Dòng tiền dịch chuyển
Từ ngày 30/6 đến 27/12/2021, chỉ số VN-Index tăng 5,1%, đạt 1.488,88 điểm, trong khi chỉ số Small Cap (cổ phiếu vốn hóa nhỏ) tăng 55,6%, đạt 2.166,8 điểm. Trái với diễn biến tăng giá của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, 10 cổ phiếu ngân hàng lớn giảm trung bình 9,6% trong cùng khoảng thời gian.
Dòng tiền trong 6 tháng cuối năm 2021 có sự dịch chuyển, tập trung vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, dẫn tới thị giá nhóm cổ phiếu này tăng cao, không ít mã vốn hóa nhỏ vượt 10.000 đồng/cổ phiếu sau nhiều năm giao dịch dưới mệnh giá.
Trong các giai đoạn thăng hoa của thị trường chứng khoán như nửa đầu năm 2021 hay cuối năm 2017 đến tháng 4/2018, chỉ số VN-Index liên tục tăng điểm chủ yếu nhờ lực đẩy của nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ thu hút dòng tiền và tăng giá mạnh nên nhóm cổ phiếu “vua” giảm sức hấp dẫn, thậm chí bị không ít nhà đầu tư tránh xa.
Có những thời điểm cổ phiếu ngân hàng bật tăng, nhưng sắc xanh hầu như chỉ duy trì được một phiên, rồi điều chỉnh giảm trở lại, càng khiến nhà đầu tư coi đó là tín hiệu để hạ tỷ trọng cổ phiếu trước khi nhịp điều chỉnh sâu hơn diễn ra.
Thực tế, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có 6 tháng đầu năm 2021 tăng tích cực, tạo sóng lớn trên thị trường, là lực đẩy cho VN-Index liên tiếp lập kỷ lục mới, vượt ngưỡng 1.400 điểm.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất này sau đó có đợt điều chỉnh mạnh, rồi duy trì xu hướng đi ngang cho đến nay. VN-Index sau khi giảm xuống gần 1.240 điểm trong tháng 7 đã quay trở lại đà tăng, gần đây dao động quanh mức 1.490 điểm. Động lực tăng của chỉ số là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, hiện vẫn đang hấp dẫn dòng tiền, mang lại hiệu suất sinh lời cao.
Ngành ngân hàng hưởng lợi cùng với sự phục hồi kinh tế
Trong 6 tháng cuối năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, đặc biệt tại các tỉnh miền Nam, ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, khiến giới đầu tư lo ngại nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ tăng cao. Ngoài ra, lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng bởi ngân hàng phải thực hiện các biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn vì đại dịch.
Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 10/2021, với những nỗ lực của Chính phủ, bao gồm chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, kinh tế dần hồi phục. Nhiều chuyên gia dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao trong năm 2022, có thể đạt 6 - 6,5% (GDP năm 2021 tăng 2,58%).
Được biết, ở nhiều quốc gia phát triển, sau khi chịu ảnh hưởng bởi đại dịch trong năm 2020, nhờ tốc độ tiêm và tỷ lệ bao phủ vắc-xin đạt mức cao, kinh tế từng bước khôi phục mạnh mẽ kể từ đầu năm 2021, như Mỹ và châu Âu.
Đáng chú ý, tại Mỹ, nhóm cổ phiếu ngân hàng thăng hoa cùng với quá trình hồi phục kinh tế trong năm 2021. Giá cổ phiếu tăng mạnh được hỗ trợ bởi tình hình kinh doanh tăng trưởng cao khi nước này mở cửa trở lại nền kinh tế.
Cụ thể, lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) của 5 ngân hàng lớn tại Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt bình quân 15,59 USD/cổ phần, tăng 152% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng trong nhiều năm trở lại đây.
Các ngân hàng ở Việt Nam có sự khác biệt về quy mô, cũng như mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch so với Mỹ, nhưng Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của quá trình hồi phục kinh tế và đặc biệt, Chính phủ đã xây dựng gói kích cầu quy mô lớn, dự kiến sớm được thông qua. Theo đó, kết quả hoạt động ngành ngân hàng sẽ tiếp tục khả quan và thu hút dòng tiền.
Thực tế, sau khi nền kinh tế mở cửa, hoạt động sản xuất - kinh doanh nhanh chóng có dấu hiệu hồi phục, kéo theo nhu cầu vốn của các doanh nghiệp gia tăng.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 22/12/2021 là 12,68% so với cuối năm 2020 và tăng 14,57% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, trong vòng chưa đầy 1 tháng cuối năm 2021, tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm 2,58 điểm phần trăm, tương ứng với quy mô tín dụng được bơm thêm vào nền kinh tế hơn 237.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho một số ngân hàng tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 thêm 1 - 6 điểm phần trăm.
Với những số liệu trên, kết quả kinh doanh quý IV/2021 của ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ khả quan hơn nhiều so với lo ngại của giới đầu tư.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đánh giá, chất lượng tài sản của các ngân hàng đang trong tầm kiểm soát, dù bị suy giảm do dịch bệnh, nhờ chính sách kiểm duyệt tín dụng chặt chẽ và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao.
Một số ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng và cải thiện mạnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu như BIDV, MB, Techcombank, Vietcombank… Công ty chứng khoán này dự báo, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2021 tăng 24,2% và năm 2022 tăng 22,2%.
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định, đại dịch Covid-19 khiến nợ xấu trong ngành ngân hàng tăng lên, nhưng lợi nhuận vẫn sẽ đạt mức tăng trưởng cao. Năm 2022, tăng trưởng tín dụng toàn ngành dự kiến đạt 13 - 15%, các ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20% là BIDV, MB, Techcombank, ACB, TPBank, MSB.
Nhìn chung, ngành ngân hàng năm 2022 được nhiều ý kiến nhận định có triển vọng khả quan. Theo đó, cổ phiếu nhóm ngành này sau thời gian đi ngang trong 6 tháng vừa qua sẽ sớm thu hút dòng tiền. Tuy nhiên, giá cổ phiếu ngân hàng sẽ có sự phân hóa mạnh theo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và câu chuyện riêng của từng nhà băng.