VN-Index phục hồi mạnh
Bất chấp dòng tiền khá yếu, nhóm cổ phiếu "vua" và dòng P đã dẫn dắt thị trường dù có một số thành viên đã bắt đầu có dầu hiệu bán ra như MBB, BID..
Bên cạnh đó, hầu hết các bluechip và vốn hóa lớn đều khởi sắc, cũng góp phần hỗ trợ cho đà tăng thị trường.
Đáng kể là VIC, dù vẫn chịu sức ép cung ngoại, nhưng lực cầu trong nước đỡ giá khá tốt đã giúp cổ phiếu này tăng 7% lên mức giá trần 96.400 đồng. Có thể nói đây là mức tăng mạnh nhất của VIC kể từ đầu năm.
Các cổ phiếu khác trong "họ Vingroup" cũng tăng với VRE tăng 0,5% lên 30.150 đồng, VHM tăng 2,4% lên 72.900 đồng.
Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng cũng góp phần đưa thị trường lên cao. Trong đó, VPB có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp, lên 21.700 đòng và dư mua trần gần 680.000 đơn vị.
CTG cũng khá tỏa sáng. Nhờ lực cầu nội và ngoại đã giúp CTG tăng 5% 23.050 đồng với khối lượng khớp lệnh 5,51 triệu đơn vị.
Các mã khác như VCB tăng 1,5% lên 54.000 đồng, TCB tăng 3,1% lên 26.500 đồng, MBB đã đảo chiều hồi nhẹ, HDB mất sắc tím nhưng vẫn tăng 3,2% lên 30.900 đồng.
Cặp đôi lớn cổ phiếu dầu khí vẫn tăng tốt với GAS tăng 1,5% lên 96.400 đồng, còn PLX tăng 4,6% lên 59.000 đồng. Thêm vào đó, các mã lớn khác như VNM, SAB, MSN… cũng đều kết phiên trong sắc xanh.
Trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng 48.120 đơn vị. Tuy nhiên, tổng giá trị là bán ròng 93,79 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 779.640 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 8,67 tỷ đồng.
Trên UPCoM, khối ngoại bán ròng 429.610 đơn vị. Tuy nhiên, tổng giá trị là mua ròng 0,59 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 19/11: VN-Index tăng 17,87 điểm (+1,99%), lên 916,06 điểm; HNX-Index tăng 0,93 điểm (+0,91%), lên 103,95 điểm; UPCoM-Index tăng 0,38 điểm (+0,74%), lên 52,4 điểm.
Chứng khoán thế giới
Chứng khoán Mỹ
Kết quả kinh doanh tiêu cực của hãng sản xuất chip Nvidia tiếp tục gây áp lực lớn lên phố Wall khi mở cửa phiên giao dịch cuối tuần qua. Trong đó, cổ phiếu Nvidia giảm 18,8%, còn chỉ số bán dẫn Philadelpia giảm 1,2%.
Áp lực của nhóm cổ phiếu công nghệ khiến các chỉ số chính của phố Wall chủ yếu dao động dưới tham chiếu trong phiên sáng cuối tuần, nhưng sau đó, các chỉ số đã hồi phục khi nhận được các thông tin tích cực.
Cụ thể, trả lời phóng vấn trên CNBC, Phó chủ tịch Fed và được bổ nhiệm Richard Clarida cho biết, lãi suất của Mỹ gần đạt được ước tính của Fed về mức trung lập. Ông cũng cho rằng, có một số bằng chứng về sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu.
Theo dự báo, gần như chắc chắn Fed sẽ có thêm 1 lần tăng lãi suất nữa trong năm nay vào tháng 12, nhưng sau phát biểu của Clarida, nhiều dự báo cho rằng, tốc độ tăng lãi suất có thể sẽ giảm trong năm tới và điều này đã hỗ trợ thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, việc Tổng thống Trump bất ngờ cho biết, chính quyền của ông có thể sẽ không áp thêm thuế đối với các hàng hóa của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh gửi Washington danh sách các biện pháp mà họ sẵn sàng thực hiện nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại cũng hỗ trợ tích cực cho tâm lý nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư đang hướng tới cuộc họp G20 vào cuối tháng này, tại đó lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ gặp nhau. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng chờ đợi cuộc họp tháng 12 của Fed.
