Thị trường tài chính 24h: Cơ hội bắt đáy?

Thị trường tài chính 24h: Cơ hội bắt đáy?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index có phiên giảm kỷ lục hơn 70 điểm; Lệnh bán “cưỡng bức” – force sell đã kích hoạt?; Cổ phiếu "múa bên trăng", cơ hội bắt đáy chờ sóng đại hội!; F0 - thêm một lần cơ hội; Chứng khoán châu Á đồng loạt lao dốc; FED sẽ duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ phục hồi kinh tế...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua,  

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 28/1 giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng trở lại đúng 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại mức 56,15 – 56,67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 6 USD xuống 1.844,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục giảm về 1.835 USD/ounce và hồi nhẹ lên trên 1.840 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,06% lên 90,70 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 28/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.147 đồng, tăng 3 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.970 - 23.150 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,13 USD (-0,25%), xuống 52,72 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,02 USD (+0,04%), lên 55,83 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index có phiên giảm điểm lịch sử

Bước vào phiên chiều được 30 phút thì lực bán ‘bằng mọi giá’ đã gia tăng, khiến toàn sàn HOSE có gần 500 mã giảm thì gần 400 trong đó giảm hết biên độ với lệnh bán chất đống.

VN-Index rơi hơn tổng cộng 74 điểm xuống gần 1.020 điểm, thanh khoản bắt đầu nhỏ giọt như những phiên “rất đỗi bình thường” gần đây và chạm tới 16.000 tỷ đồng khiến chỉ số gần như đi ngang, thẳng như một đường kẻ chỉ, nhích lên không đáng kể khi đến khi đóng cửa.

Nhóm VN30 bất ngờ có EIB được kéo mạnh lên tăng 2,3%, và NVL thoát giá sàn. Còn lại toàn bộ đều giảm sàn và ‘múa bên trăng’.

Tân binh OCB có thêm hơn 1 triệu đơn vị khớp lệnh trong phiên chiều so với cuối phiên sáng, nhưng vẫn giảm hết biên độ -19,9% xuống 18.350 đồng/cổ phiếu.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 21,54 triệu đơn vị, với tổng giá trị mua ròng 575,63 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 28/1: VN-Index giảm 73,23 điểm (-6,67%), xuống 1.023,94 điểm; HNX-Index giảm 17,74 điểm (-8,04%), xuống 203,05 điểm; UpCoM-Index giảm 5,34 điểm (-7,18%), xuống 69,12 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall lao dốc trong phiên ngày thứ Tư (27/1), khi thị trường bình thản đón nhận tin từ Fed cho biết, sẽ duy trì mức lãi suất cho vay ở mức gần 0%, không thay đổi chính sách mua trái phiếu hàng tháng và cam kết giữ nguyên mức hỗ trợ này cho đến khi nền kinh tế phục hồi hoàn toàn.

Không có “món quà” bất ngờ nào cho thị trường, giới đầu tư suy đoán bức tranh kinh tế thế giới còn u ám trong thời gian dài.

Thị trường giao dịch trong tâm lý ngày càng lo ngại xung quanh đại dịch và việc triển khai tiêm chủng vắc-xin chậm chạp một cách đáng thất vọng, nền kinh tế Mỹ có khả năng mất đà phục hồi trong quý đầu tiên của năm nay.

Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, tăng vượt mức 30 vào ngày thứ Tư, đóng cửa ở mức 37,21 chạm mức cao nhất kể từ 30/10/2020.

Kết thúc phiên 27/1, chỉ số Dow Jones giảm 633,87 điểm (-2,05%), xuống 30.303,17 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 98,85 điểm (-2,57%), xuống 3.750,77 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 355,47 điểm (-2,61%), xuống 13.270,60 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản có phiên sụt giảm mạnh nhất trong sáu tháng, khi áp lực từ phố Wall đêm qua cộng hưởng với lực bán chốt lời nhóm cổ phiếu công nghệ.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,53% xuống 28.197,42 điểm, mức giảm lớn nhất kể từ ngày 31/7/2020. Trong khi chỉ số Topix giảm 1,14% xuống 1.838,85 điểm.

