Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/4

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/4

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán lược trích phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 22/4 của một số công ty chứng khoán.

VPK: PE cao hơn trung bình ngành

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Với 378 tỷ đồng doanh thu thuần, CTCP Bao bì dầu thực vật (VPK) đã vượt 5% so với kế hoạch và tăng 8% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế là 53 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với năm trước và là kết quả cao nhất kể từ khi công ty đi vào hoạt động. Do giá giấy nguyên liệu tăng theo xu hướng chung nên biên lợi nhuận gộp 2013 giảm nhẹ 1 điểm phần trăm so với 2012, nhưng vẫn ở mức cao là 22% so với mức trung bình 18% trong 5 năm qua.

Nhờ thay đổi chính sách quản trị hàng tồn kho từ 2012 (trữ hàng từ sớm và xác định giá bán hợp lý), VPK đã thực hiện tốt việc quản lý chi phí nguyên vật liệu đầu vào. Thêm vào đó, chi phí tài chính giảm đến 52% so với năm trước chủ yếu đến từ việc giảm dư nợ vay và tỷ giá. Tính đến cuối năm 2013, tổng tài sản của VMPACK tăng mạnh 16% cùng kỳ, lên 217 tỷ đồng, trong khi đó nợ phải trả giảm mạnh và nguồn vốn chủ sở hữu tăng cao. Cổ tức 2013 là 20%, tương ứng lợi suất cổ tức khoảng 6%.

HĐQT đưa ra kế hoạch 2014 với chỉ tiêu về lợi nhuận sau thuế thấp hơn rất nhiều so với năm 2013. Theo tờ trình cổ đông, VPK đưa ra kế hoạch tổng doanh thu 385 tỷ đồng đồng, tăng 2% so với năm 2013; lợi nhuận sau thuế 26 tỷ đồng, giảm 45% so với năm 2013; tỷ lệ chia cổ tức 20%.

Về cơ sở để đề ra kế hoạch lợi nhuận 2014 thấp hơn là do (i) các khách hàng lớn như VNM, Vocarimex đang xem xét lại hợp đồng mua sản phẩm bao bì caton và có khả năng điều chỉnh giá mua sản phẩm thấp hơn nhiều so với năm trước và (ii) chi phí giấy nguyên liệu (chiếm 70% giá vốn) có khả năng tăng tối đa 7-8%. Điều này làm thu hẹp biên lợi nhuận gộp của VPK làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận.

Do kết quả lợi nhuận 2013 tốt vượt dự báo, một số cổ đông đã đề xuất nâng tỷ lệ chi trả cổ tức từ 20% lên 50%. Tuy nhiên, đề xuất này không được thông qua, do trong năm 2014 VPK có kế hoạch thực hiện đầu tư lớn. Nguồn vốn để tài trợ cho dự án này sẽ chủ yếu từ vốn của DN, lợi nhuận giữ lại và vốn vay. VPK lên kế hoạch nâng công suất nhà máy thêm 3.000-4.000 tấn/tháng. Hiện nay, tổ máy hiện có công suất 1.500 tấn/tháng. Dự kiến thời gian thực hiện dự án là 36 tháng, nhưng từ tháng thứ 18, nhà máy sẽ đi vào hoạt động. Theo ước tính, tổng công suất của VPK sẽ tăng lên 2,6x – 3,6x vào cuối 2015. Ngoài ra, trong tháng 9/2014, công ty cũng sẽ đưa tổ máy in mới vào hoạt động, đây là một mảng đầu tư chuyên sâu, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Tại buổi trao đổi, Ban điều hành chưa công bố kết quả quý I/2013. Chỉ cho biết rằng, kết quả sẽ được công bố vào cuối tháng 4. Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Vũ (TGĐ) có cho biết, kết quả quý I/2014 có khả năng kém lạc quan so với cùng kỳ.

Với tiêu chí đạt mục tiêu kế hoạch sát thực tế, chúng tôi cho rằng, 2014 là một năm kém lạc quan của VPK. Mặc dù VPK và VNM đối tác trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tuy nhiên, sản phẩm VPK cung cấp là hàng công nghiệp phụ trợ, nên khó có thể đạt mức tăng trưởng mạnh như

hàng tiêu dùng – sữa tươi của VNM. Điểm sáng duy nhất đối với VPK là các chỉ tiêu sinh lợi như ROE, ROA đều khá tốt, lần lượt là 29% và 22%. Với kế hoạch lợi nhuận 2014 như trên, chúng tôi ước tính EPS 2014 đạt 3.250, tương ứng PE 9,5x, cao hơn trung bình ngành 7x.

GAS: Khuyến nghị mua vào

(CTCK Vietcombank – VCBS)

Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (GAS – sàn HOSE) đặt mục tiêu thấp cho năm 2014 với doanh thu đạt 62.445 tỷ đồng (-4,5% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 8.683 tỷ đồng (-31% so với năm ngoái).

Tại ĐHCĐ, GAS công bố doanh thu và lợi nhuận trước thuế ước tính quý I của công ty mẹ đạt 13.800 tỷ đồng (-2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 22% kế hoạch) và 3.900 tỷ đồng (-24% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 31% kế hoạch). Tuy nhiên, nếu loại bỏ khoản lợi nhuận hoàn nhập từ quỹ phát triển khoa học công nghệ 1.147 tỷ đồng, thì lợi nhuận trước thuế quý I chỉ giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

Chúng tôi cho rằng, GAS sẽ khó đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao như năm trước, ngay cả khi EVN tăng giá bán điện (dự kiến thêm ít nhất 10% năm nay) thì GAS khó có thể tăng tương ứng giá bán khí cho các nhà máy điện của EVN. Tuy nhiên, có nhiều khả năng GAS sẽ bổ sung thêm lợi nhuận qua việc thu hồi 1/2 số nợ của EVN cũng như thoái toàn bộ vốn khỏi Seabank và một phần vốn khỏi PVT, PVB và PV-PIPE trong năm nay.

Chúng tôi dự phóng lợi nhuận sau thuế 2014 có thể đạt khoảng 13.100-13.500 tỷ đồng, EPS 2014 đạt khoảng 7.050 đồng/cp, P/E 2014 khoảng 13 lần, gần bằng P/E bình quân của nhóm VN30 (khoảng 15 lần). Do đó chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu GAS với giá mục tiêu khoảng 105.000 đồng/cp, cao hơn 15% so với thị giá hiện nay.

>> Tải báo cáo

IMP: Khuyến nghị nắm giữ

(CTCK Vietcombank – VCBS)

Năm 2013, doanh thu của CTCP Dược phẩm IMEXPHARM (IMP – sàn HOSE) tăng trưởng 4% so với năm ngoái, đạt 852,7 tỷ đồng (100,3 kế hoạch). Lợi nhuận trước thuế đạt 95,5 tỷ đồng (-7,8% so với năm ngoái; 90,9% kế hoạch). Lợi nhuận sau thuế đạt 60,6 tỷ đồng (-21,9% so với năm ngoái).

Mảng thuốc kê toa bán trong bệnh viện của IMP chịu ảnh hưởng mạnh sau Thông tư 01/2012 của Bộ Y tế làm giảm doanh thu tiềm năng.

Năm 2014, IMP đặt kế hoạch 1.000 tỷ đồng doanh thu (+9,6% so với năm ngoái) và 120 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (+22,2% so với năm ngoái) với sự chuyển dịch mạnh mẽ sang kênh OTC.

Công ty vẫn đang trong quá trình nâng cấp nhà máy lên chuẩn PIC/S và dự kiến nhanh nhất là cuối năm 2015 công ty mới nhận được chứng nhận. Trong lúc đó, các sản phẩm kháng sinh của IMP sẽ tiếp tục chịu nhiều khó khăn trong đầu ra.

Theo chúng tôi, doanh nghiệp sẽ đạt khoảng 80 – 85 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. EPS forward sau chia khoảng 2.955 – 3.140 đồng tương đương với P/E forward sau chia khoảng 11,8 – 12,5 lần. Chính vì vậy, chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu của IMP.

>> Tải báo cáo

SDT: Có thể xem xét mua vào

(CTCK Bảo Việt – BVSC)

CTCP Sông Đà 10 (SDT – sàn HNX) hiện tại là doanh nghiệp có quy mô và thị phần lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng công trình ngầm. Nhờ lợi thế các dự án lớn từ tổng công ty Sông Đà, SDT đã tham gia thi công nhiều công trình trọng điểm quốc gia.

Duy trì kết quả kinh doanh ổn định từ các công trình thủy điện và giao thông vận tải đang thi công. Các dự án hiện tại công ty đang đảm nhiệm như thủy điện Huội Quảng, thủy điện Lai Châu, Dự án hầm đường bộ đèo Cả. Duy trì doanh thu và lợi nhuận ổn định từ năm 2014 đến 2016.

Duy trì mức chia cổ tức tốt. SDT đề ra kế hoạch kinh doanh khá thận trọng, nhắm tới mục tiêu duy trì mức cổ tức hấp dẫn nhà đầu tư. Công ty chia cổ tức ở mức khá cao: 18% trong năm 2012, 15% năm 2013. Dự kiến cổ tức 12% năm 2014.

Chỉ số tài chính tương đối lành mạnh, hiệu quả hoạt động SXKD cao hơn các công ty cùng tổng Sông Đà. SDT duy trì mức tổng nợ/tổng tài sản khoảng 60-70%, chỉ số thanh toán hiện hành lớn hơn 1. ROA, ROE, biên lợi nhuận của SDT cao hơn SD5, SD6, SD7.

Rủi ro nợ khó đòi gia tăng. Trong kết cấu tài sản ngắn hạn, tỷ trọng khoản phải thu của SDT tăng hơn 10% từ 2011 đến 2012.

Sau 2016 nguồn cung dự án chưa rõ ràng. Quy hoạch thủy điện và hầm giao thông đường bộ dần đi vào ổn định. Trong khi các dự án thủy điện luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng doanh thu của SDT, số lượng dự án công trình thủy điện giảm, dẫn đến việc giảm phần lớn nguồn cung dự án cho SDT.

Khuyến nghị. Chúng tôi đánh giá SDT là cổ phiếu cơ bản tốt, nền tảng sản xuất kinh doanh vững chắc. Nhà đầu tư có thể xem xét mua vào với mức giá kỳ vọng khoảng 20.300 đồng/cổ phần.

>> Tải báo cáo

LHG: Khuyến nghị NEUTRAL

(CTCK Bảo Việt – BVSC)

Trong ngắn hạn, hoạt động kinh doanh 2014 đã có dấu hiệu khởi sắc nhưng lại chịu ảnh hưởng của việc ghi nhận khoản lỗ từ chuyển nhượng cổ phần đầu tư trong các năm trước. Điều này sẽ ảnh hưởng không tích cực cho giá cổ phiếu LHG của CTCP Long Hậu khi báo cáo tài chính quý I hoặc quý II công bố.

Về triển vọng trung hạn, chúng tôi bắt đầu có cái nhìn lạc quan hơn đối với hoạt động của LHG. Các yếu tố nền tảng ảnh hưởng đến công ty như dòng vốn FDI, lãi suất cho vay, thị trường bất động sản và sự tăng trưởng kinh tế đều đang cho thấy sự cải thiện tốt hơn so với năm 2013. Hoạt động kinh doanh cho thuê đất, nhà xưởng vốn giúp công ty có lãi trong năm qua đã cho dấu hiệu phục hồi.

Chỉ số P/B theo giá ngày 18/4/2014 là 0,48 lần tương đối hấp dẫn so với doanh nghiệp cùng ngành. Ngoài ra, công ty sẽ chi trả cổ tức năm 2013 với tỷ lệ 10% tiền mặt, tương ứng tỷ suất D/P là 8,4%.

Từ đánh giá trên, chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư giá trị có thể xem xét cổ phiếu LHG cho mục tiêu trung hạn. Ngắn hạn, chúng tôi giữ mức đánh giá NEUTRAL đối với LHG do quan ngại kết quả kinh doanh không tích cực trong quý I.

>> Tải báo cáo

Tin bài liên quan