Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/4

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/4

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 4/4 của các công ty chứng khoán.

GDT: Khuyến nghị trung lập

CTCK Bảo Việt (BVSC)

CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành (mã GDT) với các điểm nhấn đầu tư chính như Quản trị doanh nghiệp tốt và công bố thông tin minh bạch; Cơ cấu tài chính lành mạnh, có ít vốn vay; Hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển đơn hàng ra khỏi Trung Quốc.

Bên cạnh đó, GDT là doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu và kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực gia công và xuất khẩu đồ gỗ, đặc biệt là đồ nhà bếp và gia dụng. Đồng thời, Công ty có lịch sử trả cổ tức tiền mặt đều đặn 25-30%/năm, tương ứng với suất cổ tức 7%/năm.

Vì vậy, BVSC vẫn duy trì quan điểm GDT là một cổ phiếu thích hợp để đầu tư giá trị và nắm giữ lâu dài với mức giá mục tiêu 47.300 đồng/cp.

Tuy nhiên, ở mức thị giá hiện tại, chúng tôi chỉ đưa ra khuyến nghị NEUTRAL và khuyến cáo tiếp tục theo dõi và tích luỹ ở vùng giá 40.000 đồng/cp hoặc thấp hơn. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý yếu tố thanh khoản thấp của cổ phiếu GDT khi khối lượng giao dịch bình quân 10 phiên gần nhất chỉ ở mức 4.709 đơn vị.

VSC: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Maritime (MSI)

Năm 2016 dự báo sẽ là một năm khó khăn của CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (mã VSC). Nguyên nhân do (1) Giá dịch vụ bốc dỡ tại các cảng dự báo sẽ giảm do khó khăn của các hãng vận tải biển thế giới; (2) Mảng container lạnh dự báo sẽ giảm sút, không còn đột biến như trong năm 2015 do chính sách biên mậu của Trung Quốc ổn định; (3) Phí đường bộ trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng tăng khoảng 50% đối với quốc lộ 5 và 25% đối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Bên cạnh đó, Cảng Vip Green Port dự kiến sẽ lỗ 50 tỷ đồng trong năm 2016 và có thể sẽ tiếp tục lỗ trong 2 năm tiếp theo (2017, 2018) do chi phí vận hành, chi phí khấu hao và chi phí lãi vay để đầu tư cao. Dự kiến đến năm 2019, CTCP Vip Green Port - Công ty con của VSC mới có lãi.

Ngoài ra, Công ty sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn cảng Lạch Huyện đi vào hoạt động vào cuối năm 2017, với công suất thiết kế 1.000.000 TEUs, cao gấp đôi so với công suất hoạt động của Cảng Vip Green Port.

Thêm vào đó, việc khởi công xây dựng Cầu Bạch Đằng nối Hải Phòng và Quảng Ninh khiến cho các tàu lo ngại đi vào trong khu vực sông Cấm. Các chủ tàu chuyển hướng tập trung vào các cảng khu vực ngoài sông Cấm như Cảng Đình Vũ và Nam Hải Đình Vũ. Do vậy cảng Green Port - cảng đóng góp doanh thu chủ đạo hiện tại của VSC có thể bị ảnh hưởng đáng kể.

Mặt khác, VSC có lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp trong ngành cảng biển. Lượng khách hàng của Công ty đa phần là khách hàng truyền thống và lâu năm mà không quá tốn kém chi phí marketing hay chào hàng. Cộng với thế mạnh về lĩnh vực kinh doanh khép kín đáp ứng được đa dạng nhu cầu của khách hàng. Do vậy, khi cảng Vip Green Port đi vào hoạt động sẽ hút được một phần lượng khách hàng truyền thống từ Green Port và lượng khách mới trong tương lai (đặc biệt là các tàu tải trọng lớn hơn).

Vì vậy, chúng tôi đưa ra khuyến nghị GIỮ đối với cổ phiếu VSC do mức giá cổ phiếu hiện tại đã phản ánh hết giá trị hợp lý của cổ phiếu.

VSC: Đánh giá cao triển vọng trong dài hạn

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi đánh giá cao triển vọng dài hạn của VSC nhờ triển vọng tăng trưởng tại cảng VIP – Green port. Chúng tôi kỳ vọng Cảng sẽ thực sự hoạt động hiệu quả từ năm 2017 trở đi, hỗ trợ cho sự tăng trưởng lợi nhuận của VSC. Chúng tôi dự phóng lợi nhuận sau thuế của VSC trong năm 2016 đạt mức 260 tỷ đồng, tương đương EPS 6.280 đồng.

FPT: Khuyến nghị mua trung và dài hạn

CTCK BIDV (BSC)

Năm 2016, CTCP FPT (mã FPT) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 3.151 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm trước, ước tính lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông FPT đạt 2.121 tỷ đồng, tương đương EPS đạt 4.965 đồng (chúng tôi lưu ý, kế hoạch đặt ra chưa tính trường hợp thoái vốn tại khối phân phối bán lẻ).

Hiện FPT đã giảm xuống sâu hơn ngưỡng hỗ trợ 47.6, xu hướng Giảm ngắn hạn đã được thể hiện. Chỉ báo xung lượng RSI đang giảm gần về ngưỡng quá bán, cho thấy nhịp phục hồi kĩ thuật có thể sớm xuất hiện trở lại. Nhà đầu tư canh mua FPT tại vùng 46.3. Giá cắt lỗ 44, giá mục tiêu 51.3.

