Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 24/1 tăng 70.000 đồng/lượng chiều mua vào và 20.000 đồng/lượng chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 200.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 61,50 – 62,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ giảm 3,8 USD xuống 1.835,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng vọt lên gần 1.845 USD/ounce, nhưng đã hạ nhiệt và về gần 1.837 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 95,82 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 24/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.062 đồng/USD, giảm 15 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.530 – 22.810 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,41 USD (-0,48%), xuống 84,73 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,31 USD (-0,35%), xuống 87,62 USD/thùng.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đứng ở 36.200 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục lao dốc và giảm về 33.600 USD/BTC vào cuối giờ chiều.
Chứng khoán trong nước
VN-Index lao dốc, giảm hơn 30 điểm
Sau phiên sáng được đỡ bởi một số cổ phiếu ngân hàng, phiên chiều trở nên tiêu cực hơn khi lực bán tháo đã diễn ra trên diện rộng, khiến VN-Index có thời điểm để mất 40 điểm trước khi thu hẹp đà giảm sau đó, nhưng đóng cửa vẫn để mất tới hơn 30 điểm.
Nếu không nhận được sự hỗ trợ của nhóm VCB tăng mạnh hơn 4% hay TCB và CTG tăng nhẹ, thì VN-Index sẽ còn “đi xa” hơn.
Câu chuyện hiện tại với nhà đầu tư có lẽ vẫn là lời khuyên cũ là quản trị rủi ro danh mục đầu tư, cơ hội luôn có, nhưng cần cẩn trọng với dòng tiền đang vận động rất nhanh.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 6,77 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 188,46 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 24/1: VN-Index giảm 33,18 điểm (-2,25%), xuống 1.439,71 điểm; HNX-Index giảm 17,08 điểm (-4,09%), xuống 400,76 điểm; UPCoM-Index giảm 2,97 điểm (-2,71%), xuống 106,71 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall tiếp tục lao dốc trong phiên ngày thứ Sáu (22/1), do đà suy yếu của nhóm cổ phiếu công nghệ và giải trí.
Phiên này, báo cáo kết quả kinh doanh quý IV đáng thất vọng của Netflix chính là trở ngại với nhóm cổ phiếu giải trí, khiến cổ phiếu này giảm 21,79%. Cổ phiếu các công ty cùng ngành là Disney giảm 6,9% và Roku giảm 9,1%.
Các cổ phiếu công nghệ lớn cũng góp thêm phần kéo lùi thị trường như Amazon và Meta Platforms (Facebook) lần lượt giảm 6% và 4,2%.
Tính trong cả tuần, S&P 500 giảm 4,6%, Nasdaq Composite giảm 5,7% và Dow Jones rớt 7,6%.
Đây là tuần giảm mạnh nhất của S&P 500 và Nasdaq kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 3/2020 và là tuần giảm thứ 3 liên tiếp của S&P 500, khiến chỉ số này bị mất tới 8,3% giá trị so với thời điểm hồi đầu tháng.
Kết thúc phiên 21/1, chỉ số Dow Jones giảm 450,02 điểm (-1,30%), xuống 34.265,36 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 84,79 điểm (-1,89%), xuống 4.397,94 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 385,10 điểm (-2,72%), xuống 13.768,92 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng về cuối phiên, nhờ lực mua bắt đáy hoạt động, sau khi các chỉ số tương lai phố Wall tăng, mặc dù mức tăng đã bị chặn lại bởi sự thận trọng trước cuộc họp chính sách của Fed trong tuần này.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei tăng 0,24% lên 27.588,37 điểm. Đầu ngày, chỉ số đã giảm 1,2%. Chỉ số Topix rộng hơn nhích 0,14% lên 1.929,87 điểm.
Nhóm cổ phiếu lớn như Tokyo Electron và Fast Retailing dẫn đầu mức tăng trên Nikkei 225, lần lượt tăng 1,62% và 1,17%.
Ở những nơi khác, cổ phiếu Canon tăng 2,02%, sau khi dự báo lợi nhuận ròng trong năm nay của hãng sẽ tăng 20%, cổ phiếu cùng ngành là Nikon tăng 2,8%.
