng sản lượng và doanh số đạt mức thấp nhất trong một năm qua, do ảnh hưởng của các đợt dịch Covid-19 mới bùng phát và gián đoạn nguồn cung.

Bên cạnh đó, chỉ số ngành bất động sản và ngân hàng giảm lần lượt 2,5% và 0,9%, do các vấn đề liên quan đến China Evergrande Group, với mức đe dọa ngày một lớn đối với thị trường bất động sản và hệ thống tài chính của nước này.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, do cổ phiếu ngành game và sòng bạc giảm, sau các báo cáo cho thấy Bắc Kinh sẽ nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của internet “văn minh”.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,84% xuống 25.033,21 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 1,6% xuống 8.936,53 điểm.

Cổ phiếu công nghệ giảm mạnh, sau khi hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã cho biết, Trung Quốc sẽ thúc đẩy một mạng internet 'văn minh' hơn bằng cách tăng cường giám sát đối với các trang web tin tức và nền tảng trực tuyến.

Theo đó, các gã khổng lồ internet là Tencent Holdings, Alibaba Group và Meituan lần lượt giảm 4,1%, 2,7% và 4,5%.

Chỉ số theo dõi các cổ phiếu ngành game giảm 23%, trong đó Sands China Ltd giảm 32,5%.

Tập đoàn Evergrande giảm 5,4% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2014, sau khi Bloomberg đưa tin rằng, các ngân hàng lớn của Trung Quốc đã được cơ quan quản lý nhà ở thông báo, Evergrande sẽ không thể các khoản trả lãi vay đến hạn vào ngày 20/9.

Chứng khoán Hàn Quốc tiếp tục tăng, và động lực vẫn nhờ hoạt động mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 0,15% lên 3,153,40 điểm, kéo dài mức tăng sang phiên thứ tư liên tiếp.

Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng thêm 294,5 tỷ won (251,52 triệu USD) cổ phiếu trên bảng điện tử và là lực đỡ lớn nhất cho thị trường.

Kết thúc phiên 15/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 158,39 điểm (-0,52%), xuống 30.511,71 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 6,38 điểm (-0,17%), xuống 3.656,22 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 469,02 điểm (-1,84%), xuống 25.033,21 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 4,57 điểm (+0,15%), lên 3.153,40 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Mở lối cho bảo hiểm vi mô

Bảo hiểm vi mô trong lĩnh vực nhân thọ đã có thời gian thí điểm khá dài hơn 10 năm và đã đến lúc cần có những quy định cụ thể hơn để các sản phẩm bảo hiểm này được triển khai chính thức..>> Chi tiết

- Vì sao cổ phiếu than tăng mạnh?

Giá than thế giới đã tăng lên rất nhiều từ giữa năm 2021. Giá than thế giới đã tăng so với năm 2020 khoảng 130%, còn giá than trong nước đã tăng khoảng 30%..>> Chi tiết

- Chứng khoán nội tăng vay vốn ngoại

Thay vì huy động vốn trong nước, một số công ty chứng khoán đã tìm đến vốn ngoại và được các tổ chức tài chính nước ngoài cho vay tín chấp hàng trăm triệu USD..>> Chi tiết

- Thị trường chứng khoán: Kỳ vọng “bình thường mới”

Khi những tin tức về việc các địa phương linh hoạt hơn trong kiểm soát giãn cách được công bố, thị trường đã có 2 phiên giao dịch khả quan hơn sau khi đã giảm 2 phiên trước đó..>> Chi tiết

- Khảo sát của BofA: Các nhà đầu tư bắt đầu lo lắng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Cuộc khảo sát tháng 9 của Bank of America (BofA) cho thấy, chỉ 10% số người được khảo sát kỳ vọng rằng, nền kinh tế toàn cầu sẽ mạnh hơn trong những tháng tới, mức thấp nhất kể từ cơn hoảng loạn do Covid-19 vào tháng 4/2020..>> Chi tiết

Tin bài liên quan