Theo quy định tại Thông tư 19, từ đầu năm 2019, tức chỉ còn hơn 1 tháng, các tổ chức tín dụng (TCTD) phải tuân thủ việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung - dài hạn từ 50% xuống 40%. Đó cũng là lý do lãi suất kỳ hạn dài được các ngân hàng điều chỉnh tăng trong thời gian qua để cân đối lại nguồn vốn.
Theo đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm trên thị trường được duy trì mức cao nhất 8,5%/năm ở kỳ hạn dài từ 15 tháng trở lên, áp dụng ở một số ngân hàng nhỏ và 7,5%/năm đối với kỳ hạn dài ở ngân hàng lớn.
Techcombank cho biết, Ngân hàng đã giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn và đến cuối tháng 9/2018, tỷ lệ này chỉ còn 34,17%, thấp hơn mức quy định của Thông tư 19/2017. Theo lý giải của lãnh đạo Techcombank, việc chủ động giảm tỷ lệ này xuống dưới 40% trước ngày 1/1/2019 nhằm đảm bảo khả năng phục vụ khách hàng một cách liên tục và không bị hạn chế bởi tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo quy định trên.
Các ngân hàng đều đã có sự chuẩn bị cho lộ trình Thông tư 19, nên xét về mặt quản lý điều hành, NHNN không nên tiếp tục giãn thời gian áp dụng bởi có thể tạo ra tiền lệ xấu
Tại VIB, hiện hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn cũng thấp hơn quy định, đạt 38,2%. Tương tự, ACB cho biết, tỷ lệ này cũng được giảm về mức thấp hơn quy định hiện nay.
Sở dĩ nhiều ngân hàng chủ động giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn vì phần nào dự đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ kiên định với lộ trình đã đề ra. Việc siết sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn nhằm đảm bảo hoạt động ngân hàng được ổn định, bền vững.
Vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đề xuất giữ nguyên tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn ở mức 45%, thay vì giảm về 40% vào đầu năm 2019.
Ý kiến được đưa ra từ 1 thành viên trong Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ cho rằng, nếu thuận theo kiến nghị của HoREA, đây sẽ là lần thứ hai NHNN giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn trong vòng 1 năm trở lại đây.
Trước đó, từ đầu năm 2017, các ngân hàng đã phải sử dụng mọi giải pháp để huy động vốn trung - dài hạn nhằm đáp ứng yêu cầu của Thông tư 06/2016/TT-NHNN (quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn giảm từ 60% về 45% vào năm 2017 và 40% vào năm 2018).
Theo đó, hầu hết ngân hàng đều định hướng tăng vốn điều lệ, hạn chế chia cổ tức tiền mặt để tăng vốn tự có cấp 1. Đồng thời, chạy đua phát hành trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi dài hạn lãi suất cao nhằm tăng vốn tự có cấp 2 để vừa tăng nguồn vốn huy động trung, dài hạn, vừa tăng hệ số CAR.
Lãi suất huy động trung - dài hạn được đẩy lên, có thời điểm lãi suất phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 5 năm đạt trên 9%/năm. Tuy nhiên, sau đó NHNN đã hoãn thời gian áp dụng từ năm 2018 sang năm 2019 khi ban hành Thông tư 19 nhằm giúp các ngân hàng có thời gian chuẩn bị.
Việc thay đổi này được đánh giá là có tác động tích cực trong ngắn hạn, giúp giảm áp lực lên lãi suất huy động của các ngân hàng. Ngoài ra, các ngân hàng có thêm thời gian cơ cấu danh mục cho vay sang các khoản vay ngắn hạn phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thời gian cân đối dòng vốn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đề xuất giãn thời gian áp dụng không nhận được sự ủng hộ, nên nhiều ngân hàng đã có sự chuẩn bị cho lộ trình trên.
Chủ tịch HĐQT một ngân hàng lớn cho biết, ngân hàng ông đã giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn xuống dưới 40% trước thời gian quy định. Do đó, sẽ không có vấn đề gì đáng lo ngại khi chính thức áp dụng trong năm 2019.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho hay, cần thực hiện đúng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định của Thông tư 19, thay vì trì hoãn thêm lần nữa, lý do bởi điều này nhằm đảm bảo tốt thanh khoản.
Theo một chuyên gia tài chính, các yếu tố về kinh tế vĩ mô và nội tại các TCTD hiện đã cải thiện. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn của toàn hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 5/2018 ở mức 27,67%, giảm so với mức 30,65% vào cuối năm 2017 và thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 40%. Xét riêng nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối và nhóm ngân hàng cổ phần, tỷ lệ này cũng thấp hơn quy định, lần lượt đạt 30,23% và 31,60%.
Điều này cho thấy, các ngân hàng đều đã có sự chuẩn bị cho lộ trình Thông tư 19 nên không cần trì hoãn. Vì vậy, xét về mặt quản lý điều hành, NHNN không nên tiếp tục giãn thời gian áp dụng bởi có thể tạo ra tiền lệ xấu.
Thực tế, định hướng giảm rủi ro thanh khoản qua tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn đã được đưa ra hơn 2 năm qua. Theo một lãnh đạo NHNN, việc siết chặt các chỉ số an toàn vốn để đảm bảo hoạt động ngân hàng ổn định, bền vững luôn là mục tiêu mà NHNN hướng đến. Do đó, khả năng xảy ra một lần trì hoãn tiếp theo trong bối cảnh hiện tại là khó xảy ra.