STK: Giá mục tiêu 12 tháng là 27.700 đồng/CP
CTCK MB (MBS)
Chúng tôi khuyến nghị phù hợp với thị trường đối với cổ phiếu STK của CTCP Sợi Thế Kỷ với mức giá mục tiêu 12 tháng 27.700 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 5,5% so với mức giá 29.300 ngày 04/04/2016 do lo ngại về nhu cầu sợi chưa thực sự tăng mạnh và khả năng bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất sợi tại Trung Quốc.
Ngoài ra, việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành điều tra chống bán phá giá đối vơi sợi nhập khẩu từ Việt Nam cũng ảnh hưởng đến nhu cầu sợi từ thị trường này.
Chúng tôi ước tính kết quả đạt được trong năm 2016 của STK khoảng 1.500 tỷ đồng doanh thu và 113 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. EPS 2016 ước đạt 2.212 đồng.
HSG: Có thể xem xét mua vào khi giá về vùng 36-36.5
CTCK KIS Việt Nam (KIS)
Giá HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen đã bứt phá qua khỏi vùng đỉnh xác lập vào tháng 10/2015, ở quanh vùng 36-36.5, sau gần ba tuần tích lũy quanh vùng giá này. Khối lượng giao dịch cũng có diễn biến tích cực trong giai đoạn tích lũy và trong phiên phá vỡ vùng kháng cự.
Trước đó, giá HSG cũng đã phá vỡ đường xu hướng giảm trung hạn bắt đầu từ 03/2014, cùng với sự ủng hộ của khối lượng giao dịch. Tuy nhiên, do sắp chạm đến vùng 37.5-38.5, vùng trùng với mức đỉnh xác lập vào 07/2015 và ngưỡng Fibonacci Extension 100% của nhịp sóng tăng từ 04 đến tháng 07/2015, nên giá HSG có khả năng sẽ có sự điều chỉnh tích lũy ở quanh vùng này.
Nếu vượt qua được vùng 37.5-38.5, đồng thời với việc duy trì ở mức tích cực của khối lượng giao dịch (trên 700,000 cổ phiếu/phiên), giá HSG có thể tiến lên test lại vùng 43-44, vùng đỉnh xác lập vào 03/2014.
Do có khả năng sẽ xuất hiện diễn biến điều chỉnh tích lũy khi giá HSG chạm đến vùng 37.5-38.5, vì vậy, nhà đầu tư ngắn hạn có thể chờ đợi giá HSG điều chỉnh về vùng 36-36.5 để xem xét mua vào (ngưỡng cắt lỗ đặt tại 34.5). Trong trường hợp giá không điều chỉnh, nhà đầu tư có thể mua vào khi giá HSG phá vỡ ngưỡng 38.5 (ngưỡng cắt lỗ đặt tại 36). Vùng giá kỳ vọng là 43-44.
BCC: Cân nhắc mua vào tại vùng giá 15.500 đồng/Cp
CTCK BIDV (BSC)
Quý I/2016, sản lượng tiêu thụ CTCP Xi măng Bỉm Sơn (mã BCC) đạt khoảng 920.000 tấn xi măng (tăng 12 – 15% so với cùng kỳ) và hơn 100.000 tấn clinker. Tình hình tiêu thụ tích cực hơn so với năm trước. Do giá bán xi măng có giảm 30.000 đồng/tấn (ở một số loại mặt hàng) nên doanh thu đạt khoảng 990 – 1,000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế core (chưa tính chênh lệch tỷ giá) đạt 58 – 59 tỷ đồng, tăng 6% cùng kỳ.
Hiện dư nợ dài hạn của BCC còn khoảng 28,61 triệu EUR, nếu tạm tính theo tỷ giá bán VND/EUR của VCB, thì lỗ tỷ giá trong Q1 ước khoảng 20 tỷ đồng. Năm 2015, BCC đã trả nợ EUR 3 kỳ thay vì 2 kỳ như thường lệ (mỗi kỳ trả 9 triệu EUR), do đó, BCC không phải trả nợ kỳ tháng 3/2016, giúp giảm áp lực tỷ giá trong ngắn hạn.
Kế hoạch đầu tư dây chuyền nghiền xi măng đến đóng bao: dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ, trong đó 75% là vốn vay và 25% là vốn tự có. Hiện tại doanh nghiệp đã giải tỏa xong mặt bằng để thi công dự án, và chưa đưa ra kế hoạch vốn vay cụ thể.
BCC đang trình Vicem kế hoạch trả cổ tức cho năm 2015 và 2016. Dự kiến cổ tức 2015 là 15% bằng cổ phiếu và cổ tức 2016 là 10% có thể bằng tiền mặt.
BCC đang tích lũy và được hỗ trợ tại ngưỡng hỗ trợ 15.5 kể từ tháng 3/2016. Chỉ báo xung lượng RSI đang ở vùng trung tính, đồng thời khối lượng giao dịch đang ở mức thấp nên áp lực bán mạnh sẽ không xuất hiện.
Nhà đầu tư cân nhắc mua vào tại vùng hỗ trợ 15.5, dừng lỗ nếu BCC thủng 15 với khối lượng lớn.
