PGS: Khuyến nghị tích cực
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Doanh thu và lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2015 đều giảm so với cùng kỳ. PGS đạt 2.995,3 tỷ đồng doanh thu thuần và 65,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ, giảm lần lượt 17,5% và 15% so với cùng kỳ. Sản lượng LPG giảm 15,3% so với cùng kỳ và giá bán hầu hết các sản phẩm đều giảm là nguyên nhân chính làm doanh thu PGS giảm 17,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, việc đẩy mạnh phân phối LPG bình nhằm tăng thị phần dẫn đến chi phí bán hàng tăng mạnh đã làm giảm lợi nhuận PGS so với cùng kỳ.
6 tháng cuối năm 2015 sản lượng CNG của PGS ước tăng khoảng 18,3% so với 6 tháng đầu năm, doanh thu ước đạt 3.180 tỷ đồng, tăng 6,2% so với 6 tháng đầu năm. Cả năm 2015 PGS có thể đạt được 6.175,5 tỷ doanh thu, giảm 17,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cả năm 2015 ước đạt 140 tỷ, giảm nhẹ 0,2% yoy.
Rủi ro biến động giá khí đầu vào giảm đáng kể nhờ giá đầu vào và đầu ra thả nổi. Trong khi đó lợi nhuận PGS sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ giá khí đầu vào giảm nhanh hơn giá bán sản phẩm.
Điểm tích cực nhất đến từ sản lượng tiêu thụ tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt là mảng phân phối CNG nhờ: i. Công ty mẹ PGS sẽ cung cấp CNG cho Samsung từ tháng 11/2015. ii. CNG Việt Nam sẽ cung cấp cho khách hàng Viglacera Giai đoạn 2 từ quý II/2016 và khai thác CNG miền Bắc kể từ 7/8/2015.
Chúng tôi nhận thấy PGS là một cơ hội đầu tư hấp dẫn với một số điểm nhấn đầu tư sau:
i. Triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới của PGS là khá tích cực nhờ sản lượng tiêu thụ LPG và CNG tiếp tục tăng. Dự kiến năm 2016 lợi nhuận có thể tăng đến 32% và duy trì mức tăng trưởng trên 5% những năm sau đó.
ii. PGS đang được định giá khá thấp, với EPS 2015 khoảng 2799 đồng/cổ phiếu thì PE khoảng 6,6 lần, EPS dự phóng 2016 khoảng 3.702 đồng/cổ phiếu thì PE 2016 chỉ 5 lần.
iii. Công ty luôn duy trì mức cổ tức tiền mặt khoảng 15%, tương ứng với suất cổ tức 8%.
Với triển vọng tích cực 2016, giá cổ phiếu PGS hợp lý ở mức 24.000 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu PGS.
GMC: Khuyến nghị trung lập
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, GMC đạt 656 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 11% so với cùng kỳ. Số lượng các đơn hàng xuất khẩu tăng lên là yếu tố tạo ra sự tăng trưởng về doanh thu. Lợi nhuận gộp tăng 3,4% so với cùng kỳ đạt 100 tỷ đồng.
Biên lợi nhuận gộp sụt giảm đáng kể từ mức 16,5% trong 6 tháng đầu năm 2014 xuống 15,3% do giá bán bình quân giảm. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh 50,3% (do hoàn nhập quỹ lương) so với với cùng kỳ năm ngoái giúp bù đắp sự gia tăng của chi phí bán hàng và chi phí tài chính (lỗ tỷ giá).
Theo đó, công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế ~61 tỷ đồng, tăng mạnh 79,1% so với cùng kỳ năm 2014. Lợi nhuận sau thuế đạt 49 tỷ đồng, tăng mạnh 87,4% yoy. Với kết quả đã đạt được, nửa đầu năm 2015 GMC đã hoàn thành 44% kế hoạch doanh thu và 81% kế hoạch lợi nhuận.
Dệt may vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2015 ~12,6 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2014. Xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam tiếp tục diễn ra trong năm 2015 nhờ lợi thế nhân công rẻ. Các hiệp định thương mại tự do đã và đang đàm phán sẽ là yếu tố hỗ trợ ngành dệt may. Do đó GMC sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ triển vọng ngành tích cực.
