Cổ phiếu cần quan tâm ngày 31/10

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 31/10

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 31/10 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị theo dõi cổ phiếu STK

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Dựa trên ước tính lợi nhuận sau thuế của CTCP Sợi Thế Kỷ (STK – sàn HOSE) năm 2020 với kế hoạch tăng trưởng tỷ trọng doanh thu sợi tái chế là khoảng 255 tỷ đồng (tăng 16% so với năm trước), mức P/E dự phóng 2020 là 5,3x tại giá đóng cửa ngày 28/10/2019 là 19.150VND/CP, là mức khá hấp dẫn.

Tuy nhiên, BVSC cho rằng cần theo dõi thêm để đánh giá về cơ hội đầu tư với STK trong bối cảnh cạnh tranh có khả năng gia tăng đối với sản phẩm sợi nguyên sinh, từ đó có thể khiến cho sản lượng sản phẩm sợi này không như kỳ vọng, trong khi việc tăng trưởng của sợi tái chế cần phải theo lộ trình nhằm cân đối nguồn cung nguyên liệu cũng như nhu cầu của đối tác.

Cụ thể, Billion Industry theo kế hoạch sẽ đầu tư và vận hành tổ hợp sản xuất PET chips và sợi dài polyester (nguyên sinh) tại Tây Ninh, trong đó tổng công suất sản xuất sợi ước khoảng 385.000 tấn DTY&FDY/năm (CS hiện tại của STK hiện tại là 63.000 tấn/năm). Dự kiến, tổ hợp trên sẽ đi vào hoạt động từ cuối 2019 trong khi một vài dây chuyền đã đi vào vận hành tại thời điểm tháng 6/2019.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các sản phẩm sợi từ các nhà máy hiện hữu của Billion Industry tại Trung Quốc, sử dụng phương thức polymerization, cũng được định vị ở phân khúc trung và cao cấp mang tính giá trị gia tăng cao được ứng dụng trong ngành dệt may, tương tự như sản phẩm của STK.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị khả quan dành cho VRE với giá mục tiêu 38.200 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Quý III/2019, CTCP Vincom Retail  (mã VRE – sàn HOSE) ghi nhận 2.208 tỷ đồng doanh thu thuần, tương ứng giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ hoạt động cho thuê bất động sản đầu tư và cung cấp các dịch vụ liên quan tăng 29%, đạt 1.807 tỷ đồng. Tuy nhiên doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản giảm mạnh từ 1.500 tỷ đồng xuống còn 339 tỷ đồng, do quý 3 2018, VRE ghi nhận doanh thu từ dự án Vinpearl Riverfront Condotel Đà Nẵng.

Theo đó, giá vốn hoạt động bất động sản cũng giảm mạnh từ 1.192 tỷ đồng xuống 207 tỷ đồng, giúp tổng giá vốn hàng bán của công ty giảm hơn 43%. Như vậy, mặc dù doanh thu giảm như lợi nhuận gộp của VRE vẫn tăng 13% đạt 1.078 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện đáng kể từ 32,3% lên 48,8%.

Tổng chi phí hoạt động trong kỳ được tiết giảm so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là chi phí bán hàng giảm hơn 64%. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của VRE đạt 717 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng năm 2019, VRE ghi nhận 6.475 đồng doanh thu thuần và 1.968 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 6,4% và 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 68% kế hoạch doanh thu và 73% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Kế hoạch mở rộng trung tâm thương mại mới cho thuê rất hấp hẫn. VRE đang chuẩn bị khai trương thêm 9 trung tâm thương mại mới trong quý 4 2019 nâng tổng số trung tâm thương mại công ty đang sở hữu và vận hành lên 79 trung tâm với diện tích sàn cho thuê dự kiến đạt 1,5 triệu m2 vào cuối năm 2019. Cho năm 2020 và 2021, chúng tôi ước tính VRE sẽ mở mới thêm 27 trung tâm mỗi năm. Diện tích sàn cho thuê được dự báo sẽ đạt lần lượt 2,1 triệu và 2,7 triệu m2 vào năm 2020 và 2021.

Ba đại Trung tâm thương mại với “Thiết kế xanh” và “Vận hành thông minh” sẽ được ra mắt vào 2020, gồm Vincom Mega Mall Ocean Park; Vincom Mega Mall Smart City (Hà Nội) và Vincom Mega Mall Grand Park (Hồ Chí Minh). Theo kế hoạch, Mega Mall Smart City và Mega Mall Ocean Park sẽ hoạt động trong quý II/2020.

Thay đổi cơ cấu khách thuê. VRE có xu hướng gia tăng tỷ lệ khách trong ngành Thực phẩm & đồ uống, giải trí và dịch vụ, phù hợp với xu thế hiện nay khi các gian hàng F&B và chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp được coi là yếu tố thu hút khách hàng đến các Trung tâm thương mại.

Chúng tôi xác định giá mục tiêu 12 tháng của VRE vào khoảng 38.200 đồng dựa trên kết hợp 2 phương pháp so sánh P/E và EV/EBITDA. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E forward 2020 khoảng 24,8 lần (theo EPS 2020F khoảng 1.543 đồng). Đồng thời, khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu này.

Khuyến nghị trung lập dành cho NT2

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Trong năm 2019 và 2020, chúng tôi ước tính doanh thu của Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2 – sàn HOSE) sẽ đạt 8.324 tỷ đồng và 9.171 tỷ đồng (tăng trưởng 11% và 4% so với năm trước), lợi nhuận ròng cải thiện tương ứng 810 tỷ đồng và 839 tỷ đồng (duy trì mức tăng trưởng 4%).

Với giả định chưa có sự kiện hay dự án nào có tác động tích cực đến nền tảng kinh doanh của NT2 trong tương lai gần, cũng như vào năm 2020 và kỳ vọng rằng công ty sẽ trả cổ tức liên tục ở mức 2.500 đồng, chúng tôi sử dụng phương pháp DDM định giá cổ phiếu NT2 ở mức 23.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2020.

Tổng suất sinh lợi bình quân là 1%, bao gồm 10% suất sinh lợi từ việc trả cổ tức tiền mặt 2.500 đồng trong quý IV/2019. Vì vậy, chúng tôi duy trì khuyến nghị trung lập đối với NT2.

>> Tải báo cáo

Duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu BMP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) công bố kết quả kinh doanh quý 3/2019 phù hợp với kết quả kinh doanh sơ bộ đã được công trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra ngày 17/10/2019.

Cụ thể, trong quý 3/2019, doanh thu thuần của BMP tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,07 nghìn tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng 4% YoY, đạt 120 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh này cho thấy lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số quý 3 cải thiện so với mức giảm 6,7% trong 6 tháng đầu năm 2019, phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi là biên lợi nhuận sẽ cải thiện vào thời điểm cuối năm 2019 nhờ vào giá nhựa đầu vào thuận lợi. Biên lợi nhuận gộp quý 3/2019 của BMP đạt 23,4% so với mức 23,2% trong quý 2/2019 và 22,6% trong quý 1/2019.

Trong 9 tháng 2019, tổng sản lượng bán ra của BMP đạt 76.500 tấn (tăng trưởng 15%), doanh thu thuần đạt 3,18 nghìn tỷ đồng (tăng 16%) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 328 tỷ đồng (giảm 4%). Biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 9 tháng 2019 đạt 14,7%, phù hợp với dự báo năm 2019 của chúng tôi là 14,6%.

Khi kết quả kinh doanh 9 tháng 2019 này đã hoàn thành 74% dự báo cả năm của chúng tôi, chúng tôi cho rằng không có thay đổi đáng kể nào cho dự báo năm 2019 của BMP như đã đề cập trong báo cáo cập nhật gần nhất BMP [MUA +21,9%] - Các thay đổi linh hoạt mở đường cho tăng trưởng dài hạn ngày 12/08/2019

Duy trì khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu MWG

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) công bố báo cáo tài chính quý 3/2019, trong đó doanh thu tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng 32%. Nhìn chung trong 9 tháng 2019, doanh thu đã tăng 17% trong khi lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng 36%.

Thông tin chi tiết từng mảng kinh doanh hiện chưa được công bố. Dù vậy, chúng tôi cho rằng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong quý 3/2019 và 9 tháng 2019 đến từ (1) chuỗi điện máy, nhờ tăng trưởng doanh số của các cửa hàng hiện hữu (SSSG) khả quan và tốc độ mở cửa hàng nhanh chóng, (2) cơ cấu sản phẩm, (3) lợi thế kinh tế về quy mô và (4) thu nhập tài chính ròng cải thiện.

Tính đến ngày hôm nay, số lượng cửa hàng điện máy đã đạt 954 so với 750 cửa hàng vào cuối năm 2018 và 838 cửa hàng tính đến cuối tháng 6/2019. Ngoài việc mở các cửa hàng mới, doanh thu của chuỗi điện máy cũng được hỗ trợ bởi việc chuyển đổi các cửa hàng hiện hữu sang layout mới (layout mới có số lượng hàng hóa phong phú và đa dạng hơn); sự chuyển đổi này thường giúp cải thiện doanh số/cửa hàng cho các cửa hàng điện máy khoảng 30%, theo MWG.

Trong khi đó, tốc độ mở rộng chuỗi bách hóa tiếp tục tăng tốc. Tính đến hôm nay, lượng cửa hàng của bách hóa đã đạt 874 cửa hàng so với 405 vào cuối năm 2018 và 600 vào cuối tháng 6/2019. Tốc độ mở rộng chuỗi điện máy và bách hóa hiện đang đi đúng hướng so với kỳ vọng của chúng tôi, trong đó chúng tôi dự phóng đến cuối năm 2019 thì điện máy và bách hóa sẽ đạt số lượng cửa hàng lần lượt là 1.000 và 950 cửa hàng.

Kết quả kinh doanh quý 3/2019 củng cố quan điểm tích cực của chúng tôi đối với MWG. Chúng tôi cho rằng sẽ không có thay đổi đáng kể đến dự báo hiện tại, dù cần đánh giá chi tiết hơn.

Khả năng điều chỉnh tăng dự báo cho dự báo lợi nhuận BMP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Cơ điện lạnh (REE) công bố kết quả kinh doanh quý 3/2019 trong đó lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng 37,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 403 tỷ đồng, tương ứng với lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 9 tháng 2019 đạt 1,2 nghìn tỷ đồng (giảm 3,5%).

Tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong quý 3/2019 này nhờ sự dẫn dắt của tất cả các mảng kinh doanh, bao gồm 1) Mảng Điện & Nước tăng 60,6% (do tăng trưởng lợi nhuận hợp nhất mạnh mẽ từ PPC và hoàn nhập khoản dự phòng cho nhà máy điện than Quảng Ninh – QTP); 2) Tăng trưởng mảng Cơ điện (M&E) đạt 20,9% (so với mức cơ sở thấp trong quý 3/2018 khi REE ghi nhận dự phòng cho các dự án bị chậm tiến độ); và 3) tăng trưởng mảng cho thuê văn phòng và bất động sản đạt 31,9% (được dẫn dắt bởi hai dự án mới là E-town Central và E-town East West).

Không tính dự phòng cho QTP, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số điều chỉnh quý 3/2019 đã tăng 5,7% trong khi lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số điều chỉnh 9 tháng 2019 giảm 1,9%.

Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 9 tháng 2019 hoàn thành 72,9% dự báo cả năm 2019 của chúng tôi, phù hợp với dự phóng khi mảng M&E và bất động sản thường có xu hướng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận vào thời điểm gần cuối năm.

Chúng tôi cho rằng có khả năng điều chỉnh tăng dự báo cho dự báo lợi nhuận hợp nhất cho PPC, nhưng có khả năng điều chỉnh giảm dự báo cho lợi nhuận mảng thủy điện; điều này tương ứng với thay đổi không đáng kể cho dự báo lợi nhuận 2019 của REE, dù cần đánh giá chi tiết hơn.

Duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu TLG

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Tập đoàn Thiên Long (TLG) báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2019 thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi với doanh thu tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 770 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giảm 19%, đạt 69 tỷ đồng.

Theo ban lãnh đạo, kết quả kinh doanh quý 3 thấp do một số đơn hàng lớn bị trì hoãn sang quý 4/2019. Tình huống này tương tự quý 1/2019 khi các nhà phân phối trì hoãn tăng lượng hàng tồn kho trước dịp nghỉ Tết dài. Theo ban lãnh đạo công ty, một số đơn hàng bị trì hoãn đã được chốt trong tháng 10/2019 và công ty kỳ vọng sản lượng trong 2 tháng cuối năm 2019 sẽ tăng mạnh.

Trong 9 tháng 2019, doanh thu của TLG tăng 10% (đạt 2,3 nghìn tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng 2% (đạt 254 tỷ đồng). Dù tăng trưởng sản lượng quý 3/2019 thấp hơn dự kiến do các đơn hàng bị trì hoãn, biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 9 tháng 2019 của TLG đạt 13,1%, cao hơn dự báo năm 2019 của chúng tôi là 12,7%.

Do đó, với kỳ vọng tăng trưởng sản lượng mạnh mẽ trong quý 4/2019, tương tự kết quả kinh doanh quý 2/2019 (đã đề cập trong báo cáo cập nhật TLG [MUA +25,3%] - Doanh thu quý 2 cao giúp lợi nhuận tăng trưởng trở lại bình thường ngày 13/08/2019), chúng tôi cho rằng không có thay đổi đáng kể cho dự báo năm 2019 của chúng tôi cho TLG.

Khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu BID

CTCK Phú Hưng (PHS)

Tăng trưởng tín dụng trong năm 2019 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID – sàn HOSE) vẫn có thể hoàn thành mục tiêu ở mức 12% sau khi bài toán về vốn phần nào được tháo gỡ sau thương vụ phát hành 603 triệu cổ phiếu, tương đương với 15% vốn cho đối tác KEB Hana Bank với giá trung bình 33,640 VNĐ/CP

NIM của BID có thể sẽ sụt giảm khi sau khi tăng trong năm nay khi tỷ lệ CASA sụt giảm, trong khi chi phí huy động tiếp tục tăng do áp lực phụ thuộc vào khả năng huy động đồng thời cạnh tranh huy động tới từ các NHTM khác.

Nợ xấu theo báo cáo của BID có thể sẽ còn tiếp tục tăng trong năm tới đồng thời ngân hàng tiếp tục trích lập các khoản vay kém chất lượng một cách quyết liệt hơn cùng với đó là khả năng tăng trưởng tín dụng còn hạn chế do áp lực về vốn vẫn còn đè nặng lên vai ngân hàng này.

Do đó chúng tôi cho rằng lợi nhuận trước thuế của BID sẽ đi ngang và tăng trưởng chậm lại trong năm 2019 và 2020.

Bằng phương pháp định giá P/B với mức P/B trung bình 2 năm là 1.98x, chúng tôi xác định giá trị hợp lý của BID là 37.800 VNĐ/CP. Từ đó đưa ra khuyến nghị : GIỮ đối với cổ phiếu BID.

Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DGW

CTCK Phú Hưng (PHS)

CTCP Thế giới số (DGW – sàn HOSE) cho biết, năm 2019, doanh thu thuần có thể đạt 8.366 tỷ đồng (tăng 41% so với năm ngoái). Lợi nhuận sau thuế có thể tăng trưởng và đạt 155 tỷ đồng (tăng trưởng 41%) tương ứng EPS 2019F 3.707 VNĐ/CP, giả định DGW duy trì biên lợi lãi gộp duy trì ở mức 6%.

Bằng phương pháp định giá P/E và P/S, ước tính mức giá hợp lý cho cổ phiếu DGW vào khoảng 29.966 đồng/cổ phiếu, cao hơn +21% so với giá hiện tại. Từ đó đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.

Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FRT

CTCK Phú Hưng (PHS)

CTCP Bán lẻ ký thuật số FPT (mã chứng khoán FRT) cho biết, năm 2019, doanh thu thuần có thể đạt 17.815 tỷ đồng (tăng 16,4% so với năm ngoái). Lợi nhuận sau thuế có thể tăng trưởng và đạt 417 tỷ đồng (tăng trưởng 19,8%) tương ứng EPS 2019F 5.278 VNĐ/CP, giả định FRT duy trì biên lợi lãi gộp ở mức 14%.

Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, ước tính mức giá hợp lý cho cổ phiếu FRT vào khoảng 54,934 đồng/cổ phiếu, cao hơn +28% so với giá hiện tại. Từ đó đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.

Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu CVT

CTCK Phú Hưng (PHS)

Trong báo cáo này, chúng tôi tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong quý 3 ở cả doanh thu và lợi nhuận trước thuế của CTCP CMC (mã chứng khoán CVT). Doanh thu thuần trong năm 2019 dự kiến sẽ đạt mức 1.553,1 tỷ VND (tăng 7.0% so với cùng kỳ năm ngoái) thay đổi 3% so với với báo cáo trước nhờ vào hiệu suất tiêu thụ sản phẩm Ceramic và Granite mới được tăng thêm.

Lợi nhuận sau thuế 2019 ước đạt mức 167,67 tỷ VND, tăng trưởng (+3.5% yoy). Sức tiêu thụ các sản phẩm có biên lợi nhuận cao ở các dòng gạch ốp lát mới chưa thể sớm cải thiện mạnh biên gộp của đơn vị. Đồng thời tác động độ trễ của giá nguyên liệu đầu vào giảm trong năm 2019 có thể vẫn chưa được phản ánh trong kết quả kinh doanh quý III/2019.

Hiện tại, biên lợi nhuận gộp của đơn vị vẫn duy trì ở mức tương đương trong năm 2018, biên lãi gộp  đạt 17.53% có sự cải thiện nhẹ hơn so với mức 17.25% cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp trong quý 4 có thể tăng thêm 5% so với quý 3 do tiếp tục hoạt động giải phóng tồn kho và thúc đẩy bán hàng mạnh mẽ hơn vào dịp cuối năm, kéo biên gộp cả cải thiện nhẹ so với mức cùng kỳ 2018. Theo đó, biên lợi nhuận gộp 2019 cập nhật ước đạt 19.77%, cải thiện nhẹ so với cùng kỳ 2018.

Quý 3-4 vẫn là thời điểm tập trung phần lớn doanh thu của doanh nghiệp, nên cần theo dõi khả năng có sự đột phá trong kết quả kinh doanh của CVT trong giai đoạn đáng chú ý này.

Bằng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền và định giá so sánh PE, với giả định thận trọng, chúng tôi xác định mức giá hợp lý cho CVT nằm ở mức 25.668 VND/cổ phiếu, tương đương PE Forward bằng 5.62x, ứng với mức upside 12.08%, từ đó có khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu này.

Tin bài liên quan