Cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/7

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 23/7 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/7

IMP: Khuyến nghị mua vào

CTCP FPT (FPTS)

Chúng tôi tiến hành cập nhật mô hình định giá theo phương pháp FCFF và phương pháp so sánh P/E của CTCP Dược phẩm Imexpharm. Sau khi cập nhật lại mô hình định giá, chúng tôi tiếp tục giữ mức khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 12 tháng tới (vào tháng 7/2015) là 70.000 đ/cp. Giá mục tiêu cho thời điểm cuối năm (31/12/2014) là 66.000 đ/cp.

Chúng tôi cũng cập nhật kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 với các thông tin đáng chú ý như sau:

- Doanh thu thuần 6 tháng đạt 373 tỷ đồng (-8% so cùng kỳ năm 2013), hoàn thành 37,3% kế hoạch năm (1.000 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế đạt 55,17 tỷ đồng, hoàn thành 46% kế hoạch năm (120 tỷ đồng). Kết quả không như kỳ vọng này chủ yếu đến từ kết quả đấu thầu thuốc vào bệnh viện trong nửa đầu năm 2014 không được khả quan, chủ yếu do ảnh hưởng của Thông tư 36/37 của Bộ Y tế. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2014 đạt 43 tỷ đồng (+5% so cùng kỳ 2013), EPS 6 tháng đạt 2.623 đồng/cp.

- Về doanh thu năm 2014, chúng tôi ước tính IMP sẽ hoàn thành 94% kế hoạch doanh thu 1.000 tỷ (tương ứng khoảng 940 tỷ) do IMP tiến hành chiết khấu trực tiếp trên hóa đơn, thay vì hình thức khuyến mãi chiết khấu bằng hàng hóa như trước đây.

- Về lợi nhuận trước thuế năm 2014: Chúng tôi tin rằng IMP nhiều khả năng sẽ hoàn thành 100% kế hoạch lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng, chủ yếu do đóng góp của kênh OTC đang tăng dần về cuối năm, kết hợp với các hợp đồng sản xuất nhượng quyền cho đối tác là tập đoàn dược phẩm đa quốc gia cũng sẽ bắt đầu đóng góp vào doanh thu từ tháng 9/2014 và đóng góp từ dòng thực phẩm chức năng sắp ra mắt. 

Lợi nhuận sau thuế cả năm 2014 ước đạt 85,4 tỷ đồng (+40% so với năm 2013), tương ứng với EPS 2014 đạt 5.116 đ/cp (trước pha loãng). Ngoài ra, cổ tức bằng tiền mặt dự kiến tỷ lệ 15% cho năm 2014 sẽ được chia dựa trên số lượng cổ phiếu sau chia thưởng 2:1, đồng nghĩa với cổ tức thực nhận của nhà đầu tư là 22,5%.

- Đại diện IMP cho biết kế hoạch chia thưởng cổ phiếu tỷ lệ 2:1 sẽ sớm được thực hiện trong quý 3 năm 2014 sau khi IMP chuyển nhượng xong 300.000 cổ phiếu quỹ và tái trình bộ hồ sơ xin phép chia thưởng cổ phiếu lên UBCK. Theo ước tính của chúng tôi, đến ngày 23/7 IMP sẽ hoàn tất việc bán 210.000 cổ phiếu quỹ còn lại thông qua giao dịch thỏa thuận trên sàn. Chúng tôi dự báo ngày chốt quyền nhận cổ phiếu thưởng tỷ lệ 2:1 nhiều khả năng sẽ rơi vào nửa đầu tháng 8/2014.

Sau khi chia thưởng 2:1, IMP sẽ phát hành cổ phiếu ESOP tỷ lệ 5% và phát hành riêng lẻ 10% vốn cổ phần cho một cổ đông chiến lược trong nước. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là một đơn vị chuyên về mảng phân phối và bán lẻ dược phẩm với mạng lưới cửa hàng hiện đại, được tổ chức bài bản và địa bàn hoạt động ngày càng được mở rộng. 

Cổ đông chiến lược này một mặt sẽ giúp IMP giải quyết đầu ra cho các dòng thuốc chất lượng cao, mặt khác sẽ là trung gian đưa các hợp đồng sản xuất nhượng quyền về cho IMP nhằm gia tăng doanh số và khai thác hiệu quả hệ thống nhà máy hiện đại sẵn có.

Sau khi phát hành pha loãng cổ phiếu, room dành cho khối nước ngoài dự kiến sẽ giảm xuống còn 42,42%, khối nước ngoài có thể mua thêm 1.903.189 cổ phiếu IMP (~ 6,58%).

Ngày 8/7/2014 vừa qua, chúng tôi cũng có dịp tham quan nhà máy sản xuất kháng sinh bột tiêm Cephalosporin và Penicillin của Imexpharm tại khu công nghiệp VSIP II tỉnh Bình Dương.

Chúng tôi đánh giá đây là hai nhà máy được xếp vào hàng hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay với các tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn sạch của không khí được kiểm soát gắt gao. Đây cũng là hai nhà máy dược phẩm nội địa (không có vốn đầu tư nước ngoài) hiếm hoi hiện nay tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế như PIC/S-GMP hay EU-GMP, giúp mở ra triển vọng quay lại kênh điều trị (ETC) cho Imexpharm trong các năm sắp tới. (xem thêm).

