Thị trường tài chính 24h: Kỳ vọng nhóm ngân hàng sẽ sớm trở lại

Thị trường tài chính 24h: Kỳ vọng nhóm ngân hàng sẽ sớm trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm nhẹ; Ngân hàng ngoại bớt… lép vế’; Cổ phiếu ngân hàng có thể sớm trở lại đường đua; Năm mới, dò tìm cơ hội mới!; F0 bám thị trường; OPEC+ tiếp tục tăng sản lượng vào tháng 2… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 5/1 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 61,00 – 61,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 13 USD lên 1.814,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và chạm 1.820 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 96,10 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 5/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.137 đồng/USD, tăng 3 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.620 – 22.900 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,12 USD (-0,16%), xuống 76,87 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,07 USD (-0,09%), xuống 79,93 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm giằng co nhẹ và đứng tại quanh 45.700 USD, thì sang ngày hôm nay đã nhích dần lên và lên trên 46.400 USD/BTC vào cuối ngày.

Chứng khoán trong nước

VN-Index điều chỉnh nhẹ

Trong phiên sáng, áp lực chốt lời ở vùng đỉnh mới 1.535 điểm khiến VN-Index rung lắc, nhưng dòng tiền chảy mạnh sau đó hấp thụ tốt lượng cung chốt lời, kéo VN-Index trở lại.

Bước vào phiên chiều, lực cung chốt lời gia tăng, khiến VN-Index có thời điểm xuống dưới tham chiếu, dù lực cầu trở lại, nhưng không đủ giúp chỉ số bật hẳn lên mà thêm một lần về sắc đỏ khi đóng cửa.

Nhóm bất động sản vẫn chưa hề hạ nhiệt, với DRH, DIG, LDG, QCG, VPH, NVT, FLC, ROS tăng kịch trần.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 0,78 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 186,86 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 5/1: VN-Index giảm 3,08 điểm (-0,20%), xuống 1.522,5 điểm; HNX-Index tăng 6,26 điểm (+1,32%) lên 480,36 điểm; UPCoM-Index tăng 0,54 điểm (+0,48%) lên 114,26 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall diễn biến trái chiều trong phiên ngày thứ Ba (4/1) khi Dow Jones tiếp tục lập kỷ lục mới, còn S&P 500 và Nasdaq Composite cùng đi xuống.

Giới đầu tư đang đặt cược rằng nền kinh tế sẽ tiếp tục hồi phục và vượt qua làn sóng bùng phát dịch Covid-19 mới.

Sau khi tăng mạnh trong phiên đầu tuần, các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn đồng loạt giảm, khi nhà đầu tư đánh giá lại về giá trị của những cổ phiếu này trong bối cảnh lãi suất tăng, với Apple giảm gần 1,3%, Google giảm 0,4%, Microsoft mất 1,7% và Facebook trượt 0,6%.

Caterpillar và các cổ phiếu khác có liên quan đến đà phục hồi kinh tế đã tăng mạnh, với nhóm cổ phiếu năng lượng như Occidental Petroleum tăng 7,4%, Coterra Energy tăng 6,9%. Cổ phiếu Halliburton tăng 6% khi giá dầu thô nhảy vọt và Morgan Stanle nâng hạng công ty dịch vụ dầu mỏ này.

Kết thúc phiên 4/1, chỉ số Dow Jones tăng 214,59 điểm (+0,59%), lên 36.799,65 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,02 điểm (-0,06%), xuống 4.793,54 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 210,08 điểm (-1,33%), xuống 15.622,72 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ, nhờ nhóm cổ phiếu bluechip như Sony Group và Toyota đã bù đắp cho lo ngại về việc Mỹ sẽ sớm tăng lãi suất.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,1% lên 29.332,16 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,46% lên 2.039,27 điểm.

Chỉ số của các công ty khởi nghiệp giảm 5%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2020 do lo ngại việc tăng lãi suất sớm của Fed.

Ikuo Mitsui, một nhà quản lý quỹ tại Aizawa Securities cho biết: “Với việc lãi suất ở Mỹ có thể sẽ sớm tăng, các nhà đầu tư đã bán các cổ phiếu có P/E cao. Mặt khác, các công ty có nền tảng cơ bản mạnh mẽ đã thu hút dòng tiền. Ví dụ, Toyota, nhờ sản xuất của hãng dự kiến ​​sẽ phục hồi trong năm nay và đồng yên suy yếu có thể giúp gia tăng lợi nhuận”.

Cổ phiếu Toyota tăng 2,57%, cổ phiếu Tập đoàn Sony tăng 3,67% và là hai cổ phiếu đóng góp lớn nhất cho Nikkei 225.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, do sự yếu kém của cổ phiếu công nghệ, do cơ quan quản lý thị trường của nước này vừa có thêm án phạt đối với một số tên tuổi công nghệ cao hàng đầu.

