Cổ phiếu cần quan tâm ngày 19/12

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 19/12

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 19/12 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu VCB

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

9 tháng 2017, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB – sàn HOSE) đạt lợi nhuận trước thuế 7.934 tỷ đồng, tăng 25,42% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 86% kế hoạch năm. Tăng trưởng tín dụng đạt 16,3% và huy động đạt 16,5% .

Năm 2017, VCB dự phóng lợi nhuận sau thuế đạt 8.173 tỷ đồng (tăng trưởng 19,3%) và vốn chủ sở hữu đạt 53.040 tỷ đồng (tăng 10,3% so với năm trước). EPS và BVPS lần lượt đạt 2.272 đồng và 14.742 đồng, tương ứng với mức P/E forward 19,68x và P/B forward 3,19x.

Lợi nhuận sau thuế năm 2018 VCB dự phóng đạt 12.361 tỷ đồng (tăng trưởng 51,2%) và vốn chủ sở hữu đạt 62.889 tỷ đồng (tăng trưởng 18,6%). Theo đó, EPS và BVPS lần lượt đạt 3.436 đồng và 17.479 đồng, tương ứng với P/E forward 13x và P/B forward 2.69x.

Động lực tăng trưởng của VCB là tín dụng tăng tốc ở phân khúc khách hàng cá nhân trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng gia tăng nhờ thu nhập cải thiện theo đà phục hồi của nền kinh tế’ chi phí huy động thấp nhờ nguồn tiền gửi giá rẻ chiếm tỷ trọng lớn.

Bên cạnh đó, lợi nhuận đột biến từ các thương vụ thoái vốn tại SGB, CFC (đã hoàn tất), OCB (dự kiến cuối tháng 12/2017) và EIB và MBB (dự kiến trong tháng 1/2018).

Ngoài ra, chất lượng tài sản của VCB cải thiện cùng với tỷ lệ nợ xấu thấp (1,15%), đã xử lý xong nợ tại VAMC giúp giảm gánh nặng dự phòng

Qua đó, chúng tôi nâng giá mục tiêu lên 51.800 đồng từ mức 39.000 đồng, cao hơn 15,9% so với giá hiện tại, đồng thời khuyến nghị mua đối với VCB.

Khuyến nghị mua cổ phiếu LAS

CTCK FPT (FPTS)

Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (mã LAS) là doanh nghiệp sản xuất phân bón hàng đầu khu vực phía Bắc, đứng đầu thị phần tiêu thụ trong mảng phân hỗn hợp NPK và phân lân (lần lượt chiếm 18,5% và 43,5% cả nước), với thương hiệu lâu năm và uy tín với người tiêu dùng.

Trong ngắn hạn, các yếu tố tích cực tác động đến nhu cầu tiêu thụ phân bón như: điều kiện thời tiết thuận lợi hơn, sự hồi phục của giá nông sản,… thúc đẩy canh tác nông nghiệp và tăng nhu cầu tiêu thụ phân bón cho cây trồng. Theo dự báo của Agrimonitor, các yếu tố tích cực trên sẽ giúp nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng phân bón chính (NPK và Ure) tăng 3 - 5% trong năm 2017 - 2018.

Năm 2018 nhà máy NPK số 4, công suất thiết kế 150.000 tấn/năm đi vào hoạt động, với sản phẩm chính là phân hỗn hợp NPK hàm lượng cao, và dự kiến sản xuất thương mại vào đầu năm 2018. Việc đưa ra sản phẩm NPK hàm lượng cao hơn cho thấy LAS đã và đang có những bước đi bắt kịp xu hướng sử dụng phân bón chất lượng tốt hơn, phù hợp với tập quán canh tác của miền bắc.

Việc sửa đổi luật thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón có thể giúp LAS tăng lợi nhuận sau thuế (tăng khoảng 70% LNST năm 2016) do được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Tuy nhiên, theo dự thảo sửa đổi Luật này của Bộ Tài Chính (ngày 18/08/2017) thì Luật thuế GTGT sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2019, nên nhiều khả năng trong Kỳ họp tiếp theo diễn ra vào tháng 6/2018, Quốc hội sẽ đưa ra thảo luận và kết luận cho việc sửa đổi Luật này.

Bằng cách sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền và phương pháp so sánh, chúng tôi xác định giá mục tiêu của cổ phiếu LAS là 18.000 đồng/cp, cao hơn 35% so với giá hiện tại, đồng thời đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu LAS.

Khuyến nghị bán cổ phiếu BHN

CTCK FPT (FPTS)

Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - NGK Hà Nội (Habeco, mã chứng khoán BHN) đang vận hành khoảng 89% công suất toàn hệ thống và chưa có dự án mở rộng công suất. Các đối thủ cạnh tranh liên tục mở rộng năng lực sản xuất và tấn công vào thị trường truyền thống của BHN làm áp lực cạnh tranh tăng cao.

Bên cạnh đó, khả năng sinh lời giảm do áp lực cạnh tranh, chi phí bán hàng và chi phi quản lý doanh nghiệp tăng. Hoạt động này chưa hiệu quả khi không cải thiện được tốc độ tăng trưởng doanh thu dẫn đến tỉ trọng các chi phí cao hơn, giảm tỷ suất lợi nhuận sau thuế.

