Lợi nhuận năm 2020 của Vietcombank không tăng trưởng một phần do Ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro
Giảm lợi nhuận
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, với dư nợ gần 335.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 600.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số từ ngày 23/1 đến nay đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 400.000 khách hàng.
Mặc dù không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 01/2020/TT-NHNN, nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho hơn 168.000 khách hàng, với dư nợ 4.187 tỷ đồng, cho vay mới trên 2 triệu khách hàng với số tiền 73.919 tỷ đồng.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, Ngân hàng đã hỗ trợ 3.700 tỷ đồng cho doanh nghiệp và người dân ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, năm 2020, lãi trước thuế của ngân hàng này ước tương đương năm 2019, đạt 23.000 tỷ đồng. Đây cũng là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam có lợi nhuận xấp xỉ 1 tỷ USD.
Vietcombank được đánh giá là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt nhất trong các ngân hàng lớn với mức tăng trưởng tín dụng tới 14%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống, chủ yếu tăng mạnh trong những tháng cuối năm do yếu tố mùa vụ. “2020 là năm kỷ lục giảm lãi suất của Vietcombank với 5 lần giảm lãi suất trong năm, số tiền giảm là 3.700 tỷ đồng”, ông Thành cho biết.
Trong khi đó, BIDV là ngân hàng duy nhất trong “Big 4” ghi nhận lợi nhuận sụt giảm, với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 9.017 tỷ đồng, giảm khoảng 16% so với năm 2019; lợi nhuận riêng lẻ đạt 8.515 tỷ đồng, giảm 17,3%. Lãnh đạo BIDV cho hay, sở dĩ lợi nhuận sụt giảm là do Ngân hàng chủ động giảm thu nhập hơn 6.400 tỷ đồng để cơ cấu nợ, hạ lãi suất và miễn giãm lãi, phí, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân theo chỉ đạo của NHNN.
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết: “Năm 2020, VietinBank đã cắt giảm gần 5.000 tỷ đồng lợi nhuận từ việc giảm lãi suất cho vay, phí, thoái lãi để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19. VietinBank chủ động điều hành tín dụng tập trung vào các ngành, lĩnh vực được Chính phủ, NHNN khuyến khích phát triển, đồng hành cùng các ngành, các địa phương để thúc đẩy kinh tế vùng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Tăng dự phòng
Sở dĩ lợi nhuận năm 2020 của Vietcombank không tăng trưởng, ngoài lý do giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng, còn do ngân hàng này mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro. Năm 2020 là năm quỹ dự phòng rủi ro của Ngân hàng tăng lên mức kỷ lục - 19.344 tỷ đồng. Việc đẩy mạnh trích lập khiến tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng của Vietcombank đạt mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng (xấp xỉ 377%).
Báo cáo của Vietcombank cho thấy, đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu được Ngân hàng kéo xuống mức thấp nhất trong lịch sử - 0,61% trên tổng dư nợ. “Đây là tỷ lệ nợ xấu lý tưởng trong bối cảnh hiện nay”, ông Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh.
Tổng giám đốc OCB, ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, dư nợ sau tái cơ cấu của ngân hàng này giảm khoảng 1.000 tỷ đồng trên dư nợ 90.000 tỷ đồng (hết 31/12/2020). Nhiều khách hàng được cơ cấu lại nợ đang hồi phục tốt. “Có những khách hàng đề nghị được cơ cấu lại nợ, nhưng OCB không đồng ý và chuyển nợ xấu luôn, vì chúng tôi đánh giá nguyên nhân nợ không đến từ Covid-19, mà đến từ quản lý kinh doanh. Điều này dẫn đến trong năm 2020 có những thời điểm tỷ lệ nợ xấu tăng rất nhanh, đến 2,8%”, ông Tùng nói.
Cũng theo Tổng giám đốc OCB, quỹ dự phòng của Ngân hàng đã tăng lên đáng kể. Lũy kế 9 tháng đầu năm, do tăng mạnh dự phòng thêm hơn 1.900 tỷ đồng, lợi nhuận riêng lẻ của OCB đạt 35,5 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất gần 114 tỷ đồng...
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, các tổ chức tín dụng tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới phục hồi sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Cùng với đó, tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng.