Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/3

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/3

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 22/3 của các công ty chứng khoán.

PLC: MBS khuyến nghị nắm giữ

CTCK MB (MBS)

Tổng công ty hóa dầu Petrolimex (PLC) là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành nhựa đường và đứng thứ hai trong ngành Dầu mỡ nhờn Việt Nam.

Nhu cầu nhựa đường dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, trong khi đó mảng nhựa đường là mảng tạo sức bật cho PLC tăng trưởng trong năm 2015.

Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của PLC tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân trong 5 năm gần đây CARG 13%. Tỷ lệ chi trả cổ tức của PLC bằng tiền qua các năm đều ở mức cao, dao động từ 15%-30%.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu PLC với mức định giá trên cơ sở thận trọng 38.800 đồng/cp, với tiềm năng tăng giá ~16,8% so với giá 33.100 đồng/cp ngày 17/3/2016.

PPC: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Chúng tôi ước tính CTCP Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) có thể đạt 7.691 tỷ đồng doanh thu và 773 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2016, tăng trưởng 63% so với 2015 (giả định VNĐ mất giá 7% so với JPY). EPS 2016 ở mức 2.369 đồng/cổ phần

Với giá đóng cửa 16/3/2016, P/E 2016 ở mức 7,7 lần, là mức thấp so với bình quân ngành điện khoảng 9 lần như hiện nay.

Với việc các thông tin tiêu cực đã qua, và lợi nhuận 2016 triển vọng khả quan, chúng tôi đánh giá OUTPERFORM với triển vọng 2016 của PPC.

VCB: Hấp dẫn với kế hoạch thưởng cổ phiếu và trả cổ tức

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Trong cuộc họp với giới phân tích thứ 6 vừa qua (ngày 18/3), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (mã VCB) công bố kế hoạch tăng vốn trong năm 2016, đồng thời thông báo kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm và với kế hoạch cả năm 2016.

Tín dụng tăng tốc ngay từ đầu năm và đã tăng trưởng 1,8% trong hai tháng đầu năm, so với tốc độ 0,2% cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.300 tỷ đồng và chi phí dự phòng là 900 tỷ đồng. Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) cũng được cải thiện nhẹ.

Năm 2016, VCB đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm là 17%, thấp hơn so với mức 19,7% của năm 2015 và hệ số NIM của năm 2016 được kỳ vọng tăng lên 2,65% từ mức 2,58% trong năm 2015.

VCB tiếp tục tập trung vào mảng cho vay khách hàng cá nhân và dự phóng cho vay phân khúc này tăng trưởng 50%, tương đương với tốc độ của năm 2015. Cho vay cá nhân sẽ chiếm 20% tổng dư nợ trong năm 2016. VCB dự tính chi phí dự phòng năm 2016 sẽ giảm còn 5.500 tỷ đồng từ mức đỉnh 6.068 tỷ đồng năm 2015. VCB đặt mục tiêu thu hồi 2.300 tỷ đồng nợ xấu đã xóa , so với 1.834 tỷ đồng năm 2015.

Ngân hàng đề ra mục tiêu chính thức lợi nhuận tăng trưởng 10% năm 2016, tuy nhiên, đại diện ngân hàng cho rằng lợi nhuận có khả năng tăng tới 17% nhờ hệ số NIM và chi phí dự phòng được cải thiện.

Chúng tôi tin rằng kế hoạch cả năm 2016 của VCB là khá khiêm tốn và khả năng cao ngân hàng sẽ đạt được những mục tiêu này. Hơn nữa, tỷ lệ 35% cổ phiếu thưởng cho nhà đầu tư hiện hữu, cùng với tỷ lệ 10% cổ tức bằng tiền (khoảng 1.000 đồng/cp) là khá hấp dẫn.

Trong khi, BSC khuyến nghị mua vào VCB với giá mục tiêu là 45.500 đồng/cp (upside 7,3%).