Cổ phiếu các nhà khai thác dầu đã tăng trong bối cảnh giá dầu tăng, với Inpex tăng 4,57%. Các công ty vận tải biển cũng tăng điểm, với Kawasaki Kisen tăng 6,24%.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, dẫn đầu bởi cổ phiếu năng lượng, sau khi ngân hàng trung ương của nước này cắt giảm một loạt lãi suất ngắn và trung hạn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,04% lên 3.524,11. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,16% lên 4.786,74 điểm.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã giảm chi phí cấp vốn của các đợt repos đảo ngược 14 ngày khi bơm 150 tỷ nhân dân tệ (23,68 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng, để “duy trì thanh khoản ổn định trước Tết Nguyên đán”.
Các nhà giao dịch cho biết, việc cắt giảm lãi suất được đưa ra sau một loạt các đợt giảm lãi suất trung hạn và ngắn hạn quan trọng vào tuần trước.
Phiên này, cổ phiếu năng lượng mới tăng 2,7%, trong đó ngành quang điện và phương tiện năng lượng mới tăng lần lượt 3,2% và 2,1%.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, do ảnh hưởng lớn từ Alibaba, sau khi xuất hiện cáo buộc về bê bối tham nhũng.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,24% xuống 24.656,46 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 1,47% xuống 8.658,11 điểm.
Cổ phiếu của Tập đoàn Alibaba giảm 6,3% và là lực cản lớn nhất đối với Chỉ số Hang Seng, sau khi một báo cáo cho biết công ty liên kết Ant Group của họ có liên quan đến một vụ bê bối tham nhũng.
Đáng chú ý khác, cổ phiếu của China Evergrande Group đã tăng gần 4% sau khi bổ nhiệm một quan chức nhà nước vào hội đồng quản trị.
Chứng khoán Hàn Quốc có phiên giảm mạnh nhất trong 5 tuần, khi các nhà đầu tư lo ngại về việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed và căng thẳng địa chính trị tại Ukraine.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 42,29 điểm, tương đương 1,49% xuống 2.792,00 điểm.
Trong số các cổ phiếu lớn, Samsung Electronics giảm 0,66%, trong khi SK Hynix đứng giá. Nhà sản xuất pin LG Chem giảm 3,31% còn Naver giảm 1,35%.
Kết thúc phiên 24/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 66,11 điểm (+0,24%), lên 27.588,37 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,54 điểm (+0,04%), lên 3.524,10 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 309,09 điểm (-1,24%), xuống 24.656,46 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 42,29 điểm (-1,49%), xuống 2.792,00 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Ẩn số lãi dự thu ngân hàng
Số liệu lợi nhuận năm 2021 chính thức cũng như dự kiến được các ngân hàng công bố đều rất khả quan, song yếu tố bền vững được để ngỏ…>> Chi tiết
- Bao giờ “cơ bản” trở lại?
Với 2 phiên hồi mạnh cuối tuần qua, tâm lý nhiều nhà đầu tư lại đang “như chưa hề có cuộc chia ly” sau đợt sụt giảm trước đó, dòng tiền tiếp tục tập trung vào các mã đầu cơ..>> Chi tiết
- Chặn tâm lý “đánh bạc” trên thị trường trái phiếu riêng lẻ
Tâm lý “đánh bạc” của nhà đầu tư chính là ngọn nguồn của nhiều bất ổn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay..>> Chi tiết
- Gom hàng cho kỳ vọng sau Tết
Thị trường vừa trải qua đợt giảm điểm nhanh và mạnh, không ít cổ phiếu liên tục giảm giá sàn, với lượng dư bán hàng chục triệu đơn vị đem lại cơ hội cho nhà đầu tư gom hàng với giá thấp cho con sóng kỳ vọng sẽ đến sau Tết Nguyên đán..>> Chi tiết
- Chuỗi cung ứng toàn cầu thêm tắc nghẽn
Nhiều quốc gia đã mở cửa trở lại, nhưng có những dấu hiệu cho thấy tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu chưa sớm được tháo gỡ..>> Chi tiết