UIC: Khuyến nghị mua vào
CTCK MB (MBS)
Quý I/2016, CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị IDICO (mã UIC) đạt doanh thu thuần 469,44 tỷ đồng, tăng 14,26%; lợi nhuận gộp cũng tăng 13,85% lên mức 14,63 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong kỳ các khoản chi phí tăng lên so với cùng kỳ khiến lãi ròng của UIC giảm 7,15%, xuống còn 8,7 tỷ đồng.
Năm 2016, UIC đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu hơn 2.025 tỷ đồng, tăng 4% và lợi nhuận trước thuế đạt 36,2 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thực hiện năm 2015. Công ty vẫn duy trì tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt 15%.
Chúng tôi đánh giá cao các mảng hoạt động kinh doanh của UIC, với dòng tiền từ hoạt động kinh doanh điện luôn duy trì ổn định, cùng các dự án đầu tư triển khai trong năm 2016. Do đó, chúng tôi dự phóng năm 2016, UIC có thể đạt 2.125 tỷ đồng doanh thu, tăng 5% so với kế hoạch đề ra và tăng 9,25% so với thực hiện năm 2015. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 30,5 tỷ đồng, tăng 5,49% so với thực hiện năm 2015, tương đương với EPS đạt 3.813 đồng/cp. Lịch sử những năm gần đây, UIC luôn hoàn thành vượt kế hoạch kinh doanh đề ra, đây là cơ sở để chúng tôi đưa ra kết quả dự phóng trên.
Hiện tại, UIC đang giao dịch ở mức PE là 6,24 lần thấp hơn nhiều so với P/E thị trường, đây là mức hấp dẫn đối với doanh nghiệp tăng trưởng ổn định như UIC. Mức PE forward năm 2016 khoảng 8,x lần, giá hợp lý đối với cổ phiếu UIC trong năm 2016 khoảng 32.000 đồng/cp. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư xem xét mua cổ phiếu tại vùng giá 21.000-22.000 đồng/cp.
GMD: Có thể bán ra trong ngắn hạn
CTCK KIS Việt Nam (KIS)
GMD của CTCP Gemadept đã rơi khỏi đường xu hướng tăng ngắn hạn bắt đầu từ giữa tháng 04/2016 và phá vỡ mẫu hình Ascending Triangle.
Trước đó, chỉ báo MACD cũng đã cắt xuống đường tín hiệu sau giai đoạn phân kỳ tiêu cực với đường giá.
Theo mục tiêu của mẫu hình, GMD có thể rơi về vùng 26-26.3, vùng có đường MA100 và trùng với khá nhiều mức đỉnh/đáy được hình thành trong giai đoạn từ cuối tháng 10/2015 đến giữa tháng 03/2016.
Vì vậy, nhà đầu tư đang nắm giữ GMD cho mục tiêu ngắn hạn có thể tạm thời bán ra, kỳ vọng có thể mua lại ở vùng 26-26.3; hoặc mua lại khi tăng vượt ngưỡng 29.3, trong trường hợp GMD không điều chỉnh về vùng giá mục tiêu.
SVC: Khuyến nghị nắm giữ
So sánh với các doanh nghiệp niêm yết trong ngành ô tô, CTCP Savico (mã SVC) là doanh nghiệp thương mại do vậy ít chịu tác động rủi ro hơn ngành sản xuất và sẽ hưởng lợi trực tiếp từ việc sản lượng tiêu thụ ô tô tăng mạnh.
Bên cạnh đó, sở hữu nhiều khu đất trung tâm, khu vực miền Nam và miền Trung, với giá trị sổ sách ở mức cao nhất trong ngành.
Mức biên lợi nhuận mỏng và theo xu hướng giảm khiến lợi nhuận gần như không tăng trưởng nhiều, động lực tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ các đại lý mới, và khả năng gia tăng dịch vụ từ hệ thống đại lý hiện tại.
Với mức giá đóng cửa ngày 17/6, SVC đang được giao dịch với mức giá 42,200đ/cp, tương đương với P/E trailing 9.7x, cao hơn mức P/E trung bình của ngành là 6.9x.
Mức giá giao dịch hiện tại đã vượt giá khuyến nghị của BSC, và ở mức cao so với ngành theo P/E. Nhưng P/B của SVC hiện tại chỉ là 1x, so với mức trung bình 2.1x của ngành. Hơn nữa, với tốc độ mở rộng đại lý nhanh, cùng với định hướng chú trọng vào hoạt động thương mại ô tô, triển vọng kinh doanh của SVC là khả quan trong 2016 và các năm tới.
Cổ phiếu SVC đang có xu hướng break out khỏi kênh tăng giá trung hạn để bước vào chu kỳ tăng giá mạnh tuy nhiên chưa thành công. Ngưỡng hỗ trợ nằm ở 39, kháng cự nằm ở 42.5. SVC đang tiệm cận vùng đỉnh và chưa thành công break out, do đó nhiều khả năng sẽ tiếp tục vận động tích lũy trong kênh tăng giá. Nhà đầu tư được khuyến nghị nắm giữ chờ SVC break out và vượt đỉnh.