Thị trường tài chính 24h: Nhiều nơi đã giảm lãi margin

Thị trường tài chính 24h: Nhiều nơi đã giảm lãi margin

(ĐTCK) VN-Index giữ được mốc 890 điểm; Ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận mùa dịch; VN-Index dưới 900 điểm, cơ hội từ góc nhìn hẹp; Cận cảnh chiêu trò thao túng cổ phiếu KSA; Kích cầu, công ty chứng khoán giảm phí, lãi margin; Chứng khoán châu Á đồng loạt bị bán tháo; Các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương thiệt hại khoảng 211 tỷ USD do Covid-19...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Thị trường vàng, ngoại tệ, dầu thô

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay 6/3 tăng 250.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 46,80 – 47,32 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay đêm qua tại Mỹ tăng 35,6 USD lên 1.671,8 USD/ounce, thì sang phiên châu Á sáng nay đã tiếp tục nới rộng đà tăng và có thời điểm chạm 1.690 USD/ounce trước khi hạ nhiệt đôi chút về vùng 1.687 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,87% xuống 95,96 điểm vào cuối phiên châu Á.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 6/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.197 đồng, giảm 6 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.130 - 23.270 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,11 USD (-2,42%), xuống 46,79 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,35 USD (-2,70%), xuống 48,64 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index giảm nhẹ

Áp lực bán gia tăng và lan rộng đã quay lại trong phiên sáng, khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. VN-Index để mất gần 10 điểm khi chốt phiên.

Bước sang phiên chiều, sau ít phút đầu lình xình đi ngang dưới vùng 885, lực cầu bắt đáy nhập cuộc đã giúp thị trường bật ngược đi lên. Tuy nhiên, sự ngáng chân của bluechip khiến thị trường chưa thể hồi phục trở lại.

Nhóm VN30 chỉ có 7 mã tăng, trong đó đáng kể là MSN bật tăng kịch trần+6,9%. VCB cũng có phiên tăng tích +1,7%.

Tâm điểm đáng chú ý là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khi hàng loạt mã LDG, DXG, QCG, HCD, AMD… tăng hết biên độ.

Tính chung trên toàn thị trườngnhà đầu tư nước ngoài bán ròng 2,15 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 30,17 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 6/3: VN-Index giảm 1,87 điểm (-0,21%), xuống 891,44 điểm; HNX-Index giảm 1,37 điểm (-1,19%), xuống 113,66 điểm; UPCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,06%), xuống 55,42 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall đã nhanh chóng đảo chiều lao dốc trở lại và tiếp tục ghi nhận có thêm phiên giảm điểm hơn 3% khi nỗi lo dịch Covid-19 tăng cao.

Trong ngày 5/3, số ca lây nhiễm mới Covid-19 đã lan nhanh ở châu Âu với số ca ở Anh, Đức, Hà Lan đều ghi nhận tăng gấp đôi so với ngày trước, trong khi Italy ghi nhận thêm 769 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 3.858 người, trong đó có 148 người chết, cao thứ 2 thế giới sau Trung Quốc đại lục.

Trong khi đó, tại Mỹ, thêm 2 tiểu bang nữa ghi nhận có người nhiễm Covid-19, trong khi số ca tử vong tăng lên 12.

Kết thúc phiên 5/3, chỉ số Dow Jones giảm 969,58 điểm (-3,58%), xuống 26.121,28 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 106,18 điểm (-3,39%), xuống 3.023,94 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 279,49 điểm (-3,10%), xuống 8.738,60 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản lao dốc, vì những lo ngại về thiệt hại kinh tế từ dịch Covid-19 gây ra đang lan nhanh trong và ngoài nước.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,72% xuống 20.749,75 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 4/9/2019. Chỉ số Topix mất 2,92% xuống 1.471,46 điểm,  mức kết thúc thấp nhất kể từ tháng 1/2019.

Giới đầu tư ồ ạt bán tháo đã khiến 97% số cổ phiếu trên bảng điện tử chìm trong sắc đỏ, khi dịch Covid-19 đang lan rộng ở châu Âu và Mỹ.

Cổ phiếu du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề sau khi Thủ tướng Shinzo Abe ra lệnh cách ly 2 tuần đối với du khách đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc, với H.I.S. giảm 6,3%, AirTrip giảm 8,2% và KNT-CT Holdings giảm 3,8%.