Chi phí các nguyên liệu chính như malt, gạo có xu hướng tăng trung hạn. Xu hướng tiêu dùng các sản phẩm cao cấp hóa làm ảnh hưởng đến phân thị trường phân khúc bình dân, giá rẻ - thị trường chính của BHN.

Giá cổ phiếu BHN đang tương đối cao so với các doanh nghiệp trong ngành Hiện P/E các doanh nghiệp ngành bia trong nước và trong khu vực Đông Nam Á là 27.3. Với mức P/E hiện tại là 33.4 cổ phiếu HN đang được định giá tương đối cao.

Ngoài ra, công tác thoái vốn của Bộ Công Thương gặp nhiều khó khăn Bộ Công Thương vẫn chưa có phương án thoái vốn cụ thể do những điều khoản rằng buộc của đơn vị này với đối tác chiến lược Tập đoàn Carlsberg vào năm 2 7.

Chúng tôi tiến hành phân tích và định giá cổ phiếu bằng cách sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền và phương pháp so sánh PE, chúng tôi xác định giá mục tiêu của BHN là 89.650 đồng/cp thấp hơn 27% so với giá hiện tại. Chúng tôi khuyến nghị bán cho mục tiêu trung hạn, nhà đầu tư có thể theo dõi cho mục tiêu dài hạn đối với cổ phiếu BHN.

Khuyến nghị mua cổ phiếu CVT

CTCK FPT (FPTS)

Chúng tôi tiến hành định giá lần đầu cổ phiếu CVT của Công ty cổ phần CMC, niêm yết trên sàn HOSE. Bằng cách sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do và phương pháp so sánh EV/EBITDA, chúng tôi xác định giá mục tiêu của một cổ phiếu CVT là 70.000 đồng/cp, cao hơn 28% so với giá hiện tại.

Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu với giá mục tiêu. Rủi ro đầu tư đối với doanh nghiệp vẫn là những vấn đề liên quan đến giá nguyên vật liệu đầu vào và áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng trong ngành.

Khuyến nghị theo dõi cổ phiếu SLS

CTCK FPT (FPTS)

Chúng tôi tiến hành định giá lần đầu cổ phiếu SLS của Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La, niêm yết trên sàn HNX. Bằng cách sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền và phương pháp so sánh PE, chúng tôi xác định giá mục tiêu của SLS là 175,800 đồng/cp, cao hơn 5% so với giá hiện tại.

Chúng tôi khuyến nghị theo dõi cho mục tiêu ngắn hạn. Rủi ro đầu tư lớn nhất đối với doanh nghiệp là rủi ro về sản lượng và giá bán đường khi cạnh tranh với đường Thái Lan sau khi hiệp định ATIGA có hiệu lực năm 2018. 

Khuyến nghị mua cổ phiếu VPB

CTCK MB (MBS)

VPB là cổ phiếu ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong hệ thống khi dẫn đầu và tăng trưởng nhanh trong thị trường tín dụng tiêu dùng đầy tiềm năng.

Thu nhập lãi đứng thứ 4 trong ngành sau hàng loạt các tên tuổi lớn như BID, CTG, VCB tuy nhiên lợi nhuận 9 tháng 2017 đã vượt BID đứng thứ 3 toàn ngành nhờ đóng góp lớn từ FE Credit.
Thị phần tài chính tiêu dùng duy trì vị thế dẫn đầu khi chiếm tới 48% thị phần với tổng dư nợ đạt 1.41 tỷ USD và quy

mô dư nợ tín dụng gấp 3 lần doanh nghiệp đứng thứ 2 là Home Credit và HD Saison. Với tốc độ tăng trưởng ngành 30%/năm, FE Credit là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng trong chiến lược phát triển của VPB.

Về hiệu quả hoạt động, VPB đạt mức tăng trưởng tín dụng, thu nhập lãi và lợi nhuận duy trì ở mức cao. Các chỉ tiêu như NIM, ROE cũng đạt mức cao nhất ngành ngân hàng. Trong khi tỷ lệ chi phí hoạt động (CIR) ở mức thấp nhất ngành.

Thách thức của VPB trong ngắn hạn đó là tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng tăng cao do đó công ty sẽ phải tăng cường trích lập dự phòng trong những năm tới. Dư nợ của VPB có đến 62% là cá nhân với đa phần là vay tín chấp do đó khi nợ xấu phát sinh khả năng thu hồi khá thấp. Tuy nhiên, VPB cũng khá mạnh tay trích lập và xóa bỏ (write off) nợ xấu phát sinh.

Điểm trừ là Tỷ lệ Dự phòng/Nợ xấu khá thấp so với mặt bằng chung(49.54%) tuy nhiên chỉ tiêu Lãi và phí phải thu/Thu nhập lãi 4Q thấp cho thấy nợ xấu vẫn đang được kiểm soát khá tốt.

Hiện tại, tỷ lệ LDR đã lên mức 131% cao nhất ngành tạo áp lực lên huy động tăng chi phí vốn đầu vào và việc lãi suất đầu ra và nợ xấu có thể tiếp tục phát sinh.

Vì vậy, chúng tôi đưa ra  khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VPB.

>> Tải báo cáo

Tin bài liên quan