Cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/5

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/5

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 13/5 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu BMP với giá mục tiêu 63.000 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Cổ phiếu BMP của CTCP Nhựa Bình Minh đóng cửa ở mức 45.000 đồng/CP ngày 05/05/2020, giao dịch tại mức PER 2020F là 7,6 lần và EV/EBITDA 2020F là 3,4 lần so với mức trung bình của các công ty trong ngành là 11,7 lần và 5,2 lần.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị OUTPERFORM với mức giá mục tiêu 63.000 đồng/CP, tiềm năng tăng giá 40%, P/E hợp lý là 10,6 lần, và mức EV/EBITDA hợp lý 5,1 lần.

Theo chúng tôi, BMP đang ở vị thế cạnh tranh tốt nhất, hưởng lợi lớn nhất từ sự hợp nhất ngày càng tăng của ngành nhựa xây dựng và gia tăng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng về dài hạn, nhờ vào các lợi thế cạnh tranh:

1) Tài sản thương hiệu lâu đời,

2) Bảng cân đối kế toán mạnh giúp BMP vượt qua các công ty cùng ngành cả trong đảm bảo lợi nhuận, tránh các gánh nặng tài chính và thúc đẩy gia tăng thị phần,

3) Chuỗi sản xuất hàng đầu, hầu như không nhập khẩu (97-98% nguyên liệu đầu vào được mua trong nước),

4) Đội ngũ quản lý xuất sắc nhất. Những lợi thế cạnh tranh này chứng minh đã trang bị BMP tốt, mang lại nhiều thành quả, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.

BMP được xem là một cổ phiếu phòng thủ tốt, nhờ kết hợp giữa triển vọng kinh doanh lạc quan, vị thế tiền mặt dồi dào và gần như không có đòn bẩy trong cơ cấu vốn, kế hoạch chi phí vốn lưu động thấp, chúng tôi kỳ vọng BMP duy trì, thậm chí củng cố chính sách chi trả cổ tức tiền mặt cao trong tương lai (Dự báo cổ tức tiền mặt FY20-22 từ 4.500-5.500 đồng, ứng với tỷ suất cổ tức từ 10,0-12,2%).

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PTB

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PTB của CTCP Phú Tài với giá mục tiêu 61.200 đồng/cổ phiếu.

Dựa trên cơ sở (i) Hoạt động kinh doanh và chế biến gỗ là động lực tăng trưởng chính trong bối cảnh tăng trưởng ngành gỗ xuất khẩu khả quan,

(ii) đẩy mạnh đầu tư mở rộng công suất & tái cơ cấu sản phẩm giúp duy trì ổn định nguồn thu từ đá,

(iii) tiêu thụ ô tô ghi nhận tăng trưởng trở lại.

Giá mục tiêu được xác định dựa trên phương pháp so sánh P/E.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua dành cho SCS với giá mục tiêu 160.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Trên website của công ty, CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) đã công bố sản lượng hàng hóa quốc tế giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái và sản lượng hàng hóa trong nước giảm 40% trong tháng 4. Trong 4 tháng 2020 sản lượng hàng hóa trong nước và quốc tế giảm lần lượt 5,3% và 2,3%.

Ban lãnh đạo chia sẻ rằng diễn biến kém tích cực của sản lượng hàng hóa quốc tế trong tháng 4 chủ yếu do lệnh hạn chế đi lại tại Việt Nam, khi tạm dừng đón nhận tất cả các chuyến bay quốc tế từ ngày 01/04.

Trước dịch COVID-19, khoảng 70-80% hàng hóa quốc tế được vận chuyển trong khoan hàng hóa của các máy bay hành khách; do đó, lệnh hạn chế đi lại đã làm giảm đáng kể công suất hàng hóa hàng không. SCS ghi nhận mức giảm mạnh 38% trong sản lượng hàng hóa quốc tế - dù nhu cầu vận chuyển hàng hóa hàng không giảm tương đối ít hơn tỷ lệ này.

Khi mức giảm trong công suất hàng hóa hàng không cao hơn mức giảm nhu cầu hàng hóa hàng không, giá dịch vụ vận chuyển hàng không tăng đáng kể và đã tăng 35% trung bình trong tháng 3 cho tuyến từ đông sang tây, theo Drewry Shipping Consultants.

Sản lượng hàng hóa quốc tế dự kiến sẽ giảm với tốc độ chậm hơn so với cùng kỳ trong tháng 5 khi các hãng hàng không đang có xu hướng thực hiện các chuyến bay chỉ chở hàng hóa (có thể là máy bay chuyên chở hàng hóa và/hoặc các máy bay hành khách chỉ dùng chở hàng hóa) để một phần bù đắp cho lượng công suất thiếu hụt, theo ban lãnh đạo của SCS.