SSI: Tạm thời bán ra trong ngắn hạn

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Đường giá của SSI của CTCP Chứng khoán Sài Gòn đã phá vỡ đường neckline của mẫu hình Head and Shoulders, với khối lượng giao dịch gia tăng đột biến. Theo mục tiêu của mẫu hình, giá SSI có thể tiếp cận về quanh ngưỡng 21.

Bên cạnh đó, đường giá của SSI cũng rơi khỏi đường MA100, cắt xuống biên dưới của Bollinger Bands và hai biên Bollinger Bands mở rộng ra cho tín hiệu về khả năng giảm.

Chỉ báo ADX cũng cho thấy độ mạnh của xu hướng tăng từ 01/2016 đang yếu dần. Đồng thời, trên đồ thị theo khung thời gian tuần, mẫu hình nến cho khả năng đảo chiều giảm Bearish Engulfing cũng hình thành.

Vì vậy, nhà đầu tư ngắn hạn đang nắm giữ cổ phiếu có thể tạm thời bán ra. Kỳ vọng có thể mua lại ở vùng 20.5-21. Trong trường hợp giá SSI không điều chỉnh về vùng giá kỳ vọng, có thể xem xét mua lại khi giá tăng vượt qua trở lại ngưỡng 23.

Nhà đầu tư trung hạn có thể tiếp tục quan sát do giá SSI vẫn đang chuyển động bên dưới các đường trung bình dài hạn MA100, MA200.

CSV: Khuyến nghị mua vào

CTCK BIDV (BSC)

Năm 2015, CTCP Hóa chất cơ bản miền Nam (mã CSV) ghi nhận 1,546 tỷ đồng doanh thu và 151 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 2% và 5% so với 2014. Mặc dù giá nguyên vật liệu đầu vào là lưu huỳnh và muối đều giảm nhưng do giá điện tăng lên cùng với việc tăng mức tiêu hao khâu điện phân nên biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm từ 23.6% xuống 22.3%.

Cùng với việc giá nguyên liệu đầu vào được dự báo tiếp tục duy trì ở mức thấp, năm 2016 chi phí khấu hao của doanh nghiệp dự kiến giảm khoảng 32 tỷ và tiếp tục giảm khoảng 45 tỷ đồng trong năm 2017 nhờ một số thiết bị và máy móc ở nhà máy Biên Hòa và Tân Bình 2 hết khấu hao. Tuy nhiên chúng tôi lưu ý, so với cùng kỳ 2015,chi phí điện trong 2 tháng đầu năm 2016 sẽ tăng lên do giá điện tăng từ tháng 3/2015.

Năm 2016, chúng tôi kỳ vọng doanh nghiệp sẽ đạt 1.549 tỷ đồng doanh thu thuần; 177 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 18% so với năm trước, tương ứng với EPS 2016 đạt 3,245 đồng/cổ phiếu. Trong giai đoạn 2016-2020 chúng tôi dự báo doanh thu sẽ chỉ tăng trưởng nhẹ 1%/năm trong khi lợi nhuận tăng trưởng bình quân 6%/năm nhờ việc giảm khấu hao qua các năm. Chúng tôi lưu ý kết quả dự báo không tính tới kế hoạch di dời nhà máy Biên Hòa do chưa có phương án cụ thể.

Doanh nghiệp dự kiến chi trả 16% cổ tức cho năm 2015 trong đó đã chi trả 10% bằng tiền mặt và 6% còn lại dự kiến chi trả bằng cổ phiếu. Với lợi nhuận được cải thiện trong các năm tiếp theo, chúng tôi kỳ vọng mức lợi tức sẽ được giữ ổn định.

Vì vậy, chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA cho cổ phiếu CSV với mức giá mục tiêu 12 tháng là 26,666 đồng/cổ phiếu, tăng 25% so với mức giá đóng cửa ngày 18/3.

Tin bài liên quan