HVG: Khuyến nghị nắm giữ
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
Mức tăng mạnh của doanh thu trong 9 tháng đầu năm nhờ mảng kinh doanh bánh dầu đậu nành tăng đáng kể (tăng 3,5 lần), bán cá nội địa (tăng 2,8 lần), và thức ăn chăn nuôi (+17%). Ba mảng kinh doanh này đóng góp 63% vào tổng doanh thu, trong khi cùng kỳ con số này chỉ ở mức 52%. Trong khi đó, mảng kinh doanh chính là xuất khẩu cá tra lại giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đóng góp 28% vào tổng doanh thu, giảm nhiều so với mức 42% của cùng kỳ. Nguyên nhân chính là do thị trường Mỹ bị thu hẹp lại vì gặp phải sự bảo hộ mậu dịch của chính phủ Mỹ trong việc chống bán phá giá cá da trơn.
Lợi nhuận gộp trong 9 tháng đầu năm 2014 tăng thấp hơn doanh thu ở mức 10% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 907 tỷ đồng do biên lợi nhuận gộp giảm 3 điểm phần trăm, xuống còn 8%. Mặc dù có tăng trưởng đáng kể ở các mảng kinh doanh khác nhưng biên lợi nhuận gộp của các HĐKD này (bánh dầu đậu nành, bán cá nội địa và thức ăn chăn nuôi) chỉ ở mức trung bình 7%.
Ngoài ra, lợi nhuận từ tài chính tăng 109%, đạt 13,2 tỷ nhờ (i) khoảng bất lợi thương mại từ việc tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP thủy sản An Giang với giá mua thấp hơn giá trị sổ sách và (ii) lãi từ thanh lý công ty con. Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng giảm 1 ppt xuống mức 4%. Lợi nhuận từ công ty liên kết tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái nên lợi nhuận sau thuế tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái.
EPS 2014 vào khoảng 3.864 đồng/cp, tương đương PE 2014 là 8,6x, tương đương trung bình ngành. Khuyến nghị NẮM GIỮ. Ngoài ra, phương án chào bán cổ phần tỷ lệ 3:1 với giá chào bán là 10.000 đồng/cp và chi trả cổ tức 2014 là 20% (10% cổ phiếu thưởng và 10% tiền mặt) đã được thông qua tại ĐHCĐ bất thường 2014. Thông tin này kì vọng sẽ ảnh hưởng tích cực lên giá cp trong ngắn hạn.
DQC: Khuyến nghị tích cực
CTCP Bảo Việt (BVSC)
Doanh thu 6 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu DQC đạt 577 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng k ỳ, lợi nhuận trước thuế tăng gần 2,1 lần so với cùng kỳ, đạt 95,3 tỷ đồng nhờ lợi nhuận từ thị trường xuất khẩu và công nợ được thu hồi tốt.
Kết quả kinh doanh của DQC sẽ không còn yếu tố đột biến như các quý trước. Chúng tôi ước tính doanh thu quý 3 của DQC có thể đạt 214 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 43 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ.
Với sự đóng góp của đèn Led, doanh thu cả năm đến từ thị trường nội địa dự kiến đạt 601 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2013. Với thị trường xuất khẩu, DQC sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm compact và đèn LED, doanh thu từ thị trường xuất khẩu của DQC trong năm 2014 sẽ đạt 409 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2013. Biên lợi nhuận gộp của DQC trong năm nay sẽ tương đương với năm 2013. Lợi nhuận sau thuế toàn công ty đạt 140 tỷ đồng, tăng 15,7% so với năm 2013.
>> Tải báo cáo
FMC: Lợi nhuận dự phóng đạt 44 tỷ đồng
CTCK MB (MBS)
FMC công bố kết quả kinh doanh quý III. Theo đó, doanh thu 9 tháng đạt mức 2138 tỷ VNĐ, tăng 42.3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ 9 tháng đạt mức 39.6 tỷ, tăng 680% so với cùng kỳ.
Hoạt động kinh doanh của FMC tăng trưởng đột biến trong năm nay là do sản lượng tôm tiêu thụ và giá bán trung bình của Công ty đều tăng đáng kể. Nguyên nhân chính là do các nước xuất khẩu tôm hàng đầu như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia và Mexico đều gặp phải dịch bệnh tôm chết sớm khiến sản lượng suy giảm mạnh khiến hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng trưởng thuận lợi.
FMC hiện nay có 6 xưởng chế biến với tổng công suất là 50 tấn thành phẩm một ngày. Trong năm 2015, Công ty dự kiến đầu tư để tiếp tục tăng công suất chế biến.
Hiện tại, FMC sở hữu một vùng nuôi khoảng 160 ha, cung cấp khoảng 6% nguyên liệu cho Công ty. Việc không tự chủ được nguồn nguyên liệu khiến FMC không thể cải thiện đáng kể biên lợi nhuận gộp mặc dù giá bán tôm tăng cao.
Công ty có các khoản vay ngắn hạn lớn khoảng 32 triệu USD, tương đương 680 tỷ VND do đó rủi ro biến động tỷ giá VND/USD đối với Công ty là cao.
Chúng tôi dự phóng, lợi nhuận sau thuế của FMC đạt mức 44 tỷ VNĐ trong năm 2014.
