Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Bên cạnh dòng tiền tham gia hạn chế bởi tâm lý nhà đầu tư chuẩn bị nghỉ ngơi đón tết, thị trường tiếp tục đón nhận thêm một tuần giảm điểm nữa trong tháng cuối cùng của năm 2018. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán trong tuần vừa qua.

* Phiên giao dịch đầu tuần 24/12: Mặc dù nhà đầu tư khá thận trọng khiến dòng tiền tham gia sụt giảm đáng kể nhưng không nằm ngoài sự kỳ vọng của giới đầu tư, đà tăng khá tích cực ở một số mã lớn đã giúp thị trường đứng dậy sau 7 phiên liên tiếp giảm điểm.

Tuy nhiên, trong phiên chiều, thị trường đã chào thua trước sức ép bán ra dần gia tăng. Sắc đỏ bao phủ trên diện rộng bảng điện tử khiến các chỉ số đều lùi sâu hơn, trong đó, VN-Index cũng cắm đầu đi xuống về mức thấp nhất ngày và chính thức để mất mốc 910 điểm.

Đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 3,7 điểm (-0,41%) xuống 908,56 điểm, HNX-Index giảm 1,1 điểm (-1,06%) xuống 103,34 điểm, UPCoM-Index giảm 0,29 điểm (-0,55%) xuống 52,46 điểm.

Về phần các Dự, TVSI nhận định đúng khi dự báo xu hướng dao động giằng co đi ngang vẫn là chính.

Tương tự, SHS cho rằng VN-Index có thể sẽ giằng co và tích lũy với biên độ trong khoảng 900-930 điểm (MA5-10-100 tuần).

Trái lại, MBS kỳ vọng thị trường sẽ tích cực trở lại sau 1 tuần giảm liên tiếp.

* Sang phiên giao dịch ngày 25/12: Ảnh hưởng từ đà bán tháo trên thị trường chứng khoán thế giới, chứng khoán Việt Nam cũng lao dốc mạnh ngay khi bước vào phiên giao dịch. Dù bật nhẹ trở lại khi chạm ngưỡng 890 điểm, nhưng lực xả hàng ồ ạt khiến VN-Index có thời điểm xuống sát ngưỡng 880 điểm.

Lực cầu bắt đáy tiếp tục chảy mạnh trong phiên chiều. Trong khi bên nắm giữ cổ phiếu không bán tháo bằng mọi giá như phiên sáng, giúp VN-Index hồi phục dần, đóng cửa ở mức cao nhất ngày, lấy lại được hơn một nửa số điểm đã mất của phiên sáng.

Đóng cửa, VN-Index giảm 10,62 điểm (-1,17%) xuống 897,94 điểm, HNX-Index giảm 0,91 điểm (-0,88%), xuống 102,44 điểm, PCoM-Index giảm 0,59 điểm (-1,12%), xuống 51,88 điểm.

Về phần các Dự, BSC nhận định sai khi dự báo thị trường có khả năng cân bằng trên 900 điểm khi giao dịch đang có dấu hiệu cân bằng và không còn phải đón nhận thông tin tiêu cực, do thị trường thế giới nghỉ giao dịch 2 phiên đầu tuần.

Trái lại, SHS nhận định đúng về xu hướng thị trường khi dự báo phiên giao dịch 25/12, VN-Index có thể tiếp tục đà giảm nhằm kiểm định lại lực cầu quanh ngưỡng hỗ trợ tâm lý gần nhất tại 900 điểm.

Trong khi đó, TVSI nhận định còn quá sớm để có thể lạc quan về một xu hướng tăng giá mạnh và dự báo dao động đi ngang nhìn chung vẫn là xu hướng chính trong ngắn hạn.

* Trong phiên giao dịch 26/12: Áp lực bán trong phiên sáng tiếp diễn và có phần mạnh hơn trong phiên chiều, VN-Index có thời điểm đã đe dọa thủng tiếp ngưỡng 890 điểm. Ngay tại ngưỡng trên, lực cầu bắt đáy lại hoạt động trở lại, kéo chỉ số đi lên ngưỡng 895 điểm.

Tưởng chừng giao dịch sẽ khởi sắc hơn sau tín hiệu này, nhưng một lần nữa nhà đầu tư lại tranh thủ xả hàng mạnh, trong khi thông tin hỗ trợ thiếu vắng, VN-Index theo đó quay trở lại mốc 890 điểm và nhích lên đôi chút trong đợt khớp lệnh ATC.

Đóng cửa, VN-Index giảm 6,19 điểm (-0,69%), xuống 891,75 điểm, HNX-Index giảm 0,16 điểm (-0,16%), xuống 102,28 điểm, UpCoM-Index tăng 0,31 điểm (+0,6%), lên 52,19 điểm.

Về phần các Dự, hầu hết các công ty chứng khoán đều nhận định trái ngược xu hướng thị trường khi dự báo VN-Index có thể xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật sau khi đã có những tín hiệu hồi phục cuối phiên trước đó. Bao gồm BVSC, TVSI, MBS, SHS, PHS.

* Đến phiên giao dịch 27/12: Cùng với đà hưng phấn của chứng khoán toàn cầu, chứng khoán Việt Nam cũng mở cửa tăng vọt qua ngưỡng 905 điểm với dòng tiền cũng hoạt động tích cực hơn so với phiên trước.

Tuy nhiên, khi bước vào phiên giao dịch chiều, lực bán gia tăng đã khiến chỉ số này hạ nhiệt dần và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày. Chỉ có may mắn, chỉ số này mới giữ lại được mốc 900 điểm khi đóng cửa phiên.

Đóng cửa, VN-Index tăng 9,06 điểm (+1,02%), lên 900,81 điểm, HNX-Index tăng 1,17 điểm (+1,67%), lên 103,99 điểm, UPCoM-Index tăng 0,4 điểm (+0,76%), lên 52,58 điểm.

Về phần các Dự, dường như các công ty chứng khoán đưa ra dự báo lỡ nhịp với thị trường. Nếu trong phiên trước, khi hầu hết các công ty chứng khoán đều nhận định sai khi cho rằng thị trường sẽ hồi phục thì sang phiên 27/12, khi họ quay ngược dự báo thị trường giảm, lại không mang lại may mắn và tiếp tục có thêm 1 phiên dự đoán thất bại.

Trong đó, BVSC cho rằng mặc dù áp lực bán đã suy giảm nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn khá bi quan và lo sợ nên thị trường vẫn đang vấp phải lực cản trong quá trình hồi phục.

Bên cạnh đó, TVSI nhận định VN-Index có thể sẽ kiểm tra lại vùng hỗ trợ mạnh 880-890 điểm. Rủi ro phá vỡ cần được lưu ý khi mà chỉ số đang chịu áp lực lớn từ việc TTCK thế giới chuyển biến kém khả quan.

Thậm chí, PHS khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hợp lý để phòng tránh rủi ro bất ngờ thị trường.

* Ở phiên giao dịch cuối tuần ngày 28/12: Mặc dù vẫn còn rung lắc nhưng sự hỗ trợ tích cực của các cổ phiếu lớn đã giúp VN-Index duy trì sắc xanh nhạt trong phiên giao dịch sáng cuối tuần.

Thị trường vẫn biến động trong biên độ hẹp khi bước sang phiên giao dịch chiều. Tuy nhiên, đột biến đã đến trong đợt khớp ATC. Áp lực bán gia tăng mạnh và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip đã khiến thị trường đột ngột cắm đầu đi xuống. Chỉ số VN-Index để mất gần 1% chỉ trong ít phút giao dịch.

Đóng cửa, VN-Index giảm 8,27 điểm (-0,92%) xuống 892,54 điểm, HNX-Index tăng 0,25 điểm (+0,24%) lên 104,23 điểm, UPCoM-Index tăng 0,24 điểm (+0,46%) lên 52,83 điểm.

Về phần các Dự, BVSC nhận định thiếu chuẩn xác khi cho rằng tâm lý nhà đầu tư đã ổn định trở lại sau phiên tăng điểm trước đó ngày 27/12.

Tương tự, MBS cũng dự báo thị trường sẽ dao động trong xu hướng tích cực ở phiên cuối cùng của năm.

Trong khi đó, nhận định của SHS và TVSI có phần đúng khi cho rằng, xu hướng của VN-Index có thể sẽ là giằng co quanh ngưỡng 990 điểm với thanh khoản thấp.

Tin bài liên quan