Thị trường tài chính 24h: Gió đổi chiều

Thị trường tài chính 24h: Gió đổi chiều

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm hơn 15 điểm; Lãi suất cho vay sẽ hạ thêm; Nghẽn lệnh: Rủi ro khi gió đổi chiều; Margin 112.000 tỷ đồng, con số đó đã là "quá lớn"?; Thị trường chứng khoán tháng 6: Nhận diện cơ hội trong các nhóm ngành; Chứng khoán châu Á phân hóa nhẹ; Tăng trưởng nhập khẩu của Trung Quốc tăng nhanh nhất trong 10 năm qua…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 7/6 giảm 150.000 đồng/lượng chiều mua vào và 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm thêm 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại mức 56,60 – 57,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 21,2 USD lên 1.892 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm trở lại và dao động nhẹ quanh 1.885 USD/ounce cho đến cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,04% lên 90,17 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 7/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.140 đồng, tăng 2 đồng với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.870 - 23.070 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,37 USD (-0,53%), xuống 69,25 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,42 USD (-0,58%), xuống 71,47 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau khi dao động nhẹ quanh 36.000 USD trong ngày hôm qua, đã có thời điểm thủng mốc này trong hôm nay, trước khi hồi trở lên gần 36.000 USD/BTC vào cuối giờ chiều.

Chứng khoán trong nước

VN-Index thu hẹp đà giảm trước áp lực bán chốt lời

Mặc dù tổng thể thị trường chưa quá xấu, nhưng diễn biến phiên hôm nay như trận mưa dông trưa Hà Nội, giúp làm dịu lại cái hừng hực chọn mã để đặt lệnh mua với không ít nhà đầu tư.

Cung thắng cầu ở mức chênh lệnh không lớn giúp tình trạng bán tháo không diễn ra ở các mã trụ, đặc biệt là ngân hàng, khiến thị trường không rơi vào hiệu ứng bán tháo ồ ạt, mà tạo một nhịp "hạ cánh mềm" của các mã nóng theo cách khá an toàn.

Dòng bank đều thoát khỏi mức giá thấp nhất phiên với LPB -6%, MSB -4,9%, trong khi VCB, BID, CTG, ACB, TCB… đồng loạt bật ngược đi lên. Điểm sáng là VPB +0,4%.

Mặc dù vậy, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn giảm sâu và hàng loạt mã nằm sàn như AGR, APS, CTS, BVS,..Bên cạnh đó, các cổ phiếu thép cũng đồng loạt giao dịch trong sắc đỏ.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 14,29 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 726,02 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 7/6: VN-Index giảm 15,27 điểm (-1,11%), xuống 1.358,78 điểm; HNX-Index giảm 11,13 điểm (-3,38%), xuống 318,63 điểm; UpCoM-Index giảm 1,53 điểm (-1,69%), xuống 89,06 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall có phiên thứ Sáu cuối tuần (4/6) khởi sắc, sau khi báo cáo việc làm tháng 5 không tốt như kỳ vọng khiến thị trường đặt cược vào khả năng Fed sẽ duy trì các chính sách nới lỏng lâu hơn.

Báo cáo việc làm của tháng 5 từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, nền kinh tế đã tạo ra 559.000 việc làm, thấp hơn so với con số dự báo là 671.000.

Các nhà đầu tư “thở phào nhẹ nhõm” sau báo cáo. Nó không quá đáng thất vọng như báo cáo tháng 4 và cũng không quá nóng đến mức khiến họ lo sợ Fed sẽ nhanh chóng thúc đẩy việc tăng lãi suất trở lại.

Tỷ lệ thất nghiệp tháng 5 cũng giảm xuống 5,8% từ mức 6,1% của tháng trước. Tỷ lệ này thấp hơn một chút so với dự báo 5,9% được đưa ra trước đó.

Kết thúc tuần, Dow Jones tăng 0,66%, S&P 500 tăng 0,61%, Nasdaq Composite tăng 0,48%.

