Vietcombank ước tính, số tiền giảm lãi suất cho doanh nghiệp ước khoảng 300-450 tỷ đồng.

Vietcombank ước tính, số tiền giảm lãi suất cho doanh nghiệp ước khoảng 300-450 tỷ đồng.

Ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận mùa dịch

(ĐTCK) Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, các ngân hàng chấp nhận việc lợi nhuận sụt giảm.

Ông Trần Minh Bình, Tổng giám đốc VietinBank cho biết, Ngân hàng đã chủ động tương trợ khách hàng, áp dụng nhiều biện pháp như miễn giảm lãi, miễn giảm phí…

Ước tính tổng trị giá các gói hỗ trợ khách hàng của VietinBank sẽ là 800 tỷ đồng

Đại diện Vietcombank, Tổng giám đốc Phạm Quang Dũng cho biết, Ngân hàng sẽ cơ cấu thời hạn trả nợ, giãn nợ, không tính phí phạt trả nợ chậm với các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19.

Đồng thời, với khách hàng hiện hữu vay vốn ngắn hạn bằng VND, Vietcombank áp dụng lãi suất ưu đãi giảm thêm mức 1%/năm, khách vay vốn trung và dài hạn lãi suất giảm 1,5%/năm.

Khách hàng vay vốn bằng USD lãi suất giảm 0,5%/năm với kỳ hạn ngắn và 0,7%/năm với kỳ hạn trung và dài hạn.

“Đối với khách hàng vay vốn mới, Vietcombank sẽ giảm lãi suất tối đa thêm mức 1%/năm khi vay bằng VND và 0,5%/năm khi vay bằng USD. Ngoài ra căn cứ diễn biến dịch, mức độ ảnh hưởng, Vietcombank sẽ cân đối mở rộng đối tượng, lĩnh vực được hỗ trợ. Thời gian thực hiện chương trình từ 11/2 đến 30/4/2020”, ông Dũng thông tin.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành BIDV chia sẻ, BIDV sẽ triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng cá nhân, 20.000 tỷ đồng và 100 triệu USD cho khách hàng doanh nghiệp, dự định triển khai giảm lãi suất 1%/năm so với lãi suất thông thường…

Thành viên điều hành Hội đồng thành viên Agribank, ông Phạm Hoàng Đức nói: “Agribank đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị tiến hành cơ cấu thời hạn, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ.

Dự định giảm 1%/năm lãi suất cho các đối tượng. Thực hiện giảm phí qua giao dịch điện tử, qua Internet. Dành quỹ  từ 70.000-100.000 tỷ đồng để cho vay đối tượng ưu tiên”.

Với gói 3.000 tỷ đồng, SHB hỗ trợ cho vay lãi suất ưu đãi đối với khoản vay mới và điều chỉnh giảm lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu. T

Theo đó, khách hàng sẽ được giảm lãi suất lên tới 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường đối với các khoản vay bằng VND và 0,5%/năm đối với các khoản vay bằng USD.

Bên cạnh đó, SHB đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ khác như cơ cấu thời hạn trả nợ song vẫn được giữ nguyên nhóm nợ, ưu đãi phí trả nợ trước hạn…

“Với nguồn vốn trên, các đơn vị kinh doanh của SHB đã sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu các gánh nặng tài chính do dịch bệnh và thúc đẩy các hoạt động sản xuất - kinh doanh”, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB chia sẻ.

Thực tế cho thấy, để dành nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, các ngân hàng đang chấp nhận giảm lợi nhuận.

Lãnh đạo Vietcombank cho biết, ước tính quy mô dư nợ của các khoản vay được giảm lãi suất khoảng 30.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng của khoảng 300 khách hàng là tổ chức kinh doanh lớn, số tiền giảm lãi suất mà Vietcombank chia sẻ với doanh nghiệp ước khoảng 300-450 tỷ đồng, nếu tính cả tiền lãi khách hàng cá nhân đang vay được giảm thì con số hỗ trợ còn lớn hơn.

“Vietcombank không tính toán phần thiệt hại, giảm lãi là bao nhiêu, mà điều quan trọng là có giải pháp, hỗ trợ kịp thời cho khách hàng vượt qua khó khăn. Còn đương nhiên, lợi nhuận của Ngân hàng sẽ giảm sau đợt dịch bệnh này”, lãnh đạo Vietcombank nói.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng khá khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh.

Đầu tháng 2, ban lãnh đạo ngân hàng cố gắng cầm cự hết tháng 2, chứ chưa quyết định điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận cả năm. Nhưng trước diễn biến bệnh dịch bùng phát bất ngờ, chúng tôi đang tính toán giảm mục tiêu lợi nhuận của năm ở mức phù hợp”.

Lãnh đạo cao cấp một ngân hàng có vốn nhà nước thông tin, lợi nhuận năm 2019 của ngân hàng đạt gần 14.000 tỷ đồng, trong đó một nửa đến từ thu phí dịch vụ.

Năm 2020, dự kiến lợi nhuận đến từ mảng này vẫn ổn định, nhưng các lĩnh vực khác chưa thấy tín hiệu khả quan.

Mục tiêu lợi nhuận cho năm 2020 khi đặt ra đã không cao hơn nhiều so với năm 2019, nhưng bối cảnh hiện tại cho thấy đạt được kế hoạch là vô cùng khó khăn.

Đặc biệt, mới 2 tháng đầu năm, nợ xấu của ngân hàng đã tăng rất mạnh.

Tin bài liên quan