Lãnh đạo của IMP cũng cho biết, mỗi năm doanh nghiệp sẽ trích lợi nhuận trước thuế khoảng 10 – 10,5 tỷ đồng cho công tác nghiên cứu khoa học công nghệ và sử dụng ngay trong kỳ kinh doanh, hạch toán trực tiếp vào chi phí quản lý doanh nghiệp.

>> Tải báo cáo

LCG: Khuyến nghị mua vào

CTCP APEC (APS)

LCG là công ty có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng và BĐS, tập trung vào phân khúc xây lắp hạ tầng khu đô thị, khu công nghiệp và các công trình giao thông, với thế mạnh là làm chủ công nghệ bê tông đầm lăn (RCC).

Tình hình sản xuất kinh doanh của LCG gặp khó khăn trong những năm gần đây. Lợi nhuận sau thuế âm 306 tỷ đồng trong năm 2013 chủ yếu do công ty trích lập các khoản dự phòng và ghi nhận truy thu thuế trong năm. Điểm tích cực là các khoản mục này là các khoản chi phí không lặp lại trong tương lai và nhiều khả năng công ty sẽ được hoàn nhập một số khoản dự phòng trong thời gian tới.

Năm 2014, LCG đặt kế hoạch 1.362 tỷ đồng doanh thu và 22,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Mảng xây dựng chiếm phần lớn với 89% tổng doanh thu, trong đó công trình lớn đang thực hiện là Formosa chiếm 57% doanh thu xây dựng. Mảng bất động sản chiếm 10.9% với doanh thu của dự án Skypark chiếm 88% của lĩnh vực này.

6 tháng đầu năm 2014, LCG ước đạt 545,44 tỷ đồng doanh thu và 22 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chưa bao gồm doanh thu từ lĩnh vực bất động sản. Với kết quả này, nhiều khả năng trong năm nay LCG sẽ vượt kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế dự kiến của năm 2014 tính đến thời điểm này là 36 tỷ đồng. Cùng với sự phục hồi của thị trường BĐS và việc liên tiếp trúng thầu các công trình quan trọng, kết quả kinh doanh của LCG nhiều khả năng sẽ tiếp tục được cải thiện trong các năm tới.

* Điểm yếu và rủi ro

Lợi nhuận gộp thấp cho thấy nhiều khả năng LCG bỏ giá thấp để trúng thầu các công trình xây dựng.

LCG sử dụng đòn bẩy tài chính cao và có xu hướng tăng trong các năm gần đây. Nếu việc tăng vốn không thành công, công ty có thể gặp khó khăn trong việc huy động vốn tài trợ các dự án đang triển khai.

Khuyến nghị: Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư mua vào cổ phiếu LCG với mức giá mục tiêu 14.300 đồng/cổ phiếu với tầm nhìn đầu tư 1-2 năm.

>> Tải báo cáo

DPM: Khuyến nghị trung lập

CTCK Bảo Việt (BVSC)

DPM đã công bố kết quả 6 tháng ước tính với doanh thu thuần khoảng 5.050 tỷ và lợi nhuận sau thuế 660 tỷ VNĐ. So với cùng kỳ năm 2013, doanh thu thuần giảm 17% và lợi nhuận giảm 59%, nguyên nhân chính do giá urea giảm và giá khí đầu vào tăng mạnh.

Nguồn cung trong nước dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ không cao do đã qua thời kỳ bón lúa vụ Đông xuân khiến giá phân bón trong quý II tiếp tục giảm nhẹ. Chúng tôi ước tính giá trung bình của DPM trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 7.505 VNĐ/kg, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2013.

DPM vừa ký lại hợp đồng giá khí với PVGas, theo đó giá khí đầu vào từ 1/1/2014 đến 31/12/2014 sẽ được tính theo công thức bằng 46% giá dầu FO trung bình tháng tại thị trường Singapore cộng cước phí vận chuyển và phân phối bằng 0,63 USD/mmBTU. Giá khí đầu vào của DPM trong quý II/2014 khoảng 7,39 USD/mmBTU, tăng 12,7% so với giá năm 2013 và tăng 10,5% so với mức giá tính theo công thức của hợp đồng cũ (tăng 2%/năm).

Chúng tôi ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của DPM năm 2014 ở mức 9.826 tỷ doanh thu và 1.346 tỷ lợi nhuận sau thuế, giảm 5% về doanh thu nhưng giảm 40% về lợi nhuận so với năm 2013.

Năm 2014 là một năm khó khăn đối với DPM khi giá khí đầu vào bị điều chỉnh tăng mạnh và giá urea giảm tương đối sâu. Trong mô hình định giá dài hạn, chúng tôi tạm thời không xét tới các dự án mới công ty đang tiến hành đầu tư, mức giá giao dịch hiện tại của DPM đã khá phù hợp với kỳ vọng về dài hạn của chúng tôi (34.000 VNĐ/cổ phần). Ngoài ra, mức P/E forward 2014 của DPM hiện ở mức 9,17 lần, là mức tương đồng với P/E bình quân của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương có mức vốn hóa tương đương DPM. Do đó chúng tôi đánh giá NEUTRAL đối với cổ phiếu của DPM.

>> Tải báo cáo

Tin bài liên quan