NKG: Cân nhắc mua tại vùng giá 11.800 đồng/Cp
CTCK BIDV (BSC)
Tổng doanh thu quý I/2016 của CTCP Thép Nam Kim (mã NKG) đạt khoảng 1.600 tỷ đồng, tăng 36% cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 50 tỷ đồng (gấp 2,44 lần cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh cải thiện tích cực do sự tăng trưởng của hoạt động xây dựng trong nước cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng, tổng sản lượng tiêu thụ quý I/2016 của NKG đạt gần 121 nghìn tấn, tăng 77% cùng kỳ, trong đó tiêu thụ tôn mạ đạt 89 nghìn tấn, tăng 70% cùng kỳ và mặt hàng thép đạt khoảng 32 nghìn tấn (gấp 2 lần cùng kỳ 2015).
Tỷ trọng sản lượng xuất khẩu của NKG hiện là 50% tổng sản lượng tiêu thụ; trong đó Malaysia và Thái Lan đang chiếm khoảng 20%, Indonesia (50 – 60%) còn lại là các thị trường khác. Đáng chú ý, với thị trường Malaysia, NKG được hưởng mức thuế nhập khẩu 0%, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam còn lại chịu mức thuế trên 13%. Bên cạnh đó, NKG cũng đã phát triển thị trường tại Mỹ, Mexico và một số nước châu Phi, tỷ trọng xuất khẩu vào nhóm nước này chiếm khoảng 23% tổng sản lượng xuất khẩu hằng tháng. Do biên lợi nhuận xuất khẩu sang châu Mỹ tốt hơn xuất khẩu vào nhóm nước châu Á, nên NKG sẽ tăng tỷ trọng khi nhà máy Nam Kim 3 đi vào hoạt động.
Tăng sản lượng tiêu thụ khi Nhà máy Nam Kim 3 – Giai đoạn 1 đi vào hoạt động trong năm 2016. Dự án gồm 1 dây chuyền mạ kẽm / mạ lạnh công suất 300.000 tấn/năm (đi vào hoạt động tháng 8-tháng 9/2016) và 1 dây chuyền mạ kẽm công suất 120.000 tấn/năm (đi vào hoạt động tháng 11-12/2016). Dự kiến biên lợi nhuận sẽ tiếp tục cải thiện khi dây chuyền tôn mạ lạnh đi vào hoạt động do là dòng sản phẩm có biên lợi nhuận cao nhất, hiện tại NKG đang có 2 dây chuyền mạ lạnh, tổng công suất 250.000 tấn/năm.
NKG đang điều chỉnh kỹ thuật từ đỉnh 13.3 và được hỗ trợ tại vùng 11.8 – 12.2, tương ứng ngưỡng 50% và 61.8% của Fibonacci Retracement 10.2 – 14.4.
Nhà đầu tư cân nhắc mua vào tại vùng hỗ trợ 11.8, giá mục tiêu 13.3, dừng lỗ nếu NKG thủng ngưỡng 11.5 với khối lượng lớn.
GMD: Khuyến nghị mua vào với mục tiêu 1 năm
CTCK BIDV (BSC)
CTCP Gemadept (mã GMD) là một trong số ít công ty sở hữu khối tài sản lớn trong hầu hết các khâu trong chuỗi logistics, bao gồm cảng và kho bãi có vị trí thuận lợi, kết quả kinh doanh tăng trưởng nhanh và thanh khoản tốt.
Kết quả kinh doanh 2016 dự báo tăng trưởng nhanh nhờ: (1) Ngành logistics và cảng biển hưởng lợi từ các hiệp định FTAs, TPP đã ký kết. (2) Cảng Nam Hải Đình Vũ tiếp tục tăng trưởng sản lượng khai thác nhờ nằm tại vị trí thuận lợi và tăng trưởng nhanh lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua khu vực Hải Phòng. (3) Các kho DC vừa đưa vào hoạt động năm 2015 và kho lạnh quý 3/2016 kỳ vọng tăng tỷ lệ lấp đầy trong năm 2016 nhờ tăng trưởng nhu cầu kho bãi của nền kinh tế và các khách hàng chính. (4) Thoái vốn các dự án bất động sản tạo dòng tiền tập trung cho các hoạt động kinh doanh cốt lõi
Tiềm năng tăng trưởng dài hạn. (1) Cảng Gemalink nằm tại vị trí thuận lợi trong khu vực Cái Mép, lưu lượng qua khu vực kỳ vọng tăng nhanh nhờ nâng cấp hệ thống đường bộ phụ trợ và chính sách của thành phố Hồ Chí Minh. (2) Bắt đầu thu hoạch rừng cao su từ năm 2017.
Tuy nhiên, rủi ro pha loãng cổ phiếu từ trái phiếu chuyển đổi với Vietnam Investment Fund II VIG.
Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu GMD với giá mục tiêu 1 năm là 45,755 đồng/ cổ phiếu, upside 18.23% so với mức giá giao dịch tại ngày 6/4/2016 ở mức 38,700 đồng/ cổ phiếu dựa trên phương pháp bội số giá. Năm 2016, GMD ước đạt EPS là 3,910 đồng/ cổ phiếu, P/E fw đạt 9.89x .
>> Tải báo cáo