Tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm vi mô còn rất hạn chế. Ảnh: Dũng Minh

Tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm vi mô còn rất hạn chế. Ảnh: Dũng Minh

Mở lối cho bảo hiểm vi mô

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bảo hiểm vi mô trong lĩnh vực nhân thọ đã có thời gian thí điểm khá dài hơn 10 năm và đã đến lúc cần có những quy định cụ thể hơn để các sản phẩm bảo hiểm này được triển khai chính thức.

Doanh thu phí bảo hiểm rất thấp

Theo phê chuẩn của Bộ Tài chính, hiện nay, các sản phẩm bảo hiểm vi mô do 3 doanh nghiệp bảo hiểm được thí điểm cung cấp gồm Manulife, Dai-ichi và Prudential chủ yếu hướng đến đối tượng khách hàng từ 18-55 tuổi, có thu nhập thấp, không ổn định, tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và các khu công nghiệp, là các đối tượng khó có điều kiện tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thông thường.

Trong đó, riêng Manulife phân phối cho các hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có độ tuổi từ 20-50 tuổi. Dai-ichi dự kiến triển khai bảo hiểm vi mô qua kênh phân phối là Hội Nông dân Việt Nam dành cho các hội viên là nông dân có thu nhập thấp và tại các khu công nghiệp cho đối tượng công nhân với độ tuổi từ 18-55 tuổi. Prudential dự kiến triển khai sản phẩm này cho người có thu nhập thấp, độ tuổi từ 18-55 tuổi.

Tuy nhiên, do Luật Kinh doanh bảo hiểm chưa có quy định riêng đối với tổ chức triển khai bảo hiểm vi mô, các doanh nghiệp khi triển khai bảo hiểm cho người có thu nhập thấp vẫn phải thực hiện các yêu cầu về tài chính, về quy trình phân phối sản phẩm, các quy định đối với đại lý phân phối sản phẩm tương tự như các sản phẩm bảo hiểm thương mại khác, dẫn tới doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô. Vì vậy, Dai-ichi và Prudential đã dừng triển khai sản phẩm này.

Hiện tại, chỉ Manulife còn triển khai bảo hiểm vi mô và tính từ thời điểm bắt đầu triển khai từ tháng 9/2009 tại 2 tỉnh Hải Phòng và Tiền Giang, đến cuối năm 2020, Manulife đã mở rộng ra 19 tỉnh, thành phố trên cả nước, nhưng doanh thu phí bảo hiểm vẫn rất thấp. Kết thúc 7 tháng đầu năm 2021, số hợp đồng bảo hiểm vi mô có hiệu lực đạt 14.805 hợp đồng, doanh thu phí bảo hiểm đạt 1,6 tỷ đồng.

Bảo hiểm vi mô là các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế và cung cấp cho người nghèo, người có thu nhập thấp và những người yếu thế trong xã hội, với đặc điểm phí bảo hiểm thấp (bình quân từ 100.000-300.000 đồng/năm, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm thật đơn giản, dễ hiểu và ít điều khoản loại trừ, người mua cũng không bị yêu cầu thẩm định sức khỏe nên thủ tục cấp hợp đồng bảo hiểm được thực hiện nhanh gọn, thủ tục giải quyết quyền lợi bảo hiểm đơn giản, thời hạn giải quyết quyền lợi bảo hiểm tối đa là 15 ngày, ngắn hơn so với mức 30 ngày đối với sản phẩm bảo hiểm thông thường.

Bên cạnh các doanh nghiệp bảo hiểm, trong thời gian qua, Chính phủ còn cho phép 2 tổ chức khác là Trung tâm Hỗ trợ phát triển nguồn lực tài chính cộng đồng - CFRC (trực thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam) và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô với tính chất tương hỗ, hỗ trợ giữa các thành viên vay vốn trong cùng tổ chức, song kết quả cũng không mấy khả quan.

Kể từ thời điểm bắt đầu thực hiện thí điểm năm 2014, đến tháng 6/2016, Hội Liên hiệp phụ nữ mới triển khai tại 77 huyện/thị xã thuộc 12 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổ chức này đạt số hợp đồng bảo hiểm vi mô có hiệu lực là 130.082 hợp đồng; doanh thu phí bảo hiểm đạt hơn 8,6 tỷ đồng, chi trả quyền lợi bảo hiểm cho 52 trường hợp với số tiền chi trả hơn 1,8 tỷ đồng.

