Cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/4

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán lược trích phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 29/4 của một số công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/4

DRC: Khuyến nghị mua vào

(CTCK Vietcombank – VCBS)

CTCP Cao su Đà Nẵng (mã DRC) là doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất săm lốp, có các chỉ tiêu cơ bản tốt. Vốn đầu tư các dự án đều thấp hơn so với dự kiến. Mặc dù chi phí lãi vay và chi phí khấu hao tăng mạnh nhưng triển vọng năm 2014 của DRC vẫn khả quan khi giá nguyên liệu đầu vào liên tục xuống thấp, lãi suất duy trì ở mức thấp và tỷ giá tương đối ổn định, tình hình tiêu thụ sản phẩm lốp radial khả quan hơn.

DRC đặt kế hoạch năm2014 khá thận trọng với lợi nhuận trước thuế giảm 15%, chúng tôi cho rằng DRC sẽ vượt kế hoạch 13-18% đạt khoảng 480 - 500 tỷ đồng, EPS đạt khoảng 4.500 - 4.695 đồng/CP, theo đó PE forward ngày 23/4/2015 khoảng 9,16 - 9,55 lần, không quá cao đối với công ty có tiềm năng tăng trưởng. Tuy nhiên thị trường hiện nay có thể sẽ đi ngang do đó chúng tôi cho rằng nhà đầu tư xem xét mức giá hấp dẫn hơn để MUA DRC cho mục tiêu đầu tư dài hạn.

BID: Khuyến nghị nắm giữ

(CTCK Vietcombank – VCBS)

Chúng tôi đánh giá cao tiềm lực của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) với quy mô tín dụng lớn nhất thị trường và các nỗ lực cải thiện chất lượng tài sản thông qua chế độ đánh giá tín dụng khá chặt chẽ và xử lý nợ xấu bằng dự phòng ở mức cao. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng kế hoạch kinh doanh 2014 với lợi nhuận trước thuế 6.000 tỷ đồng (+16,7% so với thực hiện 2013 là tương đối thách thức.

Thêm nữa, một số rủi ro cần được cân nhắc khi đầu tư vào cổ phiếu BID (1) với đặc thù là một NH có tỷ lệ sở hữu Nhà nước lớn, BID đi đầu trong việc thực thi các định hướng chính sách về giảm lãi suất và tham gia tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng của hoạt động kinh doanh và (2) EPS sẽ bị pha loãng trong quá trình phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ. Căn cứ vào kế hoạch BID đặt ra cho 2014, EPS forward (tính trên vốn điều lệ mới) ở mức 1.550 đồng/cổ phiếu, tương ứng P/E đạt 10,1. Do đó, chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu BID.

 >> Tải báo cáo

QNS: Khuyến nghị mua vào

(CTCK APEC – APS)

Không giống như các doanh nghiệp mía đường khác, cơ cấu sản phẩm của Đường Quảng Ngãi khá đa dạng từ đường, sữa đậu nành, bia, bánh kẹo… Hai mặt hàng đường và sữa đậu nành đã đóng góp 2/3 tổng doanh thu của Công ty trong năm vừa qua.

Năm 2013, doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm 98,42% tổng doanh thu tất cả các hoạt động của QNS, đạt mức tăng trưởng so với năm 2012 là 15,14%. Trong đó, các nhóm sản phẩm chính của QNS như đường, sữa, bánh kẹo, nước giải khát và bia đều có mức tăng trưởng cao, dao động từ 10-29%.

Doanh thu của QNS tiếp tục tăng qua các năm, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân là 30%/ năm giai đoạn 2008-2013. Mặc dù doanh thu có giảm nhẹ năm 2013, tuy nhiên mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân giai đoạn 2009 – 2013 vẫn ở mức cao, đạt 66.89%/ năm.

QNS là một công ty có kế hoạch kinh doanh khá đặc biệt so với các công ty khác. Thay vì đặt kế hoạch cao hơn cho các năm tiếp theo thì QNS lại đặt ra kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Vì vậy, hầu như năm nào QNS cũng vượt nhiều lần so với kế hoạch. Chẳng hạn, kế hoạch năm 2013 của QNS là 143 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế thì thực tế công ty đạt 771 tỷ đồng, đạt 439.5% kế

hoạch đề ra. Tiếp tục đến năm 2014, QNS đặt ra kế hoạch với 130 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tuy nhiên chúng tôi dự đoán rằng lợi nhuận trước thuế của công ty năm 2014 sẽ vượt xa so với kế hoạch.

QNS có kế hoạch ESOP “lạ thường”. Những năm gần đây, QNS đều đặn thực hiện phát hành cổ phiếu ESOP và đều phát hành giá cao. Điều này thể hiện lòng tin của cán bộ công nhân viên vào ban lãnh đạo cũng như tiềm năng phát triển của công ty.

Chúng tôi dự phóng mức doanh thu và lợi nhuận năm 2014 của QNS lần lượt là 6,375.32 tỷ đồng và 669.91 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2013, và mức tăng trưởng bình quân 5 năm tiếp theo (2014 – 2018) của QNS là 20%/ năm.

* Khuyến nghị: Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư mua vào QNS với mức giá mục tiêu 98,700 đồng/cổ phiếu, thời gian nắm giữ từ 1 – 2 năm.

>> Tải báo cáo

SJS: Khuyến nghị theo dõi

(CTCK Vietcombank – VCBS)

Năm 2013, CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (mã SJS) hợp nhất đạt 631 tỷ doanh thu thuần (+11,5 lần % so với năm trước, hoàn thành 56% kế hoạch) và 71 tỷ lợi nhuận sau thuế (năm 2012 lỗ 305 tỷ, vượt 2% kế hoạch). Trong năm 2013, thu nhập của SJS chủ yếu chỉ đến từ dự án Nam An Khánh. Tính đến hết 2013, SJS đã bán hết 1/3 diện tích đất thương phẩm dành cho nhà thấp tầng và cao tầng của dự án. Năm 2014, SJS vẫn tiếp tục tập trung vào bán hàng và triển khai dự án này.

Tại ĐHCĐ, SJS đặt mục tiêu khá cao cho năm 2014 với doanh thu đạt 911 tỷ, lợi nhuận 130 tỷ, cổ tức 10% - 15%. Tổng giá trị đầu tư: 230 tỷ. Theo đó, EPS forward ước đạt 1.300 đồng/cổ. Tại mức giá 25.000 đồng/cổ phiếu ngày 25.04.2014, P/E trailing của cổ phiếu SJS đạt 35,x lần; P/E forward đạt 21,23 lần – theo chúng tôi là cao so với trung bình thị trường. Mặc dù vậy, SJS vẫn là doanh nghiệp bất động sản nhiều tiềm năng do quỹ đất sạch vẫn còn lớn, giá vốn thấp và triển vọng ngành đang dần sáng trở lại. Do đó, chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI cho cổ phiếu SJS.

Đầu tư Chứng khoán lược trích phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 28/4 của một số công ty chứng khoán. 

>> Tải báo cáo

Tin bài liên quan