Sai sót vẫn phổ biến
Mới đây, Ủy ban chứng khoán Nhà nước vừa ra quyết định xử phạt hành chính 85 triệu đồng với một công ty bất động sản vì hành vi công bố thông tin sai lệch các số liệu các khoản mục trên báo cáo tài chính như Phải thu ngắn hạn khách hàng, Phải thu dài hạn khác, Đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tại thời điểm 31/12/2016 và khoản mục Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2016 trong Báo cáo tài chính hợp nhất Quý IV/2016 so với Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 đã được kiểm toán.
Đó chỉ là một trong rất nhiều trường hợp sai sót trên báo cáo tài chính được phát hiện và xử phạt. Trên thị thực tế, có muôn vàn cách để các doanh nghiệp “biến hóa” các số liệu trên báo cáo tài chính bằng nhiều “thủ thuật”.
Tại Hội thảo “Những sai sót thường gặp khi lập và trình bày báo cáo tài chính – Một số lưu ý khi áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS” do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội phối hợp với Smart Train tổ chức mới đây, hầu hết các diễn giả đều cho rằng thực trạng sai sót trong lập và trình bày báo cáo tài chính của doanh nghiệp diễn ra phổ biến trên thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Với hơn 35 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kế toán, kiếm toán, ông Đặng Xuân Cảnh, Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán và tư vấn RSM Việt Nam cho biết, sai sót phổ biến nhất trên báo cáo tài chính nằm ở các khoản mục như doanh thu, chi phí.
Nhiều trường hợp dù giao dịch chưa đủ điều kiện để ghi nhận doanh thu, nhưng kế toán vẫn hạch toán vào báo cáo tài chính của niên độ hiện tại. Bên cạnh đó, chi phí, đặc biệt là chi phí dự phòng cũng không được ghi nhận một cách đầy đủ theo nguyên tắc thận trọng, qua đó làm tăng kết quả lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Đáng chú ý, thuyết minh báo cáo tài chính, cấu phần rất quan trọng trong một bản báo cáo tài chính của doanh nghiệp, diễn giải các thông tin trên báo cáo tài chính lại là phần chưa được nhiều doanh nghiệp chú trọng trình bày. Và đây cũng là phần nội dung thường xảy ra sai sót nhất trên cáo tài chính của các doanh nghiệp Việt.
Theo ông Cảnh, tại Việt Nam, hầu hết các giáo trình giảng dạy chuyên ngành kế toán không đề cập đến cách thức trình bày một bản thuyết minh báo cáo tài chính đúng chuẩn. Trong khi đó, kỹ năng trình bày và diễn đạt của kế toán viên có những hạn chế nhất định.
“Nguyên nhân dẫn đến sai sót có thể xuất phát từ năng lực của kế toán viên, nhận thức chưa đúng và chưa đủ, nhưng cũng có thể đến từ ý chí chủ quan của người lập báo cáo. Mà nguyên nhân chủ quan chiếm phần lớn”, ông Cảnh khẳng định.
Quý I/2018, Bộ Tài chính sẽ công bố lộ trình áp dụng IFRS
Đồng quan điểm với ông Cảnh, ông Trịnh Đức Vinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính cho rằng, hệ thống chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) với những quy chuẩn cao về tính giải trình và minh bạch, đề cao nguyên tắc thận trọng, nếu được các doanh nghiệp trong nước áp dụng sẽ tăng cường bảo vệ lợi ích nhà đầu tư và chủ nợ.
“Tất nhiên, điều này cũng còn phụ thuộc ý thức tuân thủ của ban lãnh đạo doanh nghiệp”, ông Vinh khẳng định.
Theo ông Vinh, tại các tập đoàn xuyên quốc gia, lợi nhuận chỉ là mục tiêu thứ hai, sau mục tiêu đảm bảo an toàn tài chính. Trong khi tại Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp đều đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu.
Tại các tập đoàn xuyên quốc gia, lợi nhuận chỉ là mục tiêu thứ hai, sau mục tiêu đảm bảo an toàn tài chính. Trong khi tại Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp đều đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu.
Ông Vinh cũng lưu ý, khi IFRS được áp dụng đòi hỏi người làm công tác kế toán không phải chỉ là “người ghi sổ sách”, mà cần sự am hiểu các nguyên lý kế toán, giao dịch kinh tế để có những đánh giá, đối chiếu hợp lý.
“Bên cạnh việc chuẩn bị nguồn nhân lực, doanh nghiệp còn cần chuẩn bị hệ thống thông tin kết nối. Trong trường hợp công ty mẹ áp dụng IFRS nhưng công ty con là doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty không có lợi ích gắn với công chúng không áp dụng hệ thống chuẩn mực này thì làm sao để hợp nhất trên báo cáo tài chính”, ông Vinh đặt vấn đề.
Theo ông Vinh, để chuẩn bị cho việc áp dụng chuẩn mực IFRS tại Việt Nam theo đúng kế hoạch đề ra đến năm 2020, Bộ Tài chính đang xây dựng đề án triển khai và trình Chính phủ thông qua.
“Bộ Tài chính sẽ công bố lộ trình cụ thể, có thể trong quý I/2018 sau khi được Chính phủ phê duyệt, để các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị cho quá trình áp dụng IFRS”, ông Vinh cho hay.