Đóng cửa, chỉ số Shanghai Composite giảm 1,02% xuống 3.595,18 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,01% xuống 4.868,12 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành công nghệ thông tin giảm 2,83%, lĩnh vực bán dẫn giảm 4,33% và công nghiệp giảm 2,71%.

Các nhà đầu tư đã cảm thấy những áp lực mới đối với các công ty công nghệ ở Trung Quốc, sau khi cơ quan quản lý thị trường của nước này đã tuyên bố phạt Alibaba, Tencent Holdings và Bilibili vì không báo cáo chính xác khoảng một tá giao dịch.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu bất động sản tiếp tục đà phục hồi của ngày hôm trước, với chỉ số phụ theo dõi ngành tăng 2,31%.

Lo lắng về nghĩa vụ nợ ngắn hạn của China Evergrande Group đã giảm nhẹ, khi Tập đoàn này thông báo một cuộc họp với các trái chủ để thảo luận về việc gia hạn thời điểm trả nợ.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, do cổ phiếu công nghệ kéo lùi, sau khi cơ quan quản lý thị trường hàng đầu của Trung Quốc công bố các án phạt mới đối với các công ty công nghệ lớn.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,64% xuống 22.907,25 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,01% xuống 8.015,70 điểm.

Cơ quan quản lý thị trường hàng đầu của Trung Quốc đã phạt Alibaba, Tencent Holdings và Bilibili vì không báo cáo chính xác khoảng một tá giao dịch. Cổ phiếu của Bilibili theo đó giảm 10,63%, trong khi Tencent và Alibaba lần lượt giảm 4,31% và 2,05%.

Bên cạnh đó, Meituan là lực cản lớn nhất đối với chỉ số Hang Seng, giảm 11,16% và kéo chỉ số ngành công nghệ giảm 4,63% xuống mức thấp nhất mọi thời đại.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi đồng USD và lợi tức kho bạc Mỹ tăng gây áp lực lên các công ty lớn về công nghệ.

Đóng cửa, Chỉ số KOSPI giảm 35,27 điểm, tương đương 1,18% xuống 2.953,97 điểm.

Trong số các cổ phiếu lớn, Samsung Electronics giảm 1,65% và SK Hynix giảm 2,33%. Nhà sản xuất pin LG Chem tăng 3,11%, Naver giảm 2,87% và Kakao giảm 5,38%.

Kết thúc phiên 5/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 30,37 điểm (+0,10%), lên 29.332,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 37,15 điểm (-1,02%), xuống 3.595,18 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 382,59 điểm (-1,64%), xuống 22.907,25 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 35,27 điểm (-1,18%), xuống 2.953,97 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng ngoại bớt… lép vế

Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, nhiều ngân hàng nước ngoài tiếp tục mở rộng các mảng hoạt động, thậm chí sẵn sàng cạnh tranh với lĩnh vực vốn là lợi thế của các ngân hàng trong nước…>> Chi tiết

- Cổ phiếu ngân hàng có thể sớm trở lại đường đua

Nhìn chung, ngành ngân hàng năm 2022 được nhiều ý kiến nhận định có triển vọng khả quan. Theo đó, cổ phiếu nhóm ngành này sau thời gian đi ngang trong 6 tháng vừa qua sẽ sớm thu hút dòng tiền. Tuy nhiên, giá cổ phiếu ngân hàng sẽ có sự phân hóa mạnh theo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và câu chuyện riêng của từng nhà băng..>> Chi tiết

- Năm mới, dò tìm cơ hội mới!

Thị trường chứng khoán 2021 đã khép lại với những con số ấn tượng và nhiều kỷ lục vượt dự đoán của hầu hết thành viên và các nhà quan sát, mang đến những kỳ vọng về sức phát triển nội tại cũng như điểm tựa lớn nhất là nền kinh tế sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao..>> Chi tiết

- F0 bám thị trường

Nhiều nhà đầu tư mới (F0) có lãi, nhưng dù lãi hay lỗ đều tích cực học hỏi và đúc rút kinh nghiệm để đi bền với thị trường..>> Chi tiết

- OPEC+ tiếp tục tăng sản lượng vào tháng 2 ngay cả khi số ca nhiễm biến thể Omicron Covid tăng cao

Trong cuộc họp ngày 4/1, OPEC đã đồng ý giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng dầu từ tháng 2 khi các nhà sản xuất cân nhắc tác động tiềm tàng của biến thể Omicron đang lây lan nhanh..>> Chi tiết

Tin bài liên quan