Dù hồi phục 2 phiên cuối tuần, nhưng với 3 phiên giảm mạnh trước đó, đặc biệt là phiên đầu tuần khiến phố Wall chấm dữ chuỗi 2 tuần tăng liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones giảm 2,22%, S&P 500 giảm 1,61% và Nasdaq giảm 2,15%.
Kết thúc phiên 16/11, chỉ số Dow Jones tăng 123,95 điểm (+0,49%), lên 25.413,22 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,07 điểm (+0,22%), lên 2.736,27 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 11,16 điểm (-0,15%), xuống 7.247,87 điểm.
Thị trường châu Á
Chứng khoán Nhật Bản hồi phục nhẹ trở lại trong phiên đầu tuần, sau khi các nhà đầu tư mua bắt đáy các cổ phiếu liên quan đến chip, bù đắp cho sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu tài chính.
Đóng cửa chỉ số Nikkei 255 tăng gần 0,7% lên 21.821,16 điểm. Topix tăng 0,5% lên 1.637,61 điểm.
Việc dự báo lợi nhuận ảm đạm của Nvidia Corp đã kích thích việc bán tháo nhóm cổ phiếu công nghệ vào tuần trước, và giờ đây nhóm cổ phiếu này đã hút dòng tiền bắt đáy trở lại với Tokyo Electron tăng 3,6%, Advantest Corp tăng 2,2% và Screen Holdings tăng 3,7%.
Cổ phiếu lớn SoftBank giảm 3,4% trong phiên cuối tuần trước do đầu tư vào Nvidia thông qua Quỹ Vision cũng đã tăng 5,1% phiên hôm nay.
Hỗ trợ tâm lý thị trường là số liệu cho thấy xuất khẩu của Nhật Bản tăng 8,2% trong tháng 10 vừa qua, mặc dù vẫn thấp hơn một chút so với mức tăng 9% theo dự báo của các nhà kinh tế.
Cổ phiếu đáng chú ý hôm nay là nhà sản xuất máy dệt kim Shima Seiki Mfg, tăng 10% sau khi cho biết sẽ mua lại 1 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ với trị giá có thể lên đến 4 tỷ yên.
Nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng và bảo hiểm lại giảm, với chỉ số theo dõi lần lượt mất 1,9% và 1,5%, sau khi một quan chức của Fed nói rằng lãi suất hiện tại đã rất gần mục tiêu, qua đó có thể gây ảnh hướng, khiến đồng USD giảm và đẩy đồng yên tăng giá.
Theo đó, Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui giảm 2,1% xuống mức thấp nhất trong 14 tháng, Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ giảm 1,9% và T&D Holdings giảm 3,5%.
Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục tăng, sau khi các cổ phiếu bất động sản và tài chính hưởng lợi từ các biện pháp hỗ trợ từ chính phủ.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,91% lên 2.703,51 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 1,1% lên 3.294,60 điểm.
Chỉ số phụ theo dõi ngành tài chính tăng 1,83%, ngành tiêu dùng tăng 1,24% và y tế tăng 1,1%.
Cổ phiếu của BYD Co Ltd tăng 5,84% lên mức cao nhất trong gần 6 tháng, sau khi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) phê duyệt kế hoạch phát hành 6 tỷ nhân dân tệ (864,32 triệu USD) trái phiếu BYD trong một nỗ lực lớn để hỗ trợ các công ty tư nhân.
Cổ phiếu BYD Co Ltd niêm yết tại Hồng Kông cũng tăng mạnh 6,36%.
Cổ phiếu của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc khác đã tăng vọt do kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất sẽ khiến chi phí lãi vay của họ và người mua nhà giảm. Điều này đã kéo chỉ số phụ theo dõi ngành bất động sản tăng 4,18%.
Nhóm cổ phiếu theo dõi các công ty chứng khoán cũng tăng mạnh 3,06%, bởi được xem là đối tượng hưởng lợi của các chính sách hỗ trợ thị trường.
Nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất hôm nay là Shanghai Yimin Commercial Group Co Ltd, tăng 10,13%; Hua Yuan Property Co Ltd, tăng 10,12% và Guangxi Guidong Electric Power Co Ltd, tăng 10,08%
Nhóm cổ phiếu giảm sâu nhất có Sichuan Minjiang Hydropower Co Ltd giảm 10,02%, Fangda Special Steel Technology Co Ltd mất 7,79% và Jiangsu Yulong Steel Pipe Co Ltd giảm 7,59%.
Chứng khoán Hồng Kông cũng tăng nhẹ trong phiên đầu tuần nhờ những kết quả tích cực tại nhóm cổ phiếu bất động sản tại Đại lục.
Chốt phiên, Hang Seng-Index tăng 0,7% lên 26.372,00 điểm. Hang Seng China Enterprisestăng 0,5% lên 10.631,66 điểm.
Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng tăng 1,%, ngành CNTT tăng 0,66%, tài chính tăng 0,31%.
Việc tăng trưởng tín dụng yếu kém của Trung Quốc đã thúc đẩy việc cắt giảm lãi suất cho vay đầu tiên trong 3 năm gần đây, nhưng các nhà kinh tế vẫn tỏ ra lo ngại về khả năng việc này sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn và có thể bị dừng bất kỳ lúc nào.
Những suy đoán đó đã khiến các cổ phiếu bất động sản với hy vọng rằng việc cắt giảm lãi suất có thể làm giảm chi phí đi vay và cả của người mua nhà. Theo đó, đã kéo chỉ số phụ của ngành bất động sản tăng 2,32%.
Cổ phiếu tăng điểm cao nhất phiên hôm nay là là AAC Technologies Holdings Inc, tăng 4,58%, trong khi giảm sâu nhất nhất là China Mengniu Dairy Co Ltd, giảm 2,40%.
Nhóm cổ phiếu H tăng tốt nhất là Byd Co Ltd tăng 6,36%, China Vanke Co Ltd, tăng 5,65% và China Resources Land Ltd, tăng 4,56%.
Nhóm cổ phiếu H giảm lớn nhất gồm New China Life Insurance Co Ltd, giảm 2,28%, CSPC Pharmaceutical Group Ltd, giảm 1,7% và Xi măng An Huy Conch, giảm 1,5%.
Kết thúc phiên 19/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 140,82 điểm (+0,65%), lên 21.821,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 24,40 điểm (+0,91%), lên 2.703,51 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 188,47 điểm (+0,72%), lên 26.372,00 điểm.
Thị trường vàng và ngoại tệ
- Vàng SJC đi xuống. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.360 đồng/USD
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay tăng 10.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,49 - 36,67 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.721 đồng/USD, không đổi so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.270 - 23.360 đồng/USD.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn, không để dừng cho vay đột ngột
Theo quy định tại Thông tư 19, từ đầu năm 2019, tức chỉ còn hơn 1 tháng, các tổ chức tín dụng (TCTD) phải tuân thủ việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung - dài hạn từ 50% xuống 40%..>> Chi tiết
- Chọn mua gì khi chứng khoán rơi?
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của các công ty niêm yết nhìn chung tích cực. Lợi nhuận sau thuế ước tính tăng khoảng 27% so với cùng kỳ. Nếu loại bỏ lợi nhuận đột biến của VHM, lợi nhuận sau thuế của các công ty niêm yết ước tính tăng 20% so với cùng kỳ..>> Chi tiết
- Mua theo cổ đông nội bộ: Cẩn trọng lỗ to
Thị trường chứng khoán trong xu thế giảm khiến nhiều thương vụ mua của cổ đông nội bộ được công bố như một thông điệp ủng hộ giá trị cổ phiếu..>> Chi tiết
- Mất mốc 900 điểm: VN-Index lạc nhịp với thị trường chứng khoán quốc tế
Dù chỉ số không phản ánh bao quát diễn biến của tất cả các mã cổ phiếu, nhưng việc VN-Index mất mốc 900 điểm cũng ít nhiều tác động đến tâm lý chung của các nhà đầu tư, các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam..>> Chi tiết
- Doanh nghiệp dệt may tăng trưởng mạnh
Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp dệt may tương đối thuận lợi vì đơn hàng dồi dào, phần lớn doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý III, thậm chí hết năm nay..>> Chi tiết
- Dấu hiệu mới cho thấy bất động sản Trung Quốc đang hạ nhiệt
Sau thời gian dài vật lộn để kiềm chế sự tăng trưởng quá nóng của thị trường bất động sản, giới chức Trung Quốc đã phần nào có thể nhẹ nhõm hơn khi nhiều dấu hiệu mới cho thấy, thị trường nhà đất nơi đây đang hạ nhiệt..>> Chi tiết