Khuyến nghị mua vào cổ phiếu SVC
CTCK KIS Việt Nam (KIS)
Cổ phiếu SVC của CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn đã thoát khỏi vùng tích lũy trung hạn 48-50, đây là vùng hỗ trợ mạnh sau giai đoạn phá vỡ thành công mẫu hình tam giác cân.
Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch duy trì tích cực và SVC bật tăng trong tuần giao dịch gần đây cho thấy khả năng SVC đã tạo đáy và trở lại xu hướng tăng trung hạn.
Nhóm chỉ báo xác nhận xu hướng như RSI(14) và Stochastic tăng mạnh hỗ trợ tích cực cho xu hướng giá hiện tại. Ngoài ra, chỉ báo Bollinger Band đang mở rộng sau giai đoạn co hẹp cũng xác nhận xu hướng tăng trung hạn của cổ phiếu SVC.
Tuy nhiên, diễn biến điều chỉnh tích lũy ngắn hạn có thể xuất hiện khi SVC tiệm cận ngưỡng cản 53-55, đây là mức đỉnh cũ được thành lập vào 3/2017. Vượt qua được ngưỡng cản này, khả năng quay trở lại xu hướng tăng của SVC sẽ rõ nét hơn.
Vì vậy, nhà đầu tư có thể xem xét mua SVC khi điều chỉnh về vùng 50-51với giá mục tiêu kỳ vọng là 59-60. Giá cắt lỗ được đặt tại 48.
Khuyến nghị mua cổ phiếu CVT
CTCK Maritime (MSI)
Thị trường bất động sản và xây dựng dân dụng đang hồi phục tích cực, kéo theo sự tăng trưởng của mặt hàng gạch ốp lát. Theo quy hoạch của Bộ Xây dựng sẽ định hướng không mở rộng, đầu tư mới các cơ sở sản xuất gạch Ceramic, thay vào đó, ưu tiên đầu tư vào gạch Granite và Cotto. Điều này đúng với chiến lược phát triển hiện nay của CTCP CMC (mã CVT).
Nhà máy CMC2 – giai đoạn 2 đi vào hoạt động ổn định từ năm 2016 đã đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh CVT. Trong năm 2016, nhà máy này đã sản xuất 8.641.290 triệu m2 (trong đó loại 1 chiếm 79% tổng sản phẩm), các năm tới, nhà máy vẫn có thể tiếp tục gia tăng sản xuất, đóng góp chính cho doanh thu toàn Công ty.
Dự án mở rộng nhà máy CMC2 – giai đoạn 3: Sản xuất gạch Granite thấm muối tan công suất 3 triệu m2/năm, dự kiến sẽ khởi công xây dựng trong quý 2/2017 và hoàn thành cuối năm 2017. Tổng vốn đầu tư là 367,6 tỷ đồng, dự kiến sẽ vay ngân hàng 240 tỷ (trong đó 200 tỷ vay dài hạn và 40 tỷ vay ngắn hạn). Việc mở rộng nhà máy sẽ đáp ứng việc đa dạng hóa các sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của khách hàng và tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ khác. Dự kiến nhà máy này sẽ đóng góp nguồn thu ước tính 350 - 450 tỷ đồng mỗi năm cho CVT.
Năm 2016, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế CVT lần lượt đạt 1.118 tỷ và 152 tỷ đồng, tăng mạnh 64,3% và 142,6% so với năm 2015. Quý I/2017, CVT đạt 189 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng 16% yoy) và lợi nhuận trước thuế đạt 35,7 tỷ đồng (tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước). Năm 2017, CVT đặt kế hoạch sẽ đạt 1.300 tỷ đồng doanh thu (bao gồm cả doanh thu tài chính và doanh thu khác) và 170 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Một điểm đáng quan tâm khác là mức cổ tức chi trả hàng năm của CVT thường hơn 20% (năm 2015 là 25% bằng tiền mặt và 2016 dự kiến sẽ trả 50%, trong đó 40% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt). Năm 2017, mức cổ tức dự kiến là 30-35% vốn điều lệ.
Cổ phiếu CVT đang ở mức giá hấp dẫn với mức P/E là 6,39x, thấp hơn khá nhiều so với P/E thị trường 15,8x và P/E của ngành là 8,4x.
Giá giao dịch phiên gần nhất (3/5) của cổ phiếu CVT trên sàn HNX là 49.800 đồng/cổ phiếu, giả định mức giá trước ngày không hưởng quyền trả cổ tức 40% tương đương mức giá hiện tại, giá cổ phiếu ngày không hưởng quyền sau khi pha loãng là 35.570 đồng/cp. Do đó, chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu CVT với giá mục tiêu là 48.700 đồng/cổ phiếu và tiềm năng tăng trưởng cổ phiếu là 37%.
DTL sẽ khó khăn đạt kế hoạch kinh doanh năm 2017
CTCK FPT (FPTS)
Theo đánh giá của chúng tôi, CTCP Đại Thiên Lộc (mã DTL) sẽ rất khó khăn để đạt được kế hoạch đặt ra trong năm 2017. Với các nguyên nhân như sau:
Về thị trường nội địa, khả năng DTL gia tăng thị phần sẽ rất khó khăn mặc dù triển vọng bán hàng có sáng sủa hơn năm 2016 (do Bộ Công thương đã áp thuế chống bán phá giá cho tôn mạ Trung Quốc và Hàn Quốc nhập khẩu). Nguyên nhân do chi phí cao dẫn đến giá thành sản phẩm không thể cạnh tranh tốt bằng các doanh nghiệp đối thủ.
Bên cạnh đó, các “ông lớn” trong mảng tôn mạ đều có dây chuyền mới đưa vào hoạt động trong năm 2017 như HSG (+400,000 tấn/năm), NKG (+400,000 tấn/năm) và Tôn Đông Á (+500,000 tấn/năm), dẫn đến lượng thành phẩm chất lượng cao của mảng tôn mạ sẽ tăng nhanh chóng và mức độ cạnh tranh trong nước cũng sẽ tăng lên.
Về thị trường xuất khẩu, DTL gặp khó khăn nhiều hơn so với các doanh nghiệp đối thủ như HSG và NKG do hoạt động phòng vệ thương mại còn yếu kém. Tỷ trọng xuất khẩu chiếm 25% trong cơ cấu doanh thu của DTL và thị trường Thái Lan là một trong ba quốc gia chiếm tỷ trọng lớn nhất bên cạnh Malaysia và Indonesia.
Tại Thái Lan, DTL bị áp thuế chống bán phá giá thuộc nhóm cao nhất vào cuối tháng 03/2017. Cụ thể, tôn kẽm bị áp thuế 30.77% và tôn lạnh bị áp thuế 34.05% sẽ khiến DTL không thể xuất khẩu sang thị trường này nữa.
Hơn thế nữa, ban lãnh đạo của DTL thường quá lạc quan trong việc đặt kế hoạch từ trước đến nay. Để minh họa, giai đoạn 2010 – 2015, các kế hoạch mà DTL đặt ra về doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều không đạt. Chỉ có năm 2016, do hưởng lợi từ xu hướng tốt lên đột biến của toàn ngành thép nên lần đầu tiên trong 6 năm gần nhất DTL đã vượt được kế hoạch đặt ra. Vì thế, chúng tôi đánh giá kế hoạch cao đột biến của DTL đặt ra trong năm 2017 sẽ cần không ít nỗ lực để đạt được.