Tính đến cuối quý II, GMC đã nhận đủ đơn hàng sản xuất cho năm 2015 và đang đàm phán các đơn hàng trong năm 2016. Trong đó số lượng đơn hàng của khách hàng lớn như Columbia, Decathlon đều tăng so với năm 2014. Nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, GMC đã đưa 4 chuyền may mới vào vận hành và dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư thêm 2 chuyền may, nâng tổng số chuyền may lên 66 chuyền.
Khoảng 80% nguyên phụ liệu của GMC được nhập khẩu từ Trung Quốc và được thanh toán bằng đồng USD. Do đó đồng nhân dân tệ và VND giảm giá so với USD sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chi phí nguyên liệu của công ty. Tuy nhiên, chi phí nhân công đang ngày càng gia tăng và đối tác mua hàng có thể tạo áp lực giảm giá bán (do giá hàng dệt may Trung Quốc trở nên rẻ hơn) sẽ khiến biên lợi nhuận của GMC sụt giảm.
GMC ước tính 9 tháng đầu năm công ty sẽ đạt doanh thu ~1.100 tỷ đồng, theo đó doanh thu quý III/2015 ở mức 444 tỷ đồng, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2014. Trong quý IV/2015 chúng tôi ước tính doanh thu sẽ tăng trưởng 15% so với quý IV/2014, đạt 345 tỷ đồng nhờ số lượng đơn hàng xuất khẩu và nội địa tăng. Biên lợi nhuận gộp bình quân 2 quý cuối năm 2015 dự kiến giảm từ mức 13,4% trong năm 2014 xuống 12,9% do giá bán giảm.
Là doanh nghiệp xuất khẩu, GMC được hưởng lợi tỷ giá khi VND giảm giá so với USD. Tuy nhiên tỷ giá tăng cũng làm tăng chi phí tài chính của công ty. Và theo chúng tôi ước tính, với doanh thu xuất khẩu khoảng 66 triệu USD/năm và nợ vay ngắn hạn khoảng 9,8 triệu USD, GMC không bị ảnh hưởng đáng kể do vấn đề tỷ giá.
Dựa trên các giả định thận trọng, chúng tôi ước tính GMC sẽ đạt ~21 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 2 quý cuối năm, giảm 45% yoy. Như vậy, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế cả năm 2015 lần lượt ở mức 1.446 tỷ đồng (+2,6% so với năm ngoái) và 70,3 tỷ đồng (+23,5% so với năm ngoái). EPS và P/E dự phóng ở mức ~6.036 VND/CP và 8,25 lần.
Trong dài hạn, chúng tôi nhận thấy GMC là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh khá ổn định, đang được hưởng lợi nhờ xu hướng dịch chuyển đơn hàng gia công dệt may từ Trung Quốc sang Việt Nam và từ các hiệp định Thương mại đang được đàm phán, ký kết như VN EU FTA, TPP, v.v.. . Tuy nhiên trong ngắn hạn GMC không còn nhiều hấp dẫn do giá cổ phiếu đã tăng 48% so với cuối năm 2014 (với mức giá đóng cửa ngày 10/9/2015 là 49.800 đồng).
Theo đó, chúng tôi cho rằng mức giá hiện tại đã phản ánh tương đối sát triển vọng kinh doanh của công ty trong năm 2015. Do vậy, BVSC đánh giá NEUTRAL đối với cổ phiếu GMC ở mức giá mục tiêu 49.700 đồng.
VSI: Xem xét tích lũy
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu ghi nhận tăng 172% so với cùng kỳ, trong khi, lợi nhuận gộp tăng mạnh bằng 3,85 lần so với cùng kỳ. Xét từng mảng kinh doanh, hoạt động bất động sản do ghi nhận doanh thu 255 tỷ từ dự án Waseco Plaza nên đóng góp 86 tỷ lợi nhuận, tương ứng biên lãi gộp 37%. Trong khi đó, mảng xây dựng bất ngờ lỗ 28 tỷ khi cùng kỳ lãi 3,5 tỷ đồng.
