VN-Index tăng mạnh trở lại
Trong phiên sáng, việc nhóm bluechips nhận được sức cầu tốt giúp VN-Index tăng khá tích cực, dù đã có thời điểm chịu áp lực bán mạnh và lùi qua tham chiếu.
Sự tích cực trong phiên sáng giúp VN-Index tiếp tục hưng phấn trong phiên chiều, điển hình là nhóm ngân hàng và nhóm cổ phiếu thị trường.
Nhóm ngân hàng đồng loạt tăng giá đã lan tỏa sang những nhóm khác, sắc xanh theo đó chiếm thế áp đảo và VN-Index thăng hoa trở lại. Về thanh khoản, tuy dòng tiền không còn mạnh như những phiên vừa qua, song cũng có sự cải thiện.
Ngoại trừ VCB đã tăng tốt từ sớm, nhiều mã ngân hàng cũng khởi sắc theo về cuối phiên. BID đảo chiều tăng 2,3%, CTG tăng 5,5%, VCB tăng 3%, MBB tăng 3,2%, STB tăng 4,2%, VPB tăng 1,5%.
Dù tăng tốt với 21 mã tăng điểm và tạo lực đẩy chính cho chỉ số, song thanh khoản của các bluechips đã giảm rõ rệt so với phiên gần đây.
Trong số các mã có lượng khớp tốt nhất nhóm VN30, ngoại trừ VPB, thì cổ phiếu ngân hàng góp mặt đầy đủ, trong đó MBB dẫn đầu với chỉ 2,93 triệu đơn vi, các mã STB, CTG, VCB cùng khớp hơn 2 triệu đơn vị.
VNM phiên này tăng mạnh 3,2%, song khớp chỉ 0,83 triệu đơn vị.
Ngược lại, tạo sức cản lên chỉ số là VRE, SAB, GAS, PVD, NVL, BVH và KDC, trong đó SAB giảm 1,6%, NVL giảm 1,1%, VIC lình xình quanh tham chiếu.
Tích cực nhất là các mã thị trường, khi đa phần nhóm này tăng mạnh như FLC, ASM, FIT, HQC, HAI, HAR, SCR, HAG… Sắc tím cũng nở rộ ở nhóm này, tiêu biểu là AMD, VHG, JVC, VOS, DAH, MHC, ASP…
Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại bán ròng 949.930 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 65,5 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 167.306 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 5,82 tỷ đồng.
Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 255.134 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 8,27 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 14/12: VN-Index tăng 11,45 điểm (+1,24%), lên 935,85 điểm; HNX-Index tăng 1,02 điểm (+0,92%), lên 111,47 điểm; UPCoM-Index tăng 0,21điểm (+0,38%), lên 54,35 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 4.982 tỷ đồng.
Chứng khoán thế giới
Chứng khoán Mỹ
Fed đã quyết định nâng lãi suất thêm 0,25% lần thứ 3 trong năm nay và nâng dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2018 từ 2,1% lên 2,5%.
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Lao động cho thấy lạm phát tiêu dùng thấp trong tháng 11, qua đó có thể ảnh hưởng đến tốc độ nâng lãi suất của Fed trong tương lai.
Dow Jones và Nasdaq Composite đã tăng điểm, nhưng S&P 500 không thể duy trì đà tăng sau tuyên bố từ Fed.
S&P 500 lùi bước vào cuối phiên do đà sụt giảm của nhóm cổ phiếu ngân hàng, vốn thường có xu hướng hưởng lợi khi lãi suất tăng.
Tuy nhiên, lĩnh vực tài chính đã cộng 1,3%, qua đó cho thấy nhà đầu tư có thể kỳ vọng Fed sẽ có quan điểm “diều hâu” rõ ràng hơn.
Lĩnh vực hàng tiêu dùng tăng 0,5% và tăng mạnh nhất trong số 11 lĩnh vực thuộc S&P 500. Trong khi đó, lĩnh vực tiện ích tăng 0,3%.
