Sẽ tăng sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ vừa được tổ chức, Nhóm công tác thị trường vốn cho rằng, TTCK Việt Nam đang thụt lùi, quy mô còn nhỏ so với các nước lân cận.
Cụ thể, Việt Nam có 91 triệu dân, nhưng vốn hóa của TTCK chỉ khoảng 46 tỷ USD, tương đương 25% GDP. Trong khi đó, Philippines, với 99 triệu dân, vốn hóa của TTCK khoảng 184 tỷ USD, tương đương 65% GDP của nước này; Thái Lan, với 69 triệu dân, vốn hóa của TTCK khoảng 418 tỷ USD, tương đương 112% GDP của nước này; Singapore với 5 triệu dân, mức vốn hóa của TTCK khoảng 415 tỷ USD…
Để thúc đẩy TTCK phát triển hơn trong thời gian tới, Nhóm công tác thị trường vốn đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính triển khai 3 nhóm giải pháp để thúc đẩy TTCK phát triển hơn trong thời gian tới. Đó là, giải pháp về CPH DNNN gắn với niêm yết; tăng sở hữu nước ngoài và sớm thông qua dự thảo Nghị định về quỹ hưu trí tự nguyện.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012 hướng dẫn Luật Chứng khoán, mà Bộ Tài chính đã trình và Chính phủ đang xem xét ban hành có nội dung về nới lỏng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các DN Việt Nam áp dụng với NĐT nước ngoài theo cam kết WTO. (xem chi tiết).
Nhà đầu tư được giao dịch cùng loại chứng khoán trong ngày
Thông tin thứ hai tiếp sức cho TTCK chinh phục được ngưỡng cản quan trọng 580 điểm trong tuần qua là việc UBCK công bố dự thảo Quy trình rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 xuống T+2 và dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 74 hướng dẫn giao dịch chứng khoán, trong đó cho phép NĐT giao dịch trong ngày nếu đáp ứng đủ một số điều kiện.(Xem chi tiết)
Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc CTCK Tân Việt (TVSI), cơ sở để UBCK đưa ra quy định này là nhằm giảm rủi ro cho nhà đầu tư và thị trường, nhưng quy định như vậy tạo ra sự bất bình đẳng giữa các CTCK, bởi nhiều CTCK dù vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ không đạt được mức 800 tỷ đồng, nhưng hệ thống giao dịch cũng như hoạt động kinh doanh rất hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Ngoài ra, điều này vô hình trung tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, vì rất có thể sẽ có hiện tượng nhà đầu tư chuyển từ CTCK này sang CTCK khác để được hưởng ưu thế giao dịch trong ngày. (Xem chi tiết)
“Mạnh thường quân” nào sẽ giúp KSS vực dậy và lo trả khoản nợ cả nghìn tỷ đồng?
Thông tin Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc - ông Nguyễn Văn Dĩnh và Ủy viên HĐQT kiêm Kế toán trưởng - bà Nguyễn Thị Thu Huyền của CTCP Khoáng sản Na Rì Hamico (mã KSS) bị khởi tố để điều tra làm rõ một số sai phạm cá nhân khiến cổ phiếu KSS bị nhà đầu tư bán tháo. Sự kiện này kéo theo nỗi lo về “số phận” của KSS, cũng như khả năng trả nợ vay lên đến cả ngàn tỷ đồng của Công ty.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2015 của KSS cho thấy, trong cơ cấu 1.918,5 tỷ đồng tổng nguồn vốn, Công ty có 1.445,4 tỷ đồng nợ phải trả, bao gồm các khoản vay và nợ ngắn hạn, nợ dài hạn, phải trả người bán, chi phí phải trả khác. Trong đó, KSS có tổng cộng 987 tỷ đồng vay nợ từ BIDV, hơn 52,7 tỷ đồng vay nợ từ VDB, 100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. (xem chi tiết)
Báo cáo kiểm toán của Big4 có đáng tin cậy tuyệt đối?
Nhắc đến báo cáo kiểm toán được thực hiện bởi Top 4 công ty kiểm toán lớn nhất (Big 4), người ta thường có cảm giác độ tin cậy cao hơn. Thế nhưng, những câu chuyện gần đây lại khiến người ta có thể phải suy nghĩ lại.
BCTC 2014 của PVX do Deloitte kiểm toán đã nhận điều ý kiến tranh luận khi nhiều ý kiến cho rằng, với nhiều điểm nhấn mạnh trong báo cáo, đáng lẽ kiểm toán viên phải đưa ra ý kiến ngoại trừ.
Nhưng PVX không phải là trường hợp đầu tiên một báo cáo kiểm toán được thực hiện bởi Big 4 được đưa ra mổ xẻ. Trường hợp của Ocean Bank hay với Habubank trước đó cũng là một ví dụ.
Với cách làm việc của kiểm toán viên như vậy, liệu có khiến công chứng hoài nghi kết quả kiểm toán? (Chi tiết)
Bán khống địa ốc: chủ đầu tư hay môi giới gây nhiễu thị trường?
Trên thị trường địa ốc, bên cạnh những thông tin về tranh chấp của chủ đầu tư với khách hàng, thì việc nhiều dự án bị rao bán khống cũng là mối e ngại của nhiều khách hàng đang có nhu cầu mua nhà đất.
Năm 2010, thời kỳ đỉnh điểm của cơn sốt bất bất động sản tại Hà Nội, cũng là lúc vụ việc bán khống đất dự án Thanh Hà Cienco 5 tại quận Hà Đông của CTCP Xây dựng và Dịch vụ 1/5 vỡ lở. Hậu quả của việc bán khống này khiến lãnh đạo của Công ty 1/5 bị bắt, bị phạt tù, trong khi hàng trăm khách hàng đã nộp hàng trăm tỷ đồng cho Công ty 1/5 không thể đòi được tiền góp vốn.
Năm 2015, khi thị trường bất động sản vừa có dấu hiệu hồi phục, khi bài học về việc mua khống và rao bán khống đất Dự án Thanh Hà vẫn còn hiện hữu, thị trường lại xuất hiện hàng loạt lời cảnh báo của chủ đầu tư về việc rao bán khống đất nền và căn hộ tại nhiều dự án. (Xem chi tiết)
Năm 2016 sẽ hoàn chỉnh cơ chế bán điện theo cơ chế thị trường
Trên nghị trường, cả nước đang hướng đến các phiên chất vấn các bộ trưởng. Kỳ họp quốc hội lần này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng 4 bộ trưởng: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân; Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát sẽ trả lời chất vấn.
Liên quan đến các nội dung về kinh tế mà các đại biểu đặt ra là câu chuyện liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu nhất là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Đáng chú ý, một số đại biểu bày tỏ quan tâm vấn đề giá điện, giá xăng. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nếu điều chỉnh dưới 10%, doanh nghiệp tự tính toán và trình Bộ xem xét, nếu việc điều chỉnh trên 10% thì báo cáo Chính phủ xử lý. Lần điều chỉnh gần đây nhất vào tháng 3, cũng lập tổ tư vấn liên ngành gồm các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Công thương để nghe báo cáo về phương án điều chỉnh giá điện.
Đến nay, giá điện mới bắt đầu bán cao hơn giá thành. Trước đây, do được bao cấp nên giá bán điện thấp, nhưng việc tăng giá vẫn phải đảm bảo yếu tố xã hội. Theo lộ trình, đến năm 2016 sẽ hoàn chỉnh cơ chế bán điện theo cơ chế thị trường.