Tăng trưởng nhập khẩu của Trung Quốc tăng nhanh nhất trong 10 năm qua

0:00 / 0:00
0:00
Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 5 tăng tốc nhanh nhất trong 10 năm qua do giá cả hàng hóa tăng cao, trong khi tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn kỳ vọng.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc nhập khẩu kỷ lục hơn 11,74 triệu tấn ngô từ Mỹ, trong 5 tháng đầu năm 2021. Ảnh: Reuters

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc nhập khẩu kỷ lục hơn 11,74 triệu tấn ngô từ Mỹ, trong 5 tháng đầu năm 2021. Ảnh: Reuters

Xuất khẩu của Trung Quốc (tính theo đồng đô la Mỹ) trong tháng 5 tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng trưởng 32,3% của tháng 4 và đồng thời thấp hơn mức dự báo 32,1% của các nhà phân tích.

Trong khi đó, nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 5 bật tăng 51,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức tăng 43,1% ghi nhận trong tháng 4. Đây là mức tăng trưởng nhập khẩu nhanh nhất của Trung Quốc kể từ tháng 1/2011.

Trước đó, tờ Global Times của Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia cho rằng nhập khẩu ngô của Trung Quốc có thể đạt mức kỷ lục 30 triệu tấn trong năm 2021 và Mỹ sẽ là thị trường được hưởng lợi nhiều nhất.

Các chuyên gia cho biết nhu cầu nhập khẩu ngô của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục tăng theo sự phục hồi của sản lượng lợn hơi, trong khi đó giá ngô tăng cao cũng đang thu hút nông dân Trung Quốc canh tác ngô nhiều hơn.

Năm 2020, giá ngô tăng khoảng 36,8%, từ 1.900 nhân dân tệ (295,8 USD)/tấn trong tháng 1 lên 2.600 nhân dân tệ/tấn vào cuối năm.

Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu kỷ lục 11,3 triệu tấn ngô. Trong quý I/2021, Trung Quốc nhập khẩu 6,73 triệu tấn ngô, tăng 437,8% so với cùng kỳ năm ngoái và nhưng vẫn thiếu 500.000 tấn so với hạn ngạch hàng năm 7,2 triệu tấn, theo thống kê của Cơ quan hải quan Trung Quốc (GAC).

Còn theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tính đến ngày 6/5, Trung Quốc đã nhập khẩu kỷ lục 11,74 triệu tấn ngô từ Mỹ.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 5 tăng lên 45,53 tỷ USD, từ mức 42,86 tỷ USD trong tháng 4, nhưng vẫn thấp hơn con số dự báo 50,5 tỷ USD.

Các nhà phân tích đánh giá, nhu cầu thị trường của các nước phát triển phục hồi nhanh chóng, cộng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 ở các quốc gia khác, đã thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu của Trung Quốc đang gặp khó với chi phí vận chuyển và giá nguyên liệu tăng cao, chưa kể những thách thức đo tắc nghẽn trong hệ thống logistics và đồng nhân dân tệ đã làm suy giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu.

Giá các mặt hàng như than, thép, quặng sắt, và đồng đã tăng vọt từ đầu năm đến nay, do nhu cầu tiêu dùng tại một số quốc gia tăng lên khi các lệnh phong tỏa chống dịch được nới lỏng và thanh khoản toàn cầu dồi dào.

Đà tăng giá của nhân dân tệ được kéo dài trong những tuần gần đây và thậm chí đạt mức giá cao nhất so với đồng đô la Mỹ trong 3 năm qua. Dù vậy, sức mạnh của đồng nhân dân không khiến thặng dư thương mại của Trung Quốc hao hụt.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tiến hành xem xét chính sách thương mại với Trung Quốc, trước khi thỏa thuận thương mại song phương giai đoạn 1 hết hiệu lực vào cuối năm 2021.

Kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức vào tháng 1/2021, Trung Quốc đã tăng cường trao đổi với các quan chức phụ trách kinh tế và thương mại của Mỹ. Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vào tuần trước, chỉ vài ngày sau cuộc hội đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai.

Tin bài liên quan