Cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/3

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/3

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 26/3 của các công ty chứng khoán.

VPH: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Tính đến ngày 24/3, cổ phiếu của CTCP Vạn Phát Hưng (mã VPH) đã tăng 46% so với thời điểm tháng 9/2014 khi chúng tôi ra báo cáo lần đầu. Mặc dù vậy, tiềm năng tăng giá cổ phiếu VPH vẫn còn khi mà câu chuyện lợi nhuận và tình hình tài chính của năm 2015 cải thiện đáng kể.

Kết quả định giá cập nhật lần này cao hơn 13,6% so với báo cáo trước và giá thị trường vẫn đang chiết khấu ở mức khá là 19%, do đó, chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị OUTPERFORM cổ phiếu VPH.

Dự kiến cuối tháng 3, công ty sẽ tổ chức Đại hội cổ đông với 3 nội dung quan trọng: (1) Chia cổ phiếu thưởng; (2) Xin chủ trương về tăng vốn trong 2015; (3) Cập nhật thông tin về chuyển nhượng dự án Nhơn Đức. Đây là những thông tin kỳ vọng sẽ mang đến những diễn biến tích cực cho giá cổ phiếu VPH.

Điểm hạn chế hiện nay là tính thanh khoản ở mức thấp nên chưa phù hợp nhà đầu tư lớn và nước ngoài. Đối với nhà đầu tư cá nhân, chúng tôi cho rằng nên xem xét tích lũy dần ở vùng giá 12.000 – 12.500 đồng/cp với thời gian nắm giữ 3-6 tháng cho mục tiêu lợi nhuận 20-25%.

Giá cao su sẽ trở lại mức cao

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Ngành cao su tự nhiên thế giới và Việt Nam theo dự báo vẫn sẽ đối mặt với tình trạng cung vượt cầu trong năm nay. Tuy nhiên, yếu tố tích cực là khả năng mức thặng dư cao su sẽ giảm gần 50% xuống còn hơn 200.000 tấn trong năm 2015 từ mức 370.000 tấn trong năm 2014 (theo International Rubber Study Group-IRSG). Cụ thể, ba quốc gia đang đóng góp gần 2/3 sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu là Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã có động thái hạn chế xuất khẩu mủ cao su và làm giảm đáng kể nguồn cung trên thị trường thế giới. IRSG nhận định nhu cầu cao su tự nhiên dự báo sẽ tăng khoảng 1,8% trong năm 2015. Trong khi nguồn cung đã chững lại, điều này mở ra triển vọng phục hồi dần của giá cao su trong năm nay.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cao su tự nhiên trong nước mới đây đã đón nhận thông tin Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tìm được thị trường xuất khẩu sang Nhật khoảng 200.000 tấn mủ/năm. Chuyên viên ngành của chúng tôi đánh giá đây là bước đi quan trọng giúp ngành cao su tự nhiên Việt Nam giảm sự lệ thuộc vào nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc – nhất là khi tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ mủ nền của kinh tế này được dự báo giảm từ 7,1% năm 2014 xuống 6,0% năm 2015.

Quan trọng hơn, nhằm giải quyết tình trạng mất cân đối cung cầu giữa các loại cao su nguyên liệu, Hiệp hội cao su Việt Nam đã có chủ trương tái cơ cấu nâng cao sản lượng cao su nguyên liệu có giá trị gia tăng cao (SV10 và SV20) dùng sản xuất săm lốp và giảm tỷ trọng cao su thô giá trị thấp (3L). Ngoài ra, các DN cao su tự nhiên nội địa có thể kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh của ngành bán lẻ ô tô trong nước và kéo theo đó là nhu cầu cao về lốp xe. VAMA cho biết doanh số tiêu thụ ô tô tại Việt Nam tăng 40% năm 2014. Thực tế, nhà máy sản xuất lốp Radial của DRC và CSM – hai doanh nghiệp săm lốp niêm yết hàng đầu, đều dự kiến hoạt động với công suất cao hơn trong năm nay.

Hiện tại, chúng tôi khá quan ngại về khả năng giá dầu thô ở mức thấp sẽ làm giảm sức cạnh tranh về giá thành của sản phẩm cao su tự nhiên so với cao su tổng hợp (chiết xuất từ dầu thô). Tuy nhiên, việc giá dầu và giá cao su tự nhiên đều đã rơi xuống mốc thấp nhất từ năm 2008 cũng làm giảm xác suất hai loại hàng hóa này sẽ tiếp tục giảm sâu hơn. Tính đến cuối năm 2014, tồn kho mủ cao su của thế giới ước tính còn ~3 triệu tấn theo một tổ chức tư vấn tại Anh. Với những nhận định trên, chúng tôi tuy không kỳ vọng giá cao su sẽ mau chóng lấy lại mức giá cao, nhưng có cơ sở để cho rằng, sự phục hồi sẽ manh nha bắt đầu.

IMP: Khuyến nghị mua dài hạn

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA dài hạn đối với cổ phiếu của CTCP Dược phẩm Imexpharm (mã IMP) với giá mục tiêu 12 tháng là 53.000 đồng/cổ phiếu (cao hơn 12% so với giá hiện tại và lợi suất cổ tức là 3%).

Luận điểm đầu tư:

- Ngành dược phẩm Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng lũy kế hàng năm (CAGR) là 16,4% từ năm 2013 đến năm 2018: Chúng tôi tin rằng sản phẩm chất lượng cao của IMP sẽ mang lại cho công ty nhiều lợi thế thương mại trong bối cảnh gia tăng dân số và nhận thức về sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam ngày càng được cải thiện.

- Chiến lược hợp tác với CTCP Dược phẩm Phano góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh thu qua hệ OTC của IMP cũng như cải thiện biên lợi nhuận của công ty. Đầu tháng 1 năm 2015, Phano trở thành nhà đầu tư chiến lược và nắm 9,1% cổ phần IMP. Phano là chuỗi các hiệu thuốc với 43 cửa hàng bán lẻ thuộc khu vực phía Nam của Việt Nam.

- Kế hoạch nâng cấp hai nhà máy của IMP lên tiêu chuẩn GMP-EU được dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay. Tiêu chuẩn này sẽ giúp sản phẩm của IMP tham gia vào các gói thầu cao hơn khi bán hàng vào hệ thống bệnh viện. Đồng thời, tiêu chuẩn này cũng sẽ giúp IMP giành được các hợp đồng nhượng quyền mới từ những công ty dược phẩm đa quốc gia.

Rủi ro về giá trong ngắn hạn: Các đợt tăng giá cổ phiếu trong 12 tháng gần đây đều mang tính “nhất thời”: Đợt tăng giá từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 là do kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu (2:1) của công ty công bố vào T8/2014. Đợt tăng giá từ đầu T1/2015 là do sức mua vào từ các cổ đông nước ngoài (room nước ngoài tăng lên sau khi IMP phát hành riêng lẻ cho Phano).

>> Tải báo cáo

FCN: Cổ phiếu hấp dẫn đề đầu tư

CTCK MaritimeBank (MSBS)

Năm 2015 sẽ là thời điểm mà CTCP Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm Fecon (mã FCN) có được sự tăng trưởng tốt về kết quả kinh doanh.

Với EPS 2014 và dự kiến 2015 là 3.042 VNĐ/cp và 3.550 VNĐ/cp, tương đương với P/E dự  phóng là  7,5  lần và 6,4  lần. 

Đây là mức giá khá hấp dẫn dành cho các nhà đầu tư đối với triển vọng tăng trưởng của FCN trong ngành xây dựng.

>> Tải báo cáo

PHR: Kế hoạch năm 2015 sẽ hoàn thành

CTCK MB (MBS)

PHR công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh khá khiêm tốn trong năm 2015. Theo đó, Công ty phấn đấu đạt mức doanh thu 1116 tỷ VNĐ, và lợi nhuận sau thuế là 115.6 tỷ VNĐ. Tuy nhiên, công ty vẫn đặt mục tiêu dự kiến chi trả cổ tức năm 2015 là 20%/mệnh giá.

Chúng tôi đánh giá, triển vọng kinh doanh của PHR trong năm 2015 vẫn tương đối khó khăn trong bối cảnh giá bán cao su thiên nhiên tiếp tục sụt giảm. Giá bán mủ cao su thiên nhiên bình quân trong 2 tháng đầu năm giao động quanh mức 32.5 triệu VNĐ/tấn, giảm đáng kể so với mức trung bình của năm ngoái (khoảng 38 triệu VNĐ/tấn).

Bên cạnh đó, năng suất vườn cây của PHR đang có xu hướng giảm khi độ tuổi trung bình vườn cây của PHR đang gia tăng. Hiện tại, diện tích vườn cây cao su có độ tuổi trên 20 năm của PHR đang chiếm tỷ trọng ngày càng cao do đó Công ty sẽ phải tích cực thanh lý và trồng mới vườn cây (khoảng 1000 ha/năm) khiến năng suất trung bình giảm.

Dự án trông cao su của PHR tại Campuchia vẫn đang được thực hiện đúng tiến độ. Hiện tại, Công ty đã công ty đã hoàn tất việc trồng 7.659,64 ha và vườn cây sinh trưởng tốt. Năm 2015, Công ty sẽ bắt đầu khai thác 503 ha vườn cây được trồng từ năm 2009.

Mặc dù kết quả kinh doanh của PHR sụt giảm mạnh song chúng tôi vẫn đánh giá cao tiềm năng của PHR nhờ diện tích vườn cây lớn, năng lực quản trị tốt và sức khỏe tài chính lành mạnh. Chúng tôi đánh giá PHR sẽ đạt được kế hoạch kinh doanh đã đề ra trong năm 2015.

VSC: Định giá hợp lý, PE ở mức 7,1 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Kế hoạch doanh thu 2015 giảm là do VSC đã ngưng hoạt động vận tải xà lan. Mức đóng góp doanh thu của mảng này ước tính khoảng 10% nhưng do khách hàng chính không còn và hiệu quả hoạt động cũng không cao nên VSC đã quyết định bán 2 xà lan hồi đầu năm 2015.

Mảng kinh doanh chính của VSC là cảng biển gần như không còn dư địa để tăng trưởng do cảng của VSC đã hoạt động ở mức toàn dụng. Mặc dù vậy , các mảng hoạt động khác như kho, vận tải đường bộ,... vẫn khá tốt. Do vậy , chúng tôi kỳ vọng kết quả doanh thu  2015 của VSC sẽ lạc quan hơn kế hoạch của công ty, với mức giảm nhẹ, chỉ 2% so với năm trước, đạt 873 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế 2015 ước giảm 3% so với năm trước, đạt 293,5 tỷ đồng.

Lưu ý thêm, VSC vẫn thường khá thận trọng trong việc đặt KHKD. Dữ liệu lịch sử 5 năm gần nhất (2010-2014) cho thấy, bình quân kết quả doanh thu  hàng năm của VSC đều vượt gần 17% so với kế hoạch đặt ra. Mức vượt đối với lợi nhuận trước thuế cao hơn đáng kể, khoảng 41%.

VSC đang giao dịch tương đối hợp lý ở mức 7,1 lần PE 2015 và 1,5 lần PB, so với mức 8 lần PE và 1,5 lần PB của bình quân ngành. Dù KQKD 2015 khả năng có sự sụt giảm nhẹ nhưng về dài hạn, khi cảng mới VIP Green Port được đưa vào hoạt động (khoảng tháng 11-12/2015) sẽ tạo nên bước tăng trưởng mới cho VSC.

Tin bài liên quan