Thị trường tài chính 24h: F0 có bài học đầu tiên

Thị trường tài chính 24h: F0 có bài học đầu tiên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index mất hơn 60 điểm; Ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng bao nợ xấu; Không có chuyện siết dòng tiền vào chứng khoán; Giải mã phiên giảm điểm sốc sáng nay; Chứng khoán châu Á đa số tăng tốt; ECB có thể chưa thay đổi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng… à những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 19/1 không đổi so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại mức 55,85 – 56,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 1,3 USD lên 1.837,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và nhích lên gần 1.845 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,29% xuống 90,50 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 19/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.152 đồng, tăng 11 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.980 - 23.160 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,13 USD (+0,25%), lên 52,49 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,57 USD (+1,04%), lên 55,32 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index lao dốc về gần 1.130 điểm

Sau phiên sáng 'thê lương', nhà đầu tư bước vào phiên chiều với tâm lý ít có hy vọng khi thanh khoản đã vượt mốc “chịu đựng” của HOSE từ lâu. Mặc dù vậy, một số lệnh mua bắt đáy đã chen chân vào khớp lệnh được, kéo một số bluechip hãm bớt đà giảm, VN-Index lên trên 1.130 điểm và đi ngang cho kết khi đóng cửa.

"Chứng trường khốc liệt" được tô đậm thêm trong một nền màu ảm đạm khi hệ thống giao dịch lại ngẫu hứng bất tận. Bắt đầu tư phiên ngày mai, mỗi nhà đầu tư lại phải xác định lại chiến lược của mình.

Rổ VN30 mất từ 3 đến 5% có VJC, SAB, SBT, VCB, VHM, MSN, VNM, trong khi nhóm MWG, KDH, PLX, PNJ, EIB, GAS, TCB, FPT, HPG mất từ 5% đến 6,7%. Còn lại, STB, MBB, SSI, TCH, BID, CTG, HDB, VPB vẫn tiếp tục nằm ở mức giá sàn.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 4,28 triệu đơn vị. Tuy nhiên, tổng giá trị là mua ròng 126,89 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 19/1: VN-Index giảm 60,94 điểm (-5,11%), xuống 1.131 điểm; HNX-Index giảm 6,48 điểm (-2,81%), xuống 224,02 điểm; UpCoM-Index giảm 2,4 điểm (-3,05%), xuống 76,15 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall nghỉ giao dịch trong ngày thứ Hai (18/1) nhân ngày sinh nhật Martin Luther King.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản hồi phục nhờ lực mua bắt đáy sau khi giảm mạnh hai phiên liên tiếp, với các nhà sản xuất ô tô và các công ty liên quan đến chất bán dẫn tăng mạnh.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,39% lên 28.633,46 điểm. Chỉ số Topix nhích 0,56% lên 1.855,84 điểm.

Nhóm các cổ phiếu liên quan đến chip tăng tốt nhất với với Rohm Co tăng 4,51%, TDK tăng 2,76%, Tokyo Electron tăng 2,11% và Advantest tăng 4,22%.

Các hãng ô tô cũng vọt lên với Mazda Motor tăng 5,5%, Nissan Motor tăng 3,91%, Suzuki Motor tăng 3,89%. Trong khi Toyota tăng 0,94% và Honda Motor tăng 1,69%.

Cổ phiếu lớn Fast Retailing tăng 3,06%, sau khi một báo cáo cho thấy, nhà điều hành chuỗi quần áo Uniqlo này sẽ thêm chức năng thanh toán vào ứng dụng điện thoại thông minh.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi sự gia tăng các trường hợp nhiễm mới Covid-19 ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,83% xuống 3.566,38 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,47% xuống 5.437,52 điểm.

Trung Quốc đang chống chọi với đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất kể từ tháng 3 năm 2020, với một tỉnh ghi nhận số ca bệnh tăng kỷ lục trong một ngày.

Chứng khoán Hồng Kông tăng vọt, nhờ lực cầu ổn định và mạnh mẽ từ các nhà đầu tư ở Trung Quốc Đại lục.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 2,7%, lên 29.642,28 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,37% lên 11.734,33 điểm.

Thị trường tăng vọt chủ yếu là do thanh khoản từ Đại lục với 26,1 tỷ nhân dân tệ được đổ vào (4,02 tỷ USD), Giám đốc điều hành tại UOB Kay Hian có trụ sở tại Hồng Kông cho biết.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng mạnh trở lại, được thúc đẩy bởi đà hồi phục của hai cổ phiếu lớn Samsung Electronics và Hyundai Motor.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 2,61%, lên 3.092,66 điểm.

Nhóm cổ phiếu ô tô đã tăng tới 11,2%, trong đó dẫn đầu nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Hyundai Motor tăng 8,5%.

Gã khổng lồ chip Samsung Electronics cũng tăng 3,5%, phục hồi sau mức giảm mạnh nhất trong 5 tháng vào hôm qua sau khi lãnh đạo tập đoàn của họ bị kết án 30 tháng tù.

Kết thúc phiên 19/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 391,25 điểm (+1,39%), lên 28.633,46 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 29,84 điểm (-0,83%), xuống 3.566,38 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 779,51 điểm (+2,70%), lên 29,642,28 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 78,73 điểm (+2,61%), lên 3.092,66 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng bao nợ xấu

Các khoản nợ tái cơ cấu, giãn thời gian trả nợ cho khách hàng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN đều được các ngân hàng mạnh tay trích dự phòng rủi ro bao nợ xấu..>> Chi tiết

- Không có chuyện siết dòng tiền vào chứng khoán

Đây là khẳng định của ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại cuộc gặp gỡ báo chí sáng nay 19/1..>> Chi tiết

- Giải mã phiên giảm điểm sốc sáng nay và hành động cần có của nhà đầu tư

3 phiên liên tục VN-Index không chinh phục được mức 1.200 điểm đã làm nản lòng nhà đầu tư, nhưng mức điều chỉnh mạnh trong phiên sáng nay (19/1) nằm ngoài dự đoán. Hành động của nhà đầu tư lúc này là không nên hoảng loạn, chờ đợi nhịp hồi để bình tĩnh xử lý danh mục..>> Chi tiết

- ECB có thể chưa thay đổi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng

Hội đồng điều hành gồm 25 thành viên của ECB có thể sẽ không thay đổi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng sau khi quyết định bơm thêm tiền kích thích nền kinh tế Eurozone..>> Chi tiết

Tin bài liên quan