Với CFRC, trong thời gian triển khai thí điểm từ năm 2013 đến hết năm 2016, do nhận thấy năng lực tài chính có hạn và khó khăn trong việc mở rộng hoạt động, số lượng thành viên tham gia ngày càng giảm, không đủ số lượng người tham gia để đảm bảo nguyên tắc số đông bù số ít trong bảo hiểm, Chính phủ đã dừng triển khai thí điểm đối với tổ chức này từ năm 2017.

Tính đến 31/12/2016, CFRC đã cung cấp bảo hiểm vi mô cho 2 quỹ xã hội và 2 dự án tài chính vi mô, số lượng thành viên tham gia bảo hiểm vi mô là 7.986 người; tổng doanh thu năm 2016 là 1,121 tỷ đồng, trong đó doanh thu phí bảo hiểm là 759 triệu đồng; chi trả cho 35 trường hợp tử vong/thương tật toàn bộ và vĩnh viễn với số tiền là 19,3 triệu đồng, chi trả quyền lợi hỗ trợ viện phí cho 588 trường hợp với số tiền là 116,7 triệu đồng và xóa nợ cho 7 trường hợp với số tiền là 75,5 triệu đồng; chênh lệch thu - chi là 567 triệu đồng đang được tích lũy tại CFRC.

Cần hành lang pháp lý riêng cho bảo hiểm vi mô

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm vi mô tại các nước khu vực Đông Nam Á chiếm bình quân hơn 10% dân số và kinh nghiệm từ các nước phát triển bảo hiểm vi mô trong khu vực cho thấy, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm tăng đáng kể sau khi chính sách phát triển bảo hiểm vi mô (quy định pháp lý, tuyên truyền) được hoàn thiện.

Chẳng hạn, tại Philippines, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm vi mô đã tăng từ 20% năm 2017 lên 46% năm 2020 sau khi Cơ quan Quản lý bảo hiểm Philippines đưa bảo hiểm vi mô vào quy định tại luật bảo hiểm năm 2018 của nước này.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, với hơn 6,4% dân số (khoảng 100 triệu người) là hộ nghèo, hộ cận nghèo, tương đương khoảng 6,4 triệu người, nhưng tỷ lệ nhóm này tham gia bảo hiểm vi mô còn rất hạn chế, chưa kể tới những thành phần yếu thế khác.

Thực tế, có nhiều lý do dẫn tới tỷ lệ người tham gia bảo hiểm vi mô còn thấp, song một nguyên nhân quan trọng được chỉ ra là do thiếu hành lang pháp lý (Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện chưa có quy định về bảo hiểm vi mô), các đối tượng điều chỉnh của Luật cũng không bao gồm các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro về tính bền vững, đặc biệt khi hoạt động này được mở rộng với quy mô lớn hơn.

Nhằm hạn chế rủi ro cũng như thúc đẩy phát triển bảo hiểm vi mô tại Việt Nam, tại báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm giai đoạn 2000-2020 trình Quốc hội cuối tháng 8/2021, Bộ Tài chính cho rằng, cần ban hành một quy định riêng về loại hình bảo hiểm này và để hiện thực hóa, trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, Bộ Tài chính đã bổ sung một chương về bảo hiểm vi mô, trong đó đưa ra định nghĩa về bảo hiểm vi mô, các điểm đặc trưng của sản phẩm bảo hiểm vi mô…

Về đối tượng cung cấp, bên cạnh doanh nghiệp bảo hiểm, dự thảo cũng cho phép các tổ chức tương hỗ cùng cung cấp bảo hiểm vi mô. Sự bổ sung này xuất phát từ thực tế triển khai tại Việt Nam, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhằm tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy phát triển bảo hiểm vi mô tại Việt Nam.

Theo Bộ Tài chính, đây là 2 tổ chức phổ biến nhất cung cấp bảo hiểm vi mô trên thế giới. Doanh nghiệp bảo hiểm đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Chương 3 của Luật Kinh doanh bảo hiểm được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô không giới hạn địa bàn, đối tượng khách hàng. Còn với tổ chức tương hỗ, do tính đặc thù chỉ cung cấp các sản phẩm bảo hiểm đơn giản, giới hạn cho các thành viên, nên sẽ có các tiêu chuẩn, điều kiện thấp hơn do Chính phủ hướng dẫn, để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với tình hình phát triển trong từng thời kỳ của mô hình. Từ đó, đưa các sản phẩm bảo hiểm đến gần hơn với người nghèo, người có thu nhập thấp, giúp họ được tiếp cận dịch vụ bảo hiểm với mức chi phí phù hợp với khả năng tài chính, góp phần vào việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Tin bài liên quan