Nhà đầu tư cũng chú ý đến những tiến triển trong quá trình thúc đẩy dự luật cải cách thuế của Đảng Cộng hòa, trong đó có liên quan đến việc cắt giảm thuế suất doanh nghiệp.
Kết thúc phiên 13/12, chỉ số Dow Jones tăng 80,63 điểm (+0,33%), lên 24.585,43 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,26 điểm (-0,05%), xuống 2.662,85 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 13,48 điểm (+0,20%), lên 6.875,80 điểm.
Trên thị trường châu Á
Chứng khoán Nhật Bản có phiên điều chỉnh nhẹ, khi các cổ phiếu ngân hàng và bảo hiểm suy yếu, trong khi cổ phiếu của các công ty viễn thông trở thành tâm điểm khi có tin rằng nhà bán lẻ trực tuyến Rakuten có kế hoạch tham gia vào thị trường dịch vụ di động.
Chỉ số Nikkei 255 giảm 0,3% xuống 22.694,45 điểm.
Chỉ số phụ theo dõi ngành ngân hàng giảm 1,8%, ngành bảo hiểm giảm 1,9% sau khi Fed thông báo chính thức tăng lãi suất đồng USD thêm 0,25%.
Cổ phiếu của Rakuten Inc giảm 4,9% sau khi tuyên bố sẽ tham gia vào mảng viễn thông, qua đó, sẽ trở thành nhà cung cấp dịch vụ không dây lớn thứ tư của nước này.
Động thái này dường như không được thị trường ủng hộ khi các nhà phân tích cảnh báo về một cuộc chiến giành thị phần đầy khó khăn cho Rakuten.
Các công ty viễn thông khác cũng mất điểm như NTT Docomo Inc giảm 2,3%, KDDI Corp giảm 2,8% và SoftBank Group Corp giảm 2,3%.
Cổ phiếu Panasonic tăng 2,4% sau khi Toyota cho biết đang đàm phán với Panasonic để cùng nhau phát triển và sản xuất một loại pin cho động cơ điện-hybrid.
Cổ phiếu Kyowa Hakko Kirin tăng 1,9%, sau khi tờ Nikkei cho rằng nhà sản xuất thuốc dự kiến sẽ tăng gấp đôi lợi nhuận hoạt động vào năm 2020. Điều này đã giúp chỉ số ngành dược phẩm tăng 0,4%.
Chứng khoán Trung Quốc cũng giảm, sau khi ngân hàng trung ương cũng có động thái tăng lãi suất ngay sau khi Fed tăng lãi suất.
Sự thay đổi lãi suất của Trung Quốc cho thấy hai điều ... Thứ nhất, chính sách của Fed vẫn là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến việc ra quyết định của PBOC ", Tommy Xie, nhà kinh tế tại OCBC, cho biết.
"Thứ hai, Trung Quốc không có dấu của khó khăn trong cơ cấu tài chính".
Bởi dữ liệu cho thấy sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ ổn định trong tháng trước, trong khi đầu tư BĐS hạ nhiệt một chút, cho thấy suy thoái kinh tế chỉ mang tính thời điểm của nền kinh tế thứ 2 thế giới”.
Shanghai Composite giảm 0,29% xuống còn 3.293,58 điểm. Chỉ số CSI300 blue-chip giảm 0,57% xuống 4.026,15 điểm.
Chỉ số phụ theo dõi ngành tài chính giảm 0,92%, ngành tiêu dùng tăng 0,03%, bất động sản giảm 0,23% và chăm sóc sức khỏe giảm 0,12%.
Nhóm cổ phiếu tăng lớn nhất là Henan Ancai High Tech Co Ltd tăng 10,06%, Shanxi Guoxin Energy Corp Ltd tăng 10,05% và Wenyi Suntech tăng 10,02%
3 cổ phiếu thua cuộc là NARI Technology Co Ltd giảm 4,52%, Mía đường Bắc Mông Cổ mất 3,67% và CTCK Huatai giảm 3,59%.
Chứng khoán Hồng Kông cũng điều chỉnh nhẹ, do các nhà đầu tư hầu như ít có phản ứng với việc tăng lãi suất của Fed.
Hang Seng giảm 0,19% xuống còn 29.166,38 điểm. Chỉ số Doanh nghiệp Trung Quốc tăng 0,1% lên 11.531,73 điểm.
Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng 0,2%, ngành công nghệ thông tin tăng 0,12%, tài chính giảm 0,5% và bất động sản tăng 1,14%.
Cổ phiếu hàng đầu của Hang Seng là Công ty TNHH Country Garden Holdings tăng 4,23%, trong khi Sunny Optical Technology Co Ltd giảm 4,1%.
3 cổ phiếu thuộc nhóm H tăng nhiều nhất là Air China Ltd tăng 3,56%, China Vanke Co Ltd tăng 3,18% và Great Wall Motor Co Ltd tăng 2,73%.
3 cổ phiếu giảm nhiều nhất là Ngân hàng Bưu điện Trung Quốc giảm 2,52%, PICC Property & Casualty Co Ltd giảm 1,8% và CTCP Chứng khoán Trung Quốc giảm 1,4%.
Kết thúc phiên 14/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 63,62 điểm (-0,28%), xuống 22.694,45 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 55,72 điểm (-0,19%), xuống 29.166,38 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 10,06 điểm (-0,32%), xuống 3.292,44 điểm.
Thị trường vàng, ngoại tệ
- Vàng SJC quay đầu giảm. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.750 đồng/USD.
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay tăng 80.000 đồng/lượng so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,30 - 36,52 triệu đồng/lượng, giảm 40.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.443 đồng/USD, giảm 7 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.680 - 22.750 đồng/USD.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Quý I/2018, Bộ Tài chính sẽ công bố lộ trình áp dụng IFRS
Sai sót vẫn diễn ra phổ biến trên báo cáo tài chính tại nhiều doanh nghiệp Việt, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của cổ đông, đối tác của doanh nghiệp và xói mòn niềm tin của giới đầu tư..>> Chi tiết
- Lợi thế đầu tư vẫn nghiêng về Việt Nam
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán trước thềm Hội nghị “Khai thác tiềm năng phát triển TTCK Việt Nam” ngày 15/12 tới, ông Nguyễn Thanh Kỳ, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB) cho rằng, cái gốc của thị trường là vững, nhà đầu tư nên bình tĩnh trước hiện tượng giảm sâu..>> Chi tiết
- Cuộc đua tam mã của cổ phiếu họ dầu khí
Hơn 13.000 tỷ đồng, tính theo giá khởi điểm và lượng cổ phiếu sẽ bán trong các phiên IPO của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) và Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVPower) không phải là số tiền quá lớn..>> Chi tiết
- Yêu cầu rà soát Nghị định 116 về ôtô: Không cho phép cài cắm chính sách để đẻ thêm giấy phép con
Chiều 13/12, tại Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có buổi đối thoại trực tiếp, giải đáp hàng loạt thắc mắc của Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản..>> Chi tiết
- Kinh doanh thiếu lối thoát, doanh nghiệp vàng phản ứng
Bị cấm vay mượn vàng, không cho nhập khẩu nguyên liệu, không được kinh doanh vàng tài khoản, nhiều doanh nghiệp vàng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không đề xuất sửa đổi, mà cần đề nghị bãi bỏ hẳn Nghị định 24/2012/NĐ - CP..>> Chi tiết
- Những 'bong bóng' giá lớn nhất lịch sử
Vì lòng tham hay trào lưu, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu cơ đã phải chịu thiệt hại nặng nề vì hội chứng hoa tulip, bong bóng South Sea, Dotcom...>> Chi tiết