Kết thúc phiên 4/6, chỉ số Dow Jones tăng 179,35 điểm (+0,52%), lên 34.756,39 điểm. Chỉ số S&P tăng 37,04 điểm (+0,88%), lên 4.229,89 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 199,98 điểm (+1,47%), lên 13.814,49 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, sau khi dữ liệu việc làm của Mỹ đã giúp giảm bớt lo ngại về việc Fed sớm cắt giảm các chính sách hỗ trợ.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,27% lên 29.019,24 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,08% lên 1.960,85 điểm.

Mức tăng hôm thứ Sáu của Nasdaq trên phố Wall đã thúc đẩy cổ phiếu công nghệ Nhật Bản hôm nay, với các nhà sản xuất linh kiện điện tử Ibiden tăng 3,51% và TDK Corp tăng 2,34%.

Các cổ phiếu vận tải cũng được được hưởng lợi từ việc nhiều nước lớn đã ổn định tình hình dịch Covid-19 với Nippon Yusen tăng 2,37%, Kawasaki Kisen tăng 5,51% và Mitsui OSK Lines tăng 2,26%.

Tuy nhiên, việc chốt lời đã nhấn chìm các nhà sản xuất thép, vốn đã tăng mạnh trong năm nay do các dấu hiệu phục hồi trên toàn cầu, với Nippon Steel mất 5,74%, JFE Holdings giảm 7,2% và Kobe Steel giảm 5,2%.

Chứng khoán Trung Quốc trái chiều, khi các nhà đầu tư phản ứng không đồng nhất với dữ liệu thương mại mới nhất.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,21% lên 3.599,54 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 0,1% xuống 5.277,63 điểm.

Dữ liệu mới nhất cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 của Trung Quốc tăng gần 28% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tăng 51,1%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2010. Thặng dư thương mại của Trung Quốc ở mức 45,5 tỷ USD trong tháng 5/2021.

Chứng khoán Hồng Kông giảm điểm, khi đà tăng nhóm cổ phiếu tiêu dùng không đủ bù đắp cho tổn thất ở nhóm cổ phiếu tài chính và CNTT.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,45% xuống 28.787,28 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,53% xuống 10.748,20 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành tiêu dùng tăng 1,2%, lĩnh vực CNTT giảm 0,92%, trong khi lĩnh vực tài chính mất 0,44%.

Chứng khoán Hàn Quốc cũng nhích lên nhờ kỳ vọng Fed sẽ chưa dừng các chính sách hỗ trợ hiện tại.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 0,37% lên 3.252,12 điểm.

Kết thúc phiên 7/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 77,72 điểm (+0,27%), lên 29,019,24 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 7,7 điểm (+0,21%), lên 3.599,54 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 130,82 điểm (-0,45%), xuống 28.787,28 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 12,04 điểm (+0,37%), lên 3.252,12 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lãi suất cho vay sẽ hạ thêm

Ngành ngân hàng đã chủ động lên kế hoạch kinh doanh ứng phó với tình hình mới, trong đó có việc tiếp tục hạ lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp..>> Chi tiết

- Nghẽn lệnh: Rủi ro khi gió đổi chiều

Giải pháp dừng, kiểm soát huỷ lệnh, sửa lệnh giúp hệ thống giao dịch hạn chế nguy cơ bị nghẽn, nhưng đây có thể là “con dao hai lưỡi” nếu thị trường đảo chiều..>> Chi tiết

- Margin 112.000 tỷ đồng, con số đó đã là "quá lớn"?

Sự bùng nổ của thị trường đã kéo theo nhu cầu sử dụng margin rất cao, trong khi các công ty chứng khoán chưa thể tăng vốn ngay khiến tình trạng margin thường xuyên full tại các công ty chứng khoán từ khoảng tháng 12/2020 đến nay..>> Chi tiết

- Thị trường chứng khoán tháng 6: Nhận diện cơ hội trong các nhóm ngành

Sức mạnh từ dòng tiền đầu tư trong nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường chứng khoán lập kỷ lục mới về thanh khoản và điểm số..>> Chi tiết

- Tăng trưởng nhập khẩu của Trung Quốc tăng nhanh nhất trong 10 năm qua

Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 5 tăng tốc nhanh nhất trong 10 năm qua do giá cả hàng hóa tăng cao, trong khi tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn kỳ vọng..>> Chi tiết

Tin bài liên quan