Theo lý giải của VSI, công ty trích trước chi phí bảo hành cho dự án nên gia tăng giá vốn hàng bán. Tuy nhiên, theo đánh giá của BVSC việc trích trước chi phí có thể là động thái doanh nghiệp thực hiện để tránh phát sinh lợi nhuận đột biến. Mặc dù vậy, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2015 vẫn ghi nhận kết quả rất tích cực là 30,3 tỷ đồng so với mức 2,9 tỷ cùng kỳ.
BVSC dự báo cả năm 2015 doanh thu và lợi nhuận của VSI sẽ vượt so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, doanh thu ước tính đạt 556 tỷ, trong đó, giả định VSI sẽ ghi nhận toàn bộ 50% vốn chuyển nhượng cho Hưng Thịnh và 5% còn lại ghi nhận trong 2016. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 49,8 tỷ cao hơn 18% so với kế hoạch 2015, tương đương EPS là 3.778 đồng/cổ phần. Cổ tức kế hoạch 2015 là 15% tiền mặt.
Xét trên khía cạnh tài sản của doanh nghiệp, VSI là một cổ phiếu đang có giá thị trường hấp dẫn, với chỉ số P/B 0.75 (giá trị sổ sách tại thời điểm cuối 2015 ước đạt 17.039 đồng/cp) và vị trí các lô đất thuộc sở hữu công ty khá tốt.
Trong khi đó, xét về lĩnh vực kinh doanh, hoạt động xây lắp dù đóng góp tỷ trọng lớn trong doanh thu nhưng sự ổn định thấp và chịu cạnh tranh mạnh từ các đơn vị tư nhân. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tính ổn định trong lợi nhuận của VSI trong trung hạn.
Nhận thấy điều này, ban lãnh đạo VSI đã có chuẩn bị khi việc chuyển nhượng 5% vốn góp dự án số 10 Phổ Quang sẽ thực hiện trong năm 2016 và ghi nhận trước các chi phí trong nửa đầu năm 2015, vì thế, lợi nhuận 2016 dự báo sẽ thấp hơn 2015 nhưng vẫn ở mức tốt như năm 2014.
Trong ngắn hạn năm 2015, chúng tôi cho rằng, dù thông tin về chuyển nhượng dự án Waseco Plaza phần nào được phản ánh, thì VSI vẫn là cổ phiếu tốt để nhà đầu tư quan tâm xem xét đầu tư trong ngắn hạn.
Theo phương pháp định giá so sánh P/B & P/E với tỷ trọng 6:4, BVSC ước tính giá hợp lý đối với VSI là 16,200 đồng/cổ phần, tương đương với mức thặng dư 32% với giá đóng cửa ngày 17/9. Ngoài ra, công ty có kế hoạch trả cổ tức tiền mặt 15% cho năm 2015, khá hấp dẫn so với thị giá hiện tại. Do đó, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư có thể xem xét tích lũy cổ phiếu VSI tại vùng giá 11.500 ~~12.500 đồng/cp với thời gian nắm giữ 3 – 6 tháng.
>> Tải báo cáo
FPT: Khuyến nghị theo dõi
CTCK FPT (FPTS)
Uớc tính EPS 2015 của FPT sẽ đạt 4.625 đồng/cp (đã pha loãng). Giá mục tiêu theo phương pháp so sánh P/E với mức P/E hợp lý 10.x là 46.000 đ/cp, cao hơn 1% so với thị giá hiện tại. Về cơ bản, giá cổ phiếu FPT đang ở mức gia hợp lý với tiềm năng và kỳ vọng trong năm 2014, do đó, cơ hội sinh lời từ cổ phiếu này trong năm nay không còn lớn.
Do đó, chúng tôi vẫn mức khuyến nghị THEO DÕI và nắm giữ cổ phiếu FPT trong ngắn và trung hạn.
HAH: Nhiều khả năng vượt kế hoạch lợi nhuận
CTCK MB (MBS)
Chúng tôi vừa có chuyến thăm doanh nghiệp đến Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH). Sau khi trao đổi với đại diện Công ty, Chúng tôi đánh giá triển vọng kinh doanh của HAH trong thời gian tới có triển vọng khả quan.