Ngoài ra, chúng tôi cho rằng mức giảm mạnh trong sản lượng hàng hóa trong nước trong tháng 4 là do lệnh giãn cách xã hội và số lượng các chuyến bay nội địa được cấp phép giảm mạnh trong 15 ngày đầu tiên của tháng 4. Khi số lượng các chuyến bay đã dần phục hồi kể từ đầu tháng 5, chúng tôi kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ trong sản lượng hàng hóa nội địa tháng 5.

Các kết quả này phần lớn phù hợp với dự báo của chúng tôi khi chúng tôi kỳ vọng mức giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý II/2020. Chúng tôi dự báo sản lượng hàng hóa quốc tế sẽ giảm 3,8% và hàng hóa nội địa sẽ giảm và 2,2% trong năm 2020. Chúng tôi do đó hiện chưa ghi nhận khả năng điều chỉnh giảm dự của chúng tôi, dù cần đánh giá chi tiết hơn.

Chúng tôi hiện có khuyến khị mua dành cho SCS với giá mục tiêu 160.000 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 58,6%, bao gồm lợi suất cổ tức 7,6%.

Khuyến nghị mua dành cho STK với giá mục tiêu 22.500 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) công bố đã mua lại 2,5 triệu cổ phiếu quỹ thông qua giao dịch khớp lệnh trong giai đoạn ngày 3-29/04/2020. Lượng cổ phiếu này tương ứng với 3,5% lượng cổ phiếu lưu hành tính đến thời điểm trước khi thực hiện giao dịch này và 51% lượng cổ phiếu đăng ký là 5 triệu cổ phiếu. STK không sở hữu bất kỳ cổ phiếu quỹ nào trước giao dịch này.

Giá mua lại trung bình cho STK là 16.668 đồng/CP, tương ứng với P/E dự phóng năm 2020 là 5,2 lần, thấp hơn giá trị hợp lý ước tính của chúng tôi là 22.500 đồng/CP. Do đó, chúng tôi cho rằng động thái mua lại này là nhằm tăng giá trị cho cổ đông.

Chúng tôi cho rằng việc STK chỉ mua được 51% lượng đăng ký là hợp lý khi vào thời điểm công bố việc mua lại (giữa tháng 3), giá cổ phiếu của STK chỉ đạt 14.000 đồng/CP. Diễn biến này cũng giúp công ty bảo toàn lượng tiền mặt nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh ổn định trong năm 2020 nhiều thách thức do dịch COVID-19.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cổ phiếu STK với giá mục tiêu 22.500 đồng, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 46,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 9,2%.

Khuyến nghị mua dành cho NLG với giá mục tiêu 37.500 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) trong khi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 22% còn 37.500 đồng/CP, chủ yếu do chúng tôi điều chỉnh giảm định giá cho dự án Waterpoint, Waterfront và Paragon, cũng như cán cân tiền mặt thấp hơn.

Chúng tôi điều chỉnh giảm 20% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020 còn 909 tỷ đồng (giảm 5% so với năm ngoái) chủ yếu do (1) giảm dự phóng của chúng tôi cho kế hoạch bàn giao 2020 của các căn hộ đã bán trước tại dự án Waterpoint giai đoạn 1 và (2) trì hoãn ghi nhận bán cổ phần tại tại dự án Akari City sang giai đoạn 2021-2022, một phần được bù đắp lãi dự kiến từ chuyển nhượng cổ phần tại dự án Waterpoint và Paragon.

Chúng tôi dự phóng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2021 sẽ tăng trưởng 40% so với 2020 đạt với 1,3 nghìn tỷ đồng chủ yếu từ dự án Waterpoint giai đoạn 1 và dự án Akari City.

Ban lãnh đạo vừa công bố sẽ trì hoãn các đợt bán trong 2020 do dịch COVID-19 (ví dụ lô đầu tiên của dự án Waterpoint giai đoạn 1 dự kiến mở bán trong nửa cuối 2020 so với kế hoạch trước đây là đầu quý 2). Do đó, chúng tôi điều chỉnh giảm 47% dự báo giá trị hợp đồng bán 2020 đạt 3,4 nghìn tỷ đồng, tương ứng với mức giảm 44% so với 2019 (6,1 nghìn tỷ đồng; tăng trưởng 86%).

Chúng tôi cho rằng dự báo thấp của năm 2020 chỉ là sự chững lại tạm thời thay vì là do các nền tảng cơ bản của NLG. Do đó, chúng tôi duy trì dự báo tốc độ tăng trưởng kép giá trị hợp đồng bán 2019-2022 của NLG đạt 22%.

Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: trì hoã mở bán các dự án cho lô tiếp theo của dự án Akari City/Mizuki Park và Waterpoint giai đoạn 1.

Tin bài liên quan