Giải mã phiên giảm điểm sốc sáng nay và hành động cần có của nhà đầu tư

Giải mã phiên giảm điểm sốc sáng nay và hành động cần có của nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) 3 phiên liên tục VN-Index không chinh phục được mức 1.200 điểm đã làm nản lòng nhà đầu tư, nhưng mức điều chỉnh mạnh trong phiên sáng nay (19/1) nằm ngoài dự đoán. Hành động của nhà đầu tư lúc này là không nên hoảng loạn, chờ đợi nhịp hồi để bình tĩnh xử lý danh mục.

Giảm mạnh vì sao?

Những tài khoản đang có mức lãi quanh 10% có thể đã mất lãi chỉ trong phiên sáng nay khi hiện tượng giảm sàn la liệt, hầu hết các cổ phiếu nhuộm trong sắc đỏ.

Theo bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), dù lực bán ra mạnh, nhưng lực cầu hấp thụ cũng mạnh, hơn 16.000 tỷ đồng chỉ trong phiên sáng. Tuy nhiên, thị trường cần phải điều chỉnh, khi mà 3 phiên tục trước đó không chinh phục được mốc 1.200 điểm, làm nản lòng nhà đầu tư.

Phiên sáng nay (19/1) điều chỉnh mạnh là ngoài dự đoán, ngoài yếu tố kỹ thuật còn có tâm lý của đa số nhà đầu tư sợ có tình trạng "nghẽn lệnh" giao dịch nên dồn lệnh bán mạnh trong phiên.

Nếu phiên ngày mai (20/1) còn giảm mạnh, thị trường sẽ đối diện áp lực Force sell, nhưng nếu lực cầu còn mạnh thì áp lực bán cắt lỗ sẽ đỡ hơn.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận, ở thời điểm hiện nay, không có thông tin tầm vĩ mô, hay thông tin đột biến gì (như dịch bệnh Covid 19-PV) tác động mạnh tới thị trường.

Có thể lý giải sự giảm mạnh của phiên sáng nay cộng hưởng từ 2 vấn đề là sự dùng giằng không thể vượt qua mốc 1.200 ở các phiên trước. Tiếp theo là lượng đòn bẩy hiện cao và tâm lý lo sợ “nghẽn lệnh” như trước đó.

Về đòn bẩy, theo ông Minh, mặt bằng chung là đang cao ở nhiều công ty chứng khoán, dù các công ty này vẫn có các kế hoạch để xử lý nguồn vốn.

Về giao dịch, trong phiên sáng nay, có thời điểm nhà đầu tư không thực hiện lệnh được, bảng điện không thể hiện được mức giá kịp thì thông thường các nhà đầu tư sẽ đặt lệnh bán MP (lệnh bán bằng mọi giá). Cộng hưởng các yếu tố khiến thị trường xuất hiện mức độ bán tháo tăng mạnh, hầu hết cổ phiếu giảm sàn bất chấp thông tin về cổ phiếu đang tốt hay xấu.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc CTCK Kiến thiết Việt Nam (VNCS) nhìn nhận, thị trường giảm nhiều sẽ có áp lực margin.

Theo ông Ngọc, phiên sáng nay, do điểm số đang ở vùng cao, lại giảm kịch biên độ làm tổng số điểm giảm trong phiên lớn nhất trong lịch sử. Diễn biến này không quá bất ngờ vì thị trường lên nhiều, khá lâu, thanh khoản tích lũy lớn, margin cũng cao nên chỉ cần một tín hiệu nhỏ (chẳng hạn lực bán gia tăng) thì sẽ giảm. Số đông đang bán ra thể hiện rõ ở áp lực bán trên thị trường và tổng giá trị khớp lệnh sáng nay.

Ông Ngọc đánh giá, dòng tiền trên thị trường là lớn, nhưng cung đã lớn hẳn lên, hiện đang lấn áp và chiếm ưu thế nên tạo các phiên thanh khoản lớn. Trong cả xu hướng đi lên, thanh khoản lớn mà có phiên giảm sâu thì thường là dấu hiệu tạo đỉnh ngắn hạn nên khả năng các phiên sau có thể giảm tiếp, trước khi thành lập điểm cân bằng mới. Ở đây có thể vùng 1.100 điểm hoặc 1.050 điểm chẳng hạn.