Hiện tại, HAH đang có hai mảng kinh doanh cốt lõi là mảng khai thác cảng và kinh doanh vận tải biển. Đối với mảng khai thác cảng, Công ty hiện đang vận hành khai thác cảng Hải An, một cảng trong cụm cảng Hải Phòng, với vị trí tương đối đắc địa với một cầu tầu dài 150 m, có độ mớn nước sâu (- 8,7 m), đường vào cảng rộng nên có thể đón các tàu có trọng tải lớn lên tới 20.000 DWT.
Hiện tại, Cảng đang hoạt động vượt công suất thiết kế và nhiều khả năng sản lượng bốc xếp sẽ vượt mức 300,000 TEU trong năm nay. Hiện tại, số chuyến tàu xuất nhập khẩu vào cảng tăng lên 4,5 chuyến/tuần thay vì 4 chuyến/tuần như năm trước.
Đối với mảng kinh doanh vận tải biển, HAH đang khai thác hai tàu là Hai An Song và Hai An Park, được đánh giá là hai tầu container tốt nhất chạy tuyến nội địa của Việt Nam. Trong năm 2014, HAH mới nhận chuyển giao hai tàu trên do đó thời gian khai thác chưa cao. Cụ thể, Hai An Park chỉ được khai thác trong 8 tháng và tàu Hải An Song khai thác trong 2 tháng nên sản lượng vận tải 2014 chỉ đạt 45.000 TEU. Năm 2015, Công ty dự kiến 2 tàu này đều hoạt động cả năm nên sẽ đẩy sản lượng vận tải lên tới 120.000 TEU.
HAH đặt ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt mức 123 tỷ VNĐ. Trong 6 tháng đầu năm, HAH đã đạt hơn 71 tỷ lợi nhuận sau thuế, đạt 57% kế hoạch. Chúng tôi đánh giá HAH nhiều khả năng sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận trong năm nay.
HPG: PE khá hấp dẫn, khoảng 7,5 lần
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
Thông tin từ HPG cho biết chiều ngày 18/09/2015 vừa qua, công ty đã chính thức đưa lò thổi thuộc dự án nhà máy luyện thép giai đoạn 3 – Khu liên hợp gang thép Hòa Phát (Hải Dương) đi vào hoạt động, sớm hơn khoảng 5 tháng so với kế hoạch của công ty đề ra trước đó.
Với công suất 750 ngàn tấn/năm, giai đoạn 3 khi đi vào hoạt động sẽ giúp tăng hơn 80% tổng công suất cán thép của khu liên hợp gang thép Hoà Phát, lên 1,65 triệu tấn/năm. Theo đó, tổng công suất cán thép của toàn tập đoàn ước đạt 1,95 triệu tấn (+63%).
Công ty cho biết, dự kiến, lò thổi giai đoạn 3 sẽ được vận hành hiệu chỉnh thiết bị và hoạt động ổn định trong vòng một tuần. Sau đó công ty sẽ tạm dừng lò thổi số 1 và lò thổi số 2, lần lượt nâng cấp để đồng bộ 3 lò thổi, thuận lợi cho việc điều tiết và ổn định sản xuất, đưa tổng công suất khu liên hợp gang thép Hoà Phát lên khoảng 1,8 triệu tấn/năm.
Trong 8 tháng đầu năm 2015, sản lượng bán hàng của HPG tăng mạnh hơn 50% so với cùng kỳ, đạt 892 ngàn tấn, tương đương 74,3% kế hoạch sản lượng của cả năm 2015.
Với tốc độ bán hàng này, các nhà máy của HPG gần như đã hoạt động vượt mức công suất thiết kế. Như vậy, việc giai đoạn 3 đi vào hoạt động sớm hơn dự kiến rõ ràng là thông tin tích cực đối với HPG.
Năng lực sản xuất được mở rộng sẽ giúp công ty tối đa hoá được khả năng hưởng lợi từ sự hồi phục của thị trường bất động sản trong nước cũng như các dự án cầu đường khác.
