CNG: Khuyến nghị trung lập
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Năm 2014, CNG đã đặt kế hoạch tiêu thụ khá thách thức, ở mức 70 triệu m3 khí (+12% so với cùng kỳ năm ngoái). Với trên 30 khách hàng sử dụng khí, sản lượng tiêu thụ ước tính đạt sản lượng 53 triệu m3 (+14% so với cùng kỳ năm ngoái) trong 9T 2014. Trong bối cảnh giá bán không thay đổi nhiều, thậm chí còn giảm giá để cạnh tranh với các nhiên liệu thay thế khác, sản lượng tiêu thụ chính là động lực tăng trưởng cho doanh thu của công ty.
Sau 2 quý đầu năm chứng kiến lợi nhuận thuần giảm so với cùng kỳ, CNG đã đã ghi nhận mức lợi nhuận tăng trưởng trở lại, đạt 36 tỷ trong quý III/2014 (+27% so với cùng kỳ năm ngoái). Từ quý II/2014, giá khí đầu vào giảm về mức 8,53 USD/MMBTU từ mức 8.96 USD/MMBTU trong quý trước đó.
Trong khi đó, chi phí khấu hao bắt đầu giảm từ đầu năm, giúp cho biên lãi gộp cải thiện nhẹ so với cùng k ỳ. Tuy vậy, mức thuế suất hiện tại tăng khá nhiều so với giai đoạn quý I/2014 trở về trước. Bên cạnh mức thuế suất ưu đãi 10% (cho đến 2016), công ty sẽ chịu thêm phần thuế suất theo biểu thuế TNDN hiện hành ở mức 22% cho phần thu nhập tạo ra từ sản lượng vượt 50 triệu m3.
Chúng tôi dự báo CNG có thể đạt sản lượng 72 triệu m3 khí (+16% so với năm ngoái) năm 2014, tương ứng với doanh thu gần 1.100 tỷ đồng (+16% so với năm ngoái). Theo đó, lợi nhuận sau thuế cho cổ đông ước đạt 126 tỷ đồng (+11% so với năm ngoái).
Triển vọng doanh nghiệp đang bị thách thức. Sự cạnh tranh từ các loại nhiên liệu thay thế và giá khí đầu vào tiếp tục thách thức triển vọng của CNG.
- Trong năm 2014, dù giá khí đầu vào được giảm từ quý II, cùng với chi phí khấu hao giảm, nhưng biên lãi gộp cũng không được cải thiện. CNG có thể phải giảm giá bán cho khách hàng do xu hướng giảm của các nguyên liệu tham chiếu và để duy trì sức cạnh tranh với các nhiên liệu thay thế. So với các loại nhiên liệu tham chiếu hiện tại (LPG và FO), giá của CNG không còn quá hấp dẫn như trước đây. Vì vậy, khả năng mở rộng mạng lưới khách hàng gặp nhiều thách thức.
- Trong tương lai, do việc sử dụng khí lợi nhuận gộp nhập khẩu để sản xuất CNG khó có hiệu quả kinh tế bởi chi phí cao, nên PetroVietnam định hướng sẽ dùng nguồn khí trong nước (nguồn khí Thiên Ưng – Đại Hùng). Dù vậy, giá khí từ nguồn này cũng sẽ khá cao, nên xu hướng tăng mạnh giá đầu vào (nếu theo đúng định hướng) sẽ xảy ra trong các năm 2015 và 2016. Mức tăng bình quân theo định hướng cho các năm này lần lượt là 18% và 10%. Trong bối cảnh khả năng tăng giá đầu ra khá hạn chế, đều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của CNG VN trong trung hạn.
Mức tăng đầu vào cho hộ sản xuất CNG trong 6 tháng đầu năm 2015 đã được điều chỉnh tăng chỉ khoảng 8%, lên mức 9,21 USD/MMBTU (so với định hướng là 9,86 USD/MMBTU) để duy trì hiệu quả chung cho lĩnh vực CNG.
Tuy nhiên, như đã đề cập, khi nguồn khí Thiên Ưng - Đại Hùng đi vào vận hành, CNG có thể sẽ phải chịu một mức giá đầu vào cao hơn trong phần còn lại của năm 2015. Mô hình định giá của chúng tôi giả định giá đầu vào bình quân sẽ tăng 12,5% (đạt 9,21 USD/MMBTU từ quý I/2015 và 10,32 USD/MMBTU từ quý III/2015), cùng với mức tăng 3,0% của sản lượng. Trong khi đó, chúng tôi kỳ vọng giá bán bình quân cả năm sẽ ở mức không thay đổi nhiều so với 2014.
Tổng hợp lại, chúng tôi k ỳ vọng doanh thu đạt 1.154 tỷ đồng (+5,1% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế là 134 tỷ đồng (+6,5% so với năm trước). Theo chúng tôi được biết, các hộ sản xuất CNG sẽ xin giữ nguyên mức giá đầu vào trong nửa cuối năm 2015. Trong trường hợp này, chúng tôi sẽ có những cập nhật sau cho nhà đầu tư.
Sự tồn tại của doanh nghiệp cấp 4. Như chúng tôi đã đề cập trong các báo cáo trước, CNG VN đang tồn tại như một doanh nghiệp cấp 4 trong hệ thống các doanh nghiệp thành viên của PVN. Đề án tái cơ cấu của PV Gas không tổ chức công ty con theo hình thức công ty mẹ - công ty con (PGS và CNG), nên chúng tôi cho rằng sẽ có thoái vốn hoàn toàn hoặc sáp nhập giữa hai doanh nghiệp này. Tuy vậy, có nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp tốt như CNG vẫn có thể được tồn tại độc lập. PV Gas chưa có ý kiến đề xuất cụ thể lên PVN về vấn đề này. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi về công tác tái cấu trúc này.
Chúng tôi cho rằng công ty vẫn có thể duy trì mức cổ tức tiền mặt cao từ 30-35% cho các cổ đông trong ít nhất hai năm tiếp theo. Do đó, xét trên tiêu chí đầu tư cổ tức, CNG vẫn là cổ phiếu đáng chú ý. Dù vậy, triển vọng kinh doanh trung và dài hạn đang bị thách thức bởi nhiều yếu tố. Mô hình định giá của chúng tôi ủng hộ quan điểm NEUTRAL với mức giá mục tiêu 41,100 đồng/CP.
DHC: Khuyến nghị mua mạnh
CTCK BIDV (BSC)
Chúng tôi khuyến nghị MUA MẠNH cổ phiếu DHC với giá kỳ vọng 12 tháng tới là 29.900 đồng/cp (upside 44%) theo phương pháp FCFE.
DHC hiện được giao dịch tại P/E là 7,3x, khá hấp dẫn so với P/E của VNindex. DHC đã vượt qua giai đoạn khó khăn năm 2011, 2012 do nhà máy mới vận hành không hiệu quả. Kết quả kinh doanh được cải thiện ấn tượng từ Q3 2013 sau khi có những thay đổi về nhân sự cấp cao, nhiều chính sách tiết giảm chi phí phát huy hiệu quả.
Dự báo kết quả kinh doanh 2014: 9T2014, doanh thu thuần đạt 390 tỷ đồng (+22% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 33,6 tỷ đồng (+90% so với cùng kỳ năm ngoái). Chúng tôi dự báo năm 2014, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt là 547 tỷ đồng (+20%) và 45 tỷ đồng (+67% so với cùng kỳ năm ngoái). Dự báo của chúng tôi dựa trên (1) nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm của DHC đang tăng nhanh, (2) giảm mạnh chi phí nguyên liệu, nhiên liệu đốt (-50% so với đối thủ cạnh tranh), chi phí điện (giảm 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái) và chi phí lãi vay (-56% so với cùng kỳ năm ngoái); (3) rút ngắn thời gian khấu hao tài sản cố định.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu cao: Tăng trưởng doanh thu mảng giấy và bao bì đạt trung bình 40%/năm từ 2009-2013. 9 tháng đầu năm 2014, doanh thu tăng trưởng 22% so với cùng kỳ. Trong thời gian tới, với việc thành lập mới và đi vào hoạt động của nhiều nhà máy sản xuất tại Bến Tre, kỳ vọng tiêu thụ các sản phẩm giấy công nghiệp và bao bì Carton của công ty sẽ tiếp tục tăng trưởng cao.
Ban lãnh đạo mới: ông Lê Bá Phương, trở thành TGĐ DHC vào tháng 7/2013 và được bầu làm chủ tịch HĐQT DHC vào tháng 6/2014. Ban lãnh đạo mới thực thi nhiều chính sách mới, trong đó đáng chú ý, các chính sách về nhân sự, cải tiến công nghệ, tiết giảm chi phí và thoái vốn ngoài ngành mang lại kết quả kinh doanh ấn tượng cho công ty từ quý III/2013.