“Tôi cho rằng, thị trường đang đi tìm điểm cân bẳng mới nên phải điều chỉnh. Hôm nay hội tụ nhiều yếu tố liên quan đến giá trị, điểm số, biên độ giảm điểm, áp lực cung lớn…tạo ra phiên giảm lớn. Đây có thể là tín hiệu kết thúc của chu kỳ tăng giá ngắn hạn, tìm điểm cân bằng xong có lên tiếp và vượt 1.200 điểm hay chưa thì chưa bàn”, ông Ngọc nói.

Nhà đầu tư nên làm gì?

Nhà đầu tư nên cẩn trọng hơn, có thể giảm tỷ trọng cổ phiếu để giảm rủi ro khi thị trường có thể giảm thêm. Hoàn toàn có thể chờ thị trường tìm được điểm cân bằng mới để xem xét giải ngân trở lại, là tư vấn được đưa ra bởi ông Ngọc.

Nếu xem đây là cơ hội thì đúng là cơ hội, sắp tới báo cáo quý 4 có thể vực dậy sớm thị trường hơn.

Tương tự, bà Quỳnh đưa ra khuyến nghị ở thị trường hiện tại, nhà đầu tư không dùng margin thì vẫn còn có thể chờ đợi được cơ hội tốt hơn, còn nhà đầu tư sử dụng margin thì chỉ cần phiên này và phiên mai nếu giảm nữa thì có thể đối diện áp lực Force-sell marign. Thị trường vẫn có thể giảm thêm 1-2 phiên nữa.

Tuy nhiên, điểm tích cực là lực cầu còn mạnh, và chưa có kênh đầu tư nào hấp dẫn hơn chứng khoán ở thời điểm hiện nay nên đây vẫn là kênh được ưu tiên. Ngoài ra, quý 1 thường là giai đoạn chỉ số VN-Index có biến động tích cực nhất trong năm với xác suất tăng điểm cao nhất, hiện mới chỉ đầu quý 1, nên chưa quá lo ngại.

Bà Quỳnh đánh giá, năm 2021 vẫn dự báo sẽ chinh phục được đỉnh 1.200 điểm, vì các yếu tố hội tụ đã có đầy đủ, từ số lượng nhà đầu tư, thanh khoản thị trường, giá trị giao dịch,… Yếu tố quan trọng không kém đang được thị trường kỳ vọng là hệ thống giao dịch mới có thể sớm đi vào vận hành sẽ hóa giải được tình trạng "nghẽn lệnh" như vừa qua sẽ giúp giảm tâm lý e ngại của nhà đầu tư về vấn đề lúc muốn bán lại không bán được.

Đồng tình quan điểm ông Minh cho rằng, quan trọng nhất lúc này là quản trị rủi ro. Hiện danh mục chung của nhiều nhà đầu tư chưa quá ảnh hưởng do giá vốn thấp, theo đó nên tạm thời không hoảng loạn trong hôm nay. Các phiên giảm sâu thì dễ xuất hiện các đợt hồi phục ngay sau đó, khi đó xử lý dễ hơn, thay vì nhà đầu tư mất bình tĩnh xử lý ngay trong lúc bán tháo.

“Nếu xem đây là cơ hội thì đúng là cơ hội, sắp tới báo cáo quý 4 có thể vực dậy sớm thị trường hơn. Do đó, nhà đầu tư chờ thêm tình hình ổn định lại của hệ thống trong chiều nay – hoặc sáng mai thì nhà đầu tư đang lỗ ở vị thế mới có thể mua bình quân để giảm giá vốn xuống’, ông Minh đưa ra khuyến nghị.

Ngoài ra, ông Minh cho rằng, bản chất thị trường giảm mạnh không phải do yếu tố xấu đột biến vĩ mô nào, chỉ là yếu tố tâm lý và tình hình margin căng thì phản ứng tâm lý thông thường. Mà trong lịch sử sử thì phản ứng tâm lý thường qua nhanh, điều chỉnh sẽ không kéo dài.

Tin bài liên quan