Lợi thế đầu tư vẫn nghiêng về Việt Nam

Lợi thế đầu tư vẫn nghiêng về Việt Nam

(ĐTCK) Chỉ số chứng khoán Việt Nam giảm mạnh trong phiên đầu tuần khi VN-Index mất liền 22,7 điểm, rơi xuống dưới 920 điểm. Tuy nhiên, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán trước thềm Hội nghị “Khai thác tiềm năng phát triển TTCK Việt Nam” ngày 15/12 tới, ông Nguyễn Thanh Kỳ, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB) cho rằng, cái gốc của thị trường là vững, nhà đầu tư nên bình tĩnh trước hiện tượng giảm sâu.

TTCK rơi sâu hiện nay, theo ông có đáng lo ngại? Trường hợp thị trường rơi tiếp thì có lo ngại những thành quả kinh doanh của nhiều chủ thể, trong đó có các thành viên của VASB như công ty chứng khoán, sẽ tan mất không, thưa ông?

TTCK sụt giảm có thể chứa đựng một số yếu tố bất thường, nhưng tôi cho rằng, nhà đầu tư nên bình tĩnh nhìn nhận trên nền tảng những giá trị cơ bản mà TTCK đạt được. Chúng ta đều biết, tăng giảm của chỉ số là diễn biến thường nhật, còn sự vững mạnh của TTCK có thể đánh giá được trong tư duy điều hành và nền tảng pháp lý.

Liên quan đến tư duy điều hành, Chính phủ đã thể hiện rõ nét quan điểm coi kinh tế tư nhân và phát triển kinh tế tư nhân là trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với thông điệp này, lãnh đạo Chính phủ thường xuyên lắng nghe, tiếp xúc và trực tiếp gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp, xử lý nhiều dự án đắp chiếu để hỗ trợ phát triển.

Lợi thế đầu tư vẫn nghiêng về Việt Nam ảnh 1

 Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VASB.

6 kiến nghị của VASB gửi Thủ tướng Chính phủ từ đầu năm cũng đã nhận được văn bản giải đáp từ Chính phủ, cho thấy, mức độ quan tâm và kết nối từ DN, các chủ thể trung gian đến cơ quan điều hành cao nhất đang ngày càng chặt chẽ.

Đây là một điểm mới khiến chúng tôi tin rằng, TTCK đã, đang và sẽ được điều hành theo đúng định hướng, trở thành một kênh đầu tư minh bạch và kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế.

Nếu VN-Index tiếp tục đà suy giảm thì có thể ảnh hưởng đến kết quả cuối năm của nhiều chủ thể, nhưng nếu có, đây cũng chỉ là diễn biến ngắn hạn, bởi sức phát triển của TTCK còn rộng dài phía trước.

Như ông nói, nét mới năm nay là sự kết nối giữa của cơ quan điều hành nền kinh tế với cộng đồng DN, với TTCK chặt chẽ hơn các năm trước. Tuy nhiên, câu chuyện TTCK tăng mạnh từ mốc ổn định 750 điểm gần đây lên mốc 950 điểm khiến nhiều ý kiến cho rằng, TTCK đã tăng quá nóng. Quan điểm của ông như thế nào?

Trong cuộc làm việc gần nhất của VASB với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), câu chuyện TTCK lên đến 950 điểm có phải là tăng quá nóng hay không cũng đã được chúng tôi đặt ra, bởi thực tế quãng thời gian VN-Index “chạy” từ mốc 750 điểm lên mốc 950 điểm là khá ngắn.

Tuy nhiên, nhìn rộng ra sẽ thấy, tại mốc 950 điểm, chỉ số giá trên thu nhập (P/E) của Việt Nam mới chỉ 18-19 lần, còn thấp hơn nhiều thị trường khác như Indonesia (P/E khoảng 22 lần); Philippines (P/E khoảng 22,5 lần), US (P/E khoảng 22 lần), EU (P/E khoảng 20 lần)…

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng cao so với nhiều nền kinh tế khác (Thái Lan tăng trưởng GDP khoảng 3,7%, Indonesia khoảng 5,1%, Malaysia khoảng 5,7%, Nhật khoảng 1,5%...), khiến lợi thế đầu tư vẫn nghiêng về Việt Nam.

Chính phủ đã thể hiện rõ nét khả năng nền kinh tế 2017 sẽ về đích tăng trưởng 6,7% và năm 2018 sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn mức này. Đây là nền tảng quan trọng nhất để tin rằng, TTCK Việt Nam vẫn sẽ vững đà tăng trưởng. Sự điều chỉnh của chỉ số chỉ là ngắn hạn, có thể do ảnh hưởng của việc một số tổ chức đầu tư thu xếp nguồn tiền chuẩn bị cho các cuộc đấu giá lớn cuối năm. 

Được biết cuối tuần này, VASB sẽ tổ chức Hội nghị thành viên với sự tham gia của nhiều thành viên uy tín như VNDS, SSI, MBS… đối thoại cùng nhà quản lý. Xin ông cho biết VASB sẽ kiến nghị gì với nhà quản lý, thưa ông?

Chúng tôi đang tổng hợp các kiến nghị từ thành viên TTCK về những vướng mắc pháp lý hoặc những đề xuất, sáng kiến để TTCK vận động nhanh hơn, dòng vốn chu chuyển hiệu quả hơn, đồng thời với việc phải quản trị tốt hơn để giữ an toàn hệ thống.

Chẳng hạn, liên quan đến thị trường UPCoM, chúng tôi vẫn kiên định kiến nghị UBCK cần nới margin cho các mã đủ chất lượng để thúc đẩy dòng tiền quan tâm đến thị trường này. Chúng tôi thấy rằng, UBCK, Bộ Tài chính, Chính phủ 1 năm qua đã sửa đổi nhiều chính sách theo hướng thông thoáng hơn để  thúc đẩy tính hiệu quả của TTCK.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ thành viên vẫn đề xuất các chính sách về thuế, phí cần cải tiến hơn nữa, ưu đãi hơn nữa để nuôi dưỡng sức mạnh của nhiều chủ thể trên TTCK, nhất là khối nhà đầu tư tổ chức.

Hiện nay, thị trường phái sinh hầu như vắng bóng nhà đầu tư tổ chức, thị trường cơ sở cũng chỉ có vài phần trăm tài khoản là tổ chức đầu tư. Tăng trưởng của các quỹ đại chúng rất tốt, nhưng cả thị trường mới chỉ có chưa đầy 20 quỹ loại này… 

Dự cảm của ông về TTCK năm tới?

TTCK được ví như phong vũ biểu của nền kinh tế. Khi nền kinh tế tăng trưởng ổn định và ở mức cao thì chắc chắn TTCK cũng sẽ tăng trưởng tương ứng. Trong xu hướng tăng trưởng đó, thị trường có những giai đoạn điều chỉnh là bình thường. Mỗi nhịp điều chỉnh là một cơ hội để các chủ thể nhìn lại mình và tìm cách bước đi vững chắc hơn.

Tin bài liên quan