GMD: Khuyến nghị tích lũy trong dài hạn
CTCK Rồng Việt (VDSC)
Chúng tôi đã phát hành báo cáo cập nhật về GMD, trong đó, chuyên viên ngành đưa ra khuyến nghị TÍCH LŨY trong DÀI HẠN với giá mục tiêu là 44.400 đồng/cp, sau khi đã bổ sung thêm yếu tố định giá lại dự án Sài Gòn Gem vào mô hình dự phóng.
Trong phần đánh giá của mình, chuyên viên ngành cho biết dịch vụ cảng và logistics là hai điểm sáng nổi bật trong bức tranh tổng thể của Công ty. Trong các năm tới, kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ về nhu cầu dịch vụ logistics 3PL sẽ mang đến triển vọng tích cực đối với doanh thu và biên lợi nhuận của mảng logistics.
Về khía cạnh rủi ro, dù các dự án mới của GMD có thể mang lại tiềm năng trong trung và dài hạn song chúng tôi lo ngại rằng nhu cầu đầu tư vốn lớn trong 5 năm tới sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng sinh lời của Công ty.
Vì vậy, các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu GMD khó có thể kỳ vọng vào sự cải thiện của dòng tiền, thay vào đó, niềm tin sẽ phụ thuộc vào khối tài sản mà Công ty sở hữu và theo sát hiệu quả các dự án Công ty đang triển khai.
HAG: Nhà đầu tư cân nhắc rủi ro khi đầu tư vào
CTCK Rồng Việt (VDSC)
HAG là cổ phiếu đáng chú ý nhất đầu phiên giao dịch hôm nay với mức tăng nổi bật và tốc độ khớp lệnh nhanh. Giao dịch như vậy theo chúng tôi là do phản ứng của nhà đầu tư đối với thông tin quỹ đầu tư Global Emerging Markets (GEM) cam kết đầu tư 1.700 tỷ đồng (~80 triệu USD) vào cổ phiếu HAG được công bố chiều qua. Theo chia sẻ tại buổi lễ ký kết hợp đồng đầu tư, GEM dự kiến sẽ mua tối đa 10% cổ phần của HAG, toàn bộ giao dịch sẽ hoàn tất trong vòng 3 tháng và thống nhất mua qua sàn.
Tại giá đóng cửa ngày 07/11/2014, với lượng tiền cam kết trên, chúng tôi tính toán số lượng cổ phiếu GEM sẽ mua khoảng 65,9 triệu (~8,3% cổ phần của HAG). Nếu giao dịch hoàn tất, GEM có thể ứng cử 1 thành viên vào HĐQT của HAG và được ưu tiên mua cổ phiếu nếu HAG phát hành thêm.
Tiếp đó, GEM tiếp tục có thể đầu tư vào mảng nông nghiệp của Công ty thông qua cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi. Ngoài ra, GEM còn hỗ trợ Công ty niêm yết tại thị trường nước ngoài.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, GEM là công ty quản lý quỹ thành lập được 23 năm với quy mô 3,4 tỷ USD. Đến hiện tại, GEM đã ký 305 hợp đồng đầu tư tại 65 quốc gia, tiêu chí đầu tư gồm: (1) những doanh nghiệp mới thành lập (3-5 năm) hoặc trong giai đoạn phát triển; (2) doanh thu từ 30-150 triệu USD/năm.
Các khoản đầu tư gần đây của GEM khá đa dạng, không tập trung vào một ngành nghề cụ thể và đều có cam kết đầu tư khoảng từ 3-5 năm. Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa rõ GEM đã có cam kết đầu tư lâu dài đối với thị trường Việt Nam hay không khi trong năm 2014, quỹ này lần lượt công bố các khoản đầu tư trị giá lớn vào một số công ty niêm yết trên TTCKVN như HHS, FLC, DLG…
Việc hợp tác đầu tư có thể tạo nên hiệu ứng ngắn hạn lên giá cổ phiếu, tuy nhiên, chúng tôi khuyến nghị các NĐT cân nhắc mức độ rủi ro khi có ý định giao dịch dựa trên những thông tin trên.
VNM: Khuyến nghị mua vào
CTCK Sài Gòn (SSI)
Lợi nhuận thấp hơn kì vọng do chi phí bán hàng tăng mạnh. Trong quý 3/2014, doanh thu thuần đạt 8.731 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ và giảm 5,4% so với quý trước, thấp hơn so với kỳ vọng của chúng tôi; Lợi nhuận sau thuế đạt 1.367 tỷ đồng, giảm 19,1% so với cùng kỳ và tăng 13,1% so với quý trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 25.642 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ, hoàn thành 72,2% kế hoạch năm 2014.
Lợi nhuận sau thuế đạt 1.367 tỷ đồng, giảm 19,1% cùng kỳ và tăng 13,1% so với quý trước. Tỷ suất lợi nhuận ròng chỉ đạt 15,7%, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Chi phí bán hàng tăng mạnh cùng với doanh thu giảm và tỷ suất lợi nhuận gộp thấp đã tạo áp lực lớn lên tỷ suất lợi nhuận ròng. Tuy nhiên, chúng tôi tin tỷ suất lợi nhuận ròng đã chạm đáy trong quý III/2014 và sẽ được cải thiện trong những quý tới.
Cho cả năm 2014, chúng tôi dự đoán doanh thu sẽ thấp hơn kế hoạch trong khi lợi nhuận sẽ vượt mức kế. Khuyến nghị hiện tại của chúng tôi là MUA cổ phiếu VNM. Dựa trên ước tính hiện tại, VNM đang được giao dịch tại PE 2015 là 13,6x, đính giá hấp dẫn theo quan điểm của chúng tôi.