BVSC: Khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu GMC

Nguồn : BVSC - CTCK Bảo VIệt

Ngành : Tiêu dùng

Download : baocaocapnhatgmc_ZIBX.pdf

BVSC đánh giá NEUTRAL đối với cổ phiếu GMC ở mức giá mục tiêu 49.700 đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, GMC đạt 656 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 11% so với cùng kỳ. Số lượng các đơn hàng xuất khẩu tăng lên là yếu tố tạo ra sự tăng trưởng về doanh thu. Lợi nhuận gộp tăng 3,4% so với cùng kỳ đạt 100 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp sụt giảm đáng kể từ mức 16,5% trong 6 tháng đầu năm 2014 xuống 15,3% do giá bán bình quân giảm. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh 50,3% (do hoàn nhập quỹ lương) so với với cùng kỳ năm ngoái giúp bù đắp sự gia tăng của chi phí bán hàng và chi phí tài chính (lỗ tỷ giá). Theo đó, công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế ~61 tỷ đồng, tăng mạnh 79,1% so với cùng kỳ năm 2014. Lợi nhuận sau thuế đạt 49 tỷ đồng, tăng mạnh 87,4% yoy. Với kết quả đã đạt được, nửa đầu năm 2015 GMC đã hoàn thành 44% kế hoạch doanh thu và 81% kế hoạch lợi nhuận.

Dệt may vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2015 ~12,6 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2014. Xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam tiếp tục diễn ra trong năm 2015 nhờ lợi thế nhân công rẻ. Các hiệp định thương mại tự do đã và đang đàm phán sẽ là yếu tố hỗ trợ ngành dệt may. Do đó GMC sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ triển vọng ngành tích cực.

Tính đến cuối quý II, GMC đã nhận đủ đơn hàng sản xuất cho năm 2015 và đang đàm phán các đơn hàng trong năm 2016. Trong đó số lượng đơn hàng của khách hàng lớn như Columbia, Decathlon đều tăng so với năm 2014. Nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, GMC đã đưa 4 chuyền may mới vào vận hành và dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư thêm 2 chuyền may, nâng tổng số chuyền may lên 66 chuyền.

Khoảng 80% nguyên phụ liệu của GMC được nhập khẩu từ Trung Quốc và được thanh toán bằng đồng USD. Do đó đồng nhân dân tệ và VND giảm giá so với USD sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chi phí nguyên liệu của công ty. Tuy nhiên, chi phí nhân công đang ngày càng gia tăng và đối tác mua hàng có thể tạo áp lực giảm giá bán (do giá hàng dệt may Trung Quốc trở nên rẻ hơn) sẽ khiến biên lợi nhuận của GMC sụt giảm.

GMC ước tính 9 tháng đầu năm công ty sẽ đạt doanh thu ~1.100 tỷ đồng, theo đó doanh thu quý III/2015 ở mức 444 tỷ đồng, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2014. Trong quý IV/2015 chúng tôi ước tính doanh thu sẽ tăng trưởng 15% so với quý IV/2014, đạt 345 tỷ đồng nhờ số lượng đơn hàng xuất khẩu và nội địa tăng. Biên lợi nhuận gộp bình quân 2 quý cuối năm 2015 dự kiến giảm từ mức 13,4% trong năm 2014 xuống 12,9% do giá bán giảm.

Là doanh nghiệp xuất khẩu, GMC được hưởng lợi tỷ giá khi VND giảm giá so với USD. Tuy nhiên tỷ giá tăng cũng làm tăng chi phí tài chính của công ty. Và theo chúng tôi ước tính, với doanh thu xuất khẩu khoảng 66 triệu USD/năm và nợ vay ngắn hạn khoảng 9,8 triệu USD, GMC không bị ảnh hưởng đáng kể do vấn đề tỷ giá. Dựa trên các giả định thận trọng, chúng tôi ước tính GMC sẽ đạt ~21 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 2 quý cuối năm, giảm 45% yoy. Như vậy, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế cả năm 2015 lần lượt ở mức 1.446 tỷ đồng (+2,6% so với năm ngoái) và 70,3 tỷ đồng (+23,5% so với năm ngoái). EPS và P/E dự phóng ở mức ~6.036 VND/CP và 8,25 lần.

Trong dài hạn, chúng tôi nhận thấy GMC là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh khá ổn định, đang được hưởng lợi nhờ xu hướng dịch chuyển đơn hàng gia công dệt may từ Trung Quốc sang Việt Nam và từ các hiệp định Thương mại đang được đàm phán, ký kết như VN EU FTA, TPP, v.v.. . Tuy nhiên trong ngắn hạn GMC không còn nhiều hấp dẫn do giá cổ phiếu đã tăng 48% so với cuối năm 2014 (với mức giá đóng cửa ngày 10/9/2015 là 49.800 đồng). Theo đó, chúng tôi cho rằng mức giá hiện tại đã phản ánh tương đối sát triển vọng kinh doanh của công ty trong năm 2015. Do vậy, BVSC đánh giá NEUTRAL đối với cổ phiếu GMC ở mức giá mục tiêu 49.700 đồng.