Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các liên minh (OPEC+) đã quyết định giữ nguyên mục tiêu tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày kể từ tháng 2. Động thái này đã được dự báo trước đó dưới áp lực của Mỹ để tăng nguồn cung và không có các biện pháp hạn chế lớn mới liên quan tới Covid-19.
Dưới sự dẫn dắt của nhà lãnh đạo OPEC+ là Ả Rập Xê Út và Nga, liên minh năng lượng đang trong quá trình giải quyết việc cắt giảm nguồn cung kỷ lục khoảng 10 triệu thùng mỗi ngày. Việc cắt giảm sản lượng lịch sử được đưa ra vào tháng 4/2020 để giúp hỗ trợ thị trường năng lượng sau khi đại dịch làm giảm nhu cầu đối với dầu thô.
“Nhìn vào khả năng phục hồi của thị trường cho đến nay đối với biến thể omicron, OPEC cho rằng, tác động của biến thể này là nhẹ và tồn tại trong thời gian ngắn. Vì vậy, có rất nhiều sự lạc quan về nhu cầu dù có những dự đoán về tình trạng dư cung thấp trong quý I năm nay”, Herman Wang, biên tập viên phụ trách mảng tin tức OPEC và Trung Đông tại S&P Global Platts cho biết.
Giá dầu đã tăng hơn 50% trong năm 2020 khi các nhà đầu tư năng lượng lạc quan rằng, biến thể omicron có khả năng lây nhiễm cao nhưng có ít rủi ro hơn.
Thị trường dầu mỏ thế giới được dự báo sẽ vẫn có xu hướng đối mặt với rủi ro địa chính trị vào năm 2022 với mối lo ngại về tình hình bế tắc dai dẳng giữa Nga - Ukraine và các cuộc đàm phán hạt nhân Iran đang diễn ra có thể sẽ được OPEC+ giám sát chặt chẽ.
Helima Croft, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets cho biết: “Chúng ta phải hết sức lưu ý những sự kiện địa chính trị này”.
Về Nga và Ukraine, chiến lược gia Croft cho biết: “Tôi cho rằng đó là một rủi ro địa chính trị thực sự đáng kinh ngạc để xem xét, bởi vì nếu quân đội Nga vượt biên giới vào Ukraine, phương Tây sẽ đưa ra các lệnh trừng phạt đáng kể đối với Nga, do đó có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng khá nghiêm trọng nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt vào châu Âu”.