Vì vậy chúng tôi cho rằng, cổ phiếu FPT là cơ hội đầu tư hấp dẫn trong năm 2016 do kỳ vọng từ việc thoái vốn thành công khối Phân phối Bán lẻ, dòng tiền thu về sẽ được sử dụng cho việc M&A phát triển mảng công nghệ thông tin và mua lại cổ phiếu của FPT Telecom khi SCIC thực hiện thoái vốn. BSC vẫn duy trì quan điểm Mua trung và dài hạn cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 56.186 đồng như trong báo cáo Triển vọng Ngành 2016. Ngày 31/03/2016, cổ phiếu FPT được giao dịch với giá 47.100 đồng, PE FW = 9,49x.

NLG: Giá mục tiêu mới 26.200 đồng/CP

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Trong năm 2015, doanh thu thuần của CTCP Đầu tư Nam Long (mã NLG) đạt 1.258 tỷ đồng, tăng 45,1% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng gấp đôi lên mức 206 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu thuần thực tế năm 2015 không hoàn thành kế hoạch và biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ, lợi nhuận ròng đã vượt 15,2% so với kế hoạch nhờ khoản mục lợi nhuận đột biến 111 tỷ đồng từ việc hoàn nhập khoản dự phòng phải trả liên quan đến dự án Phước Long B.

Trong năm 2016, công ty dự tính sẽ bán khoảng 3.200 căn hộ và đạt khoảng 3.000 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 138% so với năm trước. NLG dự kiến sẽ bán hết các căn hộ còn lại của hai dự án Ehome 3 (còn khoảng 26-27% trong tổng số 2.200 căn hộ) và Ehome 4 (còn khoảng 8-9% trong tổng số 1.308 căn hộ và 13-14% trong tổng số 536 nhà phố) trong năm 2016. Với triển vọng tươi sáng hiện tại của thị trường bất động sản, NLG dự kiến sẽ đạt lợi nhuận ròng là 681 tỷ trong năm 2017 và tăng lên 833 tỷ trong năm 2018.

Với tiến độ bán hàng và bàn giao của các dự án hiện tại cũng như các dự án trong tương lai, chúng tôi tin rằng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của NLG có thể đạt mức cao trong vòng ba năm tới. Đối với năm 2016, chúng tôi dự phóng doanh thu thuần sẽ tăng gấp đôi lên mức 2.905 tỷ đồng và lợi nhuận ròng sẽ đạt 330 tỷ đồng, tăng trưởng 60% theo năm. Theo đó, chúng tôi duy trì khuyến nghị cổ phiếu là Thị trường định giá thấp và cập nhật giá mục tiêu mới là 26.200 đồng/cổ phiếu đối với cổ phiếu NLG, cao hơn 19,6% so với giá đóng cửa ngày 01/4/2016 là 21.9000 đồng/cổ phiếu.

VHC: Khuyến nghị mua vào

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

VPBS đã có buổi gặp mặt với ban lãnh đạo CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) để trao đổi về tình hình hoạt động kinh doanh 2015 và kế hoạch năm 2016. Lợi nhuận thuần hợp nhất sau kiểm toán năm 2015 của VHC tăng 3,2% so với năm trước, đạt 6.494 tỷ đồng, hoàn thành 89,4% so với kế hoạch năm 2015 của ban quản trị, chủ yếu đến từ giá trị xuất khẩu giảm tại thị trường Châu Âu. Lợi nhuận ròng trong năm 2015 đạt 323 tỷ đồng, giảm 26,4% so với năm ngoái và hoàn thành 100,8% kế hoạch lợi nhuận ròng trong năm của ban quản trị.

Trong năm 2016, VHC đặt kế hoạch doanh thu đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm 2015 nhờ vào sản lượng tiêu thụ và giá xuất khẩu tăng, trong đó 7.000 tỷ đồng từ doanh thu bán cá tra và 500 tỷ đồng từ các sản phẩm liên quan khác. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận ròng năm 2016 chỉ đạt 320 tỷ đồng, không đổi so với năm 2015.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 12 tháng là 43.200 đồng/cổ phiếu.

MSN: Khuyến nghị mua vào

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Đối với năm 2016, CTCP Tập đoàn Masan (MSN – sàn HOSE) đặt kế hoạch doanh thu từ 42.000 tỷ đồng đến 45.000 tỷ đồng, tăng từ 37% đến 47% so với năm trước và từ 1.900 tỷ đồng đến 2.000 tỷ đồng đối với lợi nhuận ròng, tăng trưởng từ 29% đến 35%. Trong đó, tiềm năng tăng trưởng sẽ đến từ doanh thu của mảng 3F (Farm-Feed-Food) và việc cải thiện biên lợi nhuận của mảng thực phẩm và đồ uống, giống với những nhận định của chúng tôi trong báo cáo cập nhật mới nhất.

Tin không vui trong đại hội là MSN sẽ tiếp tục không trả cổ tức cho năm nay và kèm theo là phát hành cổ phiếu ESOP với tỷ lệ 1,34% (tương ứng 10 triệu cổ phiếu) với giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, không hạn chế thời gian chuyển nhượng. Việc phát hành ESOP này sẽ làm pha loãng P/E năm 2016 xuống còn 3.170 đồng, từ mức 3.212 đồng trong định giá của chúng tôi (giảm 1,3%).

Nhìn chung, do chưa có gì cụ thể từ chiến lược “Inland ASEAN” và tỷ lệ pha loãng của ESOP không nhiều, chúng tôi giữ nguyên khuyến nghị Mua cho MSN với giá mục tiêu là 92.000 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan