T+2 và giao dịch trong ngày: tương  lai không còn xa

T+2 và giao dịch trong ngày: tương lai không còn xa

(ĐTCK) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa công bố dự thảo Quy trình rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 xuống T+2 và dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 74 hướng dẫn giao dịch chứng khoán, trong đó cho phép NĐT giao dịch trong ngày. Nhiều CTCK và nhà đầu tư kỳ vọng các giải pháp mới sẽ giải phóng năng lực giao dịch, tăng mạnh thanh khoản trên TTCK. Tuy nhiên, để thực thi được, đòi hỏi những điều kiện không dễ dàng.

“Để thực thi được, phụ thuộc vào chính các thành viên TTCK”

Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

 

Hai giải pháp quan trọng trong dự thảo quy định pháp lý mà UBCK công bố lấy ý kiến các thành viên thị trường chiều 11/6/2015 là việc rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 hiện nay xuống T+2 và việc cho phép triển khai giao dịch trong ngày.

Chúng tôi mong muốn các thành viên thị trường nghiên cứu kỹ và cùng nỗ lực triển khai hai giải pháp trên, trong mục tiêu chung cải thiện dần chuẩn mực giao dịch trên TTCK Việt Nam theo chuẩn mực chung của Tổ chức quốc tế các Ủy ban Chứng khoán. Việc rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 xuống T+2 sẽ khiến chứng khoán và tiền được chuyển giao trong cùng 1 ngày. Đây là quy chuẩn chung theo yêu cầu của các NĐT quốc tế.

Với giải pháp cho phép NĐT giao dịch trong ngày, khi thực thi sẽ mở rộng năng lực giao dịch, thúc đẩy thanh khoản trên TTCK, thu hút thêm NĐT tham gia thị trường.

Về phía các Sở GDCK, năng lực công nghệ của Sở đủ sức thực thi các giải pháp mới. Tuy nhiên, để thực thi được, điều quan trọng nhất là phụ thuộc vào các thành viên TTCK, cụ thể là khối CTCK và các thành viên lưu ký phải hoàn thiện kết nối, công nghệ, hệ thống…

“Cần xem lại quy định CTCK phải có vốn điều lệ 800 tỷ đồng”

Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc CTCK Tân Việt (TVSI)

Nhà đầu tư được phép giao dịch trong ngày đã được thị trường chờ đợi từ rất lâu, đây sẽ là bước tiến trong việc cải thiện tính thanh khoản cho thị trường, giải quyết được vấn đề thanh khoản thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề khác liên quan như tăng vòng quay vốn và giúp nhà đầu tư có nhiều cơ hội hơn. Giảm thời gian giao dịch cũng như giảm thời gian thanh toán là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 74/2011/TT-BTC quy định, các CTCK muốn cung cấp dịch vụ giao dịch trong ngày cho khách hàng phải được UBCK chấp thuận và phải đáp ứng các điều kiện có vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ đạt từ 800 tỷ đồng trở lên tại báo cáo tài chính của năm tài chính gần nhất đã được kiểm toán và báo cáo tài chính bán niên gần nhất đã soát xét bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.

Theo tôi, cơ sở để UBCK đưa ra quy định này là nhằm giảm rủi ro cho nhà đầu tư và thị trường, nhưng quy định như vậy tạo ra sự bất bình đẳng giữa các CTCK, bởi nhiều CTCK dù vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ không đạt được mức 800 tỷ đồng, nhưng hệ thống giao dịch cũng như hoạt động kinh doanh rất hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, điều này vô hình trung tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, vì rất có thể sẽ có hiện tượng nhà đầu tư chuyển từ CTCK này sang CTCK khác để được hưởng ưu thế giao dịch trong ngày.

“HSC đáp ứng được yêu cầu giao dịch trong ngày”

Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC)

Dự thảo cơ chế giao dịch trong ngày và rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 xuống T+2 mà UBCK vừa công bố lấy ý kiến là những nội dung đã được các thành viên thị trường đề xuất triển khai từ nhiều năm nay. Việc sớm triển khai sẽ góp phần cải thiện thanh khoản cho thị trường, nhờ vòng quay chứng khoán và tiền được cải thiện.

Triển khai hai cơ chế này, xét về mặt kỹ thuật, không có gì phức tạp, nên các CTCK, trong đó có HSC sẽ đáp ứng được yêu cầu của UBCK. Ở thời điểm hiện tại, HSC hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2. Riêng với nghiệp vụ giao dịch trong ngày, chỉ cần nâng cấp hệ thống phần mềm là HSC triển khai được.

Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 74/2011/TT-BTC quy định, giá trị giao dịch mua (hoặc bán) trong ngày của mỗi khách hàng không được vượt quá hạn mức do CTCK xác định theo hướng dẫn của UBCK. Điều này sẽ mang lại sự chủ động cho CTCK, nhưng để tạo thuận lợi cho CTCK và NĐT, UBCK cần đưa ra hướng dẫn theo hướng thông thoáng.

Cũng theo dự thảo, giao dịch mua bán trong ngày chỉ được thực hiện đối với các cổ phiếu trong danh mục các chỉ số VN30, HNX30 và chứng chỉ các quỹ đầu tư niêm yết trên Sở GDCK. Quy định này chỉ nên áp dụng trong thời gian đầu triển khai, sau đó cần mở rộng ra các loại chứng khoán khác để tạo thuận lợi cho CTCK, cũng như đáp ứng nhu cầu đa dạng của NĐT.

“Giao dịch trong ngày là mong đợi từ lâu của thị trường”

Ông Lê Quang Huy, Phó tổng giám đốc CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) 

Nếu áp dụng giao dịch trong ngày như quy định tại dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 74/2011/TT-BTC đáp ứng nhu cầu của đông đảo công chúng đầu tư, giúp các sản phẩm của TTCK Việt Nam gần hơn với thông lệ quốc tế. Khi sản phẩm này chính thức được triển khai, NĐT có thể bán ngay chứng khoán vừa mua, hoặc bán trước rồi mua lại sau. Để triển khai nghiệp vụ này, các CTCK sẽ phải nâng cấp hệ thống phần mềm, cũng như xây dựng quy trình tác nghiệp tương tự như cho vay giao dịch ký quỹ (margin).

Điều khác ở đây là các CTCK phải chuẩn bị sẵn một lượng chứng khoán để cho khách hàng vay trong trường hợp khách hàng bán trước, nhưng không thực hiện mua lại trong ngày. Việc này không quá phức tạp, nên khi quy định pháp lý cho phép, BSC có thể đáp ứng được yêu cầu về triển khai giao dịch trong ngày.

Về rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 về T+2 như dự thảo Quy trình mà UBCK phối hợp với Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) xây dựng, tôi tin các CTCK cơ bản đáp ứng được yêu cầu này.

Do việc triển khai các giải pháp trên là rất cần thiết, các thành viên thị trường đang chờ đợi từ lâu chính sách này.

“Hy vọng, sau khi giảm thời gian thanh toán còn T+2 sẽ là giải pháp cho phép NĐT giao dịch vào ngày T+2”

Ông Lê Vương Hùng, Giám đốc khối kinh doanh môi giới CTCK Rồng Việt (VDSC)

Thông tin 2 dự thảo mới này khá bất ngờ, bởi trước đó không có thông tin nào nhắc tới việc này. Tuy nhiên, trước nhu cầu từ TTCK và những cam kết của Chính phủ trong việc hỗ trợ TTCK phát triển, thì việc UBCK xây dựng hai dự thảo này là hợp lý.

Việc giảm thời gian thanh toán từ T+3 xuống T+2 có thể gây khó khăn trước mắt với một số CTCK không mạnh về vốn, về công nghệ. Tuy nhiên, cũng trước đây, khi giảm thời gian giao dịch từ T+4 xuống T+3, kéo dài thời gian giao dịch từ sáng sang chiều, xuất hiện nhiều lệnh mới… cũng khó khăn bước đầu, rồi sau đó các CTCK đều đáp ứng được hết.

Do vậy, áp dụng T+2 không phải quá khó khăn, chỉ cần có lộ trình thực hiện để CTCK kịp thay đổi. Với VDSC, chúng tôi sẵn sàng thay đổi để thực thi giải pháp mới.

Bên cạnh đó, cũng cần nhận thấy rằng, đưa ra các giải pháp mới, khó sẽ giúp thanh lọc được những CTCK yếu kém. Về lâu dài, các CTCK phải đầu tư công nghệ, thiếu vốn thì phải tăng vốn, điều này là tốt cho thị trường.

Hy vọng, sau khi giảm thời gian thanh toán còn T+2 sẽ là giải pháp cho phép NĐT giao dịch vào ngày T+2. Nếu vậy, sẽ giúp thanh khoản thị trường tốt hơn, là yếu tố rất quan trọng để thu hút NĐT, họ sẽ mua bán dễ dàng hơn, chủ động hơn trong mua bán và ứng phó với rủi ro nhanh hơn. Thanh khoản tăng sẽ giúp quy mô thị trường tăng, từ đó làm tăng sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam với các dòng vốn lớn.

Tin bài liên quan