Cận cảnh chiêu trò thao túng cổ phiếu KSA

Cận cảnh chiêu trò thao túng cổ phiếu KSA

(ĐTCK) Ngày 5/3 vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã xét xử vụ án thao túng giá chứng khoán tại CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (mã KSA), qua đó phơi bày các chiêu trò thao túng tại doanh nghiệp, điều mà ít người có thể nắm rõ trước khi vụ việc được đem ra xét xử.

Vốn điều lệ tăng chóng mặt

Để có thể làm giá cổ phiếu thì phải có nguồn cung và một trong những cách tạo nguồn cung là tăng mạnh vốn điều lệ doanh nghiệp. Với nhà đầu tư, việc tìm hiểu doanh nghiệp tăng vốn thực hay ảo là không dễ dàng.

Trong trường hợp của KSA, tháng 4/2015, Công ty có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 373,7 tỷ đồng lên 1.044 tỷ đồng thông qua chào bán 56 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu và 11 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược.

Sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, KSA tiến hành chào bán cổ phần, nhưng không có cổ đông hiện hữu nào đăng ký mua, ngoại trừ bị cáo Phạm Thị Hinh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị KSA khi đó.

Bị cáo này đăng ký mua 1,2 triệu cổ phần, số cổ phần còn lại được phân phối cho 10 doanh nghiệp, cá nhân là người thân, người quen của mình.

Để có 560 tỷ đồng nộp vào tài khoản tương ứng với số cổ phiếu đăng ký mua, ngoài trực tiếp vay tiền ngân hàng, bị cáo Hinh còn nhờ thêm một số cá nhân đứng tên vay tiền.

Sau khi làm xong hồ sơ báo cáo và được Ủy ban Chứng khoán công nhận kết quả chào bán cổ phiếu ra công chúng, bị cáo Hinh rút tiền trả nợ ngân hàng.

Tạo cung - cầu giả thông qua các giao dịch lớn

Sau khi tăng vốn, bước tiếp theo là tiến hành giao dịch lượng lớn cổ phiếu thông qua nhiều tài khoản chứng khoán để đẩy giá cổ phiếu.

Như trường hợp của KSA, bị cáo Hinh và các đồng phạm đã sử dụng 69 tài khoản chứng khoán để giao dịch chéo giữa các tài khoản để tăng thanh khoản và giá cổ phiếu KSA.

10 tài khoản chứng khoán nhận phân phối cổ phiếu trong đợt tăng vốn phát hành 56 triệu cổ phần đã thực hiện các giao dịch thỏa thuận đối với nhóm 69 tài khoản sử dụng để làm giá.

Tiếp đó, nhóm 69 tài khoản thực hiện các lệnh mua, bán, khớp chéo giữa các tài khoản để tạo cung cầu giả, đẩy tăng giá cổ phiếu KSA.

Xem lại dữ liệu giao dịch trong giai đoạn từ ngày 11/12/2015 - ngày đầu tiên giao dịch số cổ phiếu niêm yết bổ sung, đến ngày 8/7/2016 - thời điểm các công ty chứng khoán bán giải chấp để thu nợ, cổ phiếu KSA có nhiều giao dịch thỏa thuận với khối lượng vài triệu cổ phần mỗi phiên.

Ví dụ, chỉ trong 2 ngày 18 và 19/12/2015, có gần 16 triệu cổ phiếu được thỏa thuận, cụ thể ngày 18/12/2015 là 4,95 triệu cổ phiếu và ngày 19/12/2015 là 10,7 triệu cổ phiếu.

Ngày 28/12/2015, có 4,3 triệu cổ phiếu được thỏa thuận và ngày 12/1/2016 có thỏa thuận 4,4 triệu cổ phiếu...

Tổng cộng có 145 lệnh giao dịch thỏa thuận, trong đó lệnh bán là hơn 96,8 triệu cổ phiếu và lệnh mua hơn 91,9 triệu cổ phiếu.

Sau khi cổ phiếu nguồn được phân phối, nhóm 69 tài khoản bắt đầu thực hiện giao dịch trên sàn.

Trong số 69 tài khoản, có 19 tài khoản chỉ thực hiện giao dịch thỏa thuận, 50 tài khoản còn lại thực hiện giao dịch khớp lệnh trên sàn, với hơn 73.000 lệnh mua, khối lượng hơn 269 triệu cổ phiếu và hơn 38.000 lệnh bán, khối lượng hơn 640 triệu cổ phiếu.

Trong giai đoạn này, cổ phiếu KSA có thanh khoản lớn, khớp lệnh vài triệu cổ phiếu mỗi ngày, cao nhất là phiên giao dịch ngày 24/3/2016 với 7 triệu cổ phiếu được sang tên.

Tính thanh khoản cao tạo sức hấp dẫn đủ lớn cho cổ phiếu KSA để nhà đầu tư có thể “đua theo sóng”.

Trên thực tế, trong giai đoạn từ 11/12/2015 - 8/7/2016, có 1.490 nhà đầu tư tham gia giao dịch cổ phiếu KSA. Cơ quan điều xác định, các nhà đầu tư này đã mua, bán hơn 29,7 triệu cổ phiếu,  chênh lệch giá bán thấp hơn giá mua là 8,1 tỷ đồng.

Xác định thiệt hại của nhà đầu tư là 8,1 tỷ đồng.

Sau khi “sóng lặng”, thị giá KSA nhanh chóng lao dốc, về vùng 1.000 đồng và chỉ còn 480 đồng trước khi bị hủy niêm yết bắt buộc.

Tạm ứng bất thường, kinh doanh kém hiệu quả

Trái với diễn biến tăng giá trên sàn, hiệu quả hoạt động kinh doanh giai đoạn này của KSA kém hiệu quả.

Từ mức lãi sau thuế 65 tỷ đồng năm 2010, KSA chỉ còn lãi ròng 2,9 tỷ đồng vào năm 2014 và tiếp tục giảm về 1,4 tỷ đồng vào năm 2015.

Báo cáo tài chính năm 2015 - thời điểm KSA tăng vốn điều lệ, có nhiều khoản trả trước người bán, với tổng số tiền là 404 tỷ đồng.

Theo đó, để thực hiện việc xây dựng nhà máy chế biến xỉ titan, KSA ký hợp đồng thi công với Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Ngôi nhà đầu tiên và ứng trước cho doanh nghiệp này 80 tỷ đồng.

KSA ký tiếp hợp đồng thi công với Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng kỹ thuật thương mại Phú Hòa, tạm ứng 150 tỷ đồng; ký hợp đồng với Công ty TNHH Hạnh Vân, tạm ứng 70 tỷ đồng và CTCP Đầu tư và phát triển Bảo Thư được tạm ứng 80,4 tỷ đồng.

Sau này, cơ quan điều tra xác định, đây đều là các doanh nghiệp “người quen” của bị cáo Hinh. Số tiền tạm ứng được chuyển khoản lòng vòng rồi rút ra để thanh toán cho khoản vay ban đầu tại ngân hàng.

Đáng nói là hành vi thao túng được thực hiện nhờ sự tiếp tay của môi giới chứng khoán. Để thực hiện việc thao túng giá, bị cáo Hinh đã nhờ Nguyễn Anh Tuấn, cựu Trưởng phòng Môi giới Công ty Chứng khoán Maritime Bank - MSI (sau được bán lại cho đối tác Hàn Quốc và đổi tên thành Công ty Chứng khoán KB Việt Nam - KBSV) giao dịch chéo giữa các tài khoản để tăng thanh khoản và giá cổ phiếu KSA.

Sau khi mở tài khoản, bị cáo Hinh giao cho Nguyễn Anh Tuấn 34 tài khoản. Tuấn giao cho 2 nhân viên dưới quyền thực hiện đặt lệnh giao dịch chéo giữa các tài khoản.

Hàng ngày, nhóm nhân viên này có trách nhiệm truy cập vào tài khoản thống kê sức mua rồi cân đối dựa trên kết quả giao dịch trên sàn, tính toán khối lượng mua hoặc bán cổ phiếu ở các tài khoản và thực hiện đặt lệnh.

Cuối ngày sẽ thống kê khối lượng giao dịch, số tiền tương ứng rồi chuyển lại cho đầu mối phía bị cáo Hinh. Đồng thời, cân đối việc chuyển tiền giữa các tài khoản để đảm bảo giao dịch ngày hôm sau.

Các tài khoản còn lại do bị cáo Hinh chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc mua bán. Đến cuối tháng 6/2016, các công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu KSA để thu hồi nợ, khiến cổ phiếu này giảm sàn liên tiếp.

Lúc này, các bị cáo Hinh, Tuấn ngừng việc giao dịch... Đến năm 2019, vụ án mới được khởi tố.

Theo quy định hiện hành, hành vi thao túng giá chứng khoán bị cấm thực hiện, song vì lợi nhuận, hành vi này vẫn âm thầm diễn ra.

Trong khi đó, thông tin công bố của cơ quan quản lý thường ngắn gọn và không nêu chi tiết cách thức, thời điểm diễn ra hành vi thao túng. Điều này chỉ sáng tỏ khi vụ việc ở mức truy cứu trách nhiệm hình sự.     

Điều 211 - Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội thao túng thị trường chứng khoán như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng, hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;

b) Thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;

c) Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;

d) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến
cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;

đ) Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;

e) Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 2-4 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 2-7 năm:

a) Có tổ chức;

b) Thu lợi bất chính 1,5 tỷ đồng trở lên;

c) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3 tỷ đồng
trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 250 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2-5
tỷ đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5-10 tỷ đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 500 triệu  đồng đến 2 tỷ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1-3 năm, hoặc cấm huy động vốn từ 1-3 năm.

Đối với các trường hợp chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 36, Điều 1 - Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 108/2013/NĐ-CP như sau: "2. Phạt tiền từ 1-1,2 tỷ đồng đối với hành vi giao dịch thao túng thị trường chứng khoán mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự".

Tin bài liên quan