Cách làm mới để thích ứng
Kể từ ngày 27/5/2021, ba chi nhánh của VPBank tại Hải Dương gồm VPBank Hải Dương, VPBank Lê Thanh Nghị và VPBank Nguyễn Lương Bằng tạm ngừng giao dịch tại khu vực quầy dịch vụ khách hàng. Toàn bộ nhân viên làm nhiệm vụ này đều phải cách ly tại nhà theo yêu cầu của chính quyền địa phương. Ngay lập tức, chiều ngày 28/5/2021, theo sự điều phối, sắp xếp lại nhân sự của lãnh đạo VPBank nhằm phân tán rủi ro và duy trì công việc, hai nhân viên Bùi Thị Anh, Chi nhánh Láng Hạ và Hoàng Thị Bảo Thư, Chi nhánh Kim Liên đã lên đường về vùng dịch Hải Dương, hỗ trợ cụm chi nhánh nơi đây.
Bắt đầu từ đây, hai cô gái phải bao trọn khối lượng công việc của 3 chi nhánh Hải Dương vốn do ba chục nhân viên đảm nhiệm. Hàng này, Thư và Anh đều rời khỏi nhà từ 6 giờ sáng, lặng lẽ nghiệm thu tỉ mỉ và thận trọng từng hồ sơ, tài liệu rồi báo cáo về Hội sở cho tới khi kim đồng hồ trên tường chỉ 10 giờ đêm mới ngừng lại.
Còn đối với hoạt động mang tính chiến lược, thông tin từ VietinBank cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến nhanh và phức tạp, ngày 10/5/2021, Ban Lãnh đạo Ngân hàng đã tổ chức cuộc họp trực tuyến từ điểm cầu trụ sở chính đến gần 200 điểm cầu trong và ngoài nước trên toàn hệ thống.
Theo đó, toàn Ngân hàng chuyển từ trạng thái “phòng ngự” sang “tấn công” trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn hệ thống; đồng thời, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh với chủ trương kiên định thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”: vừa phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh, vừa thúc đẩy phát triển hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế; chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19…
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết: “Ngân hàng vẫn đang bám sát tình hình và chủ động các hoạt động kinh doanh theo kế hoạch”.
Một lãnh đạo cao cấp VPBank thông tin, bên cạnh việc tiên phong hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, VPBank còn tích cực triển khai nhiều chính sách để vừa đảm bảo an toàn cho nhân viên vừa duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả. Ngân hàng đã sớm thành lập Ban chỉ đạo thường trực ứng phó với Covid-19 với đường dây nóng và hòm thư khẩn cấp, phân chia nhân sự các đơn vị kinh doanh để ngăn ngừa lây chéo trong nội bộ, sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau trong các tình huống khẩn cấp.
Còn tại LienVietPostBank, theo ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc, “Ngân hàng đã sẵn sàng các kịch bản để tuỳ cơ ứng biến”.
Tiếp tục hạ lãi suất, hỗ trợ khách hàng
Còn nhớ, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, toàn hệ thống ngân hàng đã nhanh chóng vào cuộc chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Ngày 13/3/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ và tiếp tục cho vay mới để thực hiện các dự án sản xuất - kinh doanh có hiệu quả.
Ngày 31/3/2020, NHNN ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng trong phòng chống Covid-19, yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng; tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất ở mức tối đa, chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Bên cạnh đó là các thông tư quy định việc tái cấp vốn 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0%/năm để hỗ trợ Ngân hàng Chính sách Xã hội cho người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch theo đúng tinh thần các nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 3/6/3021, NHNN gửi hoả tốc văn bản số 3947/NHNN-TD về việc triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Theo đó, ngày 3/6/3021, NHNN vừa gửi hoả tốc văn bản số 3947/NHNN-TD do Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú ký về việc triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19 gửi lãnh đạo các tổ chức tín dụng và giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố.
NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện đúng theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và các cấp chính quyền địa phương về phòng chống dịch Covid-19; đồng thời, chủ động xây dựng phương án, đảm bảo cho hoạt động ngân hàng được an toàn, liên tục và thông suốt trong mọi tình huống.
Ngoài ra, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Từng tổ chức tín dụng căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác.
“Các tổ chức tín dụng công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Đánh giá cao nỗ lực của hệ thống ngân hàng, nhưng TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, phục hồi kinh tế Việt Nam trong năm 2021 sẽ không được như kỳ vọng do đại dịch vẫn còn nặng nề. Các quốc gia khác bơm tiền trực tiếp cho doanh nghiệp và người dân, nên cho dù có đầu cơ bất động sản hay chứng khoán họ vẫn có tiền để dành và khi đại dịch đi qua, nền kinh tế sẽ có sức bật tốt. Trong khi đó, gói cứu trợ của Việt Nam nhỏ, không đáng kể, không tạo ra được nguồn lực tài chính tiềm năng trong khu vực doanh nghiệp và dân chúng, nên không tạo được sức bật về tiêu dùng và đầu tư như các nước khác trên thế giới.
“Các doanh nghiệp Việt Nam chống chọi với đại dịch đã uống đến giọt nước cuối cùng, nên khi dịch bệnh qua đi khó có sức bật. Cơ hội nếu có đến thì chỉ tận dụng được ở một mức độ, chưa kể một nguồn lực lớn đang đi vào đầu cơ bất động sản, chứng khoán. Nếu hai thị trường này đóng băng thì nguồn lực nằm chết trong đó”, TS. Nghĩa nói.
Đồng quan điểm, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới nhận định: “Nếu đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư tác động mạnh, Chính phủ có thể cần xem xét thúc đẩy nhu cầu trong nước bằng cách áp dụng chính sách tài khóa thích ứng hơn, trong đó có các biện pháp tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng”.