>> Tải báo cáo
TRC: P/E đang giao dịch ở mức cao, khoảng 7,5 lần
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
Mặc dù sản lượng tiêu thụ mủ cao su trong 9 tháng đầu năm 2014 tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 6.797 tấn, giá bán bình quân giảm 26,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 42,9 triệu đồng/tấn làm cho doanh thu hợp nhất 9 tháng đầu năm 2014 giảm 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp thu hẹp đáng kế từ 28,6% trong 9 tháng đầu năm 2013 xuống chỉ còn 20,5% trong 9 tháng đầu năm 2014.
Thu nhập tài chính ròng giảm 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 21,8 tỷ đồng chủ yếu là do lãi suất giảm khiến lãi tiền gửi giảm. Chi phí hoạt động tăng đáng kể, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng từ 5 % trong 9 tháng đầu năm 2013 lên 6,9% trong 9 tháng đầu năm 2014. Lợi nhuận khác tăng nhẹ 7,3% đạt 43,7 tỷ đồng chủ yếu là do đóng góp của hoạt động thanh lý vườn cây cao su. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 9 tháng đầu năm 2014 giảm 34,9% n/n xuống 98,1 tỷ đồng.
Mặc dù công ty phải tài trợ cho dự án 6.157 ha vườn cây cao su tại Oddar Meanchey, Campuchia (tổng vốn 65 triệu USD, nợ/vốn dự kiến 70/30). Công ty vẫn giảm nợ vay xuống đáng kể. Cụ thể, vay và nợ ngắn hạn và dài hạn giảm từ 375 tỷ đồng đầu năm xuống gần như không còn nợ (1,8 tỷ đồng cuối quý III/2014).
TRC dự định chi trả cổ tức với tỷ lệ 30% tiền mặt, tương ứng lợi tức cổ tức 9,4% khá hấp dẫn so với lãi suất ngân hàng. Chúng tôi cho rằng kế hoạch cổ tức trên là khả thi do: 1) tỷ lệ chi trả cổ tức ước tính vào khoảng 64% hợp lý; 2) Kết thúc quý III/2014, TRC đang giữ lượng tiền và tương đương tiền khá lớn là 159,6 tỷ đồng, tương đương hơn 5.400 đồng/cp.
TRC đang giao dịch hợp lý tại P/E 2014 là 7,5 lần, cao hơn trung bình ngành là 6,5 lần.
NLG: Kế hoạch kinh doanh khả thi
CTCK MB (MBS0
NLG công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2014. Theo đó, doanh thu đạt mức 135 tỷ VNĐ, giảm 46.8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 0.23 tỷ VNĐ, giảm mạnh so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm theo đó đạt 368 tỷ đồng doanh thu và lỗ 16.6 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính khiến NLG ghi nhận lỗ trong 9 tháng đầu năm là do Công ty chưa ghi nhận doanh thu tại các dự án của mình do chưa bàn giao nhà cho khách. Tính đến hết tháng 10 2014, Công ty đã bán 1300 căn hộ và dự định bàn giao 890 căn hộ trong quý 4 2014.
Trong quý IV, NLG sẽ thực hiện bàn giao 890 căn hộ, tương ứng khoảng 670 tỷ đồng, bao gồm Ehome 3, 4, 5 và dự án Cần Thơ. Cụ thể, EHome 3 khoảng 420 sản phẩm, EHome 4 khoảng 230 sản phẩm, EHome 5 là 150 sản phẩm. Công ty dự tính sẽ đạt được mức lợi nhuận sau thuế là 99 tỷ VNĐ như kế hoạch đề ra.
Trong năm 2015, triển vọng doanh thu và lợi nhuận của NLG vẫn hứa hẹn khả quan với các dự án bán hàng chủ lực là EHome 3 (Block B2, A7, A8, A9, A10), EHome 4 (Block A cao tầng và 200 căn liền kề), EHome 5 (tiếp tục 200 căn Block A) và 504 căn EHome 6 (mở bán đầu tháng 1/2015).
Nhìn chúng, chúng tôi đánh giá cao NLG với chiến lược tập trung đầu tư vào phân khúc nhà vừa túi tiền phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của khách hàng. Chúng tôi đánh giá kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của NLG là khả thi.