Nhóm cổ phiếu xuất khẩu cũng bầm dập khi đồng yên tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng so với đồng USD. Theo đó, Honda Motor mất 4,3%, Toyota Motor giảm 3,1%, Komatsu mất 3,6% và Canon giảm 3,5%.

Ngược dòng thị trường là Seven & i Holdings, tăng 5,9% sau khi nhà bán lẻ bỏ thầu mua các trạm xăng của Marathon Speedway Corp ở Mỹ.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi chịu hiệu ứng bán tháo từ nhiều thị trường khác trên thế giới, khi dịch Covid-19 đang cho dấu hiệu lây lan rộng ở châu Âu và Mỹ.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,12% xuống 3.034,51 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 1,62% xuống 4.138,51 điểm.

Mặc dù vậy, trong tuần, SSEC tăng 5,4%, trong khi CSI300 tăng 5%, cả hai đều ghi nhận mức hàng tuần cao nhất kể từ tuần đầu tiên của tháng 3 năm 2019, khi khi giới đầu tư hưởng ứng các biện pháp hỗ trợ mới nhất của Bắc Kinh và mong muốn có thêm nhiều gói kích thích hơn nữa để củng cố kinh tế trong nước.

Chứng khoán Hồng Kông cũng trượt dốc theo phố Wall đêm qua, nhưng cũng như Đại lục khi kết thúc tuần ghi nhận tăng điểm.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,32% xuống 26.146,67 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,53% xuống 10.456,93 điểm.

Trong tuần, HSI đã tăng 0,1%, còn HSCE đã tăng 1,5%, khi các nhà đầu tư hoan nghênh các biện pháp hỗ trợ mới nhất của Bắc Kinh để kích thích kinh tế Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho các chính quyền địa phương để đảm bảo các hoạt động sản xuất suôn sẻ, trông bối cảnh dịch Covid-19 đang gây thiệt hại, Thứ trưởng Bộ Tài chính Xu Hongcai cho biết.

Chứng khoán Hàn Quốc cũng chịu áp lực bán tháo, khi ca nhiễm mới virus corona tại Mỹ và toàn cầu đã tăng lên, làm tổn thương niềm tin của nhà đầu tư. 

Cơ quan phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết, tổng số ca nhiễm virut corona mới được xác nhận tại Hàn Quốc vào thứ Sáu là 6.284, tăng 196 so với tối thứ Năm, 7 trường hợp tử vong mới.

Nhóm cổ phiếu hàng không chịu thiệt hại lớn sau khi Nhật Bản quyết định cách ly du khách đến từ Hàn Quốc trong hai tuần với Korean Air mất 6% và Asiana Airlines mất 3,7%.

Kết thúc phiên 6/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 579,37 điểm (-2,72%), xuống 20.749,75 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 37,17 điểm (-1,21%), xuống 3.034,51 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 621,20 điểm (-2,32%), xuống 26.146,67 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 45,04 điểm (-2,16%), xuống 2.040,22 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

Ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận mùa dịch

Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, các ngân hàng chấp nhận việc lợi nhuận sụt giảm..>> Chi tiết

VN-Index dưới 900 điểm, cơ hội từ góc nhìn hẹp

Diễn biến khó lường của dịch cúm Covid-19 đã khiến chỉ số VN-Index giảm sâu xuống dưới ngưỡng 900 điểm. Mức định giá thị trường đã trở nên rẻ hơn, nhưng đây không hẳn là cơ hội tốt để mua vào..>> Chi tiết

Cận cảnh chiêu trò thao túng cổ phiếu KSA

Ngày 5/3 vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã xét xử vụ án thao túng giá chứng khoán tại CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (mã KSA), qua đó phơi bày các chiêu trò thao túng tại doanh nghiệp, điều mà ít người có thể nắm rõ trước khi vụ việc được đem ra xét xử..>> Chi tiết

Kích cầu, công ty chứng khoán giảm phí, lãi margin

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản, nhiều công ty chứng khoán đã giảm lãi suất cho vay ký quỹ (margin), giảm phí giao dịch... để kích cầu..>> Chi tiết 

Các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương thiệt hại khoảng 211 tỷ USD do Covid-19

Sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 có thể khiến các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương mất mát khoảng 211 tỷ USD, trong đó Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore và Úc là những nơi chịu ảnh hưởng rõ nhất, theo S&P Global Ratings..>> Chi tiết

Tin bài liên quan