“Thị trường chứng khoán Nhật ngày càng nhạy cảm với diễn biến tại phố Wall, Yoshihiro Takeshige, Tổng giám đốc tại bộ phận quản lý đầu tư của Asahi Life Asset Management cho biết.

Cổ phiếu liên quan đến chip bị bán tháo với Renesas Electronics mất 5,85%, Advantest giảm 4,3% và Sumco giảm 4,47%, SoftBank Group giảm 3,6%, Tokyo Electron giảm 4,62%.

Ở chiều ngược lại, các nhà sản xuất ô tô hỗ trợ giúp chỉ số không giảm sâu với Mitsubishi Motors tăng 6,75% và Isuzu Motors tăng 4,73%.

Chứng khoán Trung Quốc ghi nhận phiên giảm tồi tệ nhất trong hơn sáu tháng, do nhà đầu tư lo ngại rằng các nhà hoạch định chính sách có thể bắt đầu chuyển sang lập trường chặt chẽ hơn để kiềm chế giá cổ phiếu và thị trường bất động sản.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,91% xuống 3.505,18 điểm, phiên giảm mạnh nhất từ ngày 24/7/2020. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 2,73% xuống 5.377,14 điểm.

Chứng khoán Hồng Kông có phiên tệ nhất trong 8 tháng, chịu áp lực bởi đợt bán tháo qua đêm ở Phố Wall, trong khi thanh khoản trên thị trường thắt chặt hơn cũng làm gia tăng áp lực tâm lý đến thị trường.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,55% xuống 28.550,77 điểm, mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ ngày 22/5. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,72% xuống 11.334,03 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc cũng đã thoái lui do chịu liên đới từ phiên bán tháo đêm qua trên phố Wall.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 1,71% xuống 3.069,05 điểm, thu hẹp từ mức giảm 2,4% trong phiên sáng.

Hầu hết các cổ phiếu lớn đều giảm với các gã khổng lồ chip Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt giảm 2,2% và 4,3%.

Samsung Electronics đã công bố lợi nhuận hoạt động trong quý IV/2020 tăng 26%, nhưng cảnh báo rằng đồng won mạnh lên và chi phí gia tăng liên quan đến sản xuất chip mới sẽ dẫn đến kết quả lợi nhuận suy giảm trong quý hiện tại.

Kết thúc phiên 28/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 437,79 điểm (-1,53%), xuống 28.197,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 68,17 điểm (-1,91%), xuống 3.505,18 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 746,76 điểm (-2,55%), xuống 28.550,77 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 53,51 điểm (-1,71%), xuống 3.069,05 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lệnh bán “cưỡng bức” – force sell đã kích hoạt?

Đã xuất hiện lực bán force sell nhưng nhiều công ty chứng khoán cho biết, lực bán không đáng ngại và hôm nay đã xử lý xong..>> Chi tiết

- F0 - thêm một lần cơ hội

Trong khi nhiều quan điểm cho rằng F0 là những “tấm chiếu mới” còn non kinh nghiệm, thì cũng không ít Fn có cái nhìn khác..>> Chi tiết

- Cổ phiếu "múa bên trăng", cơ hội bắt đáy chờ sóng đại hội!

Thị trường tiếp tục trải qua phiên bán tháo khi hàng loạt cổ phiếu cơ bản có dấu hiệu dư bán sàn trên diện rộng. "Múa bên trăng" là cách gọi ví von khi bảng điện tử trắng bên mua, là sự lo ngại nhưng cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư cầm tiền..>> Chi tiết

- Mỹ: FED sẽ duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ phục hồi kinh tế

Các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết FED sẽ duy trì mức lãi suất cho vay ở mức gần 0% và cam kết tiếp tục tăng cường mua trái phiếu chính phủ..>> Chi tiết

Tin bài liên quan