Theo đó, công ty kỳ vọng sản lượng bán hàng thép xây dựng năm 2016 sẽ đạt mức 1,5 triệu tấn, so với mức kế hoạch 1,2 triệu tấn của năm 2015. HPG đang giao dịch ở mức PE kỳ vọng khá hấp dẫn, khoảng 7,5 lần.
MWG: PE dự phóng 9 lần
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
MWG công bố KQKD 8 tháng đầu năm 2015 với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, đạt 15.157 tỷ đồng và 644 tỷ đồng, lần lượt tăng 60% và 51% so với cùng kỳ.
Chúng tôi cho rằng mức tăng trưởng vượt bậc của doanh thu nhờ mở rộng thêm chuỗi cửa hàng. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm MWG đã mở thêm 121 cửa hàng điện thoại di động (ĐTDĐ) và 18 cửa hàng điện máy; nâng tổng số cửa hàng ĐTDĐ lên 465 và điện máy lên 36 siêu thị, lần lượt tăng 77% và 59% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế thấp hơn doanh thu do biên lợi nhuận gộp giảm. Tỷ trọng doanh thu từ các mặt hàng chủ chốt, như điện máy, máy tính bảng và máy tính xách tay, có biên lợi nhuận gộp thấp tăng lên trong khi tỷ trọng doanh thu từ phụ kiện điện thoại có biên lợi nhuận gộp cao giảm. Như vậy, MWG đã hoàn thành 64% kế hoạch doanh thu và 73% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.
Vào cuối tháng 8 vừa qua, MWG đã thông báo Nghị quyết HĐQT về ba vấn đề nổi bật sẽ được trình tại ĐHCĐ 2016 để xem xét thông qua. Thay đổi đáng chú ý là tỷ lệ ESOP 2016 giới hạn ở mức 3%, thấp hơn so với mức ESOP 2015 tối đa 5% được trình tại ĐHCĐ 2015. Xin nhắc lại, tại ĐHCĐ 2015, MWG đã thông qua tỷ lệ ESOP 2015 là 3% hoặc 4% hoặc 5% tương ứng với mức tăng trưởng của lợi nhuận sau thuế 2015 là 30% hoặc 46% hoặc 59% so với năm ngoái.
Giả sử ESOP 2016 ở mức tối đa 3% sẽ tương ứng với tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 2016 là 30% cùng kỳ, thấp hơn so với mức tăng trưởng CARG (2009-2015) là 63%. Điểm tích cực ở đây là điều khoản hạn chế thời gian chuyển nhượng, kéo dài đến 04 năm thay vì chỉ có 2 năm như trước đây.
Dựa trên kết quả 8 tháng đầu năm 2015 lạc quan như trên, chúng tôi cho rằng MWG hoàn toàn có khả năng hoàn thành kế hoạch doanh thu và vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế. Ước tính lợi nhuận sau thuế 2015 đạt 966 tỷ, tăng 45% so với năm ngoái và vượt 9% so với mức kế hoạch 885 tỷ. EPS 2015 ước khoảng 6.900 đồng/cp, tương đương PE 2015 là 9 lần, thấp hơn trung bình ngành trong khu vực là 15 lần.
CTD: PE dự phóng 9,8x
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
Ngày 20/9/2015, CTCP Xây dựng Coteccons (Mã CK: CTD) đã ký kết hợp đồng Tổng thầu thiết kế và thi công dự án Diamon Lotus (TPHCM). Đây là dự án căn hộ cao cấp ở trung tâm TPHCM với giá trị gần 1.300 tỷ đồng. Trước đó vào ngày 11/9/2015, CTD cũng công bố thông tin trúng thầu 5 hợp đồng thi công cơ điện tại dự án Times City Park Hill và Vinhomes Central Park của Vingroup với tổng giá trị 584 tỷ đồng.
Như vậy, tính từ đầu năm 2015, CTD liên tục trúng thầu nhiều dự án với tổng giá trị hợp đồng đạt con số kỷ lục hơn 11.000 tỷ, nhiều hơn đáng kể so với tổng giá trị hợp đồng ký được trong cả năm trước, trong đó gồm nhiều hợp đồng Tổng thầu thiết kế và thi công (Design and Build).
Việc đẩy mạnh phát triển các dự án Tổng thầu thiết kế và thi công (Design & Build) là một trong những mục tiêu cốt lõi trong định hướng dài hạn của CTD, hướng tới việc hoàn thiện chuỗi giá trị và gia tăng giá trị lợi nhuận cho công ty. Việc trúng thầu các hợp đồng Tổng thầu thiết kế và thi công cũng cho thấy sự tín nhiệm của các chủ đầu tư đối với năng lực và kinh nghiệm của công ty.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2015, CTD ghi nhận doanh thu hợp nhất tăng 53,5% so với cùng kỳ đạt 4.374 tỷ và lợi nhuận sau thuế tăng 48,1% đạt 215,2 tỷ. Tình hình ký kết hợp đồng mới với giá trị hợp đồng lớn hứa hẹn kết quả SXKD khả quan trong 6 tháng cuối năm và năm 2016. Chúng tôi điều chỉnh tăng doanh thu 2015 lên 9.995 tỷ đồng, tăng 31% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế 406 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước. Cổ phiếu CTD đang giao dịch với P/E dự phóng 9,8x.
PAC: Khuyến nghị mua vào
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
* Nhận định của MBKE:
PAC sau quá trình rơi mạnh trong tháng 8 theo thị trường chung đã hồi phục lại rất nhanh sau đó.
Phiên hôm nay đánh dấu đường giá vượt thành công vùng đỉnh cao nhất được tạo lập trước đó trong năm 2015. Xu hướng cả ngắn và trung hạn của PAC vì vậy đều là tăng.
Thanh khoản đặc biệt tốt trong hai phiên gần đây (cũng là hai phiên đường giá bứt phá kháng cự). Dòng tiền hoạt động trên PAC đang có dấu hiệu mở rộng trở lại.
MACD trước đó đã tăng vượt lên trên đường 0 để xóa bỏ nhìn nhận tiêu cực và hiện vẫn duy trì tốc độ đi lên rất nhanh. Các chỉ báo khác đều trong vùng tích cực Điểm cộng FA: Chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2015 của PAC đạt 2.229 tỷ và 102 tỷ, tăng 10% và 38% so với năm ngoái. EPS dự phóng đạt 3.345 đồng. P/E dự phóng đạt 8 lần, thấp hơn trung bình ngành 10 lần.
* Chiến lược đầu tư : NĐT có thể mua vào PAC quanh vùng giá 28.0; Mục tiêu đầu tiên tại: 31.2 (+11,4%); Dừng lỗ tại: 26.2 (-6,4%).
GMD: Khuyến nghị mua vào
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
* Nhận định của MBKE
GMD chuyển sang xu hướng giảm ngắn hạn từ đầu tháng 8, một kênh giá giảm đã được duy trì liên tục trong gần một tháng qua.
Trạng thái cân bằng hơn được tạo lập từ đầu tháng 9 khi đường giá nhận được nâng đỡ từ MA trung hạn và ngưỡng Fibo 50% của đoạn tăng trước đó.
Phiên hôm nay đánh dấu GMD lần đầu tiên hoàn toàn thoát thành công khỏi kênh giá giảm và đồng thời tạo lập mức đỉnh liền sau cao hơn. Xu hướng của GMD trong ngắn hạn vì vậy quay lại trạng thái tăng.
Thanh khoản có gia tăng rõ rệt trong hai phiên gần đây nhưng vẫn còn thấp hơn đôi chút mức trung bình 50 ngày. Thanh khoản cần tiếp tục có cải thiện mạnh hơn trong những ngày tới.
Chỉ báo kỹ thuật có cải thiện. MACD cắt thành công lên phía trên đường tín hiệu và đang tăng để thử lại đường 0.
Điểm cộng FA: Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 của GMD khá tốt, đạt 54% & 75% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2015. P/B của GMD hiện chỉ 0,8 lần thấp hơn mức 1,5 lần bình quân ngành. (tham khảo thêm tại đây)
* Chiến lược đầu tư: NĐT có thể mua vào GMD quanh mức giá 33.3; Mục tiêu đầu tiên tại: 38.5 (+15.6%); Dừng lỗ tại: 31.0 (-6.9%.