Cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/8

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 29/8 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/8

STB: Lợi nhuận sau thuế 2014 có thể đạt 2.400 tỷ đồng

CTCK MB (MBS)

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) có mục tiêu chiến lược là trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Tính đến tháng 6 năm 2014, vốn điều lệ của STB đạt 12.591 tỷ đồng, đứng thứ 5 về vốn điều lệ trong các ngân hàng thương mại.

Tăng trưởng tín dụng của STB đạt 9,4% trong 6 tháng đầu năm 2014, vượt trội so với tăng trưởng chung của toàn ngành là 3,62%. Tăng trưởng huy động đạt 12.5%.

STB có tỉ lệ nợ xấu NPL thấp hơn nhiều so với các ngân hàng niêm yết. Liên tục trong 4 năm, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của Sacombank luôn được duy trì ở mức dưới 2.1%. nợ xấu nhóm 3-5 tăng mạnh, đạt 1.813 tỷ đồng, tăng 12.6% so với đầu năm. Tuy nhiên, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng đến 33%, chiếm 74% nợ xấu của STB. Nợ xấu tăng nhanh, trong khi đó trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của STB còn thấp sẽ tăng áp lực trích lập dự phòng 6 tháng cuối năm và ảnh hưởng đến lợi nhuận cả năm.

Lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động làm cho thu nhập lãi thuần sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Trong cơ cấu thu nhập của STB, thu nhập lãi thuần chiếm đến 83.6%. Các khoản thu nhập ngoài lãi tăng không đủ mạnh để bù đắp cho khoản thu nhập lãi thuần có xu hướng giảm sút.

STB có lợi thế cạnh tranh rất lớn ở lĩnh vực bán lẻ nhờ có đội ngũ nhân viên chuyên môn hóa, phân bổ trên 48 tỉnh thành của cả nước với 426 điểm giao dịch, cùng với nhiều sản phẩm dịch vụ chuyên biệt cho phân khúc thị trường này

Chúng tôi dự báo năm 2014, lợi nhuận sau thuế STB có thể đạt tương ứng khoảng 2.400 tỷ đồng, tương đương EPS khoảng 1.800 đ/cp.

NTP: Khuyến nghị GIỮ

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

CTCP Nhựa Thiếu niên tiền phong (NTP) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng 2014 với doanh thu là 1.399 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 163 tỷ đồng. Hoàn thành 53% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm.

Trong đó nhà máy (NM) nhựa Tiền Phong Hải Phòng và NM nhựa Tiền Phong miền Trung ước đã sản xuất lần lượt là 22.000 tấn và 4.000 tấn sản phẩm, tương ứng 52% và 39% kế hoạch năm.

Tổng doanh thu 6 tháng 2014 tăng 11% cùng kỳ. Mức tăng này chủ yếu do sự đóng góp doanh thu của NM miền Trung,vừa bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 09/2013, ước khoảng 202 tỷ đồng. Đây là nhà máy thứ 4 trong hệ thống của NTP, tập trung sản xuất các loại sản phẩm ống nhựa UPVC, công suất thiết kế đạt 20.000 tấn sản phẩm/năm (22% tổng công suất của NTP). Theo kế hoạch đề ra, trong năm đầu tiên (2014) nhà máy phấn đấu đạt doanh thu là 311 tỷ đồng.

Đi ngược với mức tăng của doanh thu, lợi nhuận gộp giảm 4% so với cùng kỳ do biên lợi nhuận gộp giảm 5 điểm phần trăm, xuống mức 32%. Trong bối cảnh giá nhựa nguyên liệu giảm 8% cùng kỳ, sự sụt giảm của biên lợi nhuận gộp là do NTP tăng mạnh chiết khấu cho đại lý để cải thiện doanh số. Trong cơ cấu giá thành, tỷ trọng chi phí cho nhà phân phối tăng từ 9% lên 12% và tăng 62% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, lỗ từ tài chính là 14 tỷ đồng, tăng 55% cùng kỳ do dự nợ vay tăng lên nhằm hỗ trợ vốn lưu động, nên lợi nhuận sau thuế 6 tháng 2014 giảm nhẹ 0,9% cùng kỳ.

Cổ phiếu NTP đã giảm 15% trong 3 tháng qua, nguyên nhân do kết quả kinh doanh quý II không như kỳ vọng. Chúng tôi cho rằng, thông tin kém lạc quan này đã phản ánh vào giá cổ phiếu. Mặc dù không đột biến trong 2014 nhưng chúng tôi vẫn đánh giá cao NTP nhờ vị thế dẫn đầu cả nước về sản lượng (năng lực sản xuất hàng năm khoảng 90.000 tấn) và thị phần (70% miền Bắc và 30% cả nước). EPS 2014 dự phóng đạt 4.887 đồng/cp thì PE 2014 giao dịch ở mức 9,6x, tương đương mức trung bình ngành là 9,5x. Khuyến nghị GIỮ.

>> Tải báo cáo

FPT: Khuyến nghị mua vào

CTCK BIDV (BSC)

Chúng tôi đã thăm doanh nghiêp và tiếp tục duy trì khuyến nghị MUA dài hạn cổ phiếu FPT với mức giá hợp lý là 60.742 đồng/CP (upside 10,44% so với mức giá ngày 27/08/2014), dựa trên 2 phương pháp là FCFF và P/E.

Trong dài hạn, theo quan điểm của chúng tôi triển vọng của cổ phiếu FPT sẽ phụ thuộc nhiều vào chiến lược “Toàn cầu hóa” và kết quả khó đến sớm trước năm 2016. Trong ngắn hạn, kết quả kinh doanh chưa đạt kỳ vọng, nhưng chúng tôi cho rằng FPT vẫn đang có mức định giá hấp dẫn, tương đương P/E dự phóng năm 2014 là 12,99 lần thấp hơn đáng kể so với VNindex hiện khoảng 16,25 lần.

Từ năm 2012, kết quả kinh doanh của FPT có xu hướng chững lại do tình hình kinh tế khó khăn, 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 15.211 tỷ đồng (+22% so với cùng kỳ năm ngoái) chủ yếu nhờ mảng phân phối bán lẻ.

Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 790 tỷ đồng, trong đó mảng Công nghệ vẫn tiếp tục suy giảm và chưa đạt kế hoạch đặt ra. FPT theo quan sát của chúng tôi đang nỗ lực cải thiện kết quả kinh doanh nhờ tập trung vào hai chiến lược (1) Mở rộng hệ thống bán lẻ trong nước và (2) Mở rộng thị trường nước ngoài.

(1) Trong nước, FPT lên kế hoạch sở hữu 250 shop đến năm 2016. Chúng tôi đánh giá với xu hướng tiêu thụ đồ công nghệ tại Việt Nam và thương hiệu của FPT; công ty sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu tăng trưởng doanh thu. Tuy nhiên, biên lợi nhuận trong mảng này khá thấp, nên sẽ khó thay đổi nhiều bức tranh tài chính chung của FPT. Thêm vào đó mức định giá NĐT chấp nhận cho cổ phiếu công ty phân phối, bán lẻ thương mại thường không cao.

(2) FPT đang đặt nhiều kỳ vọng vào chiến lược “Toàn cầu hóa”. Mục tiêu của chiến lược này là mở rộng thị trường và tăng doanh thu bên ngoài Việt Nam. Chúng tôi cũng đánh giá FPT đã có nhiều bước đi chuẩn bị cho chiến lược này (1) bổ sung Thành viên HĐQT độc lập người Nhật (2) M&A Công ty RWE IT Slovakia, (3) đầu tư vào công nghệ SMAC... Tập đoàn cũng đặt mục tiêu khá tham vọng doanh thu toàn cầu hóa 340 triệu USD vào năm 2016. 

Chúng tôi dự báo, doanh thu thuần 2014 đạt 30.623 tỷ (+13,3% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế công ty mẹ FPT đạt 1.456 tỷ đồng (-9,45% so với năm ngoái), EPS đạt 4.233 đồng. Chúng tôi duy trì đánh giá lạc quan với mảng Phân phối bán lẻ và Giáo dục. Mảng Viễn Thông sẽ tiếp tục ổn định. Đối với mảng công nghệ nhu cầu thị trường trong nước vẫn thu hẹp ở cả khối Nhà nước và tư nhân, khiến lĩnh vực tích hợp hệ thống và dịch vụ CNTT sụt giảm.

>> Tải báo cáo

BCI: Khuyến nghị mua vào

CTCK Vietcombank (VCBS)

Kết quả kinh doanh 6 tháng 2014 tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần đạt 163,7 tỷ đồng (42,2% kế hoạch, +162% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 41,3 tỷ đồng (43% kế hoạch, +189% so với cùng kỳ năm ngoái).

Kết quả kinh doanh khả quan đến từ mảng chuyển nhượng BĐS, đạt 125,8 tỷ đồng, tăng 3,58 lần do hạch toán kết quả từ các dự án Nhất Lan 3 (lũy kế 6 tháng 2014, đã bán hết 347/347 căn, bàn giao 280/347 căn), nền ấp 1 Tân Tạo (18 tỷ), Chung cư Tân Tạo 1 (38,5 tỷ đồng) và các dự án khác. Khu công nghiệp Lê Minh Xuân và các dịch vụ khác đóng góp 37,9 tỷ đồng vào doanh thu.

Biên lợi nhuận gộp chung giảm xuống 27%, do biên lợi nhuận gộp của các dự án BĐS ở mức thấp, đạt 18,2%. Big C An Lạc đóng góp trên 46% lợi nhuận trước thuế của BCI, đạt 19 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 05/2014, BCI cũng nhận trên 7,6 tỷ đồng cổ tức từ Big C. Chi phí bán hàng & QLDN được quản lý hiệu quả hơn, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, do BCI không có dự án bán hàng nào mới nên chi phí thuê ngoài giảm mạnh.

Thuế TNDN không phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2014 xuất phát từ việc BCI vẫn còn khoản lỗ lũy kế từ hoạt động chuyển nhượng BĐS trong năm 2012, tính đến quý II/2014 BCI còn khoảng 45,7 tỷ đồng được phép bù trừ với lợi nhuận.

Trong quý II/2014, BCI tái cơ cấu thành công 300 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp với NH Quân Đội thành 2 khoản vay mới với tổng giá trị 281 tỷ đồng có thời hạn từ 4-5 năm, lãi suất bình quân 10,8%/năm. BCI đã thanh toán hơn 40 tỷ đồng lãi vay với các đối tác liên quan vì vậy khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm mạnh từ 58,6 tỷ đồng xuống còn 3 tỷ đồng.

Trong ngắn hạn, BCI sẽ không chịu áp lực thanh toán lãi vay và các khoản phải trả sau khi tái cơ cấu thành công các khoản trái phiếu trên.

Cổ tức 10% tiền mặt năm 2013 sẽ được thanh toán sau khi BCI có được dòng tiền từ bán àng các dự án Phong Phú 4 và An Lạc Plaza.

Doanh thu thuần 2014 ước sẽ đạt 371 tỷ đồng (96% kế hoạch, tăng 6,29% so với cùng kỳ năm ngoái); lợi nhuận sau thuế đạt 89,7 tỷ đồng (93% kế hoạch, giảm 6,25% so với cùng kỳ năm ngoái) và EPS forward đạt 1.241 đồng. P/E forward ở mức 15.x lần, tương đương bình quân ngành hiện tại 15.x lần. Giá theo các phương pháp định giá là 24.200 đồng/CP, vì vậy khuyến nghị MUA cổ phiếu BCI cho mục tiêu dài hạn.

NLG: Khuyến nghị theo dõi

CTCK Vietcombank (VCBS)

Kết quả kinh doanh 6 tháng 2014 được cải thiện so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần đạt 232 tỷ đồng (21,6% kế hoạch, +122% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế lỗ 17 tỷ đồng (so với mức lỗ 62 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2013).

Mảng chuyển nhượng BĐS tăng trưởng mạnh, đạt 213 tỷ đồng, +143% so với cùng kỳ năm ngoái với việc ghi nhận doanh thu từ các dự án Ehome 3 (123 tỷ đồng, Block A5 và các căn hộ tồn tại các block khác); Ehome 4 (86 tỷ đồng, Block B1-B2 và nhà phố vườn); các dự án đất nền tại Cần Thơ và Long An (13 tỷ đồng).

Biên LNG của mảng chuyển nhượng BĐS giảm nhẹ từ 31,5% xuống còn 25,4% xuất phát từ việc: 1) hạch toán các chi phí hạ tầng, lãi vay của Ehome 4; 2) biên lợi nhuận gộp của phân khúc chung cư (22%) thấp hơn phân khúc nhà phố vườn tại Ehome 4 (33%).

Mảng cho thuê BĐS và các dịch vụ khác tăng trưởng ổn định, đạt 19,2 tỷ đồng, +13% so với cùng kỳ năm ngoái, biên lợi nhuận gộp ở mức cao đạt gần 47% với doanh thu chủ yếu đến từ tòa nhà Capital tower tại Quận 7.

Chi phí bán hàng tăng 63,6% so với cùng kỳ do trong 6 tháng đầu năm 2014 NLG đẩy mạnh bán hàng tại các dự án Ehome 3, 4 và 5. Chi phí Quản lý doanh nghiệp được quản lý hiệu quả hơn, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chi phí lãi vay giảm mạnh từ 21,6 tỷ đồng xuống còn 11,3 tỷ đồng do NLG giảm nợ vay ngắn hạn (ở mức 429 tỷ đồng, giảm 82 tỷ đồng so với cuối năm 2013) và lãi suất vay bình quân giảm xuống 12,3%/năm.

Dòng tiền được cải thiện với việc sản phẩm tại các dự án Ehome được tiêu thụ tốt, số dư tiền mặt của NLG tại thời điểm cuối quý II/2014 là trên 285 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2014, dự án Ehome 3 đã bán được 412/784 căn, tốc độ bán hàng tại các block A1 và A2 chậm hơn so với các block trước do nguồn cung các căn hộ vừa túi tiền trên thị trường gia tăng.

Ehome 4 đã hoàn tất bán hàng các nền nhà phố vườn (373/373 nền) và các căn hộ cao tầng (240/322 căn) được tiêu thụ tốt hơn do hưởng lợi từ gói 30.000 tỷ đồng. Ehome 5 đã bán trên 186/214 căn sau khoảng 7 tháng mở bán. Người mua trả tiền trước ở mức 483 tỷ đồng, tăng hơn 119 tỷ đồng so với cuối năm 2013.

NLG đã phát hành thành công trái phiếu không chuyển đổi vào tháng 7/2014, giá trị 350 ỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, lãi suất phải trả dự kiến khoảng 10%/năm. Đợt phát hành sẽ giúp NLG tái cơ cấu lại các khoản vay ngân hàng giảm lãi vay bình quân từ 12%/năm xuống khoảng 10%/năm.

NLG dự kiến sẽ phát hành 14,36 triệu cổ phiếu trong quý III/2014 nhằm hoán đổi cổ phiếu với 3 công ty con và tăng tỷ lệ sở hữu lên 100%: CTCP phát triển căn hộ Nam Long (phát triển căn hộ Ehome); CTCP đầu tư Nam Khang (xây dựng các dự án của NLG); CTCP phát triển Nam Long (phát triển BĐS tạo dòng tiền ổn định). Mục đích nhằm giúp NLG quản lý thương hiệu Ehome, kiểm soát chi phí xây dựng và đẩy mạnh phát triển phân khúc BĐS tạo dòng tiền ổn định.

Doanh thu thuần ước đạt 1.036 tỷ đồng (96% kế hoạch, +72,4% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 65,9 tỷ đồng (66,5% kế hoạch, +213% so với cùng kỳ năm ngoái) và EPS đạt 551 đồng. P/E forward ở mức 33.x lần, cao hơn bình quân ngành hiện tại ở mức 15.x lần.

NLG có những lợi thế nhất định trong phân khúc căn hộ vừa túi tiền như chi phí đất thấp, thời gian xây dựng nhanh (9-12 tháng) tuy nhiên với việc nguồn cung gia tăng nhanh chóng thì áp lực cạnh tranh lên NLG ngày càng lớn. Bên cạnh đó, dòng sản phẩm Nam Long Home chưa có kế hoạch triển khai cụ thể đồng thời dự án Waterpoint vẫn gây áp lực lên hiệu quả sử dụng vốn và chưa có được hướng phát triển khả quan. Do đó, khuyến nghị THEO DÕI với cổ phiếu NLG.

KDH: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Vietcombank (VCBS)

Kết quả kinh doanh 6 tháng 2014 tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm trước tuy nhiên lợi nhuận không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Doanh thu thuần hợp nhất đạt 82 tỷ đồng (14,9% kế hoạch điều chỉnh, +19,2% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 41 tỷ đồng so với mức lỗ 48 tỷ đồng cùng kỳ (40,6% kế hoạch điều chỉnh).

Lợi nhuận từ HĐKD trong 6 tháng 2014 đã dương trở lại, đạt 3 tỷ đồng so với mức lỗ 48 tỷ đồng của 6 tháng 2013 do Hàng bán trả lại giảm từ 157 tỷ đồng xuống còn hơn 4 tỷ đồng. Hàng bán trả lại tăng đột biến trong 6 tháng 2013 xuất phát từ việc KDH không hoàn thành hợp đồng tư vấn bán dự án (40 tỷ đồng); hạch toán giảm trừ doanh thu của các sản phẩm đã bán tại các dự án Topia garden, Villa park, River town, Hoja Villa (tổng giá trị 117 tỷ đồng, các dự án trên sau đó được chuyển về công ty con).

Doanh thu tài chính tăng đột biến, đạt 80 tỷ đồng so với mức 4 tỷ đồng của 6th.2013 do trong kỳ KDH thoái vốn khỏi 2 công ty con là Công ty TNHH kinh doanh BĐS Phước Long (51 tỷ đồng, dự án Phước Long) và Công ty TNHH đô thị Mega (29 tỷ đồng, dự án Mega Residence 1). Chi phí bán hàng & Quản lý doanh nghiệp được quản lý hiệu quả hơn, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dòng tiền trong 6 tháng đầu năm 2014 được cải thiện do hoạt động bán hàng tại Mega Residence 1 tiến triển tốt 6 tháng đầu năm 2014, tính đến tháng 8/2014 đã bán hết 160 căn, bàn giao khoảng 80 căn cho khách hàng); phát hành thành công 26,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược thu về trên 363 tỷ đồng tuy nhiên vốn vay vẫn là một trong những nguồn tài trợ chính cho HĐKD với dư nợ vay tại thời điểm cuối quý II/2014 ở mức 659 tỷ đồng (tăng hơn 96 tỷ đồng so với cuối năm 2013). Lãi vay thực trả giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái do lãi suất vay bình quân giảm từ 15,3% xuống còn 12,5%.

Trong quý III/2014, KDH sẽ tiếp tục mở bán dự án Mega Residence 2 với vị trí, thiết kế và giá cả không khác biệt so với dự án Mega residence 1. Tiến độ bán hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục khả quan do nguồn cung còn hạn chế trong khi nhu cầu đang rất lớn với các sản phẩm có tiện ích hoàn chỉnh, vị trí tốt, giá cả chấp nhận được và chủ đầu tư uy tín.

Theo ước tính của Savills, số lượng giao dịch biệt thự/nhà phố thành công trong quý II/2014 tăng 176% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ hấp thụ đạt 50% so với mức 18% của quý II/2013.

KDH điều chỉnh kế hoạch 2014 với doanh thu thuần ở mức 550 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 100 tỷ đồng. Ước tính, KDH sẽ đạt trên 80% kế hoạch trên xuất phát từ:

1) dự án Mega Residence 1 (hầu hết doanh thu và lợi nhuận chưa được ghi nhận trong 6th.2014, doanh thu dự kiến trên 360 tỷ đồng);

2) Lợi nhuận đột biến từ thoái vốn 2 công ty con (80 tỷ đồng);

3) Các dự án khác. P/E forward ở mức 17.x lần cao hơn bình quân ngành khoảng 15.x lần. Khuyến nghị NẮM GIỮ trong trung hạn do: 1) dòng tiền được cải thiện, áp lực lãi vay không lớn (nợ dài hạn đến hạn trả khoảng 88 tỷ đồng); 2) sản phẩm nhà compound được thị trường đánh giá cao; 3) các dự án hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng xung quanh đang được phát triển.

ITA: Lạc quan trong cả ngắn hạn và dài hạn

CTCK FPT (FPTS)

Tính toán sơ bộ, ITA sở hữu hơn 2.200ha quỹ đất,  trong đó hầu hết là đất sạch đã & đang triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn thiện. Tuy nhiên, ITA chỉ tập trung vào thế mạnh chính là đầu tư cơ sở hạ tầng rồi bán đất/cho thuê (biên LN gộp cao trên 50%) nên hạn chế được rủi ro kinh doanh thành phẩm BĐS như căn hộ hay nhà phố. Các KCN của ITA có thế mạnh về vị trí địa lý cùng đầy đủ dịch vụ hỗ trợ như khu dân cư, nhà ở công nhân, công viên và trường học.

Tôi cho rằng KQKD không tốt 2 năm qua xuất phát từ khó khăn chung của thị trường BĐS dẫn đến phải thu hồi các sản phẩm nhà đất, hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty vẫn ổn định và nhờ doanh thu tài chính tương đối cao từ các khoản đầu tư hiệu quả đã giúp duy trì lợi nhuận luôn dương qua các năm

-  Ngắn –  trung hạn:  hoạt động bán/cho thuê đất các cụm KCN Tân Tạo & Tân Đức sẽ tiếp tục mang lại nguồn thu ổn định.

-  Trung – dài hạn: 2 dự án lớn ở cụm công nghiệp Kiên Lương (nhà máy điện & cảng nước sâu) có thể  chưa mang lại doanh thu cho 2014 và nửa đầu 2015 nhưng sẽ giúp ITA tăng trưởng mạnh về doanh thu & lợi nhuận thời gian sau đó.

Với mức giá đóng cửa ngày 26/08/2014 là 8.600đ/cp, cp ITA đang giao dịch ở P/E trailing 62,32x & P/B trailing 0,78x.

Triển vọng: lạc quan trong cả ngắn hạn & dài hạn

>> Tải báo cáo

DPR: P/E đang giao dịch là 5,9 lần

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Mặc dù sản lượng tiêu thụ tăng 18,9%n/n đạt 6.411 tấn, doanh thu vẫn giảm chủ yếu là do giá bán giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ còn 43,6 triệu đồng/tấn. Biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 41,7% 6 tháng đầu năm 2013 xuống chỉ còn 37,5% 6 tháng đầu năm 2014.

Thu nhập tài chính ròng giảm 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái xuống chỉ còn 27,4 tỷ đồng chủ yếu là do lãi suất giảm làm lãi tiền gửi giảm. Chi phí hoạt động giảm nhưng chậm hơn doanh thu do đó tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/Doanh thu tăng từ 7,6% 6 tháng đầu năm 2013 lên 8,3% 6 tháng đầu năm 2014.

Lợi nhuận sau thuế giảm 52,2% xuống còn 74,9 tỷ đồng, đạt khoảng 39% kế hoạch năm. Do tính mùa vụ, sản lượng tiêu thụ6 tháng đầu năm của các công ty cao su thấp do rơi vào mùa cây cao su thay lá.

Mặc dù vậy, DPR vẫn cam kết giữ mức chia cổ tức với tỷ lệ 30% mệnh giá, tương ứng lợi tức cổ tức 7,9%, khá cao so với mặt bằng lãi suất huy động. Chúng tôi cho rằng kế hoạch chia 30% cổ tức là khả thi do tỷ lệ chi trả cổ tức/EPS khoảng 50%. Ngoài ra, DPR đang nắm giữ lượng tiền và tương đương tiền khá lớn là 550 tỷ đồng, tương đương hơn 12.500 đồng/cp.

HĐQT đã thông qua việc triển khai các thủ tục đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu quỹ năm 2014. DPR chưa công bố giá dự kiến mua vào tuy nhiên nếu tính theo giá hiện hành (xung quanh 38.000 đồng/cổ phiếu), khối lượng cổ phiếu quỹ công ty dự kiến mua vào có giá trị khoảng 76 tỷ đồng. Việc đăng ký mua cổ phiếu quỹ tương đối khả thi do DPR đang nắm giữ lượng tiền mặt khá cao.

DPR đang giao dịch hợp lý tại P/E 2014 là 5,9 lần, thấp hơn trung bình ngành là 6,5